VCCI tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 124/2008/NĐ-CP và Nghị định 123/2008/NĐ-CP

Thứ Hai 10:58 07-03-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số:  3999   /PTM-PC

V/v: tổng hợp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 124/2008/NĐ-CP và Nghị định 123/2008/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà nội, ngày   31   tháng 12  năm 2010

 

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

 

Phúc đáp Công văn số 16409/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hai Nghị định 123/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Nghị định 123) và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 124), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

I.          Về các quy định về thuế giá trị gia tăng

1.      Tỷ lệ khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 123 quy định: “Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh số chịu thuế giá trị gia tăng so với tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra”.

Quy định này tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau về tổng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ.

Các công ty chứng khoán cho rằng, tổng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ chỉ bao gồm doanh số từ hoạt động cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa và không bao gồm các doanh thu từ hoạt động tài chính sử dụng vốn như: lãi tiền gửi ngân hàng, hoạt động tự doanh chứng khoán, repo chứng khoán … Trong khi đó, theo ý kiến của đoàn kiểm tra quyết toán thuế của đơn vị thì, tổng doanh số hàng hóa dịch vụ bán ra bao gồm tất cả các doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (chỉ ngoại trừ hoàn nhập dự phòng và thu nhập khác từ hoạt động kinh doanh). Theo công ty chứng khoán thì, với cách tính tổng doanh số bán hàng dịch vụ như vậy, tỷ lệ khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại doanh nghiệp rất thấp, thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ không đáng kể.

Do vậy, đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về tổng doanh số hàng hóa dịch vụ bán ra để tính tỷ lệ thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, và không tính doanh thu từ hoạt động tài chính, sử dụng vốn như tự doanh chứng khoán, lãi tiền gửi ngân hàng, repo chứng khoán của các công ty chứng khoán vào tổng doanh số bán hàng hóa dịch vụ khi thực hiện tính tỷ lệ thuế giá trị gia tăng được khấu trừ.

2.      Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra

Điểm b khoản 4 Điều 3 Nghị định 123 quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm có “kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoan, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán”.

Theo cách hiểu của các công ty chứng khoán thì: các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán là các hoạt động đặc thù, riêng có của công ty chứng khoán, trong đó bao gồm các hoạt động như sau:

-         Hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán: Về bản chất, hoạt động này là việc công ty chứng khoán ứng trước cho khách hàng khoản tiền bán chứng khoán chưa về đến tài khoản khách hàng. Đây là một hoạt động hỗ trợ khách hàng trong giao dịch chứng khoán. Để có nguồn tiền ứng trước này, công ty chứng khoán phải huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và chịu lãi suất theo quy định. Khoản phí thu của khách hàng tính trên số tiền ứng trước dùng để chi trả chi phí lãi vay mà công ty chứng khoán đã thực hiện huy động. Căn cứ trên bản chất hoạt động nghiệp vụ, theo công ty chứng khoán thì đây không phải là hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng;

-         Hoạt động phong tỏa, giải tỏa chứng khoán cầm cố: Về bản chất, hoạt động này là hoạt động phái sinh của hoạt động lưu ký chứng khoán. Công ty chứng khoán thực hiện lưu ký chứng khoán cho khách hàng, và khi có đề nghị phong tỏa, giải tỏa chứng khoán cho khách hàng để thực hiện là tài sản đảm bảo cho món vay nào đó, công ty chứng khoán sẽ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán và thực hiện thu phí theo tỷ lệ nhất định. Như vậy, hoạt động này không phải là hoạt động kinh doanh chịu thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của đoàn kiểm tra quyết toán thuế thì các hoạt động trên đều thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp bởi, đầu vào của các hoạt động này chủ yếu là nguồn vốn vay và các dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, việc truy thu thuế giá trị gia tăng 10% đối với các hoạt động này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong chính sách hỗ trợ khách hàng cũng như thiệt hại về tài chính của công ty.

Đề xuất: không đưa các hoạt động trên vào danh mục đối tượng điều chỉnh và chịu thuế giá trị gia tăng 10% căn cứ trên nội dung bản chất của nghiệp vụ. Ngoài ra, đề nghị có hướng dẫn cụ thể các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán cụ thể là những hoạt động gì?

