VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Điều 24.4 Nghị định 82/2018/NĐ-CP về thuế trong khu công nghiệp, khu kinh tế
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
Kính gửi: Vụ Khoa học Công nghệ – Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 994/BGTVT-KHCN ngày 29/01/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (sau đây gọi là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Nghĩa vụ thông báo và báo cáo của đăng kiểm viên thực tập
Điều 5.1 của Dự thảo quy định nghĩa vụ của đăng kiểm viên thực tập phải “thông báo thời gian, đơn vị thực hành kiểm định xe cơ giới và thông báo khi có thay đổi về đơn vị đăng kiểm về Cục Đăng kiểm Việt Nam”. Điều 5.3 của Dự thảo quy định nghĩa vụ của đăng kiểm viên thực tập phải “lập báo cáo thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới và gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này”
Đây là hai thủ tục hành chính đã được bổ sung thêm vào Dự thảo Thông tư, trong khi Nghị định 139 không có quy định về các thủ tục hành chính này. Theo Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Quy định thủ tục hành chính trong thông tư…, trừ trường hợp được giao trong luật.” Theo rà soát của VCCI thì hai thủ tục hành chính này không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ cũng như Nghị định 139.
Hơn nữa, khi xin giấy chứng nhận đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập đã phải nộp “Văn bản xác nhận thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm”. Do đó, việc yêu cầu đăng kiểm viên thực tập phải báo cáo hoặc thông báo trong quá trình thực tập là không cần thiết.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ hai nghĩa vụ này trong dự thảo.
- Triển khai xây dựng đơn vị đăng kiểm
Điều 13 của Dự thảo quy định trước khi xây dựng đơn vị đăng kiểm thì tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải thông báo với Cục đăng kiểm về vị trí và thời gian xây dựng, sau đó phải đợi Cục Đăng kiểm thông báo mã số đơn vị và phải thông báo cho Cục khi có sự thay đổi thông tin đã thông báo. Đây là một thủ tục hành chính mang tính giấy phép con. Thủ tục này không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ cũng như Nghị định 139. Như vậy, quy định này đã vi phạm Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hơn nữa, Điều 13.1.a lại yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo cả về nguồn gốc, mục đích sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật. Quy định này dẫn đến việc Cục Đăng kiểm sẽ giám sát cả vấn đề quản lý đất đai của doanh nghiệp. Việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý đất đai, chứ không thuộc thẩm quyền của Cục Đăng kiểm. Dự thảo cũng không có quy định về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính này, không đáp ứng các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 92/2017/NĐ-CP).
Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ thủ tục hành chính quy định tại Điều 13 của Dự thảo. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo đúng Điều 8 của Nghị định 139. Việc cấp mã số cho đơn vị đăng kiểm được thực hiện khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.