VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông

Thứ Năm 17:23 31-08-2017

Kính gửi: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản

Trả lời Công văn số 2649/BTNMT-ĐCKS ngày 26/05/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông (sau đây gọi là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Quan điểm tiếp cận

Tình trạng khai thác không bền vững đối với cát sỏi lòng sông, hoặc tình trạng lợi dụng nạo vét đường thủy để khai thác cát sỏi lòng sông diễn ra nhiều năm qua mà chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Vấn đề này gây nhiều hệ lụy xấu về môi trường, hệ sinh thái, đời sống của nhiều người nông dân. Do đó, việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông và nạo vét đường thủy là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần cân đối các biện pháp quản lý để tránh làm phát sinh thủ tục hành chính hoặc làm tăng rủi ro cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Để đáp ứng các nguyên tắc này, dự thảo cần được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Các quyết định về việc quy hoạch, cấp phép thăm dò khai thác cát sỏi, hay quy hoạch tuyến đường thủy, kế hoạch nạo vét, lập dự án nạo vét cần được tham vấn ý kiến của tất cả các bên liên quan, và đạt được sự đồng thuận trước khi ra quyết định.
  • Công khai, minh bạch quá trình thực hiện để bảo đảm công bằng, tránh gian lận và có cơ chế để phản ánh và xử lý vi phạm.

Dựa trên quan điểm đó, VCCI có một số ý kiến góp ý cụ thể đối với dự thảo như sau:

  1. Xử lý khi có sự cố sạt lở

Điều 7 của Dự thảo quy định về việc khoanh định khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát sỏi lòng sông. Nội dung của Điều này tương tự như Điều 63.2 của Luật Tài nguyên nước. Nói cách khác, quy định này đã có từ lâu, song mức độ triển khai trên thực tế vẫn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do quy định này chưa đủ rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm giải trình của Sở TNMT và UBND cấp tỉnh, đặc biệt khi đây là các cơ quan có vai trò chính trong việc quy hoạch, cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông.

Điều 12.3 của Dự thảo đã có quy định cụ thể hơn: trong trường hợp đang khai thác cát sỏi mà có sự cố sạt lở thì phải dừng ngay việc khai thác và báo cho chính quyền địa phương. Sở TNMT sẽ đánh giá và quyết định việc có cấm khai thác khoáng sản tại khu vực đó hay không. Đây là quy định tiến bộ hơn, song vẫn chưa thực sự cụ thể về quy trình đánh giá này và tiềm ẩn nguy cơ bị áp dụng một cách tùy tiện trong thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa cơ chế như sau:

  • Các cá nhân, tổ chức có quyền kiến nghị, phản ánh về tình trạng sạt lở đối với chính quyền địa phương và Sở TNMT. Chính quyền địa phương khi nhận được thông tin về tình trạng sạt lở phải báo ngay cho Sở TNMT trong vòng 1 ngày.
  • Trong vòng 3 ngày từ khi có thông tin về tình trạng sạt lở (qua phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức, của chính quyền địa phương hoặc phương tiện thông tin đại chúng), Sở TNMT phải nhanh chóng kiểm tra và ra quyết định việc tạm dừng hoặc cho tiếp tục khai thác khoáng sản. Quyết định này (kể cả cho phép tiếp tục hay tạm dừng) đều phải thông báo cho người dân địa phương và doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản.
  • Nếu Sở TNMT quyết định tạm dừng khai thác thì Sở TNMT có 15 ngày để điều tra, xác định nguyên nhân sạt lở. Trong thời hạn 15 ngày, Sở TNMT phải thông báo rõ ràng về kết quả điều tra, nguyên nhân sạt lở. Nếu nguyên nhân là do khai thác cát sỏi thì Sở TNMT trình cấp có thẩm quyền đưa khu vực đó vào khu vực cấm, tạm cấm khai thác, nếu là nguyên nhân khác thì ngay lập tức phải dở bỏ lệnh cấm khai thác. Quyết định này phải được thông báo cho doanh nghiệp khai thác và người dân địa phương.
  • Quy định rõ quyền khiếu nại, khởi kiện hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại của cả doanh nghiệp khai thác khoáng sản và người dân địa phương đối với quyết định của Sở TNMT hoặc cấp có thẩm quyền khác.

