VCCI_ Góp ý dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi)

Thứ Ba 14:14 04-09-2018

Kính gửi: Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) (bản thẩm định tại Bộ Tư pháp) như sau:

VCCI hoan nghênh tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo trong việc phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Đề cương dự thảo luật quản lý thuế ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo. Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của VCCI và đã có giải trình cụ thể trong hồ sơ thẩm định.

Với một số vấn đề chưa được tiếp thu, VCCI giữ nguyên quan điểm và tiếp tục có ý kiến như sau:

1. Về các nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5 Dự thảo)

Việc quy định các nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế có ý nghĩa quan trọng trong định hướng xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến thuế, định hướng và điều chỉnh hành vi của người nộp thuế, công chức thuế. Theo đó, bên cạnh việc nêu tên các nguyên tắc, cần thiết phải có quy định về các nội dung cụ thể của từng nguyên tắc ngay trong Luật này. Điều này có ý nghĩa ở các khía cạnh sau:

  • Bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn phải áp dụng nghiêm túc các nguyên tắc này;
  • Bảo đảm từng quy định cụ thể trong Luật và các văn bản hướng dẫn thống nhất với nội dung của nguyên tắc;
  • Tạo cách hiểu thống nhất và rõ ràng trong cách hiểu cũng như áp dụng giữa người nộp thuế và công chức thuế khi thực hiện các giao dịch về thuế.

VCCI hiểu rằng, một số điều khác như Điều 8, Điều 9 của dự thảo đã có quy định cụ thể nội dung của các nguyên tắc này, tuy nhiên các nguyên tắc còn lại – được doanh nghiệp hết sức quan tâm bởi chúng thể hiện tính tiến bộ, cải cách của Dự thảo sửa đổi lần này – lại chưa được cụ thể hóa, đặc biệt là các nguyên tắc:

  • Nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người nộp thuế: cần quy định cụ thể minh bạch, công khai như thế nào, đặc biệt là trong khâu tính thuế.
  • Nguyên tắc bản chất giao dịch quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế: những gì vướng mắc về hồ sơ thủ tục thì cơ quan thuế không dùng để đánh giá cái bản chất hành vi của doanh nghiệp. Trên thực tế có những doanh nghiệp chỉ sai sót hành chính lần đầu nhưng lại bị đánh giá là hành vi trốn thuế và bị áp dụng các hình thức xử lý quá nặng.
  • Áp dụng giao dịch điện tử trong quản lý thuế: không rõ quy định này có được hiểu là tất cả các giao dịch thuế sẽ phải áp dụng phương thức điện tử không? Trong trường hợp chỉ áp dụng đối với một bộ phận người nộp thuế có đủ điều kiện như quy định tại khoản 1 Điều 8 Dự thảo: “Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.” thì đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để tránh hiểu nhầm về bản chất của nguyên tắc.

    2. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế (Điều 6 Dự thảo):

Đề nghị làm rõ trong Luật các hành vi bị cấm tương đối phổ biến trong thực tiễn sau:

  • Định nghĩa về “gây phiền hà, sách nhiễu” đối với người nộp thuế trong quy định tại khoản 2 Điều 6 để người nộp thuế có cơ sở rõ ràng xác định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm. Từ đó có biện pháp thu thập bằng chứng về hành vi này và báo với các cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù thực tế vẫn chưa rõ phương thức thông báo, người có thẩm quyền và cách thức giải quyết nếu người nộp thuế gặp trường hợp này như thế nào.
  • Định nghĩa về “cản trở” công chức quản lý thuế thi hành công vụ quy định tại khoản 5 để người nộp thuế tránh vi phạm hoặc biết hành vi vi phạm của mình.

    3. Cơ sở dữ liệu thương mại

Dự thảo đã có định nghĩa về cơ sở dữ liệu thương mại (so với phiên bản dự thảo trước đây chỉ nêu đây là cơ sở để xác định các khoản thuế). Tuy nhiên cần lưu ý một số nội dung sau để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định:

  • Cơ sở dữ liệu thương mại cần thiết phải là nguồn của cả cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế để thực hiện việc tính toán của mình. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điều 18 về Quyền của người nộp thuế: “Người nộp thuế có quyền mua cơ sở dữ liệu của các đơn vị cung cấp có chức năng, uy tín trong và ngoài nước và sử dụng cơ sở dữ liệu đã mua, cùng với các cơ sở dữ liệu khác để chứng minh, giải trình trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế”.
  • Khi đưa vào thực hiện chắc chắn sẽ có tình huống doanh nghiệp sử dụng các nguồn thông tin này cho ra một kết quả khác với cách tính từ phía cơ quan quản lý thuế. Vậy cơ chế đánh giá và phân xử nguồn cơ sở dữ liệu thương mại được sử dụng cần phải tính đến.

Trong trường hợp này VCCI đề nghị theo hướng, đối với các nguồn thông tin đã được mua từ các đơn vị cung cấp có uy tín (nhất là đơn vị mà cơ quan thuế công nhận) thì nên sử dụng kết quả của doanh nghiệp. Điều này có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nguồn thông tin minh bạch, rõ ràng, nâng cao trách nhiệm khai báo chính xác, trung thực của  người nộp thuế.

4. Quyền của người nộp thuế (Điều 18 Dự thảo):

Thực tế cho thấy nhiều cơ quan kiểm tra không giải thích căn cứ ấn định thuế, dẫn đến việc doanh nghiệp có tính theo đúng phương pháp mà cơ quan thuế tính vẫn không ra được đúng con số như cơ quan thuế ấn định. Điều này dẫn đến tâm lý bức xúc của  người nộp thuế. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quyền được giải thích “căn cứ ấn định thuế” vào Khoản 2 Điều 18 của Dự thảo.

5. Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế (Điều 21, Điều 102 Dự thảo):

  • Khoản 2 Điều 21 quy định: “Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế…” Quy định này bất cập ở chỗ, trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ tài liệu theo quy định nhưng cơ quan thuế không hỏi các thông tin liên quan đến báo cáo mà thay vào đó yêu cầu cung cấp một số tài liệu liên quan đến sổ sách kế toán theo mục đích kế toán Việt Nam. Trong khi hệ thống quản trị nội bộ không yêu cầu doanh nghiệp phải theo dõi các thông tin này.

Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch, hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa quy định này theo hướng: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan (theo yêu cầu báo cáo và lưu trữ của Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành)…”

  • Khoản 6 Điều 21 của Dự thảo giữ nguyên quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành về quyền công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm về thuế của cơ quan quản lý thuế.

Theo quy định tại Điều 102 thì người nộp thuế có thể bị công khai thông tin trong 3 trường hợp[1]. Việc công khai thông tin có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng làm doanh nghiệp phá sản và không có khả năng nộp thuế. Vì vậy phải hết sức thận trọng với việc áp dụng chế tài này, tránh tình trạng tùy tiện. Hiện tại, các quy định này chưa bảo đảm tính hợp lý, minh bạch và có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau ở các điểm:

Khái niệm “vi phạm pháp luật về thuế” chưa rõ ràng, liệu hành vi “kê khai sai do cách hiểu khác nhau” của người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế do văn bản quy phạm pháp luật không rõ ràng thì có bị coi là vi phạm không? [2]

Tiêu chí “không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật” cần phải làm rõ để giảm thiểu việc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi việc công bố khi thông tin chưa phải là kết luận chính xác cuối cùng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể và có biện pháp phòng ngừa các trường hợp có thể xảy ra nêu trên.

6. Kiểm tra, thanh tra thuế (Chương XIII Dự thảo):

  • Thời hạn thanh tra thuế: Theo kết quả điều tra thuế của VCCI, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thuế trên thực tế có thời gian kéo dài (có trường hợp đến vài tháng), gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệ Doanh nghiệp còn phải bố trí cán bộ, nguồn lực để cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian này không được tính vào thời gian thanh tra, thực tế có nhiều cuộc thanh tra phải gia hạn thời hạn nhiều lần.

