VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử
Kính gửi: Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 460/BTC-TT của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Thí điểm hoá đơn khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế
Điều 7.3 của Dự thảo quy định sẽ thí điểm hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế (tương tự như Điều 12.5 của Nghị định 119). Tuy nhiên, Điều 12.7 của Nghị định 119 giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoá đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế. Đây cũng là nội dung được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, trong khi quy định của dự thảo lại chưa rõ ràng. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ luôn về phạm vi, lộ trình và nội dung thí điểm trong Thông tư này.
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử (Điều 8)
Điều 8.2 của Dự thảo quy định: “Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”. Quy định này phù hợp với Nghị định 119, tuy nhiên sẽ có một số trường hợp gặp khó khăn.
Ví dụ, trường hợp hàng hoá xuất kho được thuê vận chuyển đến cho người mua. Người bán sẽ buộc phải lập hoá đơn khi giao hàng cho người vận chuyển (để người vận chuyển có hoá đơn mang trên đường) mặc dù khi đó hàng hoá chưa được chuyển quyền sở hữu hay quyền sử dụng cho người mua.
Ví dụ, trường hợp hàng hoá cho phép dùng thử thì thời điểm chuyển quyền sử dụng là khi bắt đầu dùng thử, nhưng thời điểm chuyển giao sở hữu lại là khi kết thúc dùng thử và đồng ý mua hàng. Khi đó, sẽ rất khó xác định thời điểm lập hoá đơn như thế nào cho phù hợp
Theo quy định của pháp luật dân sự, thời điểm chuyển sở hữu hoặc quyền sử dụng là thời điểm giao tài sản hoặc thời điểm hoàn thành đăng ký tài sản hoặc cũng có thể do các bên thoả thuận. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo hướng dẫn chi tiết hơn về thời điểm lập hoá đơn với một số trường hợp thường phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hoá như giao hàng qua người vận chuyển; mua bán hàng hoá có lắp đặt, chạy thử, hướng dẫn sử dụng; mua bán hàng hoá là bất động sản phải đăng ký; mua bán hàng hoá là bất động sản không phải đăng ký; mua bán hàng hoá trả chậm, trả dần; mua bán hàng hoá có cho dùng thử; mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá; mua bán hàng hoá là quyền tài sản (như quyền sở hữu trí tuệ, quyền đòi nợ)…
Điều 8.9 của Dự thảo lại giao cho Cục trưởng Cục thuế hướng dẫn về thời điểm lập hoá đơn khác. Quy định như vậy là không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Cục thuế không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Nghị định 119 đã uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thời điểm lập hoá đơn điện tử, nên Thông tư này không được uỷ quyền tiếp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 8.9 của Dự thảo. Trong trường hợp cần thiết hướng dẫn thêm thì quy định luôn trong Thông tư này.
- Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Điều 10 của Dự thảo quy định các trường hợp doanh nghiệp được sử dụng hoá đơn không có mã của cơ quan thuế và doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn có mã của cơ quan thuế. Tuy nhiên, biện pháp phân loại này chưa thực sự rõ ràng và có thể dẫn đến khó khăn khi triển khai thực tế. Một số vướng mắc có thể phát sinh như sau:
- Doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực được sử dụng hoá đơn không có mã và lĩnh vực phải sử dụng hoá đơn có mã.
- Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực được sử dụng hoá đơn không có mã, nhưng phát sinh một số giao dịch thanh lý tài sản ngoài lĩnh vực kinh doanh chính cần có hoá đơn cho người mua
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc hướng dẫn những trường hợp này.
- Ngừng sử dụng hoá đơn điện tử
Điều 13.1.đ của Dự thảo quy định việc ngừng sử dụng hoá đơn điện tử đối với trường hợp doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn nhưng có dấu hiệu theo tiêu chí rủi ro và đã được yêu cầu giải trình nhưng không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu. Việc ngừng sử dụng hoá đơn được coi là biện pháp mạnh, bởi biện pháp này sẽ khiến doanh nghiệp không thể xuất hoá đơn cho khách hàng. Trước nay, biện pháp này chỉ được áp dụng trong trường hợp cưỡng chế nợ thuế, tức là doanh nghiệp đã có vi phạm về thuế, đã có quyết định xử phạt mà không chấp hành, cần cưỡng chế. Trong khi đó, việc cơ quan thuế yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu cho hoạt động đánh giá rủi ro, mà chưa có quyết định xử phạt cũng như cưỡng chế thì có thể coi là một vi phạm ít nghiêm trọng hơn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ Điều 13.1.đ của Dự thảo. Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu hợp tác trong việc cung cấp thông tin để đánh giá rủi ro thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính, và chỉ khi doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt thì mới tính đến phương án ngừng sử dụng hoá đơn.
- Lập, cấp mã và gửi hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế
Điều 14 Dự thảo có quy định khá chi tiết, cụ thể về trình tự, các bước để lập và cấp mã hóa đơn của hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về thời gian để hoàn thành quy trình lập và cấp mã hóa đơn. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này, để đảm bảo tính minh bạch trong quy trình và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
- Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế
Tại các khoản 2 và 5 của Điều 19 Dự thảo quy định: “Trường hợp người bán có website thì sau khi gửi người mua và cơ quan thuế, người bán đăng tải thông tin hóa đơn trên website của người bán.” Không rõ đây là một quy định bắt buộc (có chế tài đi kèm) hay chỉ mang tính khuyến nghị? Nếu là quy định bắt buộc, có thể gây ra tác dụng ngược, khiến các doanh nghiệp giảm động lực lập và sử dụng website, trong khi đây lại là một hoạt động rất đáng được khuyến khích. Hơn nữa, thông tin về khách hàng, về giao dịch mua bán cũng như giá cả, doanh thu thường là các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan thuế có trách nhiệm bảo đảm các bí mật thông tin của doanh nghiệp đã cung cấp cho cơ quan thuế vì mục đích quản lý thuế. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải đưa thông tin lên website sẽ vi phạm các nguyên tắc bảo mật, doanh nghiệp sẽ không chấp hành. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý thuế và không đảm bảo tính hiệu quả của chính sách. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Tra cứu thông tin về tem, tem điện tử thuốc lá hoặc tem rượu
Điều 35 của Dự thảo quy định người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên tem để tra cứu thông tin về sản phẩm rượu và thuốc lá gồm: (1) ký hiệu tem; (2) số thứ tự con tem; (3) người dán tem; (4) ngày dán tem; (5) loại bao thuốc lá hoặc chai rượu được dán tem. Đây là những thông tin rất cần thiết để người tiêu dùng có thể nhận biết, chống nạn hàng giả trên thị trường. Tuy nhiên, đề có thể tăng cường hiệu quả chống hàng giả, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định thêm thông tin về ngày xuất hàng và các đơn vị phân phối nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử
Khi áp dụng hoá đơn điện tử sẽ nảy sinh ra một ngành nghề đầu tư kinh doanh mới là dịch vụ hoá đơn điện tử. Đây là một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bởi doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trong Nghị định 119 thì mới được kinh doanh cung cấp dịch vụ này. Theo quy định của Luật Đầu tư, một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải được liệt kê trong danh mục tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư và các điều kiện kinh doanh cụ thể phải được thể hiện ở cấp nghị định trở lên, không được quy định trong các thông tư.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư và đã có dự thảo ban đầu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung ngành nghề cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử vào Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Thêm vào đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định mang tính điều kiện kinh doanh ra khỏi Dự thảo Thông tư.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.