Góp ý của VCCI

Thứ Hai 14:36 02-07-2007


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Số:                     /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2007


 
Kính gửi:       NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
V/v:  Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ160 và NĐ134 về vay và trả nợ nước ngoài
 

Phúc đáp Công văn số 4549/NHNN-QLNH ngày 09 tháng 05 năm 2007 của quý Cơ quan lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 160/2006/NĐ-CP và Nghị định 134/2005/NĐ-CP về vay, trả nợ nước ngoài (Dự thảo), sau khi tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

1.      Về quan điểm tiếp cận

Các quy định của Thông tư hướng dẫn thi hành phải đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, minh bạch và khả thi, đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với các hoạt động ngoại hối, đồng thời đảm bảo được quyền vay và trả nợ nước ngoài của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế.

2.      Về mối quan hệ giữa Nghị định 160 và Nghị định 134

Trước khi ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 134/2005/NĐ-CP, cần đánh giá lại hiệu lực của văn bản này. Vì Nghị định 134/2005/2005/NĐ-CP được ban hành trước Nghị định 160/2006/NĐ-CP cũng như hàng loạt các văn bản khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Do đó, những nội dung nào của Nghị định 134 không phù hợp với các văn bản trên sẽ hết hiệu lực thi hành và không nên đưa vào trong Dự thảo này.

3.      Khái niệm khu vực công và tư

Đề nghị không dùng khái niệm doanh nghiệp khu vực công và doanh nghiệp khu vực tư như trong Dự thảo hiện nay, vì việc phân biệt như vậy là không phù hợp với nguyên tắc của WTO. Trong thời gian tới, tất cả các loại hình doanh nghiệp không phân biệt chế độ sở hữu đều được điều chỉnh chung bởi Luật Doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp Nhà nước sẽ hết hiệu lực vào năm 2010). Do vậy, các nội dung trong Thông tư cũng cần có sự thống nhất áp dụng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước. 
 
4.      Về tổng hạn mức vay thương mại hàng năm

Một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước xem xét việc đăng ký khoản vay cho doanh nghiệp là dựa trên Tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, cơ quan lý nhà nước trong lĩnh vực này phải có trách nhiệm công khai thông tin về Tổng hạn mức vay thương mại hàng năm được Thủ tướng duyệt, cũng như mức đăng ký vay thương mại tại một thời điểm cụ thể để các doanh nghiệp có thể biết trước khi lập kế hoạch vay vốn nước ngoài của mình.

Để đảm bảo tính dễ dự đoán và hợp lý của Dự thảo, đề nghị thực hiện theo phương thức chia ra các cấp độ được phép vay vốn, ví dụ như, “xanh, vàng và đỏ”. Theo đó, cấp độ “xanh” là khi các doanh nghiệp được quyền tự đi vay vì trong hạn mức; đối với cấp độ “vàng”, các chủ thể vay vốn cần thông báo với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có sự chấp thuận trước khi đi vay; còn cấp độ “đỏ” là khi hạn mức đã hết, các chủ thể này không được vay tiếp. NHNN có trách nhiệm thông báo về các cấp độ này để cho các chủ thể chủ động trong hoạt động vay và trả nợ nước ngoài của mình.

5.      Về điều kiện và thủ tục vay

5.1  Đối với cá nhân vay

Dự thảo đề cập đến hồ sơ phải nộp NHNN có “Dự thảo cuối cùng Hợp đồng vay nước ngoài sẽ ký”,  nội dung này không bảo đảm về thực tế và trách nhiệm pháp lý nếu xảy ra vấn đề. Chỉ cần quy định Dự thảo trong đó các bên đã thống nhất về số tiền, thời hạn cho vay và biện pháp bảo đảm tiền vay để xin phép. Tại điểm c, 13.2 quy định: Hồ sơ đăng ký khoản vay của cá nhân phải có “Bản sao và bản dịch ra tiếng Việt Hợp đồng vay nước ngoài đã ký”. Bản dịch hợp đồng, về bản chất, không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị tham khảo. Vì vậy, việc dịch ra tiếng Việt toàn bộ nội dung hợp đồng là không cần thiết, chỉ nên yêu cầu dịch một số điều khoản cơ bản của hợp đồng như số tiền, thời hạn cho vay và biện pháp bảo đảm.

5.2  Về thủ tục đăng ký vay vốn

Thủ tục đăng ký vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp trong Thông tư này về bản chất có phải là thủ tục đăng ký hay không? Hay thực chất đây là hoạt động cấp phép? Vì về nguyên tắc nếu đã là đăng ký thì khi TCTD, doanh nghiệp xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết thì NHNN có trách nhiệm đăng ký và không được quyền từ chối. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh nội dung Dự thảo theo hướng đăng ký vay nước ngoài và đảm bảo quyền vay vốn của các tổ chức vay vốn này. 
  
  5.3  Vấn đề hậu quả của việc không chấp thuận vay

Hậu quả của việc không chấp thuận vay là điều chưa được nêu tại Dự thảo.  Nếu không được chấp thuận vay thì các hợp đồng đó có phải dừng lại? Doanh nghiệp vay có nguy cơ rủi ro lớn, mất cơ hội kinh doanh nếu như không được chấp thuận. Để đảm bảo tính hợp lý của Dự thảo, đề nghị xem xét sau 15 ngày doanh nghiệp đăng ký, nếu NHNN không có ý kiến thì coi như chấp thuận khoản vay.

6.      Về tỷ lệ ký quỹ bắt buộc tại TCTD hoạt động tại Việt Nam

Tại Điều 4 Mục II về điệu kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước yêu cầu doanh nghiệp thuộc khu vực công phải có tỷ lệ ký quỹ bắt buộc tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. Hiện tại, nội dung này không được quy định trong Pháp lệnh ngoại hối, và các Nghị định 134 và Nghị định 160. Trên thực tế, việc ký quỹ sẽ mang lại khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp, khi thiếu vốn doanh nghiệp đi vay nhưng để vay được doanh nghiệp lại phải ký quỹ, điều đó càng khó khăn hơn. Đề nghị không đưa quy định này vào Dự thảo.

7.      Về đăng ký khoản vay

Tại điểm 10 Mục I Dự thảo đưa ra hai phương án về đăng ký nợ vay ngắn hạn. Theo Phương án 2 thì các khoản vay nước ngoài ngắn hạn không phải thực hiện đăng ký. Đây là phương án rất hợp lý vì đối với khoản vay ngắn hạn, thời hạn vay không dài, việc sử dụng vốn cần linh hoạt hiệu quả nếu không phải đăng ký thì tổ chức, cá nhân có thể tiết kiệm được thời gian và sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án này thì Thông tư lại trái với quy định tại khoản 5, Điều 4, Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài, ban hành kèm theo Nghị định số 134/2005/NĐ-CP. Theo đó, tất cả các khoản vay nước ngoài đều phải được đăng ký chính thức với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Chính phủ sau khi ký kết. Để đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và hướng dẫn thi hành, Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kiến nghị sửa đổi lại Nghị định 134/2005/NĐ-CP theo hướng chỉ đăng ký khoản vay trong một số trường hợp nhất định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.

Trong việc đăng ký nợ vay ngắn hạn, thì trong “trường hợp cần thiết” NHNN yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký. Thông tư nên xác định rõ là những trường hợp cần thiết nào thì NHNN phải yêu cầu doanh nghiệp đăng ký nợ vay ngắn hạn.

8.      Về vấn đề xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay của NHNN:

Theo hướng dẫn tại điểm 16.2, mục V của Dự thảo Thông tư, thì NHNN Việt Nam hoặc NHNN - Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo việc xác nhận hay từ chối xác nhận đăng ký hoặc đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên Dự thảo lại không quy đinh hồ sơ hợp lệ bao gồm những nội dung nào mà chỉ hướng dẫn về hồ sơ đăng ký vay, hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay.

Về thời gian xác nhận, từ chối đăng ký vay, Dự thảo Thông tư hướng dẫn chưa hợp lý:

+         NHNN thông báo bằng văn bản trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và NHNN thông báo bằng văn bản trong thời gian 15 ngày làm việc trong trường hợp cần thêm thông tin để xác nhận hoặc từ chối đăng ký kể từ ngày nhận hồ sơ.

+         Nếu hồ sơ không hợp lệ, thì phải mất 15 ngày để NHNN lấy thêm những thông tin cần thiết và sau đó, đã có hồ sơ hợp lệ vẫn mất thêm 15 ngày để nhận được thông báo trả lời. Thời gian như vậy là quá dài. Do vậy để đảm bảo các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân sử dụng được linh hoạt, có hiệu quả, Thông tư nên ấn định về thời gian xác nhận hoặc từ chối xác nhận là 5 đến 7 ngày làm việc.

Do đó, cần đơn giản hoá tối đa thủ tục và rút ngắn thời hạn đăng ký, nhất là trong trường hợp lựa chọn phương án phải đăng ký cả các khoản vay ngắn hạn.

9.      Tài khoản vốn vay

Theo quy định của Dự thảo thì bên vay vốn nước ngoài phải mở 01 Tài khoản vốn vay, trả nợ nước ngoài tại 01 Tổ chức tín dụng được phép và mọi giao dịch của khoản vay phải thông qua Tài khoản này (Điểm 17.1). Trên thực tế, các doanh nghiệp có nhiều hình thức thanh toán khoản nợ và không nhất thiết phải thông qua tài khoản vốn vay này. Việc quy định như thế này sẽ hạn chế việc thanh toán của doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và sửa lại quy định này theo hướng mở rộng quyền và phương thức thanh toán của doanh nghiệp đối với khoản nợ nước ngoài.

10. Một số điểm nên sửa lại

-                          Đề nghị Ban soạn thảo cấu trúc lại Mục I. Quy định chung. Thứ nhất, Thông tư là quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, vì vậy không nên để phần quy định chung mà nên đi vào các nội dung hướng dẫn cụ thể. Thứ hai, các điểm trong mục này mâu thuẫn với cách sắp xếp các điểm trong các Mục khác. Mục này kết thúc bằng điểm 10, nhưng Mục III lại bắt đầu từ điểm 4.

-                          Để đảm bảo tính rõ ràng, nên đổi lại tên của Mục III Dự thảo như sau “Quy định về cấp phép cho cá nhân vay nước ngoài”.

-                          Điểm 1, Mục I viết “người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng thuộc khu vực công hoặc khu vực tư  (gọi chung là doanh nghiệp)” thì sau đó cần sử dụng thống nhất thuật ngữ doanh nghiệp như đã định nghĩa (không nên nhắc lại “Doanh nghiệp thuộc khu vực công và doanh nghiệp thuộc khu vực tư ” như điểm 15.1 Mục 5).

-                          Dự thảo không nhắc đến hình thức “trực tiếp ký vay” trong Nghị định 134 nhưng lại đưa ra hình thức vay “Vay bằng tiền”. Vậy khác nhau như thế nào ?

-                          Việc dùng thuật ngữ “người cho vay nước ngoài” hay “bên cho vay nước ngoài” trong Thông tư nên thống nhất với Nghị định 134 là “người cho vay nước ngoài”.

-                          Cụm từ “trong thời gian 15 ngày làm việc” cần sửa lại thành  “trong thời hạn 15 ngày làm việc”.

-                          Thay thế khái niệm “bản sao có công chứng” bằng “bản sao có chứng thực” hoặc tự sao y cho phù hợp với Luật Công chứng có hiệu lực từ 01-7-2007.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 160/2006/NĐ-CP và Nghị định 134/2005/NĐ-CP về vay, trả nợ nước ngoài. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         VPCP
-         Bộ Tư Pháp
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


Các văn bản liên quan