Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự

Thứ Tư 11:45 06-05-2015

SỬ DỤNG KHÁI NIỆM QUYỀN TÀI SẢN THAY CHO

VẬT QUYỀN TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ

(SỬA ĐỔI)

Lê Hồng Hạnh*

Tóm tắt: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đang được sửa đổi và hoàn thiện nhằm hiện thực hóa những định hướng phát triển cơ bản của đất nước được hiến định trong Hiến pháp 2013. Một trong những nội dung sửa đổi của Dự thảo BLDS đang gây tranh luận là việc thay thế khái niệm tài sản và quyền tài sản bằng khái niệm vật và vật quyền. Bài viết phân tích các qui định của Dự thảo về vấn đề này từ góc nhìn toàn diện, nhất là từ những khía cạnh lý luận về tài sản và sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Abstract: The Civil Code of 2005 is being amended and improved for realization of the country’s major development directions which are provided in the Constitution of 2013. Among the issues to be amended in the Draft, the concepts of property and rights to property have been proposed to be replaced by the concepts of things and rights in rem (rights to things). This article analyses the Draft’s provisions on this issue through a comprehensive approach, especially from theory on property and the development of relevant Vietnamese law system.


1. Vật quyền trong quan niệm của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)[1]

Trong Tờ trình của Chính phủ ngày 15 tháng 8 năm 2014 gửi Ủy ban pháp luật Quốc hội nêu bản chất và ý nghĩa của việc sử dụng khái niệm vật quyền trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) như sau: “vật quyền chỉ được xác lập trong trường hợp Hiến pháp, Bộ luật này và luật khác có liên quan có quy định. Bên cạnh quyền sở hữu, Dự thảo Bộ luật ghi nhận cụ thể một số quyền của một chủ thể đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác đang tồn tại khách quan trong đời sống kinh tế - xã hội, như chiếm hữu, địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên. Sự bổ sung này có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp về sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân; về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế và điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; về nguyên tắc tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”[2].

Dự thảo BLDS (sửa đổi) trước khi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã có những tiếp thu góp ý về nhiều vấn đề khác nhau và được chỉnh lý khá toàn diện, trong số đó có vấn đề vật quyền. So với Dự thảo gần nhất, chế định vật quyền đã được thiết kế lại. Việc thay thế nội dung của Phần II BLDS năm 2005 “Tài sản và quyền sở hữu” bằng khái niệm “Vật quyền” đã được sửa đổi tương đối cơ bản. Đó là, thay cho việc đặt tên Phần II của  Bộ luật là “Vật quyền”, Dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã sử dụng kết hợp hai khái niệm “Quyền sở hữu và các vật quyền khác”. Sự chỉnh sửa đã làm giảm bớt những bất cập của Dự thảo. Tuy nhiên, để góp phần làm rõ vấn đề tài sản và sở hữu, chúng tôi xin nêu một số bình luận về khái niệm vật quyền được thể hiện trong Dự thảo.

Khái niệm vật quyền được sử dụng trong 20[3] điều của Dự thảo.

Khoản 4 Điều 67 của Dự thảo quy định: “Người giám hộ không được chuyển quyền sở hữu tài sản và các vật quyền khác của người được giám hộ cho người khác, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 và khoản 3 của Điều này”. Với cách tiếp cận này, Dự thảo có sự phân biệt giữa quyền sở hữu, tài sản và vật quyền khác.

Điều 124 Dự thảo định nghĩa về bất động sản. Trong số bất động sản có cả vật quyền đối với một loại bất động sản. Tương tự, Điều 177 Dự thảo cũng đề cập vật quyền khác có đối tượng là bất động sản và việc xác định thời hiệu cũng tương tự như đối với các loại bất động sản khác (đất đai, nhà cửa). Điều 178 quy định thời hiệu đối với động sản và vật quyền khác có đối tượng là động sản.

Các điều từ 181 đến 189 của Dự thảo quy định các vấn đề liên quan đến quyền xác lập, bảo vệ và hạn chế quyền sở hữu và vật quyền khác. Nội dung của các điều từ 181 đến 189 cho thấy rõ sự phân biệt của Ban soạn thảo đối với quyền sở hữu và vật quyền khác. Đây là cách tiếp cận nhất quán của Dự thảo.

Trong các điều 190, 191 và 194, Dự thảo đề cập đến các vật quyền khác như trong Điều 183 và các điều từ 269 đến 303. Khái niệm này đã được giới hạn trong phạm vi những vật quyền khác có đối tượng là bất động sản.

Điều 702 Dự thảo quy định việc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với quyền sở hữu và vật quyền khác; phân chia quyền sở hữu và vật quyền khác.

Như vậy, mặc dù đã đổi tên Phần II của Dự thảo và không dùng vật quyền như là một khái niệm chủ đạo, song Ban soạn thảo vẫn thể hiện nó trong 20 điều. Phân tích kỹ 20 điều về vật quyền có thể thấy rất nhiều bất cập.

Thứ nhất, Dự thảo không đưa ra được khái niệm vật quyền và vì thế rất khó thiết kế các quy định về xác lập hay bảo vệ vật quyền. Không được định danh thì không thể xác định được những quy định cụ thể. Đây là khái niệm trước đây Ban soạn thảo coi là điểm nhấn, sự đột phá và một bước tiến lớn của pháp luật trong tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, khái niệm này trong các bản dự thảo trước đây lại không nhất quán. Dự thảo lần này không đưa ra khái niệm vật quyền mà chỉ có khái niệm vật quyền khác. Điểm thiếu logic là ở chỗ, Dự thảo tuy tìm cách phân biệt quyền sở hữu với vật quyền khác nhưng nội dung của 20 điều có liên quan lại cho thấy, hầu như Ban soạn thảo mặc định sở hữu là vật quyền và bên cạnh quyền sở hữu còn có những vật quyền khác. Điểm d, khoản 1 Điều 124 Dự thảo cũng phản ánh sự mặc định này với việc sử dụng khái niệm vật quyền. Câu hỏi đặt ra là, quyền sở hữu và vật quyền là một hay hai khái niệm khác nhau? Tại sao Ban soạn thảo lại dùng khái niệm sở hữu và vật quyền khác? Nếu hiểu quyền sở hữu cũng là vật quyền thì không cần thiết kế Phần II là “Quyền sở hữu và vật quyền khác”, và nếu giải nghĩa theo cách hiểu của Ban soạn thảo quyền sở hữu cũng là vật quyền thì có nghĩa tên Phần II phải là “Vật quyền vật quyền khác”. Còn nếu không coi sở hữu là vật quyền sẽ có quyền sở hữu, vật quyền, vật quyền khác. Nội dung các qui định của 20 điều trên của Dự thảo cho chúng ta 3 khái niệm đó.

Thứ hai, sự thiếu nhất quán trong cách quy định quyền sở hữu và vật quyền khác, thể hiện ở khoản 2 Điều 181 quy định: “Các vật quyền khác vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển cho người khác”. Ở đây, Ban soạn thảo phân biệt vật quyền và quyền sở hữu. Đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau và có thể tách rời nhau. Quy định này không chính xác nếu phân tích từ quan hệ sở hữu cụ thể. Ví dụ, A có chiếc xe máy. A cho B mượn dùng tạm một thời gian. Sau đó A bán cho C. Trong trường hợp này, một loạt vấn đề cần xác định: Quyền sở hữu của A có phải là vật quyền không? Quyền của B chiếm giữ và sử dụng xe máy là vật quyền hay vật quyền khác? Khi A bán xe máy cho C thì quyền của B chiếm giữ và sử dụng xe máy có còn hiệu lực không? Nếu theo Điều 183 của Dự thảo thì quyền của B không phải là vật quyền; nếu theo điều 181 này thì quyền của B được gọi là quyền gì?

Thứ ba, Dự thảo không định nghĩa vật quyền, vật quyền khác, song Điều 183 liệt kê các vật quyền khác gồm: quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên và các quyền khác theo quy định của luật. Ở nội dung này có thể nhận thấy, bốn loại vật quyền khác được liệt kê ở đây chỉ là bốn loại vật quyền có đối tượng là bất động sản. Vậy những vật quyền có đối tượng là động sản vì sao không được liệt kê? Các Điều 186, 187 cho thấy, vật quyền khác không chỉ bao gồm như ghi nhận trong Điều 183. Hơn nữa, các quyền khác được pháp luật quy định là những quyền gì? Ban soạn thảo muốn dùng khái niệm các quyền khác hay các vật quyền khác ở trong Điều 183 này.

Thứ tư, Điều 186 quy định về đòi tài sản từ người chiếm hữu trái pháp luật như sau:

1. Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu trái pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có một vật quyền khác đối với vật đó”.

Nếu phân tích đầy đủ Điều 186 trong mối liên hệ với các quy định khác của Dự thảo thì bất cập quá lớn. Mổ xẻ phạm vi khái niệm chủ thể có vật quyền khác trong mối liên hệ với khái niệm tài sản sẽ thấy ngay điều này. Nếu như quy định “chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản bị chiếm hữu trái pháp luật” có độ chính xác cao thì quy định “chủ thể có vật quyền khác có quyền đòi lại tài sản bị chiếm hữu bất hợp pháp” lại thiếu chính xác. Vấn đề đầu tiên đặt ra là, chủ thể có vật quyền khác có đối tượng là động sản hay bất động sản, hay chỉ là những loại vật quyền khác được liệt kê trong Điều 183? Tiếp đó, tài sản theo định nghĩa tại Điều 122 Dự thảo như sau: “Tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác”. Nếu ghép định nghĩa này với nội dung của khoản 1 Điều 186 cần phải hiểu như sau: Chủ sở hữu, chủ thể có vật quyền khác có quyền đòi lại vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Quy định này tạo ra sự rối rắm về nội dung vật quyền khác. Nếu hiểu tài sản theo Điều 122 thì tài sản bao gồm cả vật quyền khác theo Điều 183, chưa nói đến vật quyền mà đối tượng là động sản.

Thứ năm, khoản 2 Điều 186 quy định: “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có một vật quyền khác đối với vật đó”. Quy định này thể hiện rất rõ sự lúng túng của Ban soạn thảo về vật quyền. Xin dẫn một ví dụ cụ thể sau: A có nhà cho B thuê 20 năm để làm văn phòng. B sử dụng nhà thuê làm địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke gây nhiều phản ứng của cư dân. B đang có quyền tài sản đối với ngôi nhà, cụ thể là quyền chiếm giữ, sử dụng và khai thác giá trị của ngôi nhà. Như vậy, theo khoản 2 Điều 186 này thì A không có quyền đòi lại ngôi nhà. Quy định này chắc chắn sẽ tạo ra những bất cập lớn trong thực tiễn sau này.

Tương tự, Điều 187 về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình cũng không cho thấy rõ khái niệm vật quyền khác. Một mặt, Điều 187 củng cố thêm sự tồn tại của vật quyền có đối tượng là động sản có đăng ký và động sản không đăng ký. Mặt khác, nội dung của Điều 187 cũng có bất cập liên quan đến vật quyền khác. Điều 187 này cần được phân tích trong mối liên hệ với các quy định về quyền sở hữu; theo đó, chỉ chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản. Mổ xẻ quy định này trong tình huống sau: A sở hữu một chiếc máy tính, thứ tài sản không cần đăng ký sở hữu. A cho B mượn chiếc máy tính này. B lại tặng C theo hợp đồng tặng cho, tức là hợp đồng không đền bù. Vậy A có quyền đòi lại chiếc máy tính từ C hay không? Căn cứ vào Điều 187 thì A có thể đòi vì B không phải là người có quyền định đoạt. Trường hợp B bị C lấy cắp thì A cũng có quyền đòi; vậy B có quyền đòi hay không? Cũng theo quy định của Điều 183, nếu B bán cho C hoặc cho C thuê máy tính, tức là thông qua hợp đồng có đền bù thì A có quyền đòi lại từ C. Quy định này không phù hợp với thực tế cuộc sống, nhất là trường hợp B đã bán máy tính cho C.

Thứ sáu, tại sao Ban soạn thảo quy định trong Điều 191 gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm vật quyền mà không phải là xâm phạm quyền sở hữu, trong khi quy định về bồi thường lại có cả chủ sở hữu? Có điều gì đặc biệt trong việc gây thiệt hại đối với vật quyền khác trong tình thế cấp thiết?

Nội dung của Điều 194 cũng thiếu thực tế. Chủ sở hữu bất động sản thì không thể xây dựng công trình. Chính xác hơn, cần quy định chủ sở hữu đối với bất động sản là đất đai, người sử dụng đất khi xây dựng công trình phải đảm bảo những yêu cầu như trong nội dung của Điều 194.

Thứ bảy, các quy định về việc xác định quyền sở hữu và các vật quyền khác trong Điều 702 không tương thích với pháp luật quốc tế và thiếu tính minh định. Điều 766 BLDS năm 2005 thể hiện chính xác và phù hợp với pháp luật quốc tế hơn, đặc biệt là nguyên tắc lex sitae - luật nơi có tài sản.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy các quy định của Dự thảo về vấn đề sở hữu, tài sản xoay quanh các khái niệm sau: Tài sản, quyền sở hữu, vật quyền, vật quyền khác, vật quyền khác có đối tượng là động sản, vật quyền khác có đối tượng là động sản không phải đăng ký và vật quyền khác có đối tượng là bất động sản. Ngoài sở hữu và tài sản, các khái niệm còn lại đều không được định nghĩa rõ. Mặt khác, những khái niệm này hầu như thiếu liên kết với nhau trong các quy định về căn cứ phát sinh, chấm dứt, bảo vệ, đặc biệt là khái niệm vật quyền khác. Bên cạnh đó, Dự thảo thiết kế riêng Chương Tài sản ở Phần I. Như vậy, tài sản là phạm trù ngoài quyền sở hữu và vật quyền khác; trong khi Điều 122 Dự thảo định nghĩa tài sản “là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác”. Tuy không chuẩn xác bằng Điều 163 BLDS hiện hành, song Điều 122 của Dự thảo cũng có thể chấp nhận được. Theo Điều 122 thì quyền sở hữu, vật quyền khác cũng là quyền tài sản. Vì thế, tách tài sản thành một chương riêng đưa vào Phần I của Dự thảo là không hợp lý. Điều này phá vỡ tính logic trong các quy định của BLDS về tài sản.

2. Khái niệm vật và vật quyền trong pháp luật của các quốc gia trên thế giới

Trong khoa học pháp lý hiện đại ở các quốc gia trên thế giới, khái niệm vật quyền không còn được sử dụng mà thay vào đó là khái niệm quyền tài sản với nội hàm rộng, đầy đủ và chính xác hơn khái niệm vật quyền. Trong pháp luật của các quốc gia, khó có thể tìm thấy khái niệm “things right”, tức là vật quyền mặc dù “things” (vật) với tài sản (property) có nội hàm về cơ bản là giống nhau. Trong tiếng Anh, khái niệm vật (things) được hiểu rộng và đầy đủ hơn. Trong tiếng Việt, “vật” được hiểu là cái có hình khối, có thể nhận biết được. Trong tiếng Anh, ‘things” được hiểu là những đối tượng của sự chiếm hữu hoặc được hiểu là tài sản. Khái niệm “things” hay “property” trong tiếng Anh gần như là đồng nghĩa và vì thế cách phân loại cũng tương tự nhau. Từ điển Luật học Black định nghĩa: “vật-things” là những đối tượng ổn định có thể nhìn thấy, có thể cảm nhận được qua giác quan. Vật được chia làm ba loại: vật bất động (immovable things); vật lưu động (movable things); và vật hỗn hợp (mixed things), tức là những vật mang đặc trưng của hai loại trên, ví dụ như văn tự xác nhận quyền (title- deed). Trong hệ thống Civil Law, “vật” được hiểu theo nghĩa tương tự nhưng sự phân loại có điểm khác. “Vật” trong hệ thống Civil Law được chia thành vật hữu hình (Tangible things) và vật vô hình (Intangible things). Vật hữu hình được chia thành động sản và bất động sản.

Khái niệm “property” (tài sản) được định nghĩa rất khái quát và chính xác về mặt pháp lý. Tài sản được hiểu là những gì cụ thể hoàn toàn thuộc về một cá nhân, một chủ thể và hiểu rộng hơn về mặt pháp lý là toàn bộ những quyền mà một chủ thể đối với một tài sản nhất định được nhà nước đảm bảo và bảo vệ[4]. Với cách hiểu mở rộng này, khái niệm tài sản được mở ra đối với bất cứ loại quyền và lợi ích có giá trị nào, bao gồm cả tài sản cố định và tài sản lưu động, nhượng quyền, địa dịch (hay quyền sử dụng bất động sản liền kề),… Khái niệm tài sản rộng, có tính khái quát cao nên hệ thống pháp luật của đa số các nước phát triển nó thành quyền tài sản. Việc sử dụng khái niệm này mang lại sự bảo vệ toàn diện và đầy đủ hơn quyền tài sản của con người. Chính vì vậy, mức độ bảo đảm quyền tài sản của cá nhân được coi là một trong những chỉ số đo mức độ dân chủ và pháp quyền của các quốc gia.

Quyền tài sản được phát triển từ khái niệm vật quyền cổ điển của La Mã. Trong ngôn ngữ pháp luật La Mã thì “vật” (res) gồm vật thể (object), nội dung (subject mattter) hoặc địa vị cần được xác định bởi thủ tục pháp lý. Ví dụ, trong vụ kiện xác định quyền sở hữu cổ vật trong chiếc tàu đắm giữa những người tìm ra chúng và chính quyền địa phương được coi là “res”. Vật trong Luật La Mã, xét ở khía cạnh sở hữu được phân thành Res Nullius và Res private. Res Nullius là vật không có chủ hoặc vật bị chủ từ bỏ, còn Res private là vật thuộc về một hoặc một số người nào đó. Đối với Res Nullius, quyền sở hữu sẽ được xác định theo nguyên tắc: Những vật chưa thuộc về ai sẽ thuộc về người chiếm giữ nó đầu tiên[5]. Phương thức sở hữu này được gọi là sở hữu thông qua việc chiếm giữ đầu tiên[6], và trở thành một trong những nguyên tắc của Luật quốc tế trong việc xác định chủ quyền đối với lãnh thổ. Phương thức này cũng được đưa vào trong luật của Anh và Mỹ. Việc chiếm giữ (accupancy) được hiểu là hành vi của một người chiếm giữ về mặt vật lý một vật chưa thuộc về ai với ý đồ biến nó thành sở hữu của mình.

Trong Luật La Mã, đất đai và động sản được cá nhân sở hữu một cách tuyệt đối. Ở các nước theo truyền thống Luật dân sự, chủ sở hữu muốn bảo vệ tài sản của mình đang bị người khác chiếm giữ thì phải chứng minh quyền sở hữu và chỉ có họ thực hiện được việc này. Người chiếm hữu không có được điều này. Các nước theo truyền thống Common Law cho phép người chiếm giữ hợp pháp được can thiệp bảo vệ tài sản của mình hiện đang do người khác chiếm giữ.

Với nghĩa này thì res (vật) đồng nghĩa với khái niệm property (tài sản) bao gồm cả quyền sở hữu với tư cách là quyền tuyệt đối và các quyền tài sản khác. Tuy nhiên, khái niệm vật (res) hiểu theo nghĩa sở hữu tuyệt đối như trong Luật La Mã sẽ không bao hàm tài sản như cổ tức, trái phiếu, chứng khoán, quyền ưu tiên, quyền tương lai, quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp…, những thứ tài sản xuất hiện sau này không tồn tại trong đời sống kinh tế của La Mã cổ đại.

Tài sản (property) đã trở thành một khái niệm mang tính quốc tế và có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế thị trường ở khía cạnh thúc đẩy việc lưu thông, khai thác giá trị. Đồng thời, khái niệm này đã bảo vệ những tài sản không chỉ thuộc sở hữu tuyệt đối, tức là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, pháp nhân mà cả những quyền của những người không phải chủ sở hữu nhưng đang chiếm giữ hợp pháp tài sản. Felix Cohen định nghĩa: “Tài sản là mối quan hệ giữa con người theo đó chủ sở hữu có thể từ chối hoặc cho phép người khác thực hiện một số hoạt động nhất định, và cả khi thực hiện việc từ chối hoặc cho phép, chủ sở hữu luôn được pháp luật trợ giúp”[7]. “Tài sản (property) không phải là một vật mà là một quyền hoặc một loạt quyền được cưỡng chế thực hiện trong quan hệ với những người khác. Giải thích cách khác, thuật ngữ tài sản có nghĩa là những quan hệ giữa con người liên quan đến các yêu cầu đối với những thứ hữu hình và vô hình”[8].

Trong BLDS Liên bang Nga, quy định về quyền sở hữu  tại Điều 209 như sau:

1. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản[9] (property) của mình.

2. Chủ sở hữu có quyền tự quyết định thực hiện bất cứ hoạt động nào đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, miễn là không trái pháp luật và bất cứ hành vi pháp lý nào miễn là không vi phạm đến quyền và lợi ích của người khác được pháp luật bảo vệ, kể cả việc chuyển tài sản của mình thành sở hữu của người khác, chuyển giao cho người khác quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình nhưng vẫn là chủ sở hữu của những tài sản đó, thế chấp tài sản của mình hoặc theo các phương thức khác cũng như định đoạt tài sản theo phương thức khác.

Điều 544 BLDS Cộng hòa Pháp quy định: “Sở hữu là quyền được hưởng dụng và định đoạt tài sản[10] theo phương thức tuyệt đối nhất với điều kiện là không được dùng chúng theo cách trái luật và các quy chế pháp lý”. Điều 903 BLDS Đức, Điều 206 BLDS Nhật Bản cũng có quy định tương tự.

Những ví dụ trên cho thấy, học thuyết và pháp luật các nước đều coi tài sản bao gồm các quyền đối với vật. Bất cứ vật gì mà cá nhân, con người cụ thể có quyền được pháp luật bảo vệ là tài sản của người đó. Vì thế, tài sản (property) bao gồm cả những quyền tuyệt đối (quyền sở hữu) và những quyền tài sản khác. “Những người không chuyên nghiệp chỉ hiểu một cách đơn giản tài sản là những vật hữu hình và một số vật vô hình. Pháp luật định nghĩa tài sản là một hệ các quyền đối với những vật hữu hình và vô hình. Lý tưởng nhất, một vật khi thuộc về tài sản của một cá nhân cụ thể thì người đó có quyền pháp lý đối với vật đó, bao gồm cả quyền chiếm hữu, sử dụng, chuyển nhượng, khai thác lợi ích từ vật đó và loại trừ những người khác thực hiện những việc như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một vật vẫn thuộc tài sản của một cá nhân cụ thể dù người đó không thụ hưởng tất cả những thuộc tính trên của quyền sở hữu. Thực tế, những quyền như vậy được nhiều người khác thực hiện và trong từng trường hợp, việc thụ hưởng các quyền đó không được coi là thích hợp và có ý nghĩa để xác lập quyền sở hữu. Tư duy pháp luật phải coi việc phân tích những lợi ích tài sản khác nhau của các cá nhân đối với vật như là nhiệm vụ của mình”[11].

3. Tại sao Bộ luật Dân sự nên sử dụng khái niệm quyền tài sản?

1. Trong BLDS 1972 của Việt Nam Cộng hòa, dù chịu ảnh hưởng rất lớn của pháp luật La Mã, thông qua BLDS của Pháp song thuật ngữ “vật quyền” không được sử dụng. Nội hàm của khái niệm vật quyền được thể hiện trong khái niệm tài sản. Trong Quyển II BLDS 1972 với tên gọi “Nói về tài sản” đã định nghĩa rất rõ tài sản và các quyền tài sản ở các chương, các thiên khác nhau. Đây là sự lựa chọn hợp lý và phù hợp với tiếng Việt.

Trong quá trình xây dựng BLDS 1995 và 2005, khái niệm này đã được bàn đến. Tuy nhiên, các luật gia lão thành tham gia Tổ biên tập và Ban soạn thảo BLDS 1995 như cố Luật sư Ngô Bá Thành, cố Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu, cố Luật sư Nguyễn Thế Giai, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, TS. Nguyễn Đình Lộc... đã không sử dụng thuật ngữ vật quyền để thể hiện nội hàm của khái niệm vật (res) được sử dụng trong Luật La Mã. Khi soạn thảo BLDS 2005, hầu như thuật ngữ vật quyền không được bàn tới và không được sử dụng. Chương II của BLDS năm 2005 đã chọn khái niệm “Tài sản và sở hữu” để thể hiện nội hàm khái niệm vật trong Luật La Mã. Việc không sử dụng thuật ngữ “vật quyền” không có nghĩa là Việt Nam chưa có ai nghiên cứu về vật quyền và không sử dụng thuật ngữ này có nghĩa là Việt Nam không thể hội nhập[12]. Hiện tại, Ban soạn thảo BLDS (sửa đổi) mới đang tìm cách quay lại khái niệm vật quyền và coi đó như là một cải cách, một bước đột phá của việc xây dựng Bộ luật. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ này đang tạo ra những bất cập về mặt khoa học do nội hàm của khái niệm này trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) như đã nêu trên. Mặt khác, xét ở độ chính xác về khoa học pháp lý, về ngôn ngữ và nhận thức của nhân dân thì việc dùng thuật ngữ tài sản và cách tiếp cận vấn đề sở hữu như BLDS hiện hành chính xác và tốt hơn. Nghiên cứu kỹ những nội dung của khái niệm “vật quyền khác” trong Dự thảo không thấy điểm nào mới hơn so với khái niệm tài sản và quyền tài sản trong BLDS năm 2005.

2. Việc sử dụng thuật ngữ tài sản và từ đó là quyền tài sản trong BLDS có thể cho chúng ta sự tương thích, ít nhất là về mặt thuật ngữ với pháp luật các nước cũng như các Công ước quốc tế về tài sản và quyền tài sản. Tra cứu thuật ngữ “vật quyền” trong BLDS các nước Pháp, Đức, Nhật, Thái Lan, Philipines được dịch ra tiếng Anh đều là “propety”, tức là tài sản. Ngay cả khái niệm “вeщеноe правo” trong BLDS của Liên bang Nga[13] được lấy làm dẫn chứng và cho là bước chuyển to lớn của hệ thống pháp luật nước Nga cũng chính là quyền tài sản (property) như pháp luật của nhiều nước và tương thích với nội hàm vật (res) trong Luật La Mã.

3. Thực tiễn thực hiện BLDS 2005 trong 10 năm qua cho thấy, các vướng mắc không nằm ở khái niệm “vật quyền”. Sẽ là sự kỳ vọng quá mức nếu cho rằng, đưa khái niệm vật quyền vào BLDS sẽ tạo ra một bước ngoặt cho nền kinh tế; bảo đảm cho sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế. Những nội dung của các quy định vật quyền trong 20 điều của Dự thảo được phân tích ở trên sẽ tạo những bất cập trong thực tiễn áp dụng sau này.

4. Từ những phân tích ở trên cho thấy, Ban soạn thảo nên giữ nguyên tên gọi và đa số các quy định của BLDS năm 2005 trong Phần II “Tài sản và quyền sở hữu”. Cần nghiên cứu và đối chiếu với thực tiễn để sửa một số quy định còn chưa phù hợp nhằm làm cho BLDS kế thừa được những giá trị vốn đã tốt đẹp của nó.




* GS.TS., Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN.

Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu trung gian của Đề tài cấp nhà nước do Nafosted tài trợ “Hệ thống pháp lý trong quản lý phát triển xã hội ở các nước ASEAN và mô hình Việt Nam cần xây dựng hướng tới Cộng đồng ASEAN”.

[1] Những phân tích trong bài viết này dựa trên Dự thảo BLDS (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân đăng trên Website của Chính phủ.

[2] Trích từ Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[3] Bao gồm các điều 67, 124, từ Điều 177 đến 191, Điều 193-194, 207 và 702.

[4] Black Law Dictionary, Sixth Edition, St Paul, Minn, West Publishing Co., 1990, 1216.

[5] Tiếng La tin: Quod nullius est id ratione naturali occupanti conceditur.

[6] Latin: Res nullius fit primi occupantis.

[7] http://www.duhaime.org/LegalDictionary/ P/Property.aspx

[8] http://www.duhaime.org/LegalDictionary/ P/Property.aspx

[9] Khái niệm này được nhiều thành viên Ban soạn thảo dịch thành “vật quyền”, thay thế khái niệm tài sản trong BLDS năm 2005 bằng khái niệm này.

[10] Trong Bản gốc là things.

[11] SMH Law School Summarries I, Third Edition, SMH Inc, 1987, Real Property, Page 1.

[12] Hai kết luận này được một số thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự thảo BLDS thường xuyên nhấn mạnh ở các hội thảo hoặc các cuộc họp góp ý Dự thảo.

[13] Khái niệm vật quyền là “вeщеноe правo” trong tiếng Nga ở bản dịch tiếng Anh đăng trên trang điện tử của Duma Nga là property.

Các văn bản liên quan