3.      Không thu thuế giá trị gia tăng đối với bảo hiểm phi nhân thọ

a)      Cơ sở lý luận

-         Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm là người thu hộ cho Nhà nước, người đóng thuế là các cơ sở kinh tế xã hội và cá nhân mua bảo hiểm;

-         Mục đích, ý nghĩa mua bảo hiểm là đóng phí bảo hiểm hình thành trên Quỹ bảo hiểm để bồi thường (giống như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Bản thân Quỹ bảo hiểm này không tạo ra giá trị gia tăng;

-         Hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuộc một trong các dịch vụ tài chính (đầu tư vốn, chứng khoán, tín dụng, xổ số …). Các dịch vụ tài chính này không làm phát sinh giá trị gia tăng.

b)     Căn cứ thực tế

-         Người tham gia bảo hiểm với mục đích khi bị thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra sẽ được Quỹ bảo hiểm bồi thường thiệt hại. Với mục đích sử dụng sản phẩm bảo hiểm cho thiên tai, tai nạn do đó người sử dụng sản phẩm bảo hiểm nên được xếp vào loại không chịu thuế giá trị gia tăng, vì chỉ được bồi thường nhiều nhất bằng đúng thiệt hại thực tế đã xảy ra;

-         Nếu người mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm không bị thiên tai, tai nạn không được giải quyết bồi thường thì phí bảo hiểm do họ đóng góp hình thành nên Quỹ bảo hiểm giải quyết bồi thường cho người kém may mắn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, tai nạn xảy ra. Với giác độ này, người mua bảo hiểm chính là nhà từ thiện “lá lành đùm lá rách”. Lý do này dẫn tới không nên thu thuế giá trị gia tăng đối với người mua bảo hiểm;

-         Hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Nếu không có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tổn thất của tổ chức kinh tế xã hội và cá nhân xảy ra do thiên tai, tai nạn sẽ không được bù đắp, Nhà nước phải dùng đến một phần ngân sách Nhà nước để cứu trợ, đảm bảo xã hội. Những khoản chi ngân sách bất thường này có thể gây ra mất cân đối ngân sách, ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội. Bảo hiểm càng phát triển càng tạo ra sự ổn định của Ngân sách Nhà nước với giác độ đã phân tích ở trên.

c)     Thực tế trên thế giới:

Hầu hết các nước trên thế giới đều không thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng và bảo hiểm nói chung.

Đề xuất: không nên thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ.

4.      Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp chế xuất (khu phi thuế quan)

Theo hướng dẫn hiện hành của Tổng Cục thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp chế xuất, trong đó có chi tiết các dịch vụ không được hưởng mức thuế suất 0% nếu các cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất chẳng hạn như dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ cảng vào khu phi thuế quan và ngược, dịch vụ khai thuế hải quan, dịch vụ xếp dỡ container từ bãi cảng lên tàu và ngược lại … (nằm trong gói dịch vụ về xuất nhập khẩu) thì không thuộc diện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%.

Theo quy định tại điểm 1.3 khoản 1 Mục II Phần B của Thông tư 129/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 123 thì các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% bao gồm:

Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh nội địa cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở tỏng khu phi thuế quan nhưng địa điểm cung cấp và tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan như: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển, đưa đón người lao động”.

Như vậy, trong Nghị định 123 không quy định về việc hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp nội địa cung cấp xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất phải được tiêu dùng và sử dụng trong phạm vi khu phi thuế quan mới được hưởng mức thuế suất 0%. Cũng theo quy định tại Thông tư 129/2008/TT-BTC thì chỉ có các dịch vụ có trong danh mục quy định (điểm 1.3 khoản 1 Mục II Phần B) mới không được hưởng mức thuế suất 0% như đã nêu, trong đó có dịch vụ vận chuyển.

Theo quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 23/01/2007 về quy định hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, tại mục H có quy định cho ngành vận tải kho vãi thì hoạt động vận tải đường bộ có mã ngành là 49, hoạt động vận tải đường thủy có mã ngành là 50, hoạt động kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải có mã ngành là 52. Như vậy các hoạt động, dịch vụ phục vụ cho ngành vận tải hoàn toàn là một ngành kinh tế khác, không thuộc ngành vận tải (vận chuyển).

