Tổng hợp các văn bản góp ý kiến sửa đổi dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV của các doanh nghiệp thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư Quy định về việc vận chuyển hàng hóa trên đường sắt quốc gia và Thông tư quy định về việc vận chuyển hành khách, hành lý bao gửi trên đường sắt quốc gia
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế
http://vibonline.com.vn/Duthao/1592/Du-thao-thong-tu-huong-dan-ap-dung-quan-ly-rui-ro-trong-quan-ly-thue.aspx/
Kính gửi: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được công văn số 4075/TCT-TTr ngày 19/09/2014 của Tổng cục Thuế về việc góp ý Dự thảo Thông tư quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Đây là vấn đề mới, dự kiến sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp và những người nộp thuế khác. Trong điều kiện hạn chế về thời gian và nguồn lực, chưa tổ chức được các hoạt động lấy ý kiến của doanh nghiệp rộng rãi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:
I. Quan điểm tiếp cận
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế là chủ trương hợp lý đã được Quốc hội thông qua tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế năm 2012. Quy định này sẽ giúp đạt được một số mục tiêu chính sách như sau:
- Giảm gánh nặng kiểm tra, thanh tra cho các cơ quan thuế (bao gồm cả kiểm tra, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuế, và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nghĩa vụ thuế). Giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào những biện pháp, hoạt động mang lại hiệu quả đầu ra cao nhất.
- Giảm sự phiền hà về thủ tục, thời gian và chi phí cho những người nộp thuế chấp hành tốt nghĩa vụ và cũng tạo động lực tuân thủ cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý rủi ro, VCCI nhận thấy một số quan điểm cần được làm rõ từ đầu để phục vụ cho công tác xây dựng các quy định cụ thể:
- Quản lý rủi ro giúp tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, nhưng chi phí của việc thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro cũng cần được tính đến để đảm bảo hiệu quả cuối cùng.
- Việc thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin về người nộp thuế cần đảm bảo không xâm phạm các bí mật cá nhân, quyền riêng tư của người nộp thuế.
- Diện thông tin thu thập, biện pháp xử lý thông tin và kết quả đầu ra của quá trình quản lý rủi ro cần được quy định rõ ràng và minh bạch. Như vậy, người nộp thuế sẽ có thêm động lực chấp hành nếu biết rõ các tiêu chí phân nhóm và biện pháp áp dụng cho từng nhóm cụ thể.
II. Các ý kiến cụ thể
1. Các nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 4)
VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một số nguyên tắc sau đây của việc quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
- Việc thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin về quản lý rủi ro trong quản lý thuế phải đảm bảo phù hợp với pháp luật về bí mật nhà nước và bảo vệ quyền bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức
Nguyên tắc này cần được đưa vào để đảm bảo rằng việc quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ không xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức. Điều này nhằm tránh việc sử dụng các thông tin riêng tư của cá nhân, tổ chức vào các mục đích khác, không phải mục đích quản lý rủi ro.
- Phương pháp thu thập, xử lý, tiêu chí quản lý rủi ro phải được công khai
Quy định này có ý nghĩa giúp toàn bộ quá trình quản lý rủi ro trở nên minh bạch, giúp các chủ thể nộp thuế có định hướng phấn đấu nhằm được liệt kê vào diện tuân thủ tốt hơn hoặc rủi ro thấp hơn.
- Việc áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác chỉ được dựa trên kết quả quản lý rủi ro. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác vượt quá mức rủi ro tương ứng của người nộp thuế.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiện tượng cán bộ thuế sử dụng các biện pháp kiểm tra, thanh tra để gây khó dễ cho doanh nghiệp nhằm trục lợi vẫn diễn ra. Kể cả trong trường hợp không có vi phạm nhưng việc bị kiểm tra, thanh tra quá mức cũng sẽ gây khó khăn, thiệt hại và tốn kém cho doanh nghiệp. Bổ sung quy định này nhằm tránh hiện tượng trên.
- Đảm bảo công bằng trong việc thu thập, xử lý thông tin giữa những người nộp thuế
Khi thu thập thông tin về người nộp thuế, có thể nảy sinh tình trạng cơ quan quản lý thuế chỉ tập trung thu thập thông tin về người nộp thuế này mà không thu thập các thông tin tương tự của người nộp thuế khác. Khi đó, lượng thông tin có được về những người nộp thuế sẽ không tương xứng với nhau, gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
2. Về trình tự áp dụng quản lý rủi ro (Điều 5)
Điều 5 của Dự thảo hiện đang được xây dựng theo hướng: Cơ quan thuế sẽ thu thập, xử lý thông tin dữ liệu liên quan đến người nộp thuế trước rồi mới xây dựng bộ tiêu chí quản lý rủi ro sau. Quy tắc này không hợp lý bởi nếu chưa xây dựng bộ tiêu chí quản lý rủi ro thì cơ quan thuế sẽ không biết được diện thông tin mình cần thu thập và cũng không có cơ sở để xử lý dữ liệu. Do đó, VCCI đề nghị, đổi thứ tự của Khoản 1 và Khoản 2 tại Điều 5. Theo đó, cơ quan quản lý thuế sẽ xây dựng bộ tiêu chí trước rồi mới tiến hành thu thập thông tin và xử lý dữ liệu phù hợp với bộ tiêu chí đó.
