VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 389/ĐTĐL-QHCP của Bộ Công Thương ngày 13/04/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Giấy phép xuất nhập khẩu điện
So với Thông tư 10/2015/TT-BCT, Dự thảo bỏ quy định về thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu điện. Tuy nhiên, các điều kiện để được cấp Giấy phép xuất, nhập khẩu điện tại Điều 34 của Nghị định 137/2013/NĐ-CP vẫn có hiệu lực. Không rõ Cơ quan soạn thảo dự định xử lý vấn đề này như thế nào trong khi Điều 28.1 của Luật Điện lực quy định: “Việc mua bán điện với nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực.” Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ lý do loại bỏ quy định về cấp giấy phép xuất nhập khẩu điện trong Dự thảo.
- Thành phần hồ sơ
Về nguyên tắc, thành phần hồ sơ là tài liệu để chứng minh người đề nghị cấp phép có đủ điều kiện theo quy định. Vì vậy, thành phần hồ sơ phải tương ứng với các điều kiện và không được yêu cầu thành phần hồ sơ vượt quá so với các điều kiện (nhưng có thể yêu cầu thành phần hồ sơ ít hơn, trong những trường hợp hậu kiểm). So sánh các quy định về thành phần hồ sơ tại Dự thảo so với các điều kiện cấp phép quy định tại Nghị định 137 có một số trường hợp yêu cầu hồ sơ nhiều hơn. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ các thành phần hồ sơ vượt quá yêu cầu của Nghị định 137, như một số quy định sau:
- Điều 9. 3 của Dự thảo về hồ sơ cấp giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực yêu cầu phải có danh sách trích ngang của cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn, bản sao bằng tốt nghiệp và chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, Nghị định 137 chỉ yêu cầu điều kiện năng lực của chuyên gia tư vấn mà không yêu cầu đối với cán bộ quản lý. Tương tự, Nghị định 137 cũng chỉ yêu cầu chuyên gia phải tốt nghiệp đại học, chứ không yêu cầu các chứng chỉ hành nghề.
- Điều 10.4 của Dự thảo yêu cầu danh sách trích ngang của đội ngũ trưởng ca trong khi Nghị định 137 chỉ yêu cầu đối với người trực tiếp quản lý kỹ thuật mà không yêu cầu đối với trưởng ca.
- Điều 10.7 yêu cầu phải có hợp đồng mua bán điện thì mới được cấp phép sản xuất điện, trong khi Nghị định 137 không yêu cầu điều này. Hơn nữa, việc yêu cầu hợp đồng mua bán điện cũng không cần thiết, vì giấy phép sản xuất điện được cấp nhằm bảo đảm nhà máy phát điện đó an toàn, đáp ứng điều kiện kỹ thuật. Còn việc mua bán điện là vấn đề của thị trường, Nhà nước không nên can thiệp.
- Điều 10.11 yêu cầu cơ sở phát điện phải nộp bản sao quy trình phối hợp vận hành nhà máy phát điện với đơn vị điều độ hệ thống điện khi xin giấy phép. Trong khi đó, Nghị định 137 không yêu cầu điều kiện này đối với các cơ sở phát điện.
- Điều 10.13 yêu cầu cơ sở phát điện phải có biên bản nghiệm thu tuyến năng lượng khi xin cấp phép. Tuy nhiên, Nghị định 137 không yêu cầu điều kiện này để được cấp phép.
- Điều 11. 4 yêu cầu đơn vị xin phép truyền tải, phân phối điện phải có danh mục các hạng mục công trình lưới điện chính do tổ chức đang quản lý, vận hành, trong khi Nghị định 137 không coi đây là một yêu cầu trong các điều kiện để được cấp phép.
- Điều 11.6 yêu cầu đơn vị xin phép truyền tải, phân phối điện phải có bản sao thỏa thuận đấu nối hoặc hợp đồng đấu nối trong khi Nghị định 137 không yêu cầu điều này.
- Điều 11.7 yêu cầu đơn vị xin phép truyền tải, phân phối phải có bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động trong khi Nghị định 137 không yêu cầu điều này.
- Mẫu giấy phép
Các phụ lục của Nghị định hiện đang quy định về mẫu giấy phép với nhiều nội dung đi kèm là các nghĩa vụ của doanh nghiệp về đất đai, môi trường, tài chính, nghĩa vụ báo cáo, cấp lại, gia hạn giấy phép… Việc thể hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phần biểu mẫu văn bản thay vì trong phần nội dung chính của văn bản quy phạm pháp luật là chưa phù hợp, làm giảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật. Hơn nữa, nhiều nghĩa vụ được thể hiện trong các mẫu văn bản này lại không thống nhất, hoặc mở rộng hơn các nghĩa vụ đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác, ví dụ: nghĩa vụ lưu giữ tài liệu, nghĩa vụ báo cáo, nghĩa vụ lập kế hoạch đầu tư phát triển, thậm chí quy định cả những hành vi bị cấm…
VCCI cho rằng, việc thể hiện lại các nội dung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong mẫu văn bản cấp phép có thể có tác dụng nhắc nhở doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các nội dung này phải hoàn toàn thống nhất với những nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác và phải ghi rõ dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật đó để tiện cho doanh nghiệp trong việc tra cứu khi pháp luật thay đổi. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát, sửa đổi các phần phụ lục của giấy phép theo hướng thống nhất và có dẫn chiếu đến những văn bản quy phạm pháp luật.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.