VCCI góp ý về đề xuất sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện, đầu tư kinh doanh

Thứ Năm 10:38 09-11-2017

Kính gửi: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính,  Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 10794/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị cho ý kiến đối với nội dung đề xuất của Bộ Công Thương trong Công văn số 9252/BCT-PC gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo, đề xuất sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

Báo cáo đề xuất cho thấy Bộ Công Thương đã có hành động nhanh chóng, tích cực trong rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mà Bộ quản lý, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 83/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19 – 2017/NQ-CP.

Báo cáo nêu khá rõ ràng, chi tiết các hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh đã, đang và sẽ làm, theo đó rất nhiều điều kiện kinh doanh trong nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương được đánh giá, xem xét. Đây là những ngành, nghề thực sự có những bất cập, vướng mắc về điều kiện kinh doanh và cần được nhanh chóng tháo gỡ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Tuy nhiên, hoạt động rà soát sẽ bao trùm và hiệu quả hơn nếu một số điểm sau đây được xem xét xử lý:

  • Về phạm vi điều kiện kinh doanh được rà soát: Trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV được sửa đổi năm 2016 Luật Đầu tư 2014, Bộ Công Thương quản lý nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Báo cáo chưa đánh giá tổng thể các điều kiện kinh doanh của tất cả các ngành, nghề này mà mới chỉ đề cập tới một vài ngành, nghề. Vì vậy, rà soát còn thiếu tính toàn diện;
  • Về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: Báo cáo mới chỉ dừng ở việc đánh giá các điều kiện kinh doanh cụ thể trong các ngành nghề mà chưa đánh giá về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc quản lý của Bộ. Theo các rà soát mà VCCI thực hiện thời gian qua, một số ngành, nghề kinh doanh hiện đang thuộc nhóm ngành, nghề có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thực chất chỉ là các ngành, nghề kinh doanh thông thường, không tạo ra rủi ro cho xã hội và nền kinh tế tới mức phải được kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh.

Do đó, cần phải mở rộng phạm vi rà soát, thực hiện đánh giá tính chất của từng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương với các tiêu chí tại Điều 7 Luật đầu tư 2014, từ đó kiến nghị đưa các ngành, nghề không còn phù hợp ra khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

  • Về cấp độ văn bản chứa các điều kiện kinh doanh được rà soát: Các kế hoạch mới chỉ dừng ở việc đánh giá điều kiện kinh doanh ở các văn bản cấp nghị định, chưa đánh giá rộng hơn các điều kiện kinh doanh ở các văn bản cấp luật.

Trong khi đó, phần lớn các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương có căn cứ nằm trong văn bản cấp luật. Như vậy, nếu điều kiện kinh doanh ở cấp Nghị định bị đánh giá là không phù hợp, cần được bãi bỏ, các kiến nghị về sửa đổi/bãi bỏ có thể sẽ không thể thực hiện vì văn bản luật vẫn yêu cầu các điều kiện này. Do đó, Báo cáo cần phải tính đến kế hoạch rà soát các điều kiện kinh doanh ở cấp luật và có giải pháp đề xuất xây dựng một luật sửa nhiều luật liên quan đến điều kiện kinh doanh có liên quan.

  • Về kế hoạch thời gian tới: Báo cáo chưa đề cập tới kế hoạch cụ thể (công việc cụ thể, lộ trình thời gian…), điều này có thể sẽ khiến cho việc giám sát, đảm bảo hoạt động rà soát được thực hiện liên tục và thực chất trở nên khó khăn, thiếu căn cứ, các mốc mục tiêu cụ thể.

Xuất phát từ những vấn đề trên, VCCI cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương trong Báo cáo, tuy nhiên đề nghị cân nhắc triển khai thêm các nội dung sau đây:

  • Đối với hoạt động rà soát đã và đang thực hiện:

+ Bổ sung thêm hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh ở văn bản cấp luật, từ đó đề xuất sửa đổi các luật có liên quan đến các điều kiện kinh doanh có vướng mắc, bất cập;

+ Bố sung đánh giá về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc quản lý của Bộ Công Thương;

+ Đánh giá về các điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề mà Bộ Công Thương quản lý.

 

 

  • Đối với kế hoạch rà soát thời gian tới:

Cần cụ thể hóa các nội dung của kế hoạch (ít nhất về khoảng thời gian thực hiện).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với đề nghị cho ý kiến đối với nội dung đề xuất của Bộ Công Thương trong Công văn số 9252/BCT-PC gửi Thủ tướng Chính phủ. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.