Chính vì vậy, mục tiêu của sửa đổi lần này theo chúng tôi cần giải quyết được vấn đề trên, giảm tối đa các trường hợp kéo dài thời hạn thanh tra, cần đưa ra được các tiêu chí chặt chẽ để gia hạn thanh tra. Tương tự như vậy với quy định về tạm dừng, tạm hoãn thanh tra. Hiện tại Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định các căn cứ tạm hoãn, tạm dừng thanh tra.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này vào Dự thảo.

  • Ngoài ra, có doanh nghiệp cho rằng hiện tại Luật quản lý thuế chưa quy định thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra nếu doanh nghiệp không nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan thuế. Để tránh trường hợp doanh nghiệp không được kiểm tra, thanh tra trong thời gian dài (5-10 năm hoặc lâu hơn), đề nghị bổ sung quy định về thời hạn được miễn kiểm tra, thanh tra cho doanh nghiệp. Nếu để quá lâu thì chứng từ, tài liệu tồn quá nhiều, cần thuê kho lưu trữ phức tap và tốn kém, nhiều chứng từ quá thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán.

    7. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc quản lý thuế (Điều 29 và Điều 100 Dự thảo)

Dự thảo hiện quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế (trong khi cơ quan quản lý thuế là người nắm thông tin này?).

Quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.

Quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị quy định rõ cấp có thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế trong việc ra yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.

  • Đối với mã số thuế khách hàng: không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi người hợp khách hàng của NHTM cũng có mã số thuế vì vậy yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi. Góp ý tương tự với khoản 3 Điều 100: ”Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế”. Cần có giới hạn cụ thể các loại thông tin này.
  • Khoản 4 Điều 29 quy định NHTM phải ”Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”. Nhiều ngân hàng cho rằng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật phòng chống rửa tiền và các quy định về tài khoản theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các NHTM chỉ có thể chuyển tiền nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
  • Nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Trong thời hạn cưỡng chế thuế, trong tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp;
  • Hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NHTM cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước được, nếu không NHTM sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Do vậy, đề xuất Ban soạn thảo bổ sung các trường hợp mà các ngân hàng thương mại được loại trừ trách nhiệm, thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.

  • Khoản 5 quy định: “Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh nhưng người nộp thuế không nộp thuế, tiền chậm nộp…đúng thời hạn quy định thì NHTM là đơn vị bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp thuế…đúng thời hạn quy định thay cho người nộp thuế”. Xuất phát từ nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu:
  • Yêu cầu thực hiện bảo lãnh nằm trong thời hạn thực hiện bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh;
  • Số tiền bảo lãnh nằm trong số tiền bảo lãnh theo chứng thư bảo lãnh;

Do vậy, đề xuất Ban Soạn thảo xem xét và chỉnh sửa để thể hiện đúng bản chất của bảo lãnh thuế – dưới góc độ là nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng, theo hướng NHTM bảo lãnh trong phạm vi hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời cơ quan thuế phải thông báo cho ngân hàng để ngân hàng biết và đối chiếu với chứng thư bảo lãnh đã cấp để thực hiện, hoặc có giải trình phù hợp với khách hàng.

8. Về khai bổ sung hồ sơ khai thuế (Điều 49 Dự thảo):

  • Quy định tại khoản 2 Điều 49 của Dự thảo mâu thuẫn với khoản 3 Điều 145. Điều 49 quy định việc “trong thời gian cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế có khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thì hồ sơ khai bổ sung này không là căn cứ để người nộp thuế không bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế” thì Điều 145 lại viết rằng “… không bị xử phạm vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế”.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng thống nhất với quy định tại Điều 145 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

  • Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng trong trường hợp “Người nộp thuế nộp bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi cơ quan thuế đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra thì nên bỏ phạt kê khai thuế sai 20% khỏan tiền thuế thiếu mà chỉ giữ mức lãi chậm nộp tiền thuế. Việc này sẽ khuyến khích người nộp thuế tự giác khai nộp lại kịp thời bởi 20% khoản tiền thuế thiếu là tương đối lớn, yêu cầu nộp sẽ gây thêm gánh nặng tài chính không cần thiết cho doanh nghiệp.

    9. Các góp ý khác:

  • Về miễn xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế (Điều 143 Dự thảo): Dự thảo quy định “Người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền đề nghị miễn xử phạt trong trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn…” Còn việc cơ quan quản lý thuế có chấp nhận hay không thì lại không quy định. Đây là quyền đương nhiên của cá nhân, tổ chức được quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đề nghị Ban soạn thảo quy định thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính.
  • Về thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (Advance Pricing Agreement-APA) (khoản 3 Điều 44 Dự thảo):

Dự thảo Luật hiện nay quy định thẩm quyền phê duyệt APA của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Và theo Thông tư 201/2013/TT-BTC thì Bộ Tài chính có thẩm quyền phê duyệt phương án đàm phán, ký kết, sửa đổi, gia hạn, thu hồi, huỷ bỏ APA. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại theo các doanh nghiệp thì chưa có APA nào được phê duyệt và công bố. Do vậy, cần quy định giải pháp (có thể rà soát lại quy định về mặt trình tự, thủ tục) để thúc đẩy việc thực hiện, xử lý các hồ sơ APA của người nộp thuế trong Luật sửa đổi lần này.

  • Căn cứ ấn định thuế (khoản 2 Điều 52 Dự thảo):

Một trong các căn cứ ấn định thuế là “so sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô tại địa phương…”, tuy nhiên có điểm bất hợp lý khi áp dụng căn cứ này đối với các doanh nghiệp mới thành lập đó là lợi nhuận những năm hoạt động đầu tiên chưa thể cao được bằng các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, Dự thảo quy định so sánh thông tin của cơ sở kinh doanh ở địa phương khác có cùng mặt hàng, ngành nghề và quy mô tại địa phương. Tuy nhiên đặc điểm mỗi địa phương là khác nhau do điều kiện kinh tế, nhu cầu thị trường là khác nhau (kể cả đối với các địa phương giáp cạnh nhau). Do đó, cần cân nhắc quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về căn cứ này bảo đảm tối đa lợi ích của người nộp thuế theo hướng việc so sánh phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi.

  • Về thời hạn nộp thuế (Điều 57 Dự thảo):

Trên thực tế, việc gửi thông báo đến người nộp thuế bằng đường bưu điện mất thời gian đáng kể dẫn đến việc người nộp thuế nhận được thông báo quá chậm, chỉ còn cách thời hạn nộp thuế một khoảng thời gian ngắn, không đủ để chuẩn bị hồ sơ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng: thời hạn nộp thuế được tính theo số ngày, kể từ ngày người nộp thuế nhận được thông báo (theo xác nhận của bưu điện) để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, doanh nghiệp.

  • Về hồ sơ xóa nợ tiền thuế (Điều 88 Dự thảo):

Đề nghị bổ sung với trường hợp xóa nợ tiền thuế theo khoản 3 Điều 87 thì cần có các tài liệu chứng minh việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế để tránh tình trạng cán bộ thuế thông đồng với doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để trốn thuế.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) (bản thẩm định). Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc khi sửa đổi Dự thảo Luật.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Cơ quan quản lý thuế được công khai thông tin người nộp thuế trong các trường hợp sau đây:

  1. Trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn, tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp;
  2. Vi phạm pháp luật về thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của tổ chức, cá nhân khác;
  3. Không thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

[2] http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-chinhtri/item/34901402-doi-thoai-go-kho-cho-doanh-nghiep.html “Phó Tổng cục trưởng Thuế Cao Tuấn cho biết, với các khó khăn của DN về chính sách thuế, sau hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ tập hợp, báo cáo Bộ Tài chính. Có thể các nội dung vướng mắc là do DN hiểu chưa đúng, hoặc cũng có thể do cách hiểu chưa thống nhất từ các cục thuế… Nếu từ phía cơ quan thuế, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cục thuế có hướng dẫn cụ thể, thống nhất đối với DN. ”