VCCI góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biểu đã quả sử dụng nhập khẩu để phá dỡ
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Kính gửi: Vụ Kế hoạch Tổng hợp – Bộ Khoa học và Công nghệ
Trả lời Công văn số 399/BKHCN-KHTH ngày 10/02/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của một số chuyên gia và doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Đối tượng áp dụng của cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (Điều 4.1)
Điều 4.1 của Dự thảo quy định đối tượng có thể được áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng phải có sản phẩm cuối cùng là một (hoặc nhiều hơn một) trong các loại sau: (a) Các sáng chế, giải pháp hữu ích; (b) Các loại giống mới (cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản); (c) Các loại vắc xin mới, chế phẩm mới; (d) Các dây chuyền công nghệ mới, các quy trình công nghệ sản xuất mới, mẫu máy, thiết bị mới, vật liệu mới; (e) Các bài báo đăng trên tạp chí ISI.
Trong khi đó, Điều 52.1 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định: “a) Khoán chi được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mục tiêu, nội dung, yêu cầu về sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí; b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã xác định được rõ tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng trên cơ sở thẩm định thuyết minh và dự toán kinh phí thì được áp dụng khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;”
Như vậy, bằng việc nêu luôn danh sách hạn chế các sản phẩm cuối cùng thay vì nêu tiêu chí để bất kỳ sản phẩm nào cứ thỏa mãn là được, Dự thảo đã thu hẹp một cách đáng kể phạm vi của các nhiệm vụ khoa học công nghệ được phép áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (chủ yếu chỉ bao gồm các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật và công nghệ). Điều này dẫn đến việc các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khác, đặc biệt là khoa học xã hội sẽ không được áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, trong khi nhiều nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội vẫn có thỏa mãn Điều 15.1 của Nghị định 95/2014/NĐ-CP.
Hơn nữa, để được áp dụng cơ chế khoán chi, nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã phải được thẩm định dự toán và tuyển chọn kỹ càng theo các tiêu chí quy định, do đó, việc hạn chế phạm vi theo Điều 4.1 là không cần thiết, đặt ra điều kiện mới mà các văn bản cấp cao hơn không quy định. Vì vây, đề nghị Ban Soạn thảo bỏ điều kiện nêu tại các điểm từ a đến đ cuả Điều 4.1 của Dự thảo.
2. Khoán chi đối với những nhiệm vụ khoa học, công nghệ thực hiện thường kỳ
Trên thực tế, có một số nhiệm vụ khoa học công nghệ được Nhà nước giao thực hiện thường niên, qua nhiều năm. Ví dụ, mỗi năm, Viện Phát triển doanh nghiệp của VCCI được ngân sách cấp 300 triệu đồng để xây dựng “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam” với tính chất là một nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Đối với những nhiệm vụ thường niên như vậy, các vấn đề về sản phẩm cuối cùng cũng như các hoạt động chi tiết của nhiệm vụ đã được xác định hết sức rõ ràng, bởi vậy nên cũng thỏa mãn các tiêu chí của Điều 52 Luật Khoa học và Công nghệ và Điều 15 của Nghị định 95/2014/NĐ-CP (quy định về tiêu chí của sản phẩm). Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với những nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc diện được giao thường kỳ chỉ cần đáp ứng thêm một số điều kiện như: đã thực hiện được ít nhất 2 lần; Sản phẩm và các nội dung của nhiệm vụ không có thay đổi lớn so với các lần tiến hành trước đó. Quy định như vậy sẽ khiến quá trình phê duyệt cơ chế khoán chi trở nên đơn giản, minh bạch và hiệu quả.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Rất mong Quý cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.