VCCI góp ý Dự thảo Nghị định Kiểm dịch Thực vật

Thứ Ba 14:30 08-08-2006

Ngày 7/8/2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có Công văn góp ý Dự thảo 7 Nghị định Kiểm dịch Thực vật gửi Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp. Sau đây là nội dung Công văn nói trên:

A. Về quan điểm tiếp cận

Về mặt pháp lý , đây là một lĩnh vực được điều chỉnh khá cụ thể trong Hiệp định SPS và Công ước về bảo vệ Thực vật mà Việt Nam phải tuân thủ với tư cách là thành viên. Do đó các quy định của Nghị định cần bám sát các nguyên tắc này. Trong hệ thống pháp luật trong nước có liên quan, Nghị định cần tuân thủ ít nhất là các quy định của Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật (văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định).

Về mặt thực tiễn , bảo vệ và kiểm dịch thực vật là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh thực vật, góp phần bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của con người, động vật và bảo đảm các lợi ích kinh tế chung. Tuy nhiên, hoạt động này cũng hạn chế ở một mức độ nhất định các hoạt động thương mại (đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan). Do đó, các quy định điều chỉnh vấn đề này cần cân đối một cách hợp lý các lợi ích này. Cụ thể, các quy định trong Nghị định cần đáp ứng các yêu cầu:

-          Các quy định kiểm dịch phải dựa trên các căn cứ khoa học tin cậy; không vượt quá mức độ cần thiết;

-          Hạn chế ở mức tối đa việc can thiệp, cản trở hoạt động của các chủ thể liên quan (đặc biệt là đối với các chủ thể hoạt động thương mại); các thủ tục hành chính, nếu có, phải được quy định một cách minh bạch, chi tiết để tránh hiện tượng lạm dụng, nhũng nhiễu; đồng thời phát huy được vai trò tích cực, chủ động của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định.

 

B. Các nhận xét cụ thể

Trên cơ sở các quan điểm tiếp cận nêu trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng Dự thảo còn một số điểm bất cập cần được cân nhắc chỉnh sửa như sau:

1. Dự thảo còn nhiều quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế

Về nguyên tắc, những biện pháp kiểm dịch thực vật chặt chẽ (bao gồm cả các hình thức cấm, đặt điều kiện, cưỡng chế xử lý…) là các biện pháp được phép thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định SPS (Điều 2.1), Công ước Bảo vệ Thực vật (Điều VII.1) nhằm ngặn chặn sự xâm nhập và lan truyền của các dịch hại thực vật. Vì vậy, các quy định trong Dự thảo liên quan đến việc kiểm dịch các dịch hại thực vật xuất khẩu, nhập khẩu hay thực vật trong nội địa là hợp lý. Tuy nhiên, các Hiệp định liên quan đều đòi hỏi rằng các biện pháp này phải dựa trên các căn cứ khoa học (Điều 5 Hiệp định SPS, Điều VII.2a Công ước Bảo vệ Thực vật) và phải tính đến các điều kiện liên quan khác; các biện pháp thiếu căn cứ có thể bị xem là không hợp pháp.

Dự thảo dường như chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu này, ví dụ:

-          Về các Danh mục phải công bố (Điều 8): Dự thảo chỉ quy định về Cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố các Danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cấm nhập khẩu (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mà không đề cập gì đến các điều kiện, căn cứ để xác định các Danh mục này. Việc thiếu các quy định như vậy có thể gây khó khăn hoặc lạm dụng trong quá trình thực thi, đồng thời có thể là nguy cơ dẫn đến việc vi phạm các nghĩa vụ liên quan trong WTO.

-          Về Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (Điều 3.7 và các Điều khác): Dự thảo quy định một loạt các biện pháp kiểm dịch thực vật áp dụng đối với đối tượng này (khi xuất-nhập khẩu cũng như khi vận chuyển nội địa). Tuy nhiên, khái niệm về vật thể này lại rất mơ hồ “là thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện…. có khả năng mang dịch hại thuộc diện điều chỉnh”. Vấn đề là: khi nào vật thể bị xem là “có khả năng” đó? Ai là người xác định “khả năng” đó? Nếu có tranh cãi trong việc xác định thì ai là người có quyền quyết định cuối cùng? Việc xác định như vậy căn cứ vào đâu?... Những vấn đề này nếu không được xác định rõ sẽ dẫn tới hiện tượng một số lượng lớn các đối tượng bị đưa vào diện áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật một cách thiếu căn cứ, và do đó có nguy cơ vi phạm các cam kết quốc tế liên quan.

-          Về các biện pháp quản lý áp dụng đối với sinh vật gây hại lạ: Các sinh vật gây hại lạ được hiểu trong Dự thảo là những dịch hại “chưa được xác định trên cơ sở khoa học” (Điều 3.5). Như vậy, tính chất nguy hiểm của các sinh vật này không hoàn toàn ngang bằng với dịch hại thuộc diện điều chỉnh và do đó các biện pháp áp dụng không thể ở cùng mức độ (thậm chí Điều VI Công ước bảo vệ thực vật còn quy định khá rõ rằng “Các quốc gia thành viên không được áp dụng các biện pháp kiểm dịch đối với các dịch hại không thuộc diện được điều chỉnh). Tuy nhiên, Dự thảo lại có khá nhiều các biện pháp quản lý áp dụng tương đương cho hai đối tượng này (ví dụ quy định cấm nhập khẩu tại Điều 10.2, điều kiện đối với vật thể nhập khẩu tại Điều 11.2, quy định về xử lý vật thể nhiệm dịch hại tại Điều 14.2a…). Những quy định như vậy có thể hạn chế các hoạt động liên quan một cách thiếu căn cứ, đồng thời có thể vi phạm các nghĩa vụ trong cam kết quốc tế liên quan

-          Về các biện pháp quản lý áp dụng đối với giống cây trồng thuộc Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sinh vật có ích nhập khẩu: Về nguyên tắc các đối tượng này không thuộc nhóm dịch hại bị điều chỉnh và do đó không cần áp dụng các biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, Dự thảo quy định những biện pháp quản lý khá chặt (ví dụ quy định buộc phải vận chuyển và trồng giống cây trồng tại một địa điểm đã đăng ký, phải khai báo với cơ quan Nhà nước để tiếp tục theo dõi…Điều 13). Các quốc gia có quy định tương tự như vậy không? Quy định như vậy có vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia không?

2. Nhiều quy định trong Dự thảo có nguy cơ hạn chế bất hợp lý đến các hoạt động thương mại liên quan

Dự thảo đưa ra khá nhiều các biện pháp quản lý liên quan đến việc kiểm dịch. Tuy nhiên, phần lớn trong số này không xác định rõ chủ thể thực hiện, điều kiện, thời gian, cách thức áp dụng, biện pháp khiếu nại... Một mặt, cách quy định chung chung này có thể không thoả mãn yêu cầu của các cam kết quốc tế liên quan (bởi không lý giải được liệu biện pháp đó có thực sự cần thiết và không vượt quá mức yêu cầu để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng con người và an toàn đối với động-thực vật hay không (Điều VI Công ước); không đảm bảo các yêu cầu cụ thể về tính chất của hoạt động kiểm tra, thanh tra và thủ tục chấp nhận (Phụ lục C Hiệp định SPS)). Mặt khác, những quy định thiếu chi tiết này có thể gây ra những hạn chế rất lớn đối với các hoạt động liên quan (đặc biệt là các hoạt động thương mại) bởi không minh bạch, không thể dự đoán được; và do đó, nguy cơ nhũng nhiễu, lạm dụng xuất phát từ các quy định mơ hồ này cũng là rất lớn.

Cụ thể, Dự thảo quy định các biện pháp kiểm dịch sau đây:

(i)                 Thủ tục kiểm dịch đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, sinh vật có ích khi xuất-nhập khẩu (Điều 9, 10, 11, 12):

Dự thảo chỉ quy định nghĩa vụ khai báo của chủ vật thể trước ít nhất là 24 giờ; nghĩa vụ trả lời kết quả kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 24 giờ sau khi kiểm tra vật thể; địa điểm tiến hành kiểm dịch (cửa khẩu, điểm cách ly; cảng).

Dự thảo không đề cập đến các quy định về thủ tục kiểm dịch (các bước kiểm tra, lấy mẫu kiểm tra hay kiểm tra hết…), thời gian/thời hạn kiểm dịch (bắt đầu muộn nhất là bao lâu sau khi nhập khẩu; thời hạn kể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc kiểm dịch…), thời hạn và điều kiện phúc tra, cơ quan có thẩm quyền cụ thể (cơ quan kiểm dịch thực vật cấp tỉnh, huyện hay xã…), kết quả của việc kiểm dịch (có cấp phép/chứng nhận/xác nhận hay không, nếu có thì bao giờ cấp…)…

Quy định “Thủ tục kiểm tra vật thể và lập hồ sơ về kiểm dịch thực vật phải áp dụng thống nhất trong cả nước theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” (Điều 9.2) và “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông có trách nhiệm xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về kiểm dịch, quy trình phân tích nguy cơ dịch hại” (Điều 11) là không hợp lý. Tốt nhất Nghị định này nên quy định chi tiết các vấn đề nói trên; trường hợp không thể quy định thì ít nhất các nguyên tắc chung cho các thủ tục này phải được nêu trong Nghị định để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn căn cứ vào đó mà xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp, tránh tuỳ tiện trong quá trình ban hành quy định.

(ii)              Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật nước xuất khẩu cấp (Điều 11, 12):

Dự thảo quy định tất cả các vật thể, giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu đều phải có giấy này. Quy định này có hợp lý không khi không phải tất cả các nước đều kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận cho các vật thể khi xuất khẩu (ngay cả Dự thảo (Điều 16) cũng quy định Cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam chỉ kiểm dịch thực vật đối với vật thể xuất khẩu trong những trường hợp cụ thể chứ không phải là tất cả)?

Dự thảo cũng không quy định rõ ai là người có thẩm quyền kiểm tra giấy này, chủ thể liên quan sẽ trình giấy như thế nào (chỉ trình giấy hay phải nộp, nếu nộp thì nộp bản gốc hay bản sao…)…? [1]

(iii)            Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu trên cơ sở kết quả phân tích nguy cơ gây hại (Điều 11.3)

Dự thảo quy định Giấy phép này là bắt buộc phải có đối với các “vật thể mới lần đầu tiên nhập khẩu; có xuất xứ mới; tình trạng hay các biện pháp kiểm dịch thay đổi”.

Quy định này không rõ về đối tượng áp dụng: thế nào là “vật thể mới lần đầu tiên nhập khẩu” (Dự thảo chỉ có định nghĩa về giống cây trồng lần đầu tiên nhập khẩu)? “có xuất xứ mới” (mới với ai)? “tình trạng hay biện pháp kiểm dịch thay đổi” (thay đổi so với cái gì, ai xác nhận sự thay đổi này…)? Ba điều kiện này là chung hay riêng cho mỗi đối tượng?

Quy định cũng không rõ về tính chất giấy phép: Giấy do ai cấp, của nước nào? Ai chịu trách nhiệm phân tích nguy cơ gây hại? Việc phân tích nguy cơ gây hại và cấp phép được tiến hành khi nào (trước khi hay trong khi nhập khẩu)?...

(iv)             Văn bản đồng ý nhập khẩu mẫu sinh vật sống trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Điều 11.4)

Về loại giấy phép này, ngoài quy định về cơ quan có thẩm quyền cấp phép (Bộ NNPTNT), Dự thảo còn thiếu tất cả các quy định liên quan cần thiết khác (ví dụ: điều kiện cấp phép, hồ sơ, thủ tục cấp phép, thời hạn…).

Ngoài ra, Dự thảo cũng chưa làm rõ: nếu có văn bản đồng ý này thì có phải khai báo và làm thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu/hải quan nữa không.

(v)                Thủ tục đăng ký địa điểm trồng và Thủ tục khai báo với cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật địa phương (Điều 13.1a)

Dự thảo quy định 02 thủ tục này là bắt buộc đối với các giống cây trồng nhập khẩu thuộc Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh nhưng thiếu toàn bộ các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký/khai báo, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký, thủ tục theo dõi… (Điều 13.2: “Thời gian theo dõi…, tiêu chuẩn khu cách ly thực hiện theo quy định của Bộ NNPTNT”: không rõ quy định này đã có hay Bộ sẽ ban hành?)

(vi)             Thủ tục gieo trồng tại khu cách ly và Thủ tục xin chấp thuận của Bộ trưởng NNPTNT (Điều 13.1b)

Dự thảo quy định giống cây trồng mới được nhập khẩu lần đầu tiên phải được gieo trồng tại khu cách ly kiểm dịch thực vật “theo quy định của cơ quan kiểm dịch thực vật”. Không rõ cơ quan này cụ thể là cơ quan nào? Tại sao cơ quan này lại có quyền ra “quy định”? Thủ tục đưa giống cây vào khu cách ly như thế nào? Nếu địa phương không có khu cách ly thì xử lý ra sao?

