VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
VCCI góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biểu đã quả sử dụng nhập khẩu để phá dỡ
Kính gửi: Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 5863/BTNMT-TCMT ngày 31/12/2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biểu đã quả sử dụng nhập khẩu để phá dỡ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia thông qua công văn và đăng tải trên website www.vibonline.com.vn, có một số góp ý ban đầu như sau:
Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ là cần thiết, phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Quy chuẩn kỹ thuật này sẽ đảm bảo việc nhập khẩu tàu biển để phá dỡ vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế mà vẫn hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường. Các quy định về điều kiện nhập khẩu của Quy chuẩn đã đáp ứng được yêu cầu này, tuy nhiên, các thủ tục hành chính mà Doanh nghiệp cần phải thực hiện để chứng minh điều này đang được quy định một cách phức tạp không cần thiết và đôi khi thiếu tính khả thi.
1. Thủ tục xin xác nhận của cơ quan hàng hải có thẩm quyền của nước xuất khẩu về Danh mục vật liệu, thiết bị chứa thành phần nguy hại
Mục 2.3.1 của Dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải lập Danh mục vật liệu, thiết bị chứa thành phần nguy hại và phải được cơ quan hàng hải có thẩm quyền của nước, lãnh thổ xuất khẩu xác nhận. Danh mục vật liệu, thiết bị chứa thành phần nguy hại được gửi tới Bộ TNMT trước khi làm thủ tục hải quan kèm theo thông báo thời điểm tàu cập cảng để làm căn cứ kiểm tra các yêu cầu bảo vệ môi trường của con tàu trước khi thông quan…” Theo quy định này, doanh nghiệp buộc phải xin xác nhận của cơ quan hàng hải có thẩm quyền của nước xuất khẩu về Danh mục vật liệu, thiết bị chứa thành phần nguy hại của con tàu. Thủ tục này là quá khó khăn và không cần thiết, bởi các lý do sau:
- Thứ nhất, rất khó để cơ quan hàng hải của nước ngoài xác nhận Danh mục này cho doanh nghiệp bởi họ không có chức năng này. Nếu cơ quan hàng hải nước ngoài từ chối xác nhận Danh mục này thì coi như con tàu không thể được nhập khẩu, bất kể con tàu có thành phần nguy hại thật hay không.
- Thứ hai, việc quy định như Dự thảo đã công nhận thẩm quyền của tất các cơ quan hàng hải của tất cả các quốc gia trên thế giới mà không cần trải qua thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Điều này có thể dẫn đến việc Việt Nam công nhận kết quả xác nhận của cơ quan hàng hải không đủ năng lực tại một quốc gia kém phát triển. Nguy hiểm hơn nữa, khi quốc gia xuất khẩu tiến hành xác nhận mà hoàn toàn không kiểm tra thực tế xem Danh mục tự khai của Doanh nghiệp có chính xác không.
- Thứ ba, Danh mục này sẽ được kiểm tra lại trong quá trình kiểm tra thực tế tàu trước khi thông quan tại cảng của Việt Nam. Đây đã là một cửa kiểm soát rất chắc chắn và không có cơ hội cho hành vi khai gian dối, do đó, việc phải xác nhận Danh mục này là điều không cần thiết.
Với các lý do đó, đề nghị Cơ quan Soạn thảo bỏ yêu cầu xác nhận của cơ quan hàng hải có thẩm quyền của nước xuất khẩu về Danh mục vật liệu, thiết bị chứa thành phần nguy hại. Việc lập Danh mục, nộp cho Bộ TNMT sẽ do Doanh nghiệp nhập khẩu tự làm và tự chịu trách nhiệm[A1] . Ngoài ra, cần bổ sung quy định: nếu Danh mục này có nội dung không đáp ứng các điều kiện nhập khẩu thì Bộ TNMT có thể ra thông báo khuyến cáo Doanh nghiệp, nhằm tránh việc Doanh nghiệp mang tàu về cảng Việt Nam rồi nhưng lại không được nhập khẩu và phải chuyển đi, gây tốn kém không cần thiết.
2. Lựa chọn tổ chức tham gia hoạt động kiểm tra, đánh giá yêu cầu bảo vệ môi trường đối với tàu biển
Tổ chức tham gia hoạt động kiểm tra, đánh giá tàu biển nhập khẩu thực chất là đơn vị làm dịch vụ giám định. Tuy nhiên, Dự thảo chưa nêu rõ về việc ai sẽ là người lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ giám định, Bộ TNMT hay Doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển để phá dỡ?
- Nếu Bộ TNMT là đơn vị sử dụng dịch vụ thì Bộ TNMT chủ động lựa chọn đơn vị giám định theo nhu cầu, có năng lực phù hợp đối với từng con tàu. Phương án này có ưu điểm là Bộ TNMT chủ động lựa chọn được đơn vị có năng lực phù hợp bởi yêu cầu giám định đối với mỗi con tàu rất đa dạng và khác nhau. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ không tạo ra được sự cạnh tranh giữa các đơn vị giám định và tạo ra đơn vị giám định là “sân sau” của Bộ.
- Nếu Doanh nghiệp nhập khẩu tàu biển để phá dỡ sử dụng dịch vụ thì họ có quyền chọn bất kỳ đơn vị giám định nào đã được Bộ TNMT xác định. Phương án này có các ưu điểm và nhược điểm ngược lại với phương án trên. Đặc biệt, phương án này đòi hỏi Bộ TNMT phải công khai Danh sách các đơn vị giám định để Doanh nghiệp nhập khẩu tự lựa chọn.
Đề nghị Ban Soạn thảo quy định rõ theo phương án thứ hai và bổ sung quy định về công khai Danh sách các đơn vị giám định được Bộ TNMT cho phép giám định tàu biển nhập khẩu[A2] .
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biểu đã quả sử dụng nhập khẩu để phá dỡ. Rất mong Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.
Trân trọng cảm ơn./.