3. Về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 6)
Về nguyên tắc, việc quản lý rủi ro trong quản lý thuế chỉ được sử dụng nhằm mục đích kiểm tra, thanh tra (bao gồm cả việc kiểm tra khi làm các thủ tục hành chính). Do đó, để làm rõ quy định, tránh hiểu lầm, VCCI đề nghị sửa đổi Điều 6 như sau:
“Cơ quan thuế áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này đối với:
1. Kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế;
2. Kiểm tra hồ sơ khai thuế;
3. Kiểm tra việc nộp thuế;
4. Kiểm tra các khoản nợ thuế;
5. Kiểm tra các trường hợp hoàn thuế;
6. Kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế;
7. Kiểm tra, thanh tra thuế tại cơ quan thuế và tại trụ sở người nộp thuế;
8. Giám sát thuế;
9. Hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.”
4. Về thu thập, xử lý thông tin (Điều 8)
Như đã phân tích ở trên, việc thu thập thông tin cần được quy định theo hướng đảm bảo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Ngoài ra, theo đánh giá của một số chuyên gia, với số lượng người nộp thuế lên đến hàng chục triệu thì lượng thông tin mà cơ quan thuế phải thu thập sẽ rất lớn và nguồn lực để thực hiện việc này không hề nhỏ. Do đó, bước đầu chỉ nên thu thập những thông tin liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thuế, không nên mở quá rộng. Cụ thể như sau:
- Về kết cấu của Điều 8. Hiện nay, khoản 1 và khoản 2 Điều 8 chưa được phân định rõ ràng, có nhiều nội dung trùng nhau. VCCI đề nghị xác định rõ: Khoản 1 tập trung quy định về những thông tin cần thu thập, Khoản 2 tập trung quy định về các nguồn tin như từ chính người nộp thuế, từ cơ sở dữ liệu quản lý thuế đã có sẵn, từ Hiệp hội ngành nghề...
- Tại Điều 8.1.a, khái niệm “hồ sơ pháp lý” của người nộp thuế là chưa rõ ràng, khái niệm này có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. VCCI đề nghị quy định rõ hồ sơ pháp lý gồm: tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại...
- Điều 8.1.d quy định thông tin đầu vào về “đăng ký và thực tế sử dụng lao động”. Tuy nhiên, thông tin này không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thuế. Hơn nữa, số lượng lao động của doanh nghiệp là con số thường xuyên biến động và sự khác biệt giữa số lượng lao động đăng ký và thực tế sử dụng là điều thường xuyên diễn ra. Do đó, VCCI đề nghị thay tiêu chí này bằng tiêu chí về việc “doanh nghiệp vi phạm các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động”.
- Điều 8.1.d quy định về “thông tin giao dịch qua ngân hàng”. Tuy nhiên, số lượng thông tin này rất lớn, cơ quan thuế không thể thu thập được hết mà chỉ có thể tập trung vào một số trường hợp cụ thể. Như vậy, quy định này không phù hợp với nguyên tắc về việc thu thập thông tin phải công bằng giữa những người nộp thuế. Việc thu thập thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một người nộp thuế cụ thể có thể được tiến hành khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế đó, chứ không nên được thực hiện đại trà. VCCI đề nghị, bỏ tiêu chí về “thông tin giao dịch qua ngân hàng”.
- Điều 8.1.d quy định về “vi phạm hành chính, hình sự khác”. Quy định này quá chung chung và có thể sẽ không liên quan trực tiếp đến quản lý thuế. Giả sử, một người nộp thuế vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ bị xử phạt hành chính, thì thông tin đó không có ý nghĩa trong việc quản lý rủi ro thuế và không cần phải thu thập. Do đó, VCCI đề nghị bỏ cụm từ “vi phạm hành chính, hình sự khác” mà thay vào đó cần quy định rõ các vi phạm pháp luật cần thu thập.
- Điều 8.1.đ, Điều 8.1.g, Điều 8.1.h, và Điều 8.1.i quy định về nguồn tin, chứ không phải là diện thông tin cần thu thập. VCCI đề nghị chuyển các quy định tại Điều 8.1.đ, 8.1.g, 8.1.h và 8.1.i xuống Khoản 2 của Điều này.
