VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn ND 160 về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài

Thứ Hai 14:39 02-07-2007


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Số:                     /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2007


 
Kính gửi:       NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
V/v:      Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ160 về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài


Phúc đáp Công văn số 4325/NHNN-QLNH ngày 04 tháng 05 năm 2007 của quý Ngân hàng lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 160/2006/NĐ-CP về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài (Dự thảo), sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                  Quan điểm tiếp cận

1.      Cho vay nước ngoài về bản chất là một hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, vì vậy văn bản này một mặt phải thống nhất với các quy định về quản lý ngoại hối, mặt khác phải phù hợp với các quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Việt Nam.

2.      Các quy định của Thông tư hướng dẫn thi hành phải đảm bảo tính hợp lý, minh bạch và khả thi, đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với các hoạt động ngoại hối, đồng thời đảm bảo được quyền cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế.

II.               Các góp ý cụ thể

1.      Về tiêu đề của Dự thảo

Thông tư có tiêu đề là “Hướng dẫn việc cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức”, nhưng trong nội dung Dự thảo, ngoài hoạt động cho vay còn điều chỉnh các hoạt động như cho thuê tài chính, chiết khấu. Theo thuật ngữ pháp lý, cũng như thuật ngữ kinh tế thì hoạt động tín dụng bao gồm: cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu, bảo lãnh. Như vậy, khái niệm cho vay chưa bao hàm trong nó hoạt động cho thuê tài chính cũng như chiết khấu. Do đó, tiêu đề của Dự thảo hiện nay là chưa phù hợp với nội dung.

Trong các hoạt động tín dụng, bảo lãnh là một nghiệp vụ cũng tương đối phổ biến. Nếu Thông tư này đã điều chỉnh cả 3 nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu thì đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh.
 
2.      Một số khái niệm cần làm rõ hoặc thay đổi

Khái niệm “nước ngoài” trong Thông tư này chưa được làm rõ: ở đây hiểu “nước ngoài” phải chăng là tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài? Do đó, trong phần giải thích từ ngữ nên giải thích rõ khái niệm Người vay nước ngoài.

Việc cho vay, thu hồi nợ của các tổ chức kinh tế phải thực hiện thông qua các Tổ chức tín dụng được phép Điều 9.1 cần được hiểu như thế nào? Việc thông qua ở đây tức là việc giải ngân và thu hồi nợ thông qua một tài khoản vốn mở tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép, hay phải thực hiện uỷ thác cho vay qua các TCTD? Nếu chỉ đơn thuần là giải ngân và thu hồi nợ qua tài khoản vốn thì nên quy định rõ như vậy trong Thông tư, giống như các hình thức đầu tư nước ngoài khác. Không nên quy định chung chung như Dự thảo hiện tại.

-         Thông tư là văn bản hướng dẫn, vì vậy không nên viết “Quy định chung” (tên Mục I), “quy định tại Thông tư này” (điểm 17 và 18).

-         Dự thảo đề cập đến hồ sơ phải nộp Ngân hàng Nhà nước có “Dự thảo cuối cùng Hợp đồng cho vay nước ngoài sẽ ký”, “Dự thảo cuối cùng hợp đồng đảm bảo tài sản” và “Dự thảo  cuối cùng ý kiến Bên bảo lãnh (hoặc dự thảo lần cuối thư bảo lãnh)” (điểm 9.3). Chữ “cuối cùng” ở đây sẽ không bảo đảm về thực tế và trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra vấn đề. Chỉ cần nói dự thảo trong đó các bên đã thống nhất về số tiền, thời hạn cho vay và biện pháp bảo đảm tiền vay để xin phép.

-         Cần xem lại cách sử dụng từ ngữ chỉ tên gọi khoản mục. Ví dụ, tại điểm 13 khi viết “khoản 9.9, điểm 9.10 mục III”, thì như vậy là đã coi khoản là kết cấu nhỏ hơn điểm, trong khi theo lô gích truyền thống thì phải là ngược lại.

-         Cần thống nhất khái niệm, như cùng nói về người cho vay đối với nước ngoài nhưng lại dùng các thuật ngữ khác nhau như “Người cho vay” (điểm 2.4), “Tổ chức cho vay” (điểm 3), “Người cho vay nước ngoài” (điểm 7.3) và “Bên cho vay nước ngoài” (điểm 9.3); cùng diễn đạt một nội dung như nhau nhưng sử dụng các từ ngữ khác nhau như “trong thời gian” và “trong vòng” (điểm 12).

Để thống nhất về nội dung và thủ tục trong việc cho vay đối với nước ngoài cho các tổ chức kinh tế cũng như các TCTD, Dự thảo cần xác định cụ thể các tài liệu mà các tổ chức kinh tế cần xuất trình khi thực hiện các giao dịch cho vay đối với nước ngoài, mà không nên để cho các TCTD “quy định danh mục các tài liệu này” (điểm 13).

3.      Về thẩm quyền  và thủ tục cho phép cho vay nước ngoài

Theo Điều 19, Pháp lệnh quy định tổ chức kinh tế được cho vay thu hồi nợ nước ngoài nếu được Chính phủ cho phép. Đến Nghị định 160 thì việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài phải được Thủ tướng cho phép (Điều 26). Việc yêu cầu tất cả các khoản cho vay nước ngoài (không tính đến quy mô) đều phải được Thủ tướng cho phép là không hợp lý và không khả thi. Hiện nay, đối với đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì những dự án trên 600 tỷ mới thuộc thẩm quyền xem xét của Thủ tướng. Như vậy, sẽ có thể có một nghịch lý là dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nhưng việc cho vay để hỗ trợ vốn cho dự án đó, với mức cho vay nhỏ hơn khoản đầu tư trực tiếp trước đây thì lại do Thủ tướng xem xét, quyết định.

Thủ tục đăng ký cho vay nước ngoài của các TCTD trong Thông tư này về bản chất có phải là thủ tục đăng ký hay không? Hay thực chất đây là hoạt động cấp phép? Vì về nguyên tắc nếu đã là đăng ký thì khi TCTD xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết thì NHNN có trách nhiệm đăng ký và không được quyền từ chối. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm 11, Mục IV thì NHNN vẫn có thẩm quyền cho phép hoặc không cho phép TCTD được cho vay nước ngoài căn cứ vào chính sách quản lý ngoại hối từng thời kỳ.

Nhìn chung yêu cầu trong Dự thảo là quá chặt chẽ, phức tạp, cần tạo quyền chủ động cho các tổ chức kinh tế theo hướng đăng ký và báo cáo thay vì phải xin phép trước. Trước mắt, Dự thảo chỉ nên yêu cầu phải trình Thủ tướng chấp thuận việc cho vay đối với nước ngoài khi đạt đến một mức trị giá nhất định, ví dụ từ 5 triệu USD trở lên. Theo đó, cần phải sửa đổi quy định này tại Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối (Nội dung này không có trong Pháp lệnh ngoại hối), hoặc Thủ tướng uỷ quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

4.      Một số thủ tục hành chính cần được cải tiến 

Điểm 7.3 yêu cầu các TCTD khi đăng ký với NHNN các khoản cho vay đối với nước ngoài phải nộp bản sao Giấy phép thành lập, Giấy phép hoạt động ngoại hối và thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế của tổ chức tín dụng. Yêu cầu này là không hợp lý, vì chính NHNN là cơ quan cấp các Giấy phép này cho các TCTD. Các TCTD chỉ cần nêu số và ngày của các giấy tờ này là đủ.
Điểm 7.3 và 9.3 yêu cầu các TCTD và tổ chức kinh tế khác phải nộp hồ sơ có công chứng cho NHNN. Đây là một quy định không phù hợp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, khi Thông tư này có hiệu lực, thì các phòng Công chứng không còn nhiệm vụ công chứng các bản sao giấy tờ. Chỉ nên yêu cầu chính các tổ chức đó xác nhận bản sao, nhất là đối với Báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế.

Điểm 9.3, yêu cầu các tổ chức kinh tế nộp cho Ngân hàng Nhà nước bản sao Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là trùng lặp, không cần thiết. Đã là tổ chức kinh tế thì chỉ cần Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư (Giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũ và Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 đều được coi là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

Tiết f, điểm 9.4 yêu cầu tổ chức kinh tế thực hiện đăng ký việc cho vay nước ngoài với NHNN trong khi trước đó phải thông qua NHNN để trình Thủ tướng cho phép. Thủ tục này chỉ cần thực hiện nếu có sự thay đổi vể số tiền, thời hạn cho vay và biện pháp bảo đảm tiền vay so với khi trình NHNN. Còn trong trường hợp khác, thì sau khi cho vay mới báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 160/2006/NĐ-CP về cho vay, thu hồi nợ nước ngoài. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


 
 
 

Các văn bản liên quan