Kiến nghị sửa đổi Nghi định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ của VCCI

Thứ Năm 15:42 03-03-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  0443 /PTM-PC

V/v: kiến nghị sửa đổi

Nghi định 01/2010/NĐ-CP về

chào bán cổ phần riêng lẻ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn do sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ (sau đây gọi tắt là Nghị định 01). Để tạo diễn đàn để các doanh nghiệp có thể phản ánh những vướng mắc của mình, ngày 23 tháng 02 năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo[1]Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 4/1/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp”. Hội thảo thu hút được đông đảo sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ các công ty chứng khoán, các ngân hàng, các công ty cổ phần (không phải là công ty đại chúng), các luật sư, các chuyên gia đến từ trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan nhà nước có liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, đại diện các phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư của một số tỉnh phía Bắc …

Các ý kiến thu nhận tại Hội thảo tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:

  1. Về Tính hợp lý của các quy định trong Nghị định 01

-          Khoản 2, Điều 8 Nghị định 01 quy định, nhà đầu tư không được chuyển nhượng cổ phần tối thiểu là 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Quy định này là trái với Luật Doanh nghiệp mà theo đó, các cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập (điểm d, khoản 3 Điều 79, khoản 3 Điều 81, khoản 5 Điều 84);

-          Nghị định 01 quy định tiền mua chứng khoán phải chuyển vào tài khoản phong tỏa cho đến khi hoàn tất đợt chào bán, trong khi khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin của người mua được ghi đúng và ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông, kể từ thời điểm đó người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty. Có nghĩa khi người mua nộp tiền cho công ty và trở thành cổ đông công ty, đương nhiên công ty trở thành chủ sở hữu khoản tiền mà người mua đã nộp, có quyền định đoạt về số tiền này. Việc số tiền này phải nằm trong tài khoản cho đến khi hoàn tất đợt chào bán là bất hợp lý, không có lợi cho công ty và không phù hợp với quy định trên của Luật Doanh nghiệp. Mặt khác, Nghị định 01 không định nghĩa thế nào là hoàn tất đợt chào bán cổ phần riêng lẻ (nếu không bán được hết số cổ phần được chào bán có được coi là hoàn tất đợt chào bán không), dẫn đến khoản tiền này có thể không bao giờ công ty được sử dụng;

-          Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần tối thiểu là 01 năm đã giảm sức hút với nhà đầu tư khi quyết định tham gia đầu tư vào cổ phần riêng lẻ vì thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm là có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường tập trung hoặc kênh đầu tư khác để vừa tránh được rủi ro thanh khoản vừa không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Rõ ràng, quy định này đang ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn của công ty cổ phần;

-          Nghị định 01 quy định các đợt chào bán phải cách nhau ít nhất 06 tháng, tức là công ty sẽ chỉ được thực hiện hai đợt chào bán cổ phần mỗi năm (khoản 5, Điều 8). Quy định này đã làm hạn chế tạo nguồn vốn của các công ty cổ phần và kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, bởi, hầu hết các doanh nghiệp luôn luôn phải huy động vốn liên tục do nhu cầu thực tế của hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức huy động vốn nhiều hay ít tùy vào hoạt động của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Doanh nghiệp muốn phát triển được các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thì cần phải có một cơ chế phù hợp để cho việc huy động, đóng góp của doanh nghiệp đạt được mục đích và thu được hiệu quả cao nhất. Quy định này đã làm mất khả năng huy động vốn nhanh chóng và giảm đi lợi thế của công ty cổ phần mặc dù đây là lợi thế lớn nhất của loại hình công ty này;

-          Về mệnh giá cổ phần chào bán trong một đợt chào bán riêng lẻ, khoản 2 Điều 5 Nghị định 01 quy định Mệnh giá cổ phần chào bán riêng lẻ là 10.000 (mười nghìn) đồng Việt Nam”. Quy định này, còn thiếu căn cứ và chưa hợp lý. Việc quy định mệnh giá chung đối với cổ phần thông thường được các quốc gia áp dụng đối với những cổ phần cần được quy chuẩn để giao dịch trên một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng của hàng hóa. Tuy nhiên, chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần chỉ cung cấp hàng hóa cho thị trường phi tập trung, mang tính tự do rõ rệt, vì vậy, việc quy chuẩn mệnh giá của cổ phần như vậy không thực sự cần thiết. Hơn nữa, trên thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều công ty cổ phần đã phát hành các cổ phần với mệnh giá khác 10.000 đồng Việt Nam. Vì vậy, để đáp ứng quy định này, khi các công ty cổ phần nói trên tiến hành phát hành thêm đợt chào bán riêng lẻ mới, các công ty này buộc phải thực hiện việc quy đổi lại mệnh giá cổ phần đã phát hành ở các đợt trước, tạo ra những công việc phát sinh không cần thiết đối với công ty cổ phần, làm hạn chế quyền tự do ấn định mệnh giá cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Vì vậy, việc quy định về mệnh giá cổ phần đối với đợt chào bán cổ phần riêng lẻ là không cần thiết, chỉ khi nào công ty cổ phần tiến hành niêm yết cổ phần trên thị trường giao dịch tập trung thì mới cần thiết phải quy chuẩn mệnh giá ở mức 10.000 đồng Việt Nam.