Việc Tổng Cục thuế gom tất cả các loại chi phí của dịch vụ xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp chế xuất sử dụng (bốc xếp, nâng hạ container, CFS, THC, dịch vụ khai báo hải quan, phí chứng từ, phí đại lý, phí lưu kho) vào chung với dịch vụ vận chuyển là chưa hợp lý, không đúng theo quy định về ngành kinh tế do Thủ tướng ban hành và đã gây khó khăn cho hoạt động chung của các doanh nghiệp chế xuất cũng như các doanh nghiệp trong nước cung cấp các sản phẩm dịch vụ này.

Đề xuất: Quy định rõ việc không áp dụng thuế suất 0% đối với một số sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp nội địa cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất.

5.      Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng

Thực tế, doanh nghiệp đã thanh toán đủ hóa đơn đầu vào và khi bán hàng phát hành hóa đơn giá trị gia tăng đã nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng chưa thu được tiền do khách hàng còn nợ. Trường hợp này cán bộ thuế không cho hoàn thuế đầu vào. Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp vì vốn bị chiếm dụng là thuế giá trị gia tăng đầu vào (chưa được hoàn) và tiền thuế giá trị gia tăng đã phải nộp đầu ra khi phát hành hóa đơn mà chưa thu được tiền.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thì việc hoàn thuế giá trị gia tăng hiện nay là quá chậm, gây ứ đọng vốn, làm doanh nghiệp phải vay ngân hàng bù vào số vốn này và chịu lãi suất khá cao nên gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đề nghị, cơ quan thuế sớm có giải pháp hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh gọn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

II.                Về các quy định về thuế thu nhập

1.      Đề nghị quy định rõ một số khoản chi phí được trừ hay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

-         Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng đối với xe ô tô chở người từ 9 người trở xuống không được hạch toán vào chi phí: nên quy định rõ giá trị 1,6 tỷ bao gồm cả thuế giá trị gia tăng;

-         Chi phí về tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng thương mại: Theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 124, chênh lệch về thu giữa tiền phạt và tiền bồi thường do vi phạm về hợp đồng kinh tế thì đưa vào thu nhập khác. Tuy nhiên, về các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, không quy định các khoản bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế. Do vậy, có thể hiểu khoản chi bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế được hạch toán vào chi phí. Đề nghị quy định rõ điều này để cơ quan thuế và doanh nghiệp hiểu thống nhất;

-         Đề nghị có hướng dẫn thống nhất các khoản doanh nghiệp chi trả cho người lao động về tiền nhà, tiền học cho con, tiền nghỉ phép, tiền trợ cấp chuyển vùng cho người lao động nước ngoài được quy định trong hợp đồng lao động có được hạch toán vào chi phí được trừ hay không;

-         Đối với chi phí tiền ăn giữa ca: Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 124 không khống chế mức ăn giữa ca, tuy nhiên Thông tư 22/2008/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước là không quá 450.000 đồng/tháng. Trong lúc đó, lương tối thiểu tại Nghị định 28/2010/NĐ - CP ngày 25/03/2010 quy định mức lương tối thiểu chung là không quá 730.000 đồng/người/tháng. Đề nghị quy định rõ mức ăn giữa ca bằng hiện vật của doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí không bị khống chế hoặc mức khống chế tối đa là bao nhiêu: 7300.000 đồng hay 450.000 đồng. Thông tư 62/2009/TT-BTC ngày 27/03/2009 về thuế thu nhập cá nhân quy định không tính vào thu nhập chịu thuế nếu ăn ca bằng hiện vật, chỉ tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân nếu mức ăn ca bằng tiền vượt quá mức quy định.

2.      Thu nhập từ thanh lý tài sản cố định, bán phế liệu và lãi tiền gửi

Hiện tại, khoản thu nhập do thanh lý tài sản cố định, bán phế liệu được xem là khoản thu nhập khác nên không được hưởng các ưu đãi thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp. Bởi vì, hầu như máy  móc thiết bị được thanh lý đều là những tài sản tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, phế liệu thu hồi được sinh ra từ các nguyên vật liệu trực tiếp cấu thành sản phẩm, nên được xử lý như khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thay thế máy móc thiết bị hiện đại, tạo sản phẩm chất lượng, hạn chế các phế liệu, phế phẩm được sinh ra do sự lạc hậu, lỗi thời của máy móc, thiết bị sản xuất.

Tương tự, các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi hiện đang được xử lý theo hướng không được ưu đãi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và phải chịu mức thuế suất phổ thông khi tính thuế do được xem là khoản thu nhập khác là chưa phù hợp.

Đề xuất: các khoản thu nhập do thanh lý tài sản cố định, bán phế liệu, lãi tiền gửi được hưởng các ưu đãi thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

3.      Thu nhập từ hoàn nhập dự phòng

Khi doanh nghiệp trích lập dự phòng đã thực hiện theo khung quy định của Nhà nước (vì phần vượt đã không được chấp nhận chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh ng hiệp), do đó nếu có khoản thu từ hoàn nhập dự phòng tại năm tài chính còn được hưởng thuế suất ưu đãi thì đề nghị cho phép doanh nghiệp áp dụng thuế suất ưu đãi.

4.      Về tỷ giá

Thời gian vừa qua có nhiều văn bản chưa thống nhất, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đối với các quy định về đánh giá chênh lệch tỷ giá. Do vậy, để phù hợp hơn trong việc xác định thu nhập tính thuế đối với việc đánh giá chênh lệch tỷ giá đề nghị:

-         Đối với khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với khoản lỗ lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, thu nhập từ chênh lệch tỷ giá tiền gửi nội tại trong một ngân hàng (không có nghiệp vụ thanh toán, chỉ là sự điều chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, nhằm chuẩn bị cho việc thanh toán tiền hàng), được xem là khoản thu nhập khác thì chưa hợp lý. Bởi vì, tại thời điểm này doanh nghiệp chưa thu về khoản lợi nào cả, mà trước mắt đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo số kê khai;

-         Đề nghị thống nhất việc áp dụng tỷ giá, do hiện nay có một số doanh nghiệp sử dụng tỷ giá liên ngân hàng và có doanh nghiệp lại sử dụng tỷ giá ngân hàng TMCP mà tỷ giá liên ngân hàng chênh lệch quá lớn so với tỷ giá thực tế (hiện nay chênh lệch tỷ giá tại đơn vị là khoảng 3%).

5.      Về chuyển số dư

-         Đề nghị cho phép để lại số dư quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm từ các năm trước, vì hiện tại một số doanh nghiệp vẫn đang phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động và ổn định về nguồn tài chính cho những năm tiếp theo khi có biến động về lao động;

-         Đề nghị cho phép doanh nghiệp được chuyển số dư quỹ tiền lương của các năm trước, do hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, có nhiều biến động không lường trước được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, ổn định nguồn tài chính cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động nếu điều kiện kinh tế khó khăn có thể lấy quỹ tiền lương các năm trước để chi trả cho người lao động.

6.      Về việc tính thu nhập chịu thuế

Khi quyết toán thuế hàng năm, cơ quan thuế đã loại trừ chênh lệch tỷ giá để tính thu nhập chịu thuế của việc đánh giá lại dư nợ ngoại tệ vay dài hạn mà đơn vị đã hạch toán vào chi phí (theo chuẩn mực kế toán). Như vậy là chưa hợp lý vì thực tế chênh lệch tỷ giá khoản vay đã làm tăng chi phí của doanh nghiệp, khi tính thuế lại loại ra tính thuế thu nhập doanh nghiệp làm tăng thu nhập chịu thuế, tăng lợi nhuận (nếu đơn vị cổ phần hóa thì sẽ tăng vốn nhà nước). Điều là mâu thuẫn giữa chuẩn mực kế toán và luật thuế, đề nghị xem xét lại để thống nhất hạch toán và xác định chính xác thu nhập chịu thuế.

Trên đây là một số ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới Quý Bộ. Rất mong Quý Bộ lưu ý xem xét..

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Bộ.

 

 

 

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Lưu VT , PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan