Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Trưởng VPLS Đào và Đồng nghiệp: Về những vướng mắc của Nghị định 123/3008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp

Thứ Năm 10:25 10-03-2011

Một số ý kiến đóng góp  liên quan đến vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng:

I.        Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 123/2008/NĐ-CP

1.1.            Ưu đãi Thuế giá trị gia tăng cho Dịch vụ xuất khẩu

Qúa trình thực hiện Nghị định 123/2008/NĐ-CP cho thấy việc xây dựng các tiêu chí cơ bản nhằm xác định khi nào thì dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất GTGT 0%  không rõ ràng, cụ thể:

Khoản 1, điều 6, Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-12-2008 (Nghị định 123)  và điểm 1 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26-12-2008 (Thông tư 129) đã đưa ra tiêu chuẩn đối với tổ chức ở nước ngoài là “Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam” để được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung (trừ một số dịch vụ không được hưởng thuế suất 0% như tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài).

Các văn bản trên đã không làm rõ thế nào là tổ chức ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc thực hiện quy định;

Điều 2 Nghị Định 123 và Công văn 3824/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 18-9-2009 (Công văn 3824) có hướng dẫn khái niệm “cơ sở thường trú tại Việt Nam” được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thuế thu nhập Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thường phát sinh các vướng mắc sau:

-                      Vào thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức ở nước ngoài, bên cung cấp dịch vụ ở Việt Nam khó có thể biết được là bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không, chỉ khi có khẳng định của bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài thì mới xuất hóa đơn GTGT 0%.

-                      Trong một số trường hợp mà số tiền thuế GTGT phải trả lớn, bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài nộp đơn đến cơ quan thuế Việt Nam xin được xác nhận là họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Nhưng yêu cầu này không được đáp ứng vì hiện không có cơ chế để cơ quan thuế cấp giấy xác nhận này.

-                      Trường hợp, nếu có cơ chế để cấp giấy xác nhận đi nữa, thì cơ quan thuế Việt Nam cũng khó mà kiểm tra một cách thấu đáo việc vào thời điểm đó, bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài đó có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không. Do tính phức tạp của nó, thời gian chờ đợi được cấp giấy xác nhận (nếu có) sẽ rất lâu, mà các bên ký kết hợp đồng đôi khi không thể chờ đợi được vì sự cấp bách của giao dịch mà họ muốn giao kết.

Do vậy, để giảm thiểu rủi ro, thực tế bên cung cấp dịch vụ Việt Nam thường phải yêu cầu điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng là phải được xuất hóa đơn thuế GTGT 10%, khi mà mức lợi nhuận thu được từ việc cung cấp dịch vụ không cao (dưới 10%),.

-          Đối với một số trường hợp khác, hai bên sẽ thỏa thuận bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài sẽ cam kết bằng văn bản việc họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Nếu sau đó, cơ quan thuế khẳng định bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam vào thời điểm ký kết hợp đồng dịch vụ (hay trong trong thời gian thực hiện hợp đồng) thì họ sẽ hoàn lại tiền thuế GTGT cho phía Việt Nam.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng “các biện pháp phòng vệ” trên cũng không giảm bớt rủi ro cho bên cung cấp dịch vụ Việt Nam vì việc kê khai và trả thuế hiện nay là theo cơ chế tự khai, tự nộp. Chỉ một thời gian tương đối lâu, sau khi xuất hóa đơn cho bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài thì cơ quan thuế mới quyết toán thuế của bên cung cấp dịch vụ Việt Nam(có thể là 2-3 năm sau đó). Lúc này bên cung cấp dịch vụ Việt Nam có thể không còn giao dịch với bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài đó nữa. Hoặc bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài, vì lý do nào đó, không còn tồn tại nữa để bên Việt Nam có thể yêu cầu họ thanh toán khoản thuế 10% nói trên.

1.2.            Quy định về hóa đơn

1.2.1.      Cơ chế kiểm soát Hóa đơn chưa rõ ràng

Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định Hóa đơn gồm 3 loại: Hóa đơn tự in, Hóa đơn điện tử và Hóa đơn đặt in. Nghị định này đã trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp (DN) trong việc sử dụng HĐ khi cơ quan thuế không còn bán HĐ và không chịu trách nhiệm về HĐ phát hành. Tuy nhiên,  cơ chế kiểm soát đối với các loại Hóa đơn này chưa thực sự rõ ràng và chặt chẽ.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định thủ tục thành lập DN đơn giản và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, mặt trái của sự thông thoáng chính là DN “ma” xuất hiện ngày càng nhiều và sử dụng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, phương hại đến an toàn kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Thủ đoạn của DN “ma” chủ yếu là dùng hồ sơ giả lập DN để mua bán Hóa đơn trái phép, xuất Hóa đơn khống nhằm thu lợi, không thực hiện báo cáo thuế và sau một thời gian ngắn thì ngưng hoạt động, biến mất, gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Khi quyền in và phát hành Hóa đơn được trao cho DN, nguy cơ DN “ma” bùng phát và trục lợi từ Hoa đơn tự in là không thể tránh khỏi.

- Điều kiện, thủ tục in Hóa đơn khá dễ dàng

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 51/2010/NĐ-CP, chỉ một số DN hội đủ điều kiện mới được tự in Hóa đơn. Tuy nhiên, thủ tục để phát hành Hóa đơn tự in khá đơn giản[1][1], DN chỉ cần ra quyết định tự in và lập tờ “Thông báo phát hành Hóa đơn” theo đúng nội dung quy định, kèm theo tờ “Hóa đơn mẫu” gửi đến cơ quan thuế nơi DN đóng trụ sở chính, đồng thời niêm yết thông báo phát hành tại DN là có thể sử dụng.

Do quy định quản lý thông thoáng như trên nên sẽ có những DN tự nhận mình có đủ điều kiện tự in Hóa đơn và phát hành Hóa đơn tự in. Đáng lo nhất là DN “ma” có thể lợi dụng sự thông thoáng này để phát hành Hóa đơn tự in, kiếm thu nhập bất chính, sau đó bỏ trốn. DN làm ăn nghiêm túc nào bị nhận loại Hóa đơn  kể trên sẽ phải chịu thiệt thòi.

- Kiểm soát của Cơ quan Thuế không rõ ràng, chặt chẽ

Theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, DN sử dụng Hóa đơn tự in chỉ phải báo cáo tình hình sử dụng Hóa đơn cho cơ quan Thuế theo định kỳ hàng quý, tức là DN có lập thông báo phát hành Hóa đơn thì phải 3 tháng sau mới phải báo cáo cơ quan thuế về tình hình sử dụng Hóa đơn tự in của mình.

Như vậy, ít nhất là sau 3 tháng kể từ khi phát hành Hóa đơn, nếu cơ quan thuế nhận thấy báo cáo đó không hợp lý, nghi ngờ gian lận thì mới thực hiện việc kiểm soát sử dụng Hóa đơn tự in của DN. Nói cách khác, nếu một DN thành lập trong vòng 2 - 3 tháng rồi tự ngừng hoạt động sau khi đã “đánh quả” thì cơ quan thuế đành bất lực.

Mặt khác, trong trường hợp Doanh nghiệp A hoạt động tốt, có uy tín với khách hàng. Doanh nghiệp khác in Hóa đơn giả lấy danh nghĩa của Doanh nghiệp A để xuất hóa đơn cho khách hàng. Vì kỹ thuật tinh vi, khó phát hiện nên phía khách hàng không thể nhận biết đây là hóa đơn giả và đã hạch toán Thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn này. Khi cơ quan Thuế xác định được là Hóa đơn giả thì xử lý như thế nào và bên khách hàng đã hạch toán theo Hóa đơn này thì có được khấu trừ Thuế giá trị gia tăng không? Cơ chế giám sát trong trường hợp này là gì? Trách nhiệm thuộc về ai?

Do vậy, cần làm rõ các vấn đề đã đặt ra ở trên.

1.2.2.      Giải quyết trong trường hợp ghi sai thuế suất trên Hóa đơn

Về vấn đề ghi sai thuế suất trên Hóa đơn, Tiểu mục 2.9. mục IV phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC điểm 1.2, mục III, Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, vì quy định không tập trung, nằm rải rác ở nhiều văn bản nên người dân khó có thể nắm bắt được để giải quyết vướng mắc. Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số: 3738/TCT-CS của Tổng cục thuế V/v Điều chỉnh hóa đơn GTGT ghi sai thuế suấtngày 27 tháng 09 năm 2010 để giải quyết đối với từng vướng mắc cụ thể của Ngân hàng Mizuho. Việc không quy định tập trung khiến cho Tổng cục Thuế phải ra Văn bản đơn lẻ, giải quyết cho từng vấn đề cụ thể, riêng lẻ.

Do vậy, nên quy định các hướng dẫn này tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng.

1.3.            Thuế GTGT đối với các khoản thu dịch vụ cấp tín dụng,bảo lãnh

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được phản ánh từ một số đơn vị và địa phương gặp vướng mắc trong việc xác định các khoản thu về dịch vụ cấp tín dụng và bảo lãnh không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12. Sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 1667/NHNN-PC ngày 04/3/2010, Bộ Tài chính hướng dẫn tại Công văn số 3316/BTC-CST ngày 18/3/2010 hướng dẫn:

Căn cứ các quy định trên, Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và các quy định pháp luật khác có liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng thuế GTGT đối với các khoản thu từ dịch vụ cấp tín dụng, bảo lãnh như sau:

“Các khoản thu của tổ chức tín dụng về việc: xử lý trả nợ trước hạn, chậm trả nợ, cơ cấu lại nợ, quản lý khoản vay, các công việc liên quan đến giao dịch tài sản (quản lý và trông giữ, xử lý, thay đổi, định giá tài sản đảm bảo), phát hành thư bảo lãnh thuộc quy trình cho vay, bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Các khoản thu từ dịch vụ bảo quản hiện vật quý, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két, cầm đồ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật là loại phí mà các tổ chức tín dụng thu từ các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 76 Luật các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.”

Do đó theo tôi, vấn đề này cần được đưa vào dự thảo nghị định hoặc hướng dẫn cụ thể tại  thông tư để thống nhất trong việc áp dụng tránh để công văn giải thích của cơ quan quản lý.

1.4.            Vướng mắc về chứng từ thanh toán qua ngân hàng khi hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu

Ngày 26 tháng 11 năm 2010, Bộ Tài chính ban hành công văn số 16053/BTC-CST  hướng dẫn xử lý vướng mắc về chứng từ thanh toán qua ngân hàng khi hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá xuất khẩu như sau:

a)      Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

- Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu từ Việt nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hoá (01 bản sao); hoặc

- Đơn khởi kiện đến toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện (01 bản sao); hoặc

- Phán quyết thắng kiện của toà án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh (01 bản sao); hoặc
- Giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận (hoặc thông báo) bên mua nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán (01 bản sao).

b)      Đối với trường hợp hàng hoá xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu huỷ ở nước ngoài, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng: biên bản tiêu huỷ (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu huỷ) hàng hoá ở nước ngoài của cơ quan thực hiện tiêu huỷ (01 bản sao), kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu huỷ thuộc trách nhiệm chi trả của cơ sở xuất khẩu hàng hoá hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu huỷ thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba (01 bản sao).

c)      Trường hợp người nhập khẩu hàng hoá phải đứng ra làm thủ tục tiêu hủy tại nước ngoài thì biên bản tiêu huỷ (hoặc giấy tờ xác nhận việc tiêu huỷ) ghi tên người nhập khẩu hàng hóa.
Đối với trường hợp hàng hoá xuất khẩu bị tổn thất, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

- Giấy xác nhận việc tổn thất ngoài biên giới VN của cơ quan có thẩm quyền liên quan (01 bản sao); hoặc

- Biên bản xác định tổn thất hàng hoá trong quá trình vận chuyển ngoài biên giới Việt Nam nêu rõ nguyên nhân tổn thất (01 bản sao);

Nếu cơ sở xuất khẩu hàng hoá đã nhận được tiền bồi thường hàng hoá xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam thì phải gửi kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng về số tiền nhận được (01 bản sao).

Những vấn đề được hướng dẫn trong Công văn nói trên phải được cụ thể trong Nghị định hay Thông tư để bảo đảm thực hiện thống nhất.

II.    Nghị định 124/2008/NĐ-CP

1.             Về Thuế suất

Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 1997 thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%. Sau một thời gian thực hiện, thuế suất 32% tương đối cao và lúc đó lại áp dụng riêng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy Quốc hội đã thông qua Luật thuế TNDN giảm thuế suất từ 32% xuống 28%[2][2] và từ 1/1/2009 đã giảm từ 28% xuống 25%[3][3]. Mức 25% so với một số nước trong khu vực không phải là cao, chỉ ở mức trung bình, có nhiều nước cao hơn nhưng cũng có nhiều nước thấp hơn. Tuy nhiên, quan điểm về thuế thu nhập DN có khác nhau. Các quốc gia phát triển, điều kiện kinh tế phát triển mong muốn giảm thuế thu nhập DN. Khi giảm thuế, DN sẽ nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) ít hơn và phần giảm nộp NSNN sẽ đầu tư tái tạo mở rộng sản xuất kinh doanh, DN kinh doanh có lãi sẽ có điều kiện để nộp vào NSNN chu kỳ sau. Và như vậy thuế giảm, hiệu quả sản xuất cao, DN có lãi, họ nộp thuế và Nhà nước sẽ có lợi hơn.

Với mức thuế suất 25% như hiện nay, tình trạng “chuyển giá” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra khá phổ biến và đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN trong nước. Các DN dùng biện pháp chuyển giá để mang lại hiệu quả kinh doanh cho đơn vị mình thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thu lãi thì áp dụng chuyển giá để tránh thuế ở Việt Nam. Thay vì nộp thuế ở Việt Nam họ lại nộp ở quốc gia khác, có sản xuất kinh doanh tại quốc gia đó, có mức thuế thấp hơn hoặc ưu đãi thuế; hoạt động chuyển giá này sẽ dẫn đến thất thu ngân sách ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với trên 50 nước, thông qua cơ quan thuế tại các nước cung cấp đối chiếu thông tin khi nghi ngờ DN có chuyển giá song vẫn gặp nhiều khó khăn, vì trên thực tế Hiệp định giúp ngăn ngừa đánh thuế 2 lần, gian lận trốn thuế; Tuy nhiên, trong nội dung Hiệp định thì dường như mỗi quốc gia lại muốn bảo vệ người nộp thuế ở quốc gia mình. DN đó có thể ở quốc gia của họ nhưng họ lại đầu tư ở Việt Nam; tại Việt Nam lại trốn thuế và mang thu nhập về quốc gia của họ.

Đối với các doanh nghiệp trong nước, thì mức thuế suất hiện nay là 25% cũng là quá cao khi mà tất cả những chi phí đầu vào đều tăng cao hơn nữa việc huy động vốn của doanh nghiệp hiện nay tương đối khó khăn. Do đó, nếu thuế suất thuế thu nhập giảm hơn nữa sẽ tạo cơ hội để  doanh nghiệp tích lũy vốn, tái sản xuất đầu tư; kích thích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm xuống từ 20% đến dưới 25 % là hợp lý.

2.       Vấn đề các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

2.1.      Đối với quy định về khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng để tính thu nhập chịu thuế.

Hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể căn cứ để xác định định mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đối với từng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC thì m ức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp tự xây dựng. Mức tiêu hao hợp lý được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất theo mức tiêu hao được xây dựng. Trường hợp doanh nghiệp trong thời gian sản xuất kinh doanh có điều chỉnh bổ sung mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Việc doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và thông báo với cơ quan thuế dẫn đến việc không rõ ràng, minh bạch, khó khăn trong việc kiểm tra. Căn cứ để xác định thế nào là mức tiêu hao hợp lý chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Do đó, gây khó khăn cho cả người kê khai lẫn người kiểm tra.

2.2.      Theo quy định của pháp luật thì khoản chi tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không được tính vào chi phí. Tuy nhiên, khoản tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi phí an sinh khác cho những người này có được tính vào chi phí của doanh nghiệp không thì lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các đối tượng nêu trên. Do đó cần có quy định làm rõ vấn đề này.

2.3.      Hiện nay các quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật về thuế. Cụ thể được quy định tại Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 9 Nghị định 124/2008/NĐ-CP; điểm 2 mục IV Thông tư 130/2008/TT-BTC. Theo đó có những quy định được nhắc lại nhiều lần tại các văn bản, có những quy định bổ sung, có những quy định làm rõ dẫn đến việc theo dõi, áp dụng, thực hiện là rất khó khăn, thiếu thống nhất … Vì vậy để việc theo dõi, thực hiện các quy định này được dễ dàng và thống nhất thì theo tôi quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên được quy định thống nhất tại một văn bản.

III.          Một kiến nghị

3.1.      Kiến nghị chung

               Trường hợp Luật, Nghị định không quy định rõ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về thuếm, người nộp thuế yêu cầu Tổng cục Thuế hướng dẫn vướng mắc. Để tránh cách giải thích áp đặt nên chăng quy định trong Luật và Nghị định cách hiểu, cách giải thích theo nguyên tắc có lợi cho người có nghĩa vụ nộp thuế.

3.2.      Đối với Nghị định 123/2008/NĐ-CP

3.2.1.            Đối với thuế GTGT ưu đãi áp dụng cho Dịch vụ xuất khẩu

-          Xem xét lại việc xác định tiêu chí cơ sở thường trú để áp dụng mức thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu. Nếu vẫn muốn duy trì tiêu chí cơ sở thường trú để xác định dịch vụ thực tế có xuất khẩu hay không thì cần có cơ chế để bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có thể xác định được tình trạng của đối tác nước ngoài, qua đó xác định được chính xác nghĩa vụ thuế của giao dịch.

-          Nếu việc xác định tình trạng cơ sở thường trú là khó khả thi thì nên chăng xem xét thu hẹp khái niệm cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này vừa có ý nghĩa giúp việc xác định có hay không có cơ sở thường trú của bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài tại Việt Nam dễ dàng hơn, lại vừa có ý nghĩa mở rộng diện được hưởng ưu đãi thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ. Nhất là đối với các giao dịch mà doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ vì bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam mà hoạt động của cơ sở thường trú này hầu như không ảnh hưởng đến tính chất “xuất khẩu dịch vụ” của giao dịch.

3.2.2.                  Đối với các vướng mắc của các Doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính trả lời, hướng dẫn bằng các Công văn nên xem xét đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và tính thống  nhất trong việc áp dụng.

3.3.                  Đối với Nghị định 124/2008/NĐ-CP

3.3.1.            Về thuế suất

Nên giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 25% - 20% là hợp lý.

3.3.2.            Về chi phí

-          Các quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên được tập hợp lại và quy định thống nhất tại một văn bản (có thể là Nghị định thay thế Nghị định 124/2008/NĐ-CP).

-          Nên quy định cụ thể hơn phương pháp, cách thức tính mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, vật liệu hoặc có một hướng dẫn cụ thể về việc kê khai mức tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, vật liệu và căn cứ để chấp thuận việc kê khai đó.

-          Nên quy định rõ khoản chi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi phí an sinh khác cho chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trên đây là một vài ý kiến tham gia từ việc nghiên cứu, rà soát nhằm sửa đổi Nghị định 123/2008/NĐ-CP và Nghị định 124/2008/NĐ-CP; chúng tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm thực thi các luật thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước  thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; Đề nghị hội thảo tham khảo.



 



[1] [1] Điều 11 Nghị định 51/2010/NĐ-CP

[2] [2] Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003

[3] [3] Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008

Các văn bản liên quan