VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón

Thứ Năm 10:40 09-11-2017

Kính gửi: Cục Bảo vệ thực vật

       Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 8143/BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Về hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất phân bón (Điều 6)
  • Điểm b khoản 1 quy định xử phạt đối với hành vi “địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón”. Quy định này là chưa rõ ở điểm, như thế nào được cho là địa điểm sản xuất, diện tích nhà xưởng không phù hợp với công suất của dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất phân bón? Quy định này xuất phát từ quy định tại Điều 18 Nghị định 108/2017/NĐ-CP[1], tuy nhiên bản thân quy định về điều kiện sản xuất phân bón chưa rõ ràng, do đó sẽ trao quá nhiều quyền quyết định điều kiện có phù hợp hay không cho cán bộ thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để đảm bảo tính hợp lý và minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6, trường hợp vẫn giữ quy định xử phạt này thì cần quy định rõ thế nào là “không phù hợp”;
  • Điểm c khoản 5 quy định xử phạt đối với hành vi “không thực hiện thu hồi phân bón hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Quy định này xử phạt đối với hai hành vi “không thực hiện thu hồi phân bón” và “không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón”. Xét về bản chất, đây là hai hành vi có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau, trong đó hành vi “không thực hiện thu hồi phân bón” có tính chất nguy hiểm hơn “không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón” (ví dụ: hành vi thu hồi sản phẩm chậm 1, 2 ngày so với quy định thì không thể có mức độ nguy hiểm bằng hành vi “không thu hồi sản phẩm”). Do đó, xếp chung hai hành vi này vào một khung xử phạt là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo phân tách thành hai hành vi và xác định khung phạt tiền khác nhau và xác định rõ số ngày tối đa không tuân thủ thu hồi được xem là không thu hồi sản phẩm, còn ít hơn số ngày tối đa trên, thì mức phạt tiền sẽ thấp hơn;
  • Điểm b khoản 7 quy định xử phạt đối với hành vi “sản xuất phân bón cho tổ chức khác mà không có Hợp đồng được ký kết giữa hai bên”. Việc xử phạt đối với hành vi này là chưa hợp lý, bởi đây là mối quan hệ tư giữa các bên trong giao dịch thương mại, hình thức của giao dịch (có hợp đồng hay không có hợp đồng; hình thức hợp đồng bằng văn bản hay không) không gây ảnh hưởng hay rủi ro nào đáng kể đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 7 Điều 6 Dự thảo;
  • Mức phạt khác nhau cho hai hành vi có cùng tính chất:
  • Điểm đ khoản 7 quy định xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “hoạt động sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đã hết hạn, bị tước quyền sử dụng, bị thu hồi”
  • Điểm g khoản 7 quy định xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi “sản xuất phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón”

Hai hành vi trên đều có tính chất “sản xuất phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đang có hiệu lực”, vì vậy việc xác định hai khung xử phạt khác nhau cho hai hành vi trên là chưa phù hợp về tính chất vi phạm tương ứng với mức xử phạt. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh hai hành vi này vào cùng một khung xử phạt.

Góp ý tương tự đối với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 (phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “buôn bán phân bón trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón”) và quy định tại khoản 4 Điều 7 (phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán).

  1. Về hành vi vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón (Điều 10)
  • Khoản 1 quy định “phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón đúng quy định”.

Cũng có tính chất tương tự như hành vi này, nhưng điểm b khoản 3 Điều 6 lại quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng”.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh hai hành vi này có cùng khung phạt tiền.

  • Điểm b khoản 4 quy định xử phạt đối với hành vi “gian lận trong hoạt động khảo nghiệm phân bón”. Khái niệm “gian lận” là chưa rõ ràng, và có thể bao trùm lên các nhóm hành vi khác, ví dụ như hành vi “làm giả hồ sơ, tài liệu khảo nghiệm phân bón” (điểm a khoản 5 Điều 10); “không thực hiện khảo nghiệm phân bón hoặc thực hiện khảo nghiệm không đúng quy định nhưng vẫn cấp kết quả khảo nghiệm” (điểm a khoản 4).

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ khái niệm này, trong trường hợp không thể quy định cụ thể hơn, đề nghị bỏ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10.

  1. Về hành vi vi phạm quy định về sử dụng phân bón (Điều 11)

Khoản 2 quy định phạt tiền “từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam”.

Dự thảo quy định xử phạt đối với người sử dụng trong trường hợp trên là chưa hợp lý, vì trong nhiều trường hợp họ không thể biết được sản phẩm phân bón có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam hay không. Đây là trách nhiệm của người cung cấp phân bón. Mặt khác, hiện nay các quy định về phân bón cũng đã quản lý theo hướng xác định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón đối với quy cách, chất lượng sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường.

Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính được xác định khi người vi phạm có lỗi. Trường hợp trên, người sử dụng không có lỗi nên xử phạt đối tượng này là chưa phù hợp.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 2 Điều 11 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

[1] Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 02/9/2017 về quản lý phân bón