VCCI góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Dạy nghề

Thứ Hai 14:44 02-07-2007


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Số:                  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2007


 
Kính gửi:       BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
V/v:      Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Dạy nghề
 


Phúc đáp Công văn số 1498/BLĐTBXH - TCDN ngày 07 tháng 05 năm 2007 của quý Bộ lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Dạy nghề về chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc thù đối với giáo viên dạy nghề (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                   NHẬN XÉT CHUNG

Để đảm bảo tính thực thi, Nghị định hướng dẫn các Điều 62 và 72 của Luật Dạy nghề phải đạt được các tiêu chí sau:
1.      Thống nhất với Luật Dạy nghề và các văn bản pháp luật liên quan;

2.      Đảm bảo hợp lý nghĩa vụ của tổ chức dạy nghề, quyền lợi của giáo viên dạy thực hành các nghề, , đảm bảo sự công bằng và bình đẳng về chế độ phụ cấp cho giáo viên hoạt động trong các loại hình cơ sở dạy nghề;

3.      Cụ thể, minh bạch để cho các chủ thể có thể áp dụng được một cách dễ dàng.

II.                CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ

1.      Về đối tượng áp dụng

Về cơ bản, Dự thảo đã kế thừa và mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng của các quy định hiện hành liên quan tới chế độ phụ cấp đối với giáo viên thực hành các nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và chế độ phụ cấp đặc thù đối với giáo viên dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật.   

Nếu Nghị định mới được ban hành thì sẽ có hai hệ thống quy phạm điều chỉnh chế độ phụ cấp cho hai loại giáo viên thực hành này bao gồm chế độ phụ cấp cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước làm việc trong các cơ sở dạy nghề công lập (đã được quy định cụ thể bằng các văn bản quy phạm hiện hành) và giáo viên dạy nghề thuộc các cơ sở dạy nghề tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài (quy định mới trong Dự thảo). Tuy nhiên, tại Điều 2, đối tượng áp dụng của Dự thảo này bao gồm cả cơ sở công lập và tư thục. Vấn đề đặt ra là, Dự thảo có áp dụng cho toàn bộ các đối tượng không? Nếu áp dụng thì Nghị định mới ban hành có quan hệ gì với các Nghị định và các văn bản ban hành trước đây liên quan tới chế độ phụ cấp này? Ban soạn thảo có thể áp dụng các cách thức giải quyết đối với trường hợp này. Ví dụ, có thể quy định trong Dự thảo “Đối với các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức đã được hưởng chế độ phụ cấp theo các quy định trước đây thì không hưởng chế độ phụ cấp theo Nghị định này” hoặc để đảm bảo tính thống nhất áp dụng theo Luật dạy nghề, Dự thảo có thể quy định “Bãi bõ các quy định có liên quan tới chế độ phụ cấp cho giáo viên thực hành trong lĩnh vực công trước đây, các đối tượng này sẽ chuyển sang áp dụng chung theo quy định của Nghị định này”. Để đảm bảo tính thống nhất và thực thi, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ đối tượng áp dụng và phương thức áp dụng đối với hai loại đối tượng này.

2.      Về hiệu lực thi hành

Hiệu lực thi hành có vai trò quyết định để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và thực thi của bất cứ văn bản pháp luật nào. Thông thường trong các văn bản quy phạm có quy định “Các quy định trước đây trái với ... này đều bãi bỏ”; điều này cũng được quy định tương tự tại khoản 2 Điều 10 của Dự thảo. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ thể gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện vì không biết thế nào là trái và trái tới mức nào thì bị bãi bỏ. Chính vì vậy, bên cạnh nguyên tắc loại trừ, các văn bản pháp quy còn liệt kê các văn bản pháp quy, các quy định sẽ hết hiệu lực khi văn bản mới ra đời. Do đó, nếu có thể, đề nghị Ban soạn thảo liệt kê các văn bản, quy định sẽ hết hiệu lực hoặc bãi bỏ khi Nghị định mới được ban hành.

3.      Về trách nhiệm thi hành

Trên thực tế, nhiều văn bản pháp luật và pháp quy hiện hành của Việt Nam khi ban hành khó thực thi vì lý do cần có các quy định hướng dẫn thi hành. Tuy không phải là nghĩa vụ bắt buộc quy định trong luật, nhưng theo tinh thần minh bạch hoá và cụ thể hoá chính sách cũng như các quy định pháp luật hiện hành, để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả của văn bản pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại khoản 1 Điều 11 Dự thảo theo hướng quy định chi tiết những nghĩa vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ ngành liên quan về việc hướng dẫn thi hành nội dung các điều khoản của Nghị định này.

4.      Một số nội dung khác

Đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 5 thành “..... quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ....” vì Nghị định này được ban hành vào năm 2004 chứ không phải là năm 2005 như trong Dự thảo.

Khoản 5 Điều 9 Dự thảo quy định “Giáo viên dạy thực hành nghề cho người tàn tật, khuyết tật trong các  nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì ngoài chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định tại các Điều 7, 8 và các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này còn được hưởng phụ cấpnặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định tại Mục I Chương này”. “Mục I Chương này” tức là Chương III của Dự thảo, tuy nhiên cách bố trí chương mục của Dự thảo lại không có nội dung này. Đề nghị Ban soạn thảo quy định lại theo hướng sửa đổi hay cụ thể hoá chương, mục, điều và khoản trong Dự thảo này.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Dạy nghề về chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc thù đối với giáo viên dạy nghề. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


Các văn bản liên quan