Một cơ chế như vậy sẽ bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra quyết định một cách minh bạch và nhanh chóng. Trong trường hợp nguyên nhân sạt lở là do khai thác khoáng sản thì cũng nhanh chóng được khắc phục, còn nếu không phải do khai thác khoáng sản thì cũng nhanh chóng trả lại quyền khai thác để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

  1. Cấp phép thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông

Điều 11 quy định trước khi cấp phép thăm dò khoáng sản lòng sông, UBND tỉnh phải lấy ý kiến UBND huyện và UBND tỉnh giáp ranh. Quy định như thế này sẽ cần phải xác định khái niệm “giáp ranh” và có thể sẽ khó khăn trong việc áp dụng thực tiễn. Hơn nữa, đối tượng được lấy ý kiến mới chỉ là UBND cấp tỉnh và huyện, trong khi đó, đối tượng cần được hỏi ý kiến nhiều nhất là người dân địa phương thì có thể sẽ bị bỏ qua. Do đó, cần nghiên cứu lại quy định này theo hướng: Phạm vi hỏi ý kiến là chính quyền (cấp xã, huyện, tỉnh) và đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trong phạm vi 500m tính từ hai bên bờ sông và trong phạm vi 10km xuôi xuống hạ lưu và 5km ngược lên thượng lưu tính từ địa điểm khai thác, cách bờ sông 500m trở lại (cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân đối các con số khoảng cách). Phương pháp quy định này bảo đảm rằng việc lấy ý kiến tiếp cận tốt nhất đến các đối tượng chịu tác động của hoạt động khai thác khoáng sản.

  1. Công khai, minh bạch thông tin về khai thác cát sỏi lòng sông và nạo vét đường thủy

Hiện nay, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng khó quản lý lòng sông, bờ bãi là do các thông tin cần thiết chưa được minh bạch, chưa có cơ chế giám sát từ phía người dân. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định như sau:

  • Các quyết định cấp phép khai thác, quyết định thực hiện dự án nạo vét đường thủy phải được thông báo công khai đến người dân địa phương trước khi bắt đầu thực hiện dự án, bao gồm các thông tin về đơn vị thực hiện, thời gian, địa điểm thực hiện dự án, số hiệu của phương tiện thủy nội địa được sử dụng, khối lượng khai thác/nạo vét, địa điểm tập kết và các thông tin khác có liên quan để người dân chủ động giám sát.
  • Các phương tiện khai thác, nạo vét phải được sơn số đăng kiểm to, rõ ràng ở tất cả các phía trên thành tàu, trên vỏ ở vị trí dễ nhìn, khi hoạt động vào buổi tối phải có đèn chiếu sáng số đăng kiểm…

Các quy định như vậy sẽ giúp người dân nhanh chóng phát hiện tàu khai thác trái phép, tàu lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát sỏi. Với sự phát triển phổ biến của điện thoại di động thông minh hiện nay, người dân sẽ dễ dàng ghi âm, ghi hình các hành vi vi phạm và dùng làm chứng cứ để tố cáo với cơ quan chức năng.

  1. Một số vấn đề cần loại bỏ khỏi Dự thảo
  • Khai thác cát sỏi tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi

Hiện nay, việc khai thác cát sỏi tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi chưa có phản ánh gây hậu quả. Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có các đơn vị quản lý vận hành. Các đơn vị này có lợi ích liên quan để tự kiểm soát hoạt động khai thác cát sỏi trên công trình của mình. Do đó, việc đưa nội dung này vào Dự thảo là không cần thiết.

  • Hoạt động xây dựng công trình thủy (cầu, cảng sông, bến tàu, phà tiếp nhận tàu)

Việc xây dựng các công trình thủy cũng ít bị phản ánh về tác động môi trường, sinh thái. Đây cũng thường là các dự án được Nhà nước quy hoạch, thẩm định cho từng dự án và đều đã phải thực hiện các nghĩa vụ môi trường (đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường). Do đó, việc bổ sung quy định tại Điều 16 tạo gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết.

  1. Thủ tục hành chính

Từ Điều 17 đến Điều 20 của Dự thảo quy định về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết và trái với các quy định của pháp luật.

  • Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không cho phép ban hành các thủ tục hành chính mới ở cấp Thông tư. Do đó, việc ban hành thêm thủ tục hành chính mới này là không hợp pháp
  • Thứ hai, hiện nay, đã có đủ các thủ tục hành chính để kiểm soát các hoạt động trên. Ví dụ, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản (Luật Khoáng sản); thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường); thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư (Luật Đầu tư), hay thủ tục phê duyệt dự án nạo vét đường thủy (Thông tư 69/2015/TT-BGTVT)

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung thủ tục hành chính mới. Những tiêu chí, quy định khác của Dự thảo sẽ được bảo đảm thực thi thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và tiêu chí chấp thuận của các thủ tục hành chính khác.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Dự thảo Thông tư về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.