Tổng hợp các văn bản góp ý kiến sửa đổi dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV của các doanh nghiệp thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam

Thứ Ba 16:02 28-10-2014

Tổng hợp các văn bản góp ý kiến sửa đổi dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV của các doanh nghiệp thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam

( Kèm công văn số 21-2014/VIPA-VP ngày 1/8/2014 của Hội doanh nghiệp SX và KD thuốc BVTV Việt Nam)        

       1. Các doanh nghiệp thuốc BVTV Việt nam cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất kinh doanh thuốc BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp, nếu các điều, khoản trong dự thảo này được ban hành mà không được sửa đổi, bổ sung, thậm chí bãi bỏ một số điều không khả thi.  

    2.Chính phủ Việt Nam đang tích cực tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm các thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp. , nhưng dự thảo này lại đưa ra quá nhiều thủ tục , giấy tờ, biểu bảng phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo cơ hội cho việc lách luật và phát sinh những tiêu cực khác. Vì vậy, ban soạn thảo cần đặt mình vào vị trí của nông dân và doanh nghiệp để lường hết những khó khăn khi thực hiện thông tư này. Cần tránh tư tưởng thấy khó là cấm, bất chấp khó khăn của nông dân và doanh nghiệp.

 3.  Hiện nay khâu yếu nhất trong lĩnh vực thuốc BVTV mà dư luận đang có nhiều bức xúc và lo lắng là việc nhập lậu thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ cỏ, thuốc BVTV ngoài danh mục, việc lưu hành thuốc giả, thuốc nhái, cửa hàng buôn bán thuốc tràn lan, không đủ điều kiện, người bán thuốc thiếu chuyên môn nghiệp vụ, việc sử dụng thuốc BVTV của nhiều bà con nông dân còn rất tùy tiện,   và phụ thuộc phần lớn vào hướng dẫn sử dụng của cửa hàng, đại lý bán thuốc BVTV. Trình độ của các đại lý bán thuốc BVTV còn yếu kém, thường chạy theo lợi nhuận bất chấp hiệu quả xấu có thể xẩy ra. Trong khi đó, các cấp chính quyền từ tỉnh xuống đến huyện, xã dù đã được giao rất nhiều quyền hạn nhưng hầu như vẫn đứng ngoài cuộc đẩy hết cho ngành Bảo vệ thực vật đảm trách. Chính vì vậy thông tư này cần có những quy định thật cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhất là các đại lý bán thuốc BVTV và người sử dụng thuốc BVTV.

4.Trong luật BV và KDTV Điều 5 mục 3 có nêu: Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật được làm từ vật liệu dễ tái chế; tập huấn, phổ biến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng thuốc. Nhưng trong thông tư này chưa có quy định cụ thể và chi tiết để làm rõ chủ trương mà luật BV và KDTV đã nêu.

        5. Phạm vi áp dụng của thông tư này rất rộng rãi, không chỉ cho ngành BVTV mà còn cho các tổ chức, cơ quan không chuyên sâu về thuốc BVTV như  Hải quan, thuế, quản lý thị trường…nhưng trong thông tư này có nhiều đoạn văn trong thông tư còn chưa rõ nghĩa, khó hiểu. Điều đó sẽ gây ra hiện tượng các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thuốc BVTV ở  địa phương  sẽ hiểu và áp dụng các quy định một cách khác nhau, không thống nhất. Các doanh nghiệp thuốc BVTV đề nghị ban soạn thảo cần chỉnh sửa lại chi tiết các câu chữ trong thông tư để thể hiện sự thống nhất, rõ ràng, trong sáng, đễ hiểu.

     6. Hiện nay, hầu hết các loại thuốc BVTV đang sử dụng ở nước ta là nhập ngoại. Công nghiệp sản xuất thuốc BVTV ở Việt nam hầu như không có gì. Thực tế này gây nhiều hạn chế và thiệt hại cho ngành sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV ở Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài.  Việc nhập và gia công, sang chai, đóng gói thuốc rất bị động, khó hạn chế nhập lậu thuốc BVTV, gía cả thuốc tăng cao, phụ thuộc nhiều vào tỷ giá ngoại tệ. Các thủ tục đăng ký thuốc BVTV còn phức tạp, nhiều phiền hà, rắc rối...

    7. Trong thông tư này cần phải  làm rõ chủ trương xã hội hóa trong hoạt động sản xuất  và kinh doanh  thuốc BVTV, kể cả các dịch vụ cũng như khảo nghiệm,  kiểm định, huấn luyện, đào tạo, cấp giấy phép hành nghề... Lực lượng tham gia xã hội hoá là tổ chức xã hội  nghề nghiệp như Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, Hội KHKT - BVTV Việt Nam... và các đơn vị  có điều kiện.

    8. Cần bổ xung thêm danh mục các thuật ngữ thuốc BVTV để tránh những tranh cãi không cần thiết và cũng nhằm tránh sự hiểu lầm của các cơ quan có liên quan đến việc quản lý thuốc BVTV như Hải quan, thuế, quản lý thị trường, công an, chính quyền cơ sở…

   9. Phân bón và thuốc BVTV là những vật tư quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT, các nhà lãnh đạo cao cấp của chính phủ đã có những hoạt động tích cực, chủ động  gặp gỡ , giao lưu với các doanh nghiệp phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam rất vui mừng vì những hoạt động đó và cũng  xin  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sắp xếp thời gian để gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp thuốc BVTV. Tại buổi tiếp xúc này các doanh nghiệp thuốc BVTV sẽ trình bầy những vướng mắc, khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng sẽ giải đáp thắc mắc, giúp các doanh nghiệp thuốc BVTV tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

*

*        *

      Trên cơ sở những ý kiến chung như đã nêu ở phần trên, các doanh nghiệp thuốc BVTV chúng tôi đề nghị có sự xem xét, sửa đổi, bổ xung một số điều khoản cụ thể như sau:

       Điều 3. (6.2) Liên quan đến việc phân loại độ độc của thuốc trừ dịch hại theo GHS, các doanh nghiệp thuốc BVTV xin có ý kiến như sau:

     GHS là chữ viết tắt của Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals. Đây là một hệ thống phân loại với sự thỏa thuận có tính quốc tế được bảo trợ bởi Liên hợp Quốc. Nó có mục đích là thay thế các chuẩn về phân loại và ghi nhãn khác nhau của các Quốc gia vào một hệ thống mới có tính toàn cầu.

     Trước khi GHS được chấp thuận và thông qua bởi Liên Hiệp Quốc, đã có rất nhiều quy chế quản lý về phân loại độ độc giữa các nước khác nhau. Điều này đã gây ra những phức tạp về phân loại và ghi nhãn giữa các nước khác nhau, mặc dù hệ thống này là giống nhau hoặc tương tự. Vì vậy, để thuận lợi cho việc buôn bán Quốc tế hoặc giữa các nước láng giềng được thông suốt thì cần phải có một thỏa  thuận mang tính quốc tế. GHS có mục đích là thay thế các cách phân loại ở mỗi Quốc gia vào một hệ thống chung để các nước cùng thực hiện. Tuy nhiên, GHS không phải là một quy định có tính bắt buộc và nó cũng không phải quy chuẩn chung. Mục đích của GHS là bảo đảm nâng cao khả năng bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trong quá trình đóng gói, vận chuyển và sử dụng các hóa chất này.

     Việc chấp thuận GHS là mong muốn có sự tương đồng trong buôn bán hóa chất quốc tế nhằm xích lại gần nhau về luật lệ giữa các nước khác nhau trong việc phân cấp độ độc.  Mặc dù với mục đích xây dựng một bộ quy chuẩn chung nhưng GHS được thực hiện ở mỗi nước lại có những quy định riêng  mà không tuân theo GHS. Bởi vì ở mỗi nước có những cơ chế quản lý của riêng mình để phù hợp với điều kiện cụ thể của nước họ. Họ thấy không nhất thiết phải tuân thủ GHS. Ví dụ: Trung Quốc không chấp thuận việc phân loại độ độc 1a và 1b (trong bản Dự thảo lần thứ 4 của GHS) gây dị ứng cho đường hô hấp bởi vì Trung Quốc không phân loại nhóm độc 1. Tương tự như vậy với việc phân loại nhóm độc gây dị ứng trên da hay ngưỡng độ độc qua đường hô hấp ở nhóm 4-5 là 5.000ppm chứ không phải 2.000ppm của GHS. v.v…

  Trên cơ sở những thông tin như dã trình bầy ở phần trên, Các doanh nghiệp có một số ý kiến sau:

    -  GHS không phải là quy định có tính pháp lý và không phải là những chuẩn mực bắt buộc tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc phải thực hiện.

    -  GHS chỉ tập trung vào việc phân loại độ độc cho việc ghi nhãn các hóa chất nói chung và thuốc trừ dịch hại nói riêng. Cho nên sử dụng GHS vào quy trình đăng ký thuốc cần phải được xem xét lại một cách thận trọng vì mục đích của GHS chỉ đề cập đến 2 vấn đề chính là an toàn lao động và môi trường thông qua việc ghi nhãn hàng hóa. Việc đăng ký thuốc trừ dịch hại của chúng ta  cũng có vấn đề môi trường, vấn đề an toàn lao động, vấn đề sức khỏe con người và động vật máu nóng,…Tuy nhiên, trong đăng ký nó cũng có những tiêu chí riêng mà những tiêu chí này được WHO, FAO là những cơ quan của Liên Hiệp Quốc  phụ trách xây dựng từ lâu. Từ trước đến nay Việt Nam vẫn  làm theo WHO và FAO và  nếu Việt Nam áp dụng GHS  sẽ có lợi và hại  gì? 

     - Theo nguồn thông tin về số nước chấp thuận việc thực thi GHS cho thấy chủ yếu là các nước sản xuất nhiều hóa chất và dùng nó để xuất khẩu. Ví dụ như Trung Quốc vào những năm đầu thập kỷ 2000 đã là nước đứng thứ hai trên thế giới xuất khẩu thuốc trừ dịch hại (sau Mỹ).

    Chúng ta đều hiểu việc tham gia GHS là  đích  sắp tới để hội nhập , nhưng với điều kiện hiện nay của Việt Nam cho thấy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất nói chung và thuốc trừ dịch hại nói riêng còn rất yếu kém, khả năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, trình độ dân trí,.. cũng còn hạn chế. Nếu tham gia ngay vào GHS sẽ gây xáo trộn nhiều và ảnh hưởng lớn về tài chính cho doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

     -Nếu bắt buộc Việt Nam  phải theo GHS thì ban soạn thảo cũng cần bổ xung thêm phụ lục nhằm làm rõ khái niệm GHS, cách phân loại độ độc cấp tính theo GHS, sự khác nhau giữa phân loại độ độc theo GHS và WHO, FAO. Để tránh xáo trộn và gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và sản xuất cũng cần có lộ trình áp dụng GHS.

      Điều 3 Khoản 3. Nên bổ sung kích thước ô khảo nghiệm đối với đối với cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây cảnh và cây xanh đô thị. Diện tích ô khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng thường phụ thuộc vào loại dịch hại, cây trồng và thiết bị dùng để xử lý thuốc BVTV và có quy trình khảo nghiệm riêng, Vì vậy,  không cần ghi kích thước ô khảo nghiệm diện hẹp là 30 m2 và diện rộng là 300m2.

.

      Điều 5  Khoản 3

    Khi nhà sản xuất chấm dứt, thay đổi ủy quyền thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền không được kinh doanh sản phẩm của nhà sản xuất cũ và phải tìm nhà sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật khác cung cấp đầy đủ hồ sơ đăng ký lại. Việc tìm nhà sản xuất mới có đủ điều kiện là rất khó khăn. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu thay đổi quy định này sao cho các tổ chức, cá nhân trong nước không bị lệ thuộc vào tổ chức, cá nhân  ủy quyền.

       Đề nghị bỏ nội dung: “Được chấm dứt, thay đổi ủy quyền đứng tên đăng ký đối với các tổ chức, cá nhân được ủy quyền”. Vì nếu điều khoản này được thực thi, các công ty nước ngoài sẽ ép các doanh nghiệp trong nước về sản lượng tiêu thụ, ép giá. Doanh nghiệp trong nước sẽ bị lệ thuộc  nhiều vào các công ty  nước ngoài, khó phát triển nền công nghiệp thuốc BVTV trong nước. Bản thân các doanh nghiệp trong nước lúc nào cũng lo ngại về việc nhà sản xuất thay đổi thì doanh nghiệp trong nước mất đi tài sản kinh doanh, tạo cơ hội lũng đoạn cho các công ty nước ngoài và còn gây rất nhiều khó khăn khác cho doanh nghiệp trong nước.

   

    Điều 5, khoản 5, Mục b (5.5.b)

     Đề nghị bỏ nội dung “Chỉ được đăng ký 01 hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc Bảo vệ thực vật”.

      Chúng tôi cho rằng điều khoản này không thể hiện trong luật BVTV và  KDTV và trong các luật hiện hành của nước Việt Nam không quy định về điều khoản này cho tất cả các loại hình hàng hóa. 

      Thông thường cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng của nó có phản ứng khác nhau với từng hoá chất trừ dịch hại cũng như đối với từng dạng thuốc trừ dịch hại.   Công nghệ sản xuất khác nhau đòi hỏi phải có những chất phụ gia như: chất tăng sức căng bề mặt, chất tạo mùi, chất tạo màu, chất mang,…khác nhau. Tất cả sự khác biệt này cũng có tác động (xấu hay tích cực) đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Chính vì vậy mà người ta chỉ dùng mỗi dạng thuốc ở giai đoạn nhất định mà không được áp dụng chung cho tất cả các giai đoạn khác nhau của cây trồng. Ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng khác nhau người ta có thể sử dụng các hàm lượng khác nhau để phát huy được hiệu quả của thuốc trừ dịch hại mà không ảnh hưởng đến cây trồng.

     Thực tiễn đã chứng minh rằng cùng với một hàm lượng sử dụng cho một loại cây trồng ở giai đoạn non sẽ gây  ảnh hưởng đến cây trồng( lá xoăn lại, gióng cây không phát  triển,…) nhưng ở những giai đoạn sau cây vẫn phát triển bình thường mặc dù cũng sử dụng thuốc trừ dịch hại với liều lượng, hàm lượng như nhau. Một hàm lượng không thể đáp ứng được nhu cầu và lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Ví dụ: một loại thuốc đăng ký với hàm lượng 10% thì liều lượng dùng 400-500g (ml)/ha, nhưng khi hàm lượng 50% thì liều lượng dùng chỉ còn 80-100g(ml)/ha. Như vậy lượng thuốc sử dụng trên đồng ruộng sẽ giảm. Vì vậy nên sửa đổi điều khoản này theo hướng không hạn chế hàm lượng thuốc BVTV đăng ký.

        Điều 6, khoản 2. Trong khi các loại thuốc trừ dịch hại có độ độc nhóm I, II được đăng ký như thuốc khử trùng, thuốc trừ chuột, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, nhưng còn thuốc trừ tuyến trùng hại cây trồng thì sao? Như chúng ta đều biết tuyệt đại đa số thuốc hóa học trừ tuyến trùng đều có độ độc thuộc nhóm I hoặc II. Nếu những thuốc này không được đăng ký thì khi dịch tuyến trùng hại cây trồng xảy ra thì xử lý bằng cách nào? Đề nghị ban soạn thảo sửa đoạn văn trên như sau:” Những thuốc có độ độc nhóm I, II được đăng ký như thuốc khử trùng, thuốc trừ chuột, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc trừ tuyến trùng…”

         Điều 6, khoản điểm 3 d (6.3.c). Nên bỏ quy định cấm thuốc BVTV là hỗn hợp của các hoạt chất hóa học với sinh học. Do thuốc BVTV sinh học thường có phổ tác động hẹp và chỉ có hiệu lực trên một số dịch hại nhất định, vì vậy cần hỗn hợp thêm với thuốc hóa học để tăng phổ tác dụng và hiệu lực sinh học của thuốc. Trong nhiều trường hợp người ta bổ sung thêm các hoạt chất hóa học với hàm lượng nhỏ để  làm suy yếu các đối tượng dịch hại. Từ đó các chế phẩm sinh học sẽ có hiệu lực cao hơn.

     Trong các chương trình IPM đều khuyến cáo sử dụng hỗn hợp này khi phải tiến hành phòng trừ dịch hại.

Ở Anh nông dân và những người làm vườn thường được khuyến cáo hỗn hợp L.muscarium (Mycota) với Teflubenzuron để phòng trừ bướm trắng Trialeurodes vaporariorum. Hoạt chất chống lột xác trên trợ giúp cho nấm ký sinh một cách dễ dàng xâm nhập vào cơ thể sâu hại.

    Hỗn hợp B. bassiana (Naturalis-L) với Abamectin để trừ nhện 2 chấm Tetranychus urticae Koch. Hỗn hợp này đem lại hiệu quả diệt trừ ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của nhện. Trong khi Abamectin có tác dụng ở giai đoạn nhện trưởng thành và nhện non thì B. bassiana lại có hiệu lực ở giai đoạn nhện đẻ trứng. Như vậy hỗn hợp này làm giảm % trứng nở và giảm khả năng đẻ trứng của con cái.

     Hỗn hợp B. bassian (Naturalis-L) với Spinosad có hiệu lực cao đối với ruồi Sciarid và ruồi Scatella stagnalis  trong nhà kính.

     Hỗn hợp Pyrethrum (Pyrethrum 5EC) với B. bassian (Naturalis-L) cũng có tác dụng diệt trừ tốt với hai đối tượng trên.

   Ở Ấn Độ các loại virus gây bệnh cho côn trùng như nucleopolyhedrovirus (NPV) và granulovirus (GV) được coi là có tác dụng diệt được nhiều loại sâu hại. Các loại virus Helicoverpa armigera NPV (HaNPV), Spodoptera litura NPV (SLNPV) and S. exigua NPV (SeNPV) đã được thương mại hóa và sử dụng rộng rãi để diệt sâu xanh cà chua (Helicoverpa armigera), sâu xám (Spodoptera litura) and sâu xanh da láng (S. exigua). Đối với H. armigera hại đậu xanh tỷ lệ sâu chết cao nhất sau 72h và một tuần khi hỗn hợp Eldossulfan 0.035% với HaNPV 250 LE/ha. Trên cơ sở của những virus nay người ta có thể tạo ra những hỗn hợp  như sau: NPV + Fenvalerate (0.005%), NPV + Monocrotophos (0.035%), NPV + B.t. and HNPV + NSKE (Neem Seed Kernel Extract) 2.5%.

    Tóm lại, nhiều dẫn liệu cũng cho thấy việc hỗn hợp thuốc BVTV có hoạt chất hóa học với sinh học làm thay đổi phương thức tác động đến dịch hại, hạn chế tính kháng thuốc hóa học của dịch hại. Việc hỗn hợp này cũng làm hàm lượng của thuốc hóa học giảm xuống và lượng hoạt chất hóa học trong thành phẩm sẽ ít đi làm cho thành phẩm an toàn hơn. Nhờ đó, thuốc sinh học được sử dụng rộng rãi và số lượng tăng lên.

     Điều 6, khoản 3 điểm đ. Cấm thuốc bảo vệ thực vật hóa học là hỗn hợp từ 03 hoạt chất trở lên.