- Điều 8.1.e quy định về “thông tin từ đơn thư tố cáo trốn thuế, gian lận thuế”. Theo nguyên tắc, không ai bị coi là vi phạm pháp luật nếu chưa có bản án của tòa án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền khác. Do đó, các đơn thư tố cáo trốn thuế, gian lận thuế mà chưa có quyết định xử lý thì không nên được coi là căn cứ để đánh giá rủi ro. Hơn nữa, tại Điều 8.1.d đã quy định về thông tin “vi phạm pháp luật thuế” (sau khi có quyết định xử lý vi phạm) là đã đủ. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Điều 8.1.e.
- VCCI đề nghị bổ sung thêm vào Điều 8.1 các thông tin về quan hệ giữa những người nộp thuế có rủi ro cao. Ví dụ, một cá nhân đồng thời điều hành hai doanh nghiệp mà một trong số đó đã bị phát hiện vi phạm pháp luật về thuế, thì doanh nghiệp còn lại cũng cần được liệt vào diện nguy cơ cao. Hoặc một công ty mẹ có hành vi trốn thuế thì công ty con của nó cũng cần được coi là có rủi ro cao.
- Điều 8.2.b.4 của Dự thảo quy định về nguồn tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Nguồn tin này tiếp tục vi phạm nguyên tắc công bằng về thu thập thông tin giữa các chủ thể nộp thuế. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Điều 8.2.b.4.
5. Cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin (Điều 10, 11 và 12)
Việc phối hợp, trao đổi thông tin trong dự thảo được hiện được quy định theo hướng: Điều 10: với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính; Điều 11: với các cơ quan chức năng thuộc các Bộ, ngành khác; Điều 12: với nước ngoài. VCCI đề nghị nhập Điều 10 và Điều 11 thành “phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan nhà nước trong nước”, bởi việc phân chia các cơ quan nhà nước trong nước thành trong và ngoài Bộ Tài chính là không cần thiết.
VCCI đề nghị bổ sung một Điều về việc “thu thập thông tin từ các cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước”. Quy định này sẽ giúp cơ quan thuế có thêm cơ chế khi cần thu thập thông tin từ các tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp cần thiết.
6. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế (Điều 15)
Điều 15 quy định về việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế, nhưng lại không quy định về việc công khai và sử dụng kết quả đánh giá này.
- Về công khai. Dự thảo chưa quy định về việc công khai kết quả phân loại cho người nộp thuế nên người nộp thuế không được biết mình được đánh giá ở mức độ nào. VCCI đề nghị quy định rõ việc công khai kết quả đánh giá cho từng người nộp thuế. Từ đó, chính các doanh nghiệp sẽ biết được mình đang ở vào mức độ nào và sẽ có động lực phấn đấu hơn.
- Về sử dụng kết quả đánh giá. Dự thảo chưa quy định về việc các kết quả đánh giá này sẽ được sử dụng để làm gì. VCCI đề nghị bổ sung quy định về sử dụng kết quả đánh giá này vào Dự thảo.
7. Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro (Điều 16)
Tương tự như kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, Dự thảo chưa quy định về việc công khai kết quả xếp hạng mức độ rủi ro. VCCI đề nghị, bổ sung quy định về công khai kết quả này trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Điều 16.5.a.i của Dự thảo quy định về việc Tổng cục Thuế sẽ ban hành và áp dụng chỉ số đánh giá rủi ro theo từng thời kỳ. Quy định này là hợp lý, bởi các tiêu chí này thay đổi phụ thuộc vào thực tiễn quản lý và nguồn lực của cơ quan thuế. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định về việc công bố công khai các tiêu chí đánh giá này. VCCI đề nghị bổ sung thêm quy định về công bố công khai các tiêu chí đánh giá mà Tổng cục thuế ban hành. Điều này phù hợp với nguyên tắc “công khai phương pháp” và sẽ giúp người nộp thuế điều chỉnh hành vi của mình để có thể tuân thủ pháp luật tốt hơn.
8. Áp dụng quản lý rủi ro (Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 24)
Các Điều từ 19 đến 24 của Dự thảo quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động sau:
- Kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế
- Kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế
- Giải quyết hồ sơ hoàn thuế
- Lập danh sách người nộp thuế thuộc trường hợp kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế
- Xử lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế
- Quản lý việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn
Các điều này chưa thể hiện nguyên tắc: Việc thanh tra, kiểm tra và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác phải tương ứng chỉ được dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ và đánh giá mức độ rủi ro. Do đó, VCCI đề nghị bổ sung vào mỗi điều luật trên quy định: “Việc áp dụng biện pháp kiểm tra hồ sơ đăng ký thuế/kiểm tra hồ sơ khai thuế/giải quyết hồ sơ hoàn thuế/kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế/xử lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế/quản lý việc in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn chỉ được dựa trên kết quả quản lý rủi ro. Nghiêm cấm việc áp dụng biện pháp này vượt quá mức rủi ro tương ứng của người nộp thuế.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đóng góp cho Dự thảo Thông tư về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Kính mong Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn.