VCCI tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán

Thứ Tư 10:08 05-05-2010

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:   1258   /PTM-PC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày  04   tháng 05 năm 2010

 

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

V/v: Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán

 

Trên cơ sở các doanh nghiệp được hỏi ý kiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới Quý Cơ quan những ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo) như sau:

Các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo là hợp lý, khắc phục được những bất cập trong Luật Chứng khoán hiện hành. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét một số điểm sau:

1.      Về các nghiệp vụ kinh doanh của Công ty chứng khoán (khoản 1 Điều 60)

Dự thảo quy định: “Chỉ Công ty chứng khoán mới được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh sau đây:

a)     Môi giới chứng khoán;

b)     Tự doanh chứng khoán;

c)      Bảo lãnh phát hành chứng khoán;

d)     Tư vấn đầu tư chứng khoán

Tuy nhiên, tại khoản 14 Điều 6 Luật Chứng khoán lại quy định: “Tổ chức bảo lãnh phát hành là công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định”.

Đề nghị Dự thảo xem xét để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định.

2.      Về điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác của Công ty chứng khoán (khoản 3 Điều 60)

Dự thảo bổ sung: “Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này, công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính”. Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa có quy định về “dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác” theo quy định tại khoản này, điều này sẽ dẫn đến tình trạng Luật sẽ không được áp dụng ngay khi ban hành và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi không có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện “dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác” này.

Để khắc phục tình trạng trên, đề nghị Bộ Tài chính quy định các vấn đề liên quan đến “dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác” để đảm bảo khi Luật có hiệu lực có thể áp dụng được ngay.

3.      Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (điểm d khoản 1 Điều 12)

Dự thảo bổ sung điều kiện: “d) Có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng” với giải thích là việc bổ sung này nhằm thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức và để phù hợp với điều kiện, năng lực quản lý đối voiứ giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Liệu quy định này có phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được quyền tự chủ quyết định các công việc kinh doanh. Việc một công ty đại chúng có tham gia thị trường tập trung hay không phụ thuộc vào nhu cầu phát triển nội tại của chính doanh nghiệp đó. Do vậy, việc Dự thảo bổ sung điều kiện trên là không cần thiết.

4.      Ý kiến khác

Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Chứng khoán quy định “Chứng khoản niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán không được giao dịch bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán, trừ trường hợp quy định tại Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán” đề nghị sửa lại là “Chứng khoán niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Quy chế giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán”.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

-         VPCP, BTP

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

(Đã ký)

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

Các văn bản liên quan