Dự thảo cũng quy định phải xin chấp thuận của Bộ trưởng NNPTNT trong “một số trường hợp đặc biệt” mà không làm rõ trường hợp nào là đặc biệt? Thủ tục xin chấp thuận như thế nào? Bộ trưởng căn cứ vào đâu để chấp thuận? Nếu bị từ chối thì khiếu nại thế nào?...

(vii)           Thủ tục xin “quyết định” của Bộ NNPTNT (Điều 13.1c)

Dự thảo quy định để nhập khẩu sinh vật có ích, chủ vật thể phải “cung cấp tài liệu có liên quan cho cơ quan kiểm dịch thực vật để kiểm tra và trình Bộ NNPTNT xem xét, quyết định”. Tài liệu liên quan là tài liệu gì? Cơ quan kiểm dịch thực vật là cơ quan thuộc cấp nào? Quyết định của Bộ NNPTNT là quyết định về vấn đề gì, căn cứ vào đâu? Ngoài ra, có lý do gì để giải thích việc sinh vật có ích phải chịu kiểm soát kép khi nhập khẩu (thủ tục kiểm dịch và thủ tục này) không?

(viii)        Thủ tục giám sát về mặt kiểm dịch đối với việc vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật thể (Điều 14)

Dự thảo quy định sau khi nhập khẩu, tất cả các vật thể phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cung cấp (nhưng không rõ Giấy này có phải là kết quả của biện pháp (i) nói trên không?) và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Giấy chứng nhận (nhưng không rõ Giấy này có những nội dung gì? Ai quy định? [2]).

Hơn nữa, quy định “giám sát về mặt kiểm dịch thực vật” được hiểu như thế nào?

(ix)            Thủ tục kiểm dịch và giám sát đối với vật thể xuất khẩu (16, 17, 18)

Dự thảo quy định thủ tục kiểm dịch này chỉ thực hiện trong một số trường hợp (chủ vật thể, hợp đồng mua bán, cam kết quốc tế có yêu cầu). Tuy nhiên, Dự thảo vẫn không làm rõ được một loạt các vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự thủ tục, thời hạn… tiến hành việc kiểm dịch này. Việc dẫn chiếu đến Điều 9 Dự thảo (về các thủ tục trình tự) là không phù hợp bản thân quy định tại Điều 9 còn rất chung chung.

Từ thời điểm kiểm dịch xuất khẩu cho đến thời điểm xuất khẩu thực tế, vật thể sẽ phải chịu giám sát của cơ quan kiểm dịch. Vấn đề là không rõ cơ quan kiểm dịch nào có quyền này? Phương thức giám sát cũng không được quy định dù là ở mức nguyên tắc (Dự thảo giao Bộ NNPTNT toàn quyền quy định về vấn đề này).

(x)               Thủ tục kiểm dịch và giám sát đối với vật thể quá cảnh (Điều 19, 20, 21)

Dự thảo quy định vật thể quá cảnh qua Việt Nam phải khai báo với cơ quan kiểm dịch thực vật để được chấp thuận (không rõ thời hạn, trình tự, điều kiện chấp thuận, thủ tục khiếu nại…), phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất xứ (không rõ tại sao phải là giấy chứng nhận của nước xuất xứ mà không phải là giấy chứng nhận của nước xuất khẩu?).

(xi)            Thủ tục kiểm soát đối với giống cây trồng, sinh vật có ích nhập nội vào địa phương khác (Điều 23, 24)

Dự thảo quy định giống cây trồng, sinh vật có ích nhập nội về địa phương phải có giấy tờ nghiệp vụ kiểm dịch thực vật và phải chịu sự theo dõi, giám sát của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ:

- “Nhập nội về địa phương” có nghĩa là thế nào? Địa phương được hiểu là đơn vị hành chính nào (xã, huyện hay tỉnh)? (Pháp lệnh chỉ có quy định về “giống cây nhập nội” hiểu theo nghĩa là giống cây nhập từ nước ngoài vào Việt Nam);

- Giấy tờ nghiệp vụ kiểm dịch thực vật do ai cấp? khi nào cấp? cấp cho những đối tượng nào? với những điều kiện gì? theo thủ tục như thế nào? có hiệu lực trong bao lâu?...

Ngoài ra, Điều 13.3 còn đề cập đến “Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vận chuyển nội địa” (được hiểu là giấy cấp trong trường hợp có vùng dịch), không kèm theo bất kỳ quy định chi tiết nào về các vấn đề liên quan.

