VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích

Thứ Năm 09:41 31-08-2017

Kính gửi: Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1190/BTTTT-BC của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 11/4/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

  1. Về chất lượng dịch vụ

Khoản 1 Điều 12 Quyết định 45/2016/QĐ-TTg quy định “Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích được thực hiện phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và mức giá cước do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định”.

Hiện tại, các hoạt động bưu chính công ích đang thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2015/BTTTT[1], trong đó quy định khá chi tiết về một số chỉ tiêu chất lượng (thời gian toàn trình, độ an toàn).

Điều 4, 5 Dự thảo quy định về chỉ tiêu chất lượng dịch vụ của bưu chính công ích trong đó có một số chỉ tiêu chưa thống nhất với QCVN 01:2015/BTTTT (ví dụ: thời gian toàn trình liên tỉnh trong Quy chuẩn là J + 6, trong Dự thảo là J + ¾; độ an toàn trong Quy chuẩn là 70%, trong Dự thảo là 100%). Điều này vừa chưa thống nhất với tinh thần của các quy định tại Quyết định 45/2016/QĐ-TTg vừa xảy ra trường hợp, doanh nghiệp sẽ không biết phải áp dụng quy định tại Thông tư này hay là QCVN 01:2015/BTTTT? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định chi tiết về các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ quy định tại Điều 4, 5 Dự thảo và dẫn chiếu tới quy định tại QCVN 01:2015/BTTTT.

 

 

  1. Về Phiếu gửi hồ sơ (Điều 7)

Theo quy định từ khoản 3 đến khoản 5 Điều 7 Dự thảo thì Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phải thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu gửi hồ sơ trước khi áp dụng (gửi báo cáo tới Bộ Thông tin và Truyền thông và phải được Bộ chấp thuận mẫu mới được phép áp dụng). Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này ở các góc độ sau:

  • Về tính thống nhất: Theo quy định tại Quyết định 45 thì Phiếu gửi hồ sơ do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phát hành, có nghĩa doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc quy định nội dung cũng như hình thức của Phiếu gửi hồ sơ này. Dự thảo quy định theo hướng, mẫu Phiếu phải được xét duyệt trước khi áp dụng là chưa thống nhất với tinh thần của Quyết định 45;
  • Về tính hợp lý: Phiếu gửi hồ sơ đang được xem xét là “hợp đồng giao kết” giữa doanh nghiệp bưu chính với người sử dụng dịch vụ (khoản 1 Điều 7 Dự thảo). Các nội dung hợp đồng sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, do đó xét về bản chất của hợp đồng thì việc Nhà nước phê duyệt loại văn bản này trước khi các bên được áp dụng là chưa phù hợp.

Mặt khác, hiện nay đã có các quy định về chất lượng dịch vụ, giá cước về loại thủ tục này. Nếu lo ngại về việc các nội dung hợp đồng không phù hợp với quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ là không cần thiết. Bởi vì, trong trường hợp các điều khoản trong hợp đồng trái với quy định về giá cước hay chất lượng dịch vụ đã được quy định trong văn bản pháp luật thì những điều khoản này sẽ không có hiệu lực và các quy định trong văn bản pháp luật sẽ đương nhiên được áp dụng.

  • Về tính minh bạch: Điều 7 Dự thảo không có quy định về tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận/từ chối Phiếu gửi hồ sơ, điều này khiến cho thủ tục hành chính trở lên thiếu minh bạch và tạo dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các quy định về việc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phải thực hiện báo cáo và xin chấp thuận Phiếu gửi hồ sơ, tức bỏ quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 7 Dự thảo.

  1. Về báo cáo

Điều 12 Dự thảo quy định về nghĩa vụ báo cáo quý, 6 tháng, năm, đột xuất của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Bưu điện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình cung ứng dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả.

Quy định này dường như là chưa phù hợp, bởi Quyết định 45 không quy định về nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

Trong trường hợp giải trình được về tính pháp lý và cần thiết của quy định này, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định báo cáo theo hướng: Báo cáo định kỳ theo năm thay vì theo quý, 6 tháng và đột xuất như thiết kế tại Dự thảo và cho phép doanh nghiệp báo cáo bằng phương thức điện tử, để giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình sửa đổi nội dung Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.

[1] Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí