Công ty Luật TNHH Đông Ngàn góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự

Thứ Hai 11:42 27-04-2015



V/v: Góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự

                       Kính gửi:

Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Theo yêu cầu của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 269/PTM-PC ngày 11-2-2015 về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Bộ luật hình sự  (thay thế Bộ luật hình sự năm 1999), được sự ủy nhiệm của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Công ty Luật TNHH Đông Ngàn (gọi tắt là “DLF”) xin tham gia đóng góp ý kiến đối với một số nội dung như sau:

1.                 Quy định phần chung

1.1.            Về mối quan hệ giữa mức phạt tiền hình sự và mức phạt tiền hành chính đối với loại hành vi vi phạm vừa có quy định xử lý hình sự vừa có quy định xử phạt hành chính

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với Ban dự thảo khi xây dựng dự thảo bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung theo hướng thứ hai, tức là mức khởi điểm của hình phạt tiền theo chế tài hình sự không nhất thiết phải bằng hoặc cao hơn mức phạt tối đa của phạt tiền hành chính. Theo chúng tôi, mức phạt tiền hành chính tối đa và mức phạt tiền hình sự khởi điểm phạt tiền hình sự là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, KHÔNG CÓ CƠ SỞ ĐỂ xây dựng mức khởi điểm của phạt tiền theo chế tài hình sự phải bằng mức cao nhất của phạt tiền xử phạt hành chính.

1.2.            Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ

Về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này. Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu mà không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế.

Theo loại ý kiến thứ hai thì cần cân nhắc hết sức thận trọng việc bổ sung quy định này bởi lẽ: 1) đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn (từ không tù trở thành tù); 2) nếu chuyển đổi thì tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, đặc biệt là tỷ lệ chuyển tiền thành tù và nhất là trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi như thế nào cần phải được làm rõ; 3) quan hệ giữa quy định này với quy định của BLHS về tội không chấp hành án và quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án cũng cần phải được làm rõ.

Theo chúng tôi, thực tế có trường hợp tòa án tuyên phạt hình phạt tiền với các bị cáo, song bị cáo chây ì không nộp khoản tiền này. Do đó, để khắc phục tình trạng này thì cần phải bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù. Dự thảo lần này quy định phương án: “Thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền, Tòa án quyết định chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn nếu đó là hình phạt chính”. Chúng tôi cho rằng quy định này là hợp lý. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này thì cũng phải nghiên cứu, xem xét việc chuyển từ hình phạt tiền sang phạt tù thì phương thức chuyển thế nào.

1.3.            Về việc bỏ tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Về vấn đề này có hai luồng ý kiến:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên bỏ tội danh này vì chúng ta không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

Theo ý kiến thứ hai thì tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tội danh rất chung, có phạm vi rộng nhưng lại không cụ thể, không rõ ràng, như một “cái túi” đ có thể vận dụng xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào. Điều này không đảm bảo tính minh bạch, dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Hơn nữa, BLHS đã cụ thể hóa khá nhiều hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế như: các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, sở hữu trí tuệ, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Do vậy, nên bỏ tội danh này nhằm bảo đảm tính minh bạch, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Dự thảo Bộ luật hình sự khi thể hiện quan điểm theo ý kiến thứ 2. Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó hành vi cấu thành tội là “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…”Do việc quản lý kinh tế có trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, giáo dục, y tế… Nếu quy định chung trong một tội danh, khi tòa định tội sẽ khó “cá thể hóa” được tội phạm. Do vậy, theo chúng tôi là nên bỏ quy định này và bổ sung quy định cụ thể hơn để xác định được tội phạm rõ ràng  rõ ràng hơn.

1.4.            Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Chúng tôi cho rằng, Dự thảo bộ luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân là phù hợp và công bằng. Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay. Nếu chỉ truy chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu pháp nhân là chưa hợp lý do hoạt động của các tổ chức kinh tế thể hiện rõ nét vai trò của tập thể lãnh đạo, các quyết định quan trọng của pháp nhân thường do tập thể (Hội đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc) đưa ra. Đồng thời,  xu hướng hiện nay các pháp nhân kinh tế thường thuê người điều hành, quản lý. Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay.Tuy nhiên, khi việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cần phải làm rõ:

Loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự; loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự liên đới của người đại diện hợp pháp của pháp nhân, cá nhân và tập thể trong những loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự quy định theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế mà không áp dụng đối với các pháp nhân khác thì sẽ khó bảo đảm sự bình đẳng về quyền giữa các chủ thể có cùng tư cách pháp nhân. Do vậy, cần xem xét lại là có nên quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự chỉ là pháp nhân là tổ chức kinh tế hay mở rộng đối với mọi pháp nhân.

Cần xác định rõ nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong mối quan hệ với xử lý trách nhiệm hình sự của cá nhân; làm rõ phạm vi giới hạn trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân trong cùng một vụ án theo nguyên tắc "không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm" (khoản 3, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, cần dự liệu các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự dành cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

1.5.            Khái niệm tội phạm (Điều 8)

                        PA1: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật này, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc do pháp nhân là các tổ chức kinh tế thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm các quan hệ xã hội được Bộ luật này bảo vệ.

PA2: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật này.

Chúng tôi cho rằng quy định khái niệm tội phạm theo Phương án 1 cụ thể hơn, đầy đủ hơn, đơn giản và dễ hiểu.

1.6.            Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: (Điều 12):

PA1: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội phạm về sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

PA2: Giữ nguyên như sau:

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chúng tôi cho rằng lựa chọn phương án 1, sửa đổi khoản 2 theo hướng quy định cụ thể hơn trường hợp người trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội nhất định, không mở rộng đối với mọi tội như quy định hiện tại. Quy định này cũng nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em, do nhận thức của trẻ em từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi là chưa đầy đủ. 

1.7.            Không tố giác tội phạm (Điều 19):

2. Người thực hiện hành vi không tố giác tội phạm quy định tại khoản 1 Điều này không phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu người đó là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội.

Cần xem xét quy định này để bổ sung thêm luật sư, người bào chữa hoặc cha xứ không tố giác không bị coi là tội phạm vì họ thực hiện chức năng nghề nghiệp hoặc quy định của tôn giáo (trường hợp con chiên xưng tội). Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp luật sư  là bảo vệ tốt nhất quyền lợi của Khách hàng.

1.8.            Miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29)

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong những trường hợp sau đây:

PA1: Phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng vô ý gây thiệt hại về tính mạng hoặc xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác mà người bị hại đã đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;

PA2: Phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác, xâm phạm an toàn công cộng hoặc tội nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tài sản mà người bị hại đã đồng ý hòa giải và có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phương án 2 là chi tiết hơn nhưng chúng tôi thấy cần cân nhắc chung đối với vấn đề này và chỉ giới hạn một số tội như xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản. Riêng hành vi xâm phạm tính mạng thì bản thân người bị hại đã thiệt mạng, không thể hiện ý kiến được. Đồng thời, nếu người phạm tội là người có tiền, quyền lực thì họ sẽ ép bên bị hại phải có đơn miễn truy tố và dẫn đến coi thường pháp luật.

1.9.            Phạt tiền (Điều 34): Góp ý tại mục 1.2

1.10.        Cải tạo không giam giữ (Điều 35)

5. PA1: Trong trường hợp người bị kết án cố tình không thực hiện các nghĩa vụ  của hình phạt cải tạo không giam giữ thì Tòa án chuyển hình phạt này bằng hình phạt tù có thời hạn, cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù.

PA2: Không quy định khoản này

Theo chúng tôi nên lựa chọn phương án 1 phù hợp với Điều 34 đã góp ý trên.

1.11.         Điều 78. Cấm huy động vốn

1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:

a) Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;

....

2. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền.

Với quy định cấm huy động vốn này thì tổ chức tín dụng không biết làm thế nào để biết được Pháp nhân là tổ chức kinh tế phạm tội không được huy động vốn để không cho vay vốn?

2.                 Quy định các tội phạm:

2.1.            Các tội xâm phạm tính mạng,sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

Việc phân biệt giữa hành vi “Giết người” và hành vi “Cố ý gây thương tích” hiện nay vẫn chưa được rõ ràng. Đặc biệt giữa giết người nhưng không xảy ra hậu quả chết người và cố ý gây thương tích nhưng lại dẫn đến chết người. Hiện nay việc phân biệt chủ yếu dựa trên cơ sở mặt chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Đây là yếu tố rất khó xác định và sẽ tạo kẻ hở dẫn đến tình trạng xử lý không đúng tính chất mức độ của hành vi phạm tội. Cần quy định cụ thể và có quy định luật hoá cơ chế đánh giá yếu tố chủ quan thông qua hành vi khách quan để phân biệt hành vi giết người và cố ý gây thương tích.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 131)

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:...

Theo quy định của Dự thảo thì trong trường hợp tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp liệt kê tại mục (a) đến mục (m) và giả sử tỷ lệ thương tích dưới 1% thì cũng vẫn bị xác định là phạm tội. Chúng tôi cho rằng để đảm bảo tính hợp lý thì cần khống chế cả mức tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng trên mức bao nhiêu % thì mới nên truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.2.            Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Hiện trong dự thảo quy định các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường nói riêng và các tội phạm cụ thể nói chung là vẫn duy trì cách thức quy định mang tính định tính thông qua sử dụng các thuật ngữ như: “số lượng lớn thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đất có diện tích lớn hoặc rất lớn”. Đây là những thuật ngữ mang tính định tính rất khó xác định trên thực tế. Trong khi đó văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời do đó việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc và chưa đảm bảo tính thống nhất.

Bên cạnh đó, dấu hiệu định tội của một số tội danh còn phức tạp, gần giống nhau, rất khó áp dụng như tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - Điều 356, tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”-Điều 357, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”-Điều 360. Chưa có hướng dẫn cách tính tài sản Nhà nước thiệt hại đối với một số tội danh như “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” để có cơ sở xác định chính xác dấu hiệu định tội, định khung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội.

2.3.            Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

Khoản 1 Điều 325 BLHS về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” qui định “vật phạm pháp có số lượng lớn” thì bị truy tố. Do đó, Cần hướng dẫn cụ thể về việc tàng trữ, mua bán số lượng như thế nào là lớn để đảm bảo căn cứ xử lý được loại tội này. Đồng thời, thực tế việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hiện nay chủ yếu được thực hiện qua internet và quy định về số lượng lớn không còn ý nghĩa và phù hợp với thực tế.

Trong thực tiễn còn có những quan điểm khác nhau về nhận thức, vận dụng và xử lý đối với những hành vi cắt dây cáp điện, dây điện thoại… như áp dụng Điều 302-Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia , Điều 173-Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hay Điều 168-Tội trộm cắp tài sản để xử lý; do đó cần có hướng dẫn thống nhất về khách thể xâm hại, ý thức người phạm tội để định tội và xử lý chính xác. .

2.4.            Các tội về phòng, chống tham nhũng

Hiện dự thảo Bộ luật Hình sự chỉ dừng lại ở việc quy định các tội phạm tham nhũng trong khu vực công mà chưa có những quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư. Tuy nhiên, trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên yêu cầu các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà cả trong lĩnh vực tư. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi tham nhũng ra khu vực tư để phù hợp với nội dung của công ước quốc tế về chống tham nhũng mà Việt Nam đã cam kết.

Tuy nhiên, tham những trong lĩnh vực tư thì nên đưa vào trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại sẽ phù hợp hơn.

2.5.            Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Phương án 1: (Mở rộng phạm vi) Hành vi: (1) Vay mượn tài sản rồi dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản đó; (2) Vay mượn tài sản rồi sử dụng không đúng mục đích đã thỏa thuận dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Phương án 2: (giống quy định hiện nay): hành vi nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp pháp rồi (1) Chiếm đoạt hoặc (2) sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại.

Quan điểm của chúng tôi thì phương án 2 bao quát hơn, việc nhận tài sản không chỉ có vay, mượn và còn có thuê, thực hiện quản lý theo ủy quyền,... Nếu quy định vay mượn thôi thì sẽ bỏ sót hành vi phạm tội và không mang tính bao quát.

2.6.             Tội kinh doanh trái phép:

Quy định hiện nay: Kinh doanh trái phép bao gồm các hành vi (1) Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; (2) Kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký; và (3) Kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

Quy định dự thảo: (1) Kinh doanh ngành nghề mà nhà nước cấm kinh doanh; (2) Kinh doanh những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không có giấy phép kinh doanh có điều kiện không đủ điều kiện; và (3) tiếp tục kinh doanh khi đã bị đình chỉ kinh doanh hoặc tước quyền kinh doanh.

Theo chúng tôi quy định tội kinh doanh trái phép theo quy định của Dự thảo là phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp mới thay thế Luật doanh nghiệp năm 2005.

2.7.            Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 218)

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với việc dự thảo quy định bổ sung tội này vào Bộ luật hình sự. Việc bổ sung tội này góp phần hạn chế việc vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người  lao động của người sử dụng lao động và góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động.

2.8.            Tội quảng cáo gian dối

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Dự thảo khi bỏ quy định này do trên thực tế, việc quảng cáo gian dối trên phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện rất nhiều nhưng trên thực tế không xử lý hình sự.

2.9.            Tội cho vay lãi nặng

Chúng tôi cho rằng dự thảo quy định sửa đổi Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là phù hợp. Tuy nhiên, để phân biệt rõ, có nhiều loại lãi suất cho vay, như cho vay trong giao dịch dân sự theo Điều 417 BLDS. Riêng cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng hoặc giữa các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng được điều chỉnh bởi Điều 179 BLHS. Do vậy quy định sửa đổi tại Điều này đã xác định rõ phạm vi là trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, có thể nêu rõ phạm vi hơn nữa là đối với các giao dịch vay lãi nặng theo quy định của Luật dân sự mà không theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

2.10.        Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 227)

Chúng tôi đồng ý với Dự thảo khi quy định bổ sung quy định ngưỡng xả thải bị truy cứu trách nhiệm hình sự vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép mặc dù chưa gây hậu quả nghiệm trọng hoặc khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó mà còn vi phạm.

3.                 Về một số nội dung khác:

Trong dự thảo vẫn sử dụng một số quy định mang tính khó định lượng, như: số lượng lớn, số lượng đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dự thảo BLHS lấy hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội gây ra để xác định tội phạm ở quá nhiều điều luật làm ảnh hưởng đến nguyên tắc pháp chế, thể hiện ở việc tùy tiện áp dụng dấu hiệu này của các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định, mặc dù cũng đã có nhiều Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Do vậy, khi áp dụng vào thực tiễn thì các điều luật có dấu hiệu hậu quả nghiêm trọng làm căn cứ định tội khó áp dụng để xử lý tội phạm. Chẳng hạn, các hành vi xâm phạm môi trường chúng ta rất khó xử lý vì khó xác định được thế nào là thiệt hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn một số khái niệm trong Dự thảo cũng chưa chính xác. Ví dụ, Điều 157 quy định Tội buộc người lao động công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động chỉ có thể bị sa thải trái pháp luật, chứ không chịu hình thức buộc thôi việc. Chỉ có cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008, Luật viên chức 2010 mới có thể bị buộc thôi việc trái pháp luật.

Vậy, kính đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu và xem xét những góp ý nêu trên.

Nơi nhận:

-   Như trên;

-   GĐ (để b/c);

-   Lưu: VT.

ĐẠI DIỆN DLF

Giám đốc

Nguyễn Duy Dụ

Các văn bản liên quan