  1. Về Tính rõ ràng  của một số quy định trong Nghị định 01

-          Điều 1 Nghị định 01 quy định về phạm vi điều chỉnh “Nghị định này quy định về hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động chòa bán cổ phần riêng lẻ của các công ty cổ phần thành lập và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, điều này có thể hiểu, nếu người phát hành là người Việt Nam thì đều phải áp dụng Nghị định 01. Hiện nay, một số công ty cổ phần đang tìm cách chào bán cổ phần ra nước ngoài thì các công ty này có phải chịu sự điều chỉnh của Nghị định 01 hay chỉ tuân thủ luật nước ngoài và một số quy định của Luật Chứng khoán và của Ủy ban Chứng khoán về việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài? Để việc huy động vốn được thuận lợi Nghị định 01 cần phải quy định có điều chỉnh vấn đề này hay không? Nếu có áp dụng thì phải có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp chào bán ở nước ngoài để tránh việc xung đột pháp luật giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài cũng như pháp luật trong nước với nhau;

-          Một số khái niệm chưa được giải thích rõ ràng:

+ Khái niệm “chào bán” không được giải thích rõ trong Nghị định 01 cũng như Luật Chứng khoán. “Chào bán” có được hiểu là một người có lời và người kia chấp nhận ký kết hợp đồng? hay là chào bán chỉ là việc phát hành cổ phiếu? Việc chia cổ tức trên cổ phiếu thì gọi là chào bán hay chỉ gọi là phát hành? Khái niệm “chào bán” không rõ ràng sẽ gây ra vướng mắc cho việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, chứng khoán chuyển đổi thành cổ phiếu. Việc chào bán chứng khoán chuyển đổi có phải là chào bán cổ phần riêng lẻ không? Bởi vì người nắm giữ có quyền mua trực tiếp từ công ty cổ phần;

+ Khái niệm “Đợt chào bán” không được giải thích rõ. Ví dụ, đầu năm đại hội đồng cổ đông quyết định chào bán 10 triệu cổ phần trong năm nay, vậy việc tất cả 10 triệu cổ phần đó trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được coi là một đợt hay cứ mỗi lần bán cho một người là một đợt? Cần phải tính mốc thời gian thế nào để hiểu “đợt chào bán”?

-          Nếu công ty cổ phần chỉ bán cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập (hoặc hiện hữu) hoặc vừa bán cho các cổ đông này vừa bán cho các nhà đầu tư bên ngòai thì các cổ đông nói trên có bị tính trong giới hạn 1 đến 99 nhà đầu tư hay không và khi đó công ty có bị coi là “chào bán cổ phần riêng lẻ” hay không? Nghị định 01 không phân biệt giữa chào bán cổ phần riêng lẻ với chào bán cổ phần cho tất cả cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ hiện có của họ tại công ty.

  1. Về thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ

Theo quy định của Nghị định 01, thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần được quy định như sau:

-          Công ty cổ phần chào bán cổ phần riêng lẻ phải có hồ sơ đăng ký phát hành cổ phần riêng lẻ được lập quy định tại Điều 9 Nghị định 01;

-          Gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-          Cung cấp thông tin về đợt chào bán cho các nhà đầu tư quy định tại Điều 10, 11 Nghị định 01.

Thực tế, cơ quan đăng ký kinh doanh không chấp chận hồ sơ chào bán riêng lẻ do không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Điều này đã gây khó khăn lớn cho nhiều doanh nghiệp khi chào bán cổ phần riêng lẻ. Hiện nay có hai Công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tuy nhiên lại có sự khác biệt trong hướng dẫn của các cơ quan nhà nước này. Cụ thể, theo Công văn số 608/BKHĐT-PC ngày 28 tháng 01 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục đích chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp về việc thực hiện Nghị định 01 thì đối với việc chào bán cổ phần riêng lẻ cho các cổ đông hiện hữu sẽ áp dụng theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43 mà không áp dụng theo Nghị định 01. Tuy nhiên, theo Công văn số 350/UBCK-QLPH của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành trước đó một ngày, 27 tháng 01 năm 2011, cũng với mục đích hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01 cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phồ HCM lại hướng dẫn kể từ ngày 01/07/2011 (ngày Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán có hiệu lực) việc chào bán cổ phần riêng lẻ sẽ thực hiện theo hướng dẫn theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư với lý do là do theo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán thì “Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Do vậy, không hiểu “hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư” trong quan niệm của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là hướng dẫn nào và có phải mỗi Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ được tự hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hay không. Ngoài ra, việc chào bán cổ phần riêng lẻ trong thời gian hiện tại cho đến 01/07/2011 sẽ được thực hiện theo Nghị định 01?

Hai văn bản này không giải quyết được những vấn đề được đặt ra trong Nghị định 01.

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang bị ách tắc do không thể tiến hành thủ tục. Các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan đăng ký kinh doanh) “lúng túng” không biết giải quyết và buộc phải “lách” luật hoặc làm trái luật.

Một số quy định trong Nghị định 01 không phù hợp với chủ trương của Chính phủ về huy động vốn trong các doanh nghiệp.

Từ những ý kiến trên, các đại biểu kiến nghị:

Sửa đổi bổ sung Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ để giải quyết những vướng mắc trên bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới Thủ tướng những ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, luật sư, đại diện của các cơ quan nhà nước có liên quan về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ. Rất mong Thủ tướng lưu tâm xem xét.

Trân trọng cảm ơn!

 

Nơi nhận:

-          Như trên

-          Ban TT (để báo cáo)

-          Bộ Tài chính (UBCKNN)

-          Bộ Tư pháp

-          Bộ Kế hoạch và Đầu tư

-          Lưu VT, PC

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 (đã ký)

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 



[1] Hội thảo được sự  hỗ trợ của Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải

Các văn bản liên quan