    Theo ý kiến chung của các nhà khoa học, doanh nghiệp, và nhiều người quan tâm đến lĩnh vực thuốc BVTV đều cho rằng không có cơ sở khoa học cấm việc sử dụng cũng như đăng ký, lưu thông thuốc BVTV hóa học có hỗn hợp từ 03 hoạt chất trở lên. Hơn thế nữa Luật BVTV và KDTV cũng không đề cập đến việc cấm.     

  

     Để minh chứng cho những ưu điểm cả về mặt kinh tế và hiệu quả kỹ thuật, chúng tôi cũng xin nêu ra đây một vài ví dụ: Trong thời điểm cây trồng có nhiều loại dịch hại xuất hiện cùng một lúc, việc không có hỗn hợp của nhiều hoạt chất có hiệu lực sinh học và cơ chế tác động khác nhau làm cho nông dân vẫn phải tự hỗn hợp các thuốc BVTV mà không tuân theo cơ sở khoa học và hướng dẫn cụ thể nào của các nhà sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến sai về liều lượng, tỷ lệ và thành phần phối trộn làm cho hiệu quả phòng trừ không cao và có thể làm tăng dư lượng thuốc trên đồng ruộng và nông sản. Nếu không tự phối trộn khi phun thì nông dân cũng sẽ phải phun nhiều lần với nhiều loại thành phẩm khác nhau để kiểm soát dịch hại làm tăng giá thành, công phun và lượng thuốc sử dụng trên đồng ruộng.

          Một ví dụ khác đối với thuốc trừ cỏ. Thông thường trên đồng ruộng có nhiều loại cỏ (cỏ hòa thảo, cỏ năn lác, cỏ lá rộng…). Các thuốc trừ cỏ mang tính chọn lọc rất cao, có cơ chế tác động chuyên biệt. Một loại hoạt chất chỉ có thể trừ được một hoặc một số loại cỏ nhất định. Cho nên, nông dân thường phải phun nhiều lần bằng nhiều loại hoạt chất khác nhau. Ngoài ra, cỏ cũng rất dễ gây nên hiện tượng kháng thuốc nếu như người nông dân chỉ phun một loại hoạt chất hoặc nhiều hoạt chất có cùng một cơ chế tác động. Vì vậy, sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ cỏ với cơ chế tác động khác nhau sẽ giúp giảm số lần phun, hạn chế tính kháng của cỏ và tăng hiệu quả trừ  được nhiều loại cỏ dại.

   

      Dựa vào những lập luận đã trình bầy ở phần trên, chúng tôi kiến nghị  nên cho phép đăng ký hỗn hợp 03 hoạt chất vì việc hỗn hợp các chất khác nhau là một giải pháp vừa có tính khoa học, vừa mang lại lợi ích về kỹ thuật và kinh tế và chưa xảy ra hiện tượng tiêu cực nào đối với hiệu quả sự dụng, đối với người và môi sinh.

       Điều 6, khoản 3 điểm i. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm độc cao với ong theo phân loại của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đăng ký sử dụng cho cây ăn quả;

      Chúng tôi đề nghị không cấm đăng ký trên cây ăn quả mà chỉ yêu cầu trên nhãn phải có cảnh báo nguy cơ độc với ong và khuyến cáo thời gian sử dụng thuốc nhằm hạn chế ảnh hưởng tới ong (Ví dụ: Thuốc độc với ong. Không phun thuốc ở những nơi có nhiều ong đang hoạt động hoặc cây đang trong giai đoạn ra hoa…) vì sử dụng thuốc BVTV vào thời điểm cây không ra hoa hay tại những vùng không có nhiều ong, hoạt động sẽ không làm ảnh hưởng đến quần thể ong. Hơn nữa không phải loại hoa nào cũng thu hút ong đến lấy mật. Vì vậy nếu có cảnh báo trên nhãn, sẽ giúp nông dân sử dụng thuốc an toàn, đúng nơi, đúng thời điểm tránh được những mối nguy hại cho ong.

         Điều 6, khoản 3 điểm k. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm độc mãn tính loại 1 với thuỷ sinh theo phân loại của GHS đăng ký sử dụng cho lúa.  Không nên dùng chỉ số độc mãn tính với thủy sinh để hạn chế việc đăng ký thuốc BVTV trên lúa mà chỉ sử dụng để  qui định ghi cảnh báo nguy cơ trên nhãn  và khuyến cáo sử dụng thuốc nhằm hạn chế ảnh hưởng tới thủy sinh (ví dụ: Thuốc độc với thủy sinh. Không phun thuốc trong ruộng có nuôi trồng thủy sản hoặc ở khu vực nuôi trồng thủy sản).

    Nguy cơ có thể gây độc mãn tính của thuốc BVTV đối với thủy sinh được đánh giá dựa trên cơ sở:

          Nguy cơ = Độ độc X Phơi nhiễm (*)

(*): là hiện tượng cá thể có tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV. Độc mãn tính chỉ có thể xảy ra khi cá thể tiếp xúc trực tiếp và liên tục với thuốc BVTV trong thời gian dài. Tuy nhiên vòng đời của các thủy sinh phổ biến tại các ruộng lúa chủ yếu là tôm, cá, cua, ốc… nhìn chung là ngắn (thường chỉ trong vòng 1năm).