Điều 25 dẫn chiếu áp dụng Điều 9 cho các vấn đề về khai báo, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vận chuyển nội địa. Vấn đề là bản thân quy định tại Điều 9 là rất chung chung, hơn nữa quy định tại Điều 9 chỉ thích hợp cho vật thể xuất-nhập cảnh, không thích hợp cho các vật thể vận chuyển nội địa.

3. Quy định về điều kiện hoạt động xông hơi khử trùng thiếu minh bạch (Điều 27, 28, 29, 30)

Dự thảo quy định các điều kiện để hoạt động xông hơi khử trùng và chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng (áp dụng đồng thời đối với các hoạt động kinh doanh và không kinh doanh?).

Nhìn từ góc độ kinh doanh, điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề là một hình thức hạn chế quyền tự do kinh doanh nhằm bảo vệ một hoặc một số lợi ích công cộng nhất định. Vì thế, các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề cần đảm bảo yêu cầu (i) không vượt quá mức cần thiết để bảo vệ các lợi ích công cộng; và (ii) không hạn chế không cần thiết quyền tự do kinh doanh.

Quy định liên quan của Dự thảo có lẽ chưa đáp ứng được các yêu cầu này, ví dụ:

-          Về điều kiện hoạt động xông hơi khử trùng (Điều 27):

Quy định rất chung chung, thiếu minh bạch, và do đó có thể tạo nguy cơ nhũng nhiễu, lạm quyền từ phía cơ quan có thẩm quyền, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh (ai cần có chứng chỉ hành nghề? Yêu cầu về xông hơi khử trùng mà đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật phải đáp ứng bao gồm những gì, quy định ở đâu? Cơ quan nào có thẩm quyền đồng ý về địa điểm làm việc và chứa hoá chất, căn cứ nào để đồng ý hay từ chối?...).

-          Về Chứng chỉ hành nghề (Điều 28, 29):

+ Các quy định về trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm dựa trên căn cứ nào? (kinh nghiệm nước ngoài?);

+ Căn cứ nào để chấp thuận hoặc từ chối cấp Chứng chỉ? (nếu đủ các điều kiện tại Điều 28 thì có đương nhiên được cấp Chứng chỉ không?);

+ Về cơ quan cấp Chứng chỉ: Phân chia thẩm quyền cấp chứng chỉ của mỗi Chi cục như thế nào?

+ Về thủ tục cấp: Hồ sơ hợp lệ bao gồm những gì?

-          Về điều kiện đối với người trực tiếp xông hơi khử trùng (Điều 28.2)

+ Đối tượng này không cần chứng chỉ hành nghề, tại sao lại xếp vào Điều về Chứng chỉ hành nghề?

+ Cục Bảo vệ thực vật có đảm bảo đủ nhân lực và tổ chức để kiểm tra tay nghề của những đối tượng này trong cả nước không? (Tại sao không giao cho Chi cục làm việc này?) Việc kiểm tra tay nghề được tiến hành như thế nào? Kết quả của việc kiểm tra là gì?

+ Hiện tại những đơn vị nào được phép mở lớp đào tạo về xông hơi khử trùng? Có đủ đáp ứng yêu cầu không?

-          Về trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức hoạt động xông hơi khử trùng (Điều 30):

+ Tên Điều: Nên chỉnh sửa thành “Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động xông hơi khử trùng”

+ Khoản 3 quy định khi thực hiện biện pháp xông hơi khử trùng đối với vật thể nhiễm dịch hại thì phải được cơ quan kiểm dịch chỉ định thực hiện và chịu sự giám sát của cơ quan này: nếu là chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện thì trái quy định của pháp luật về cạnh tranh; nếu là chỉ định các vật thể phải xông hơi khử trùng thì phải thiết kế lại quy định này để hiểu cho đúng;

4. Một số quy định trong Dự thảo chưa tuân thủ đầy đủ Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

- Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ban hành năm 2001 quy định một số khái niệm không thực sự phù hợp với Công ước Bảo vệ thực vật [3]và Hiệp định SPS [4]. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Pháp lệnh này vẫn còn hiệu lực và có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định; Dự thảo do đó phải tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này. Nếu cần sửa các quy định liên quan thì cần sửa Pháp lệnh;

- Quy định về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật (Điều 5, 7) chưa phù hợp với quy định tương ứng trong Pháp lệnh (Điều 12, 37), ví dụ về thẩm quyền của UBND tỉnh (Pháp lệnh có quy định nhưng Dự thảo thì không)?

5. Các vấn đề khác

Dự thảo còn một số điểm cần được lưu ý chỉnh sửa:

- Về cách thiