VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
Kính gửi: Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 1514/BKHĐT-ĐTNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19/03/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
Nghị định này hướng dẫn các quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tại Luật đầu tư 2014, vì vậy các quy định cần rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình thực thi đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy định trong Luật Đầu tư 2014.
Rà soát Dự thảo cho thấy một số quy định tại Dự thảo hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu nói trên và vì vậy cần được Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể:
1. Về hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định tại khoản 5 Điều 8, điểm d khoản 1 Điều 13 Dự thảo thì trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (cả dự án thuộc diện Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài và dự án đầu tư không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) phải có “Bản sao chứng thực hợp đồng hoặc bản thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư đối với trường hợp có đối tác khác cùng tham gia đầu tư”.
Quy định này là không phù hợp, ít nhất bởi các lý do sau:
- Về mặt pháp luật, Điều 59 Luật Đầu tư 2014 về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không có loại giấy tờ này;
- Về mặt logic, quy định này là chưa hợp lý bởi trước thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp không thể biết được mình có được cấp phép hay không, do đó sẽ không thể mạo hiểm ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận với đối tác về việc góp vốn hoặc mua cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư khác, vì có nguy cơ sẽ vi phạm hợp đồng/thỏa thuận trong trường hợp không được cấp phép.
Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 5 Điều 8, điểm d khoản 1 Điều 13 Dự thảo.
Góp ý tương tự đối với yêu cầu phải có “Hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và hồ sơ pháp lý của đối tác mới tham gia dự án đầu tư (nếu có chuyển nhượng vốn đầu tư)” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Dự thảo.
2. Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
- Đơn vị tính thời gian: Dự thảo quy định thời gian để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý các tài liệu được tính theo “ngày làm việc”, tuy nhiên theo quy định tại Luật đầu tư thì một số giai đoạn trong thủ tục thời gian lại được tính theo “ngày”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời gian để thống nhất với Luật Đầu tư;
- Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 9):
Dự thảo quy định về trình tự thủ tục các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp, tuy nhiên quy trình này là chưa phù hợp với quy định tại Luật đầu tư.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Đầu tư (Điều 55), nhà đầu tư nộp hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thời gian để Bộ xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, trong khi đó Dự thảo lại quy định nhà đầu tư phải thực hiện “đăng ký trực tuyến dự án đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” rồi mới tiến hành nộp hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét và thẩm định trong khoảng thời gian 30 ngày làm việc. Như vậy, so với Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước thủ tục hơn và thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là dài hơn.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định về thủ tục trên phù hợp với Luật đầu tư, theo đó bỏ quy định nhà đầu tư phải đăng ký trực tuyến dự án đầu tư ra nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại khoản 1 Điều 9 (việc nhập thông tin đăng ký vào Hệ thống, nếu cần, sẽ do cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự thực hiện sau khi nhận được hồ sơ).
Góp ý tương tự đối với thủ tục Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh đầu tư ra nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 11 Dự thảo.
- Đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (Điều 13):
+ Khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định “trường hợp dự án có vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Quy định này là chưa rõ ở điểm: 20 tỷ đồng này có bao gồm số vốn đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ra nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 15 Dự thảo hay không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện;
+ Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời gian Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài điều chỉnh quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 6 Điều 14.
3. Về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (Điều 15)
Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài …” là chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật đầu tư, theo đó nhà đầu tư được chuyển “ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường …”.
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nhà đầu tư được chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
4. Về thanh lý dự án đầu tư ra nước ngoài (Điều 19)
Khoản 3 Điều 19 Dự thảo quy định, trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn chuyển các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư, “nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá một lần và không quá 06 tháng”. Quy định này là chưa thống nhất với khoản 2 Điều 65 Luật đầu tư ở số lần gia hạn. Theo quy định tại Luật đầu tư thì thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần mỗi lần không quá 06 tháng. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để thống nhất với Luật đầu tư.
Mặt khác, dưới góc độ tính minh bạch, quy định trên chưa rõ ràng về thủ tục xin gia hạn (doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gồm những tài liệu nào? quyết định gia hạn/từ chối của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện ở hình thức nào? Thời gian để cơ quan nhà nước xem xét và đưa ra quyết định là bao lâu?) và các tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định chấp thuận/từ chối việc gia hạn. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
5. Về chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (Điều 20)
Theo quy định của Điều 20 Dự thảo về trình tự, thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với trường hợp nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư ra nước ngoài thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin được chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nói cách khác, muốn chấm dứt hoạt động doanh nghiệp phải xin phép chấm dứt hoạt động.
Quy định này là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Bởi vì, việc chấm dứt hoạt động đầu tư do tình hình hoạt động, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trong một số trường hợp nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp nên buộc phải có quyết định chấm dứt hoạt động. Nếu với những trường hợp này doanh nghiệp phải “xin phép” mới được phép chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, nhìn ở phương diện logic, nếu trong trường hợp doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư và không có bất kì dự án đầu tư nào ở nước ngoài nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chấp nhận việc đề nghị chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp thì giải quyết như thế nào?
Hơn nữa, tại sao chỉ có hai trường hợp này doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà các trường hợp khác thì không?
Do vậy, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định thủ tục trên theo hướng, doanh nghiệp chỉ gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mà không cần phải gửi hồ sơ hay chờ cơ quan nhà nước xét duyệt.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.