       Tại các ruộng lúa không nuôi trồng thủy sản, các loại thủy sinh nếu có nguy cơ bị nhiễm thuốc BVTV chỉ trong trường hợp thuốc được phun trực tiếp vào nguồn nước (điều này không xảy ra, bởi vì thuốc chỉ được phun lên cây trồng và cỏ dại); hoặc thuốc bị rơi, vãi trong khi phun hay lưu dẫn trong cây xuống ruộng. Điều này có thể xảy ra nhưng với một lượng ít hoặc hàm lượng thuốc đã bị pha loãng đi rất nhiều.

      Theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, một số loại thuốc BVTV có thể có độ độc mãn tính cao với thủy sinh nhưng trên thực tế mối nguy này rất khó xảy ra vì nguy cơ phơi nhiễm thấp và vòng đời ngắn của cá thể thuỷ sinh. Vậy, rất ít các loại thuốc BVTV đang được sử dụng sẽ gây độc mãn tính cho thủy sinh nếu được sử dụng theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn và đánh giá theo vòng đời thực tế của cá thể. Phân loại độc mãn tính đối với thủy sinh nhằm mục đích ghi cảnh báo nguy cơ trên nhãn để giúp nhận biết những mối nguy có thể xảy ra đối với thủy sinh khi thuốc BVTV vận chuyển bằng đường biển gặp sự cố hoặc nếu thuốc được sử dụng sai mục đích ở những nơi có nuôi trồng thủy sản. 

      Điều 6, khoản 3, điểm n. Không đưa nội dung:” Chỉ được gia hạn 5 năm đối với thuốc BVTV có PHI  lớn hơn 7 ngày…” vì Luật BVTV và KDTV không có quy định về nội dung này. Cũng nên cho đăng ký thuốc BVTV nhóm IV cho cây ăn quả, chè, rau, bảo quản nông sản sau thu hoạch, không gây độc cho môi trường nhưng có  PHI từ 10 - 14 ngày.

     

        Điều 6, khoản 6 (6.6). Không được đăng ký thuốc BVTV có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các thuốc trong danh mục đã có 10 tên thương phẩm trở lên. Theo Luật BVTV và KDTV không quy dịnh điều khoản này. Luật thương mại cho phép các Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những mặt hàng nhà nước không cấm và được quyền tự do cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay có hơn 300 công ty kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV với nhiều tên thương phẩm khác nhau, cho nên nếu hạn chế chỉ 10 tên thương phẩm được đưa vào danh mục thì gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất nhiều, nhất là doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, sẽ gây ra tình trạng độc quyền sản phẩm, tạo lợi ích nhóm. Việc giới hạn 10 tên trong danh mục sẽ làm nông dân sẽ bị ép mua thuốc BVTV với giá cao, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao dẫn đến khó khăn cho việc cạnh tranh trong xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì những lý do đã nêu, chúng tôi đề nghị bỏ điều khoản này.

       Điều 9, khoản 4 (9.4). “Mỗi giấy phép khảo nghiệm cấp không quá 03 cây trồng, mỗi cây trồng không quá 03 đối tượng.” Quy định này mang tính áp đặt, không dựa vào cơ sở khoa học. Một hoạt chất trừ được nhiều đối tượng thì lượng sử dụng cũng chẳng khác nhiều với 2,3,4,… hoạt chất dùng để trừ từng ấy đối tượng. Vậy, tại sao mỗi giấy phép khảo nghiệm chỉ cấp không quá 03 cây trồng, mỗi cây trồng không quá 03 đối tượng?   Luật BVTV và  KDTV  cũng không có  quy định về nội dung này.  Chúng tôi đề nghị ban soạn thảo sửa đổi quy định này.

         Điều 10 Khoản 2 Mục c, d. Hồ sơ trình tự, thủ tục cấp giấy phép khảo nghiệm để đăng ký chính thức. Nên sửa lại mục c, d. Mục c, d chỉ nên áp dụng với các hoạt chất còn trong thời gian bảo hộ quyền phát minh sáng chế và không nên áp dụng đối với các loại thuốc đã hết thời gian bảo hộ (gọi là các loại thuốc thông dụng Generic). Quy định như bản thảo là không cần thiết trong quản lý thuốc trái lại nó gây nên rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp tạo sức ép về kinh tế và hoạt động tiêu cực đối với doanh nghiệp.

       Điều 10, khoản 2, điểm b (có nhiều trong hồ sơ thủ tục). Không đưa nội dung Giấy ủy quyền của nhà sản xuất là tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự quán tại nước sở tại vì Luật pháp Việt Nam không có quy định Lãnh sự quán tại nước sở tại có nhiệm vụ xác nhận vào Giấy uỷ quyền. Nếu buộc phải làm thủ tục này sẽ gây nhiều khó khăn, chi phí tốn kém  cho các Công ty thuốc BVTV.

         Điều 19: khoản 2 điểm e. Thực thi theo điều này sẽ gây khó khăn cho Doanh nghiệp, không được tự do trong hoạt động kinh doanh. Bởi vì các giấy ủy quyền của nhà máy cho các Doanh nghiệp Việt Nam có thời gian từ rất dài thậm chí 5 đến 10 năm, nhưng do một lý do nào đó trong hoạt động kinh doanh, nhà máy nước ngoài phải ngừng hoạt động hay chuyển kinh doanh sang ngành nghề khác thì việc xin giấy ủy quyền lại và hợp pháp hóa lãnh sự quán của nước đó là rất khó khăn, tốn kém. Đề nghị chỉnh sửa điều khoản này và nên bỏ giấy ủy quyền và giấy xác nhận của lãnh sự quán nước sở tại nhằm tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp trong nước phát triển. 

           Điều 20 (19.2.b). Hồ  sơ, trình tự, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp thay đổi nhà sản xuất. Nên bỏ bản chính giấy ủy quyền của nhà sản xuất (đối với trường hợp  ủy quyền đứng tên đăng ký). Giấy ủy quyền của nhà sản xuất là tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự quán tại nuớc sở tại. Trong luật BVTV và KDTV không có quy định này. Qui định mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước đã đứng tên ký, và doanh nghiệp mới được chuyển nhượng sẽ bị thiệt hại về quyền lợi kinh tế.  Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ chính qui định thủ tục của Việt Nam. Thủ tục giấy tờ như quy định này sẽ gây lãng phí ngoại tệ cho đất nước.

       Điều 50 mục 3. Thời gian 5 ngày để  thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép nhập khẩu thuốc BVTV là quá dài, sẽ làm tăng chi phí lưu hàng trong kho, bãi. Quy định này sẽ gây khó khăn cho việc cung ứng thuốc BVTV khi có dịch hại nặng xẩy ra. 

      Điều 80 khoản 2  Mục a (77.2.a). Đề nghị xem xét nội dung mục khoản này bởi vì cỡ chữ tối thiểu của nhãn là 8 font chữ Times New Roman và Font chữ 16 đối với tên thương phẩm và hàm lượng hoạt chất sẽ chiếm không gian rất nhiều nếu dùng cho các sản phẩm gói nhỏ, chai nhỏ sẽ không thể nào viết được đầy đủ tên thành phần.

Đề nghị cho các doanh nghiệp chủ động trong cỡ chữ, có những sản phẩm đóng gói 1g/gói (kích thước 4,8 x 8cm) và chai 10ml/chai thì việc yêu cầu cỡ chữ và font chữ như vậy sẽ  cần  nhiều diện tích và không thể ghi hết chữ được.

Điều kiện sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế, ruộng nương còn manh mún, để phục vụ bà con nông dân được tốt, thuận lợi trong sử dụng thì việc đóng gói vừa đủ để bà con nông dân phù hợp trong việc pha chế, phun thuốc thuận lợi là cần thiết. Yêu cầu cỡ chữ và font chữ như vậy doanh nghiệp sẽ tốn kém rất nhiều khoản chi phí, đẩy giá thành lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới tiền bạc của bà con nông dân. “Gây lãng phí cho xã hội”.

       Điều 84 khoản2 (81.2). Nhãn phụ phải được gắn chặt với từng bao gói thuốc bảo vệ thực vật để không bị tách rời trong quá trình lưu thông và sử dụng. Đối với những bao gói thuốc loại nhỏ, phải có đủ nhãn phụ cho từng đơn vị sản phẩm để cung cấp cho người mua hàng. 

    Theo ý kiến chúng tôi nên bỏ hoặc sửa quy định này vì không thể gắn chặt các nhãn phụ vào từng bao gói thuốc nhỏ.

       Điều 86. Cần bổ sung qui định đối với các tên thương phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì ghi theo đúng như đã được bảo hộ và nộp đơn bảo hộ kèm theo với hồ sơ xin đăng ký thuốc BVTV.

   Tên thương mại theo cách gọi thông thường được hiểu là nhãn hiệu (trade name). Theo Điều 785 Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”.

    Như vậy, doanh nghiệp không đơn thuần là viết tên thương mại của sản phẩm trên nhãn mà là thiết kế nhãn hiệu theo cách riêng để nhãn hiệu có được sự độc đáo, riêng biệt hoặc có khẳ năng phân biệt các sản phẩm doanh nghiệp mình với các sản phẩm của doanh nghiệp khác. Đối với các công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu, cách viết tên thương mại đã được thống nhất hóa trên toàn cầu để thể hiện tính đồng nhất cho nhãn hiệu cũng như khẳng định thương hiệu riêng của mình. Quan trọng hơn, thiết kế thương hiệu cũng đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ toàn cầu và có giá trị tại Việt Nam. Vì vậy, nếu tên thương mại được viết không theo đúng theo nhãn hiệu đã được bảo hộ là không tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và khi nhãn hiệu đó bị vi phạm trên thị trường, công ty không có quyền khiếu kiện.

         Điều 86, khoản 12, điểm a. Nhãn thuốc phải có hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, vạch màu quy định tại phụ lục 40 phù hợp với phân loại nguy hại thuốc BVTV. Phụ lục 40 đưa khá nhiều hình đồ cảnh báo về nguy hại,cở sở nào và cách thức nào để thể hiện toàn bộ thông tin này trên nhãn. Trong khi phụ luc 5 (mẫu giấy phép đăng ký) chỉ cung cấp một thông tin về loại độc cấp tính theo GHS

        Điều 93. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV. 

       Đề nghị thêm chữ “phường” sau chữ “xã” trong tất cả các câu trong điều này.

        Điều 101. Quy định chuyển tiếp Điều 101. Điều khoản chuyển tiếp

          Các sản phẩm đã được đăng ký trong danh mục của các doanh nghiệp là một tài sản vô hình và quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Nhưng theo  thông tư này thì một số tên thương phẩm sẽ bị loại khỏi danh mục. Đây là một vấn đề hệ trọng, gây thiệt hại tiền bạc của doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích, động viên các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vì chúng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục BVTV và ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa thông tư  sao cho đảm bảo sự hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước và lợi ích các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp trong nước. Vì những lý do này các doanh nghiệp thuốc BVTV  đề nghị :

        - Chỉ áp dụng đối với những đăng ký thuốc BVTV mới kể từ khi Thông tư có hiệu lực. Những thuốc BVTV đã có trong danh mục sẽ tiếp tục được gia hạn khi giấy chứng nhận đăng ký hết hạn.

        - Những thuốc BVTV đã có danh mục nhưng không may bị loại thì khi nộp hồ sơ tái đăng ký sẽ được cấp thêm một lần đăng ký nữa.

        - Những sản phẩm mới đã làm khảo nghiệm chờ ra tên trong thời gian tới sẽ được cấp giấy phép đăng ký tối thiểu 5 năm.

        - Những nhãn mác sẽ được lưu hành tối thiểu trong vòng 2 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực.

         Thời điểm cần có dấu hợp quy trên nhãn mác sản phẩm đã đến rất gần mà Cục BVTV vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị tiến hành. Doanh nghiệp và các Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị Cục BVTV thông báo cho các cơ quan quản lý có liên quan lùi thời gian thực hiện này lại thêm 2 năm nữa. Vì nếu thực hiện ngay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay nhiều công ty thuốc BVTV đã bị Quản lý thị trường ở một số Tỉnh kiểm tra và gây khó khăn cho việc kinh doanh.

      Phụ lục 3. TÀI LIỆU KỸ THUẬT THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

(Ban hành kèm theo Thông tư số     /201 /TT-BNNPTNT ngày    tháng    năm 2014

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

II. NHỮNG YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG TÀI LIỆU KỸ THUẬT

6. Độc tính của thuốc thành phẩm do phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP hoặc ISO thực hiện, có báo cáo thử nghiệm kèm theo.

      Theo chúng tôi được biết mọi quy chế từ thập niên 90 đến 2000 thường xây dựng trên cơ sở những khuyến cáo của FAO, WHO,.. trong thực tế thì cả WHO và GHS đều không có những đòi hỏi số liệu độ độc của thuốc thành phẩm (đơn hay hỗn hợp). Vì mục tiêu chính của họ là giảm số lượng động vật (chuột, chó, lợn, cá, chim,…) được sử dụng để làm thí nghiệm. Điều này rất cần thiết vì hiện nay trên thế giới dấy lên làn sóng phản đối việc sử dụng động vật làm thí nghiệm.

       Từ ngày 11/12/2004 EU đã cấm sử dụng động vật để thí nghiệm để phục vụ việc sản xuất mỹ phẩm.

       Thực tế hiện nay thì cả WHO và GHS đều không đòi hỏi số liệu độ độc của thuốc thành phẩm (đơn hay hỗn hợp). Vì vậy, cần phải bỏ yêu cầu “hồ sơ đăng ký phải có báo cáo số liệu đánh giá độc tính thuốc thành phẩm từ các cơ sở nghiên cứu đạt chuẩn GLP, ISO”.

      Còn một điều khó khăn nữa là chưa có phòng thí nghiệm nào ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GLP, ISO có thể thực hiện được việc đánh giá độ độc của các loại thuốc trừ dịch hại. Hơn nữa chi phí để xác định những chỉ tiêu này vô cùng lớn. Thiết nghĩ, các quy định được đặt ra một mặt phải dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng mặt khác cũng cần tính đến những chi phí mà các Doanh nghiệp phải chịu. Bởi vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đừng vì đặt ra những điều khoản có lợi cho mình mà  lại làm tăng những chi phí bất hợp lý cho các Doanh nghiệp.

 Xin chân thành cảm ơn ./.

Các văn bản liên quan