VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa

Thứ Năm 17:48 31-08-2017

Kính gửi: Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương

Trả lời Công văn số 5688/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ngày 28/6/2017 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2006/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Quan điểm tiếp cận

Việc sửa đổi Nghị định 158 về sở giao dịch hàng hóa là rất cần thiết. Sở giao dịch là hình thức giao dịch hàng hóa được kỳ vọng mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là thị trường nông sản. Sở giao dịch hàng hóa vừa là kênh thông tin về giá cả, sản lượng, từ đó giúp tránh được tình trạng thừa thiếu cung cầu mà không cần đến sự can thiệp hành chính của Nhà nước. Thêm vào đó, sở giao dịch hàng hóa cũng giúp tạo thói quen cho người nông dân sản xuất hàng hóa đáp ứng những tiêu chuẩn chung.

Tuy nhiên, hơn 10 năm kể từ khi Nghị định 158 được ban hành, hình thức bán hàng qua sở giao dịch hàng hóa vẫn chưa trở nên phổ biến. Đã có một số nhà đầu tư tìm cách thành lập các sở giao dịch hàng hóa và cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, song các sở giao dịch này hoạt động chưa được hiệu quả, không thu hút được khách hàng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, gồm cả những nguyên nhân khách quan như (1) quy mô thị trường tại Việt Nam còn nhỏ; (2) thói quen sản xuất, giao dịch hàng hóa của các thương nhân, nông dân chậm thay đổi;… Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ các quy định pháp luật chưa thực sự khuyến khích và thu hút những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia thành lập và quản trị các sở giao dịch hàng hóa.

Các quy định của Nghị định 158 vẫn được thiết kế theo hướng kiểm soát rủi ro có thể phát sinh từ các sở giao dịch hàng hóa. Đối với những thị trường giao dịch qua sở đã phát triển thì việc kiểm soát rủi ro là cần thiết. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khi mà hình thức giao dịch này còn chưa hình thành thì việc đặt ra quá nhiều các quy định quản lý rủi ro có thể làm nản lòng các nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu. Do đó, VCCI ủng hộ cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo khi cố gắng giảm mức quản lý kiểm soát trong giai đoạn này.

  1. Thương nhân Việt Nam tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa nước ngoài

Như đã phân tích, do quy mô thị trường Việt Nam tương đối nhỏ nên việc hình thành riêng một sở giao dịch hàng hóa cho hàng hóa tại Việt Nam không phải là sự lựa chọn tối ưu. Hơn nữa, các mặt hàng giao dịch qua sở đều có tính liên thông với thị trường thế giới rất lớn như cà phê, gạo, cao su… Do đó, việc mở cửa cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài là điều rất cần thiết.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang cung cấp dịch vụ phái sinh giá cả hàng hóa của các sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài theo Thông tư 40/2016/TT-NHNN. Hiện cũng đã có một số ngân hàng cung cấp dịch vụ này với quy mô tương đối hạn chế. Dự thảo bổ sung thêm quy định cho phép thương nhân Việt Nam mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài nhưng chưa làm rõ mối quan hệ với hoạt động phái sinh giá cả hàng hóa của các ngân hàng thương mại. Về cơ bản, các sở giao dịch hàng hóa trong nước liên thông với nước ngoài không có chức năng kinh doanh ngoại hối, nên vẫn phải phụ thuộc vào một ngân hàng thương mại để có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn và giải trình rõ hơn về mối quan hệ giữa sở giao dịch hàng hóa liên thông với các ngân hàng thương mại.

Điều kiện tham gia mua bán trên sở giao dịch hàng hóa tại nước ngoài

Điều 5.4 của Dự thảo quy định 2 điều kiện: (1) mục đích giao dịch là để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa, hoặc nhằm mục đích mua bán hàng hóa thực; và (2) có khả năng tài chính để thanh toán. Trong khi đó, theo Thông tư 40, một khách hàng phải đáp ứng 3 điều kiện mới được tham gia giao dịch: (1) có giao dịch gốc (hợp đồng xuất nhập khẩu); (2) mục đích giao dịch là để phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa; (3) có khả năng tài chính theo đánh giá của ngân hàng thương mại.

Theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, các điều kiện về mục đích giao dịch trong Thông tư 40 không có ý nghĩa thực tế, vì không ai có thể xác định được mục đích của giao dịch. Điều kiện về mục đích mua bán được khẳng định một cách gián tiếp thông qua điều kiện phải có giao dịch gốc. Như vậy, mấu chốt nằm ở việc khách hàng có giao dịch gốc hay không. Với cách thể hiện trong dự thảo, không rõ ý định của cơ quan soạn thảo là sẽ bỏ yêu cầu phải có giao dịch gốc hay yêu cầu này được ẩn trong mục đích giao dịch?

Quy định phải có giao dịch gốc giúp chặn gần như toàn bộ các nhà đầu tư chỉ muốn mua đi bán lại mà không dựa trên cơ sở hàng hóa thật. Tuy nhiên, nó lại hạn chế cả những thương nhân sử dụng sở giao dịch hàng hóa để tìm kiếm hợp đồng, làm mất đi một chức năng quan trọng của sở giao dịch hàng hóa. Với mục tiêu của Nghị định này là phát triển một kênh tiêu thụ hàng hóa cho Việt Nam, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán ngay cả khi không có giao dịch gốc, đồng thời bỏ điều kiện về mục đích giao dịch.

Đối với điều kiện về năng lực tài chính, đây vốn chỉ là quan hệ dân sự giữa sở giao dịch và khách hàng nên không cần thiết quy định. Nếu khách hàng không đủ năng lực tài chính thì chính các sở giao dịch hàng hóa sẽ chịu trách nhiệm về việc này.

Như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ Điều 5.4 của Dự thảo. Toàn bộ việc quyết định có hay không cho phép một khách hàng tham gia giao dịch là quyền của sở giao dịch hàng hóa.

            Tạm ngừng, đình chỉ liên thông với sở giao dịch hàng hóa nước ngoài

Điều 5.7 của Dự thảo quy định “Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài và mất ổn định trên thị trường trong nước, Bộ Công Thương có thể ra quyết định tạm ngưng, đình chỉ và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

Cơ sở để ra quyết định tạm ngừng, đình chỉ như vậy là chưa hợp lý. Thứ nhất, không thể đồng nhất việc “xử lý vi phạm” với việc “mất ổn định trên thị trường”. Xử lý vi phạm là lỗi của sở giao dịch và phải được thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Ngược lại, sự mất ổn định trên thị trường có thể đến từ những nguyên nhân khách quan, không phải là lỗi của sở giao dịch (ví dụ như khi có thông tin bất lợi cho thị trường). Biện pháp yêu cầu tạm ngưng, đình chỉ hoạt động của sở giao dịch lúc này chỉ mang tính bình ổn thị trường, chứ không có ý nghĩa như một chế tài. Biện pháp này tương tự như tạm dừng giao dịch trong vài giờ hoặc vài ngày khi thị trường chứng khoán bị đổ vỡ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tách hai trường hợp và quy định cụ thể hơn về biện pháp và thủ tục xử lý, cụ thể:

  • Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định vì đương nhiên trường hợp này sẽ được xử lý theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.
  • Đối với trường hợp “mất ổn định thị trường”, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về tiêu chí xác định như thế nào là “mất ổn định thị trường” (ví dụ, có biến động giá quá 10%/ngày); thời gian tạm ngừng giao dịch (ví dụ, 1 ngày); và xử lý đối với những giao dịch đang được thực hiện vào thời điểm tạm ngừng.
  1. Điều kiện thành lập sở giao dịch hàng hóa

Điều 8.2 quy định sở giao dịch hàng hóa phải có “Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin”. Quy định như vậy chưa thực sự rõ ràng vì có rất nhiều các yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin khác nhau. Hiện nay, Luật An toàn thông tin mạng (chương IV) đã có quy định về quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng “Hệ thống thông tin của sở giao dịch hàng hóa phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin (nếu có)”.

Điều 8.3 quy định sở giao dịch hàng hóa phải “Có cơ sở vật chất phù hợp để phục vụ giao dịch: trụ sở giao dịch, hệ thống kho bãi”. Quy định như vậy là không minh bạch vì cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp không có cơ sở nào để xác định cơ sở vật chất phù hợp hay không phù hợp. Hơn nữa, cơ sở vật chất nhằm phục vụ hoạt động bình thường của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ phải tự chuẩn bị. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 8.3 của Dự thảo.

Điều 8.4 quy định “Điều lệ hoạt động phù hợp với quy định của Nghị định này”. Quy định như vậy là không minh bạch vì rất khó để đánh giá tính phù hợp với điều lệ với quy định của Nghị định. Trong trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: “Điều lệ hoạt động không trái với các quy định của Nghị định này”.

Điều 8.5 và 8.6 của Dự thảo quy định giám đốc, tổng giám đốc, và thành viên sáng lập “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp”. Quy định này là không cần thiết do Điều 6 của Dự thảo đã quy định sở giao dịch hàng hóa phải là doanh nghiệp. Toàn bộ các cá nhân trên đã phải đáp ứng các yêu cầu của Luật Doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Thủ tục thành lập sở giao dịch hàng hóa

            Điều 6 của Dự thảo đã quy định sở giao dịch hàng hóa phải là doanh nghiệp. Trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm nhiều thông tin như vốn điều lệ, danh sách thành viên, cổ đông sáng lập. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các thành phần hồ sơ sau: (1) Danh sách các thành viên sáng lập Sở Giao dịch hàng hóa; (2) Bản sao thẻ căn cước hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác (theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh) đối với thành viên sáng lập là cá nhân; (3) Bản sao quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản ủy quyền, thẻ căn cước hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền đối với thành viên sáng lập là tổ chức. Tất cả những thành phần hồ sơ trên có thể được thay bằng đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

            Điều 16a của Dự thảo mở cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào sở giao dịch hàng hóa và khống chế ở mức tối đa 49%. Đây là giải pháp tích cực vì sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm tham gia thành lập và điều hành các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ tối đa vốn góp ở mức 49% chưa thực sự hấp dẫn, vì mức vốn góp này chưa có quyền quyết định. Nhằm thu hút tốt hơn các nhà đầu tư nước ngoài giúp hình thành các sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng mức tối đa lên không quá 65%. Ở mức này, cổ đông nước ngoài được quyền quyết định, nhưng vẫn bảo đảm quyền tham gia và ra các quyết định quan trọng của cổ đông Việt Nam.

  1. Hàng hóa được mua bán qua Sở giao dịch

Điều 32 của Dự thảo quy định Sở Giao dịch hàng hóa được phép giao dịch tất cả các mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, Sở Giao dịch hàng hóa phải được Bộ Công Thương chấp thuận.” Hiện nay, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện chưa thực sự thống nhất. Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định về danh mục này vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong danh mục này hiện đang trái với Luật Đầu tư về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc căn cứ vào Nghị định 59 là chưa thực sự phù hợp. Hơn nữa, rất nhiều hàng hóa thuộc diện kinh doanh có điều kiện vì các lý do an toàn chứ không hề hạn chế, thậm chí nhiều trường hợp còn được khuyến khích. Cách quy định như vậy có thể sẽ hạn chế nhiều mặt hàng vốn được mua bán rất nhiều trên các sở giao dịch như xăng dầu, thủy sản, nông sản khác (vì là thực phẩm), than, khí đốt, khoáng sản,… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không dẫn chiếu đến danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, mà thay vào đó, liệt kê rõ các loại hàng hóa không được mua bán qua sở giao dịch ngay trong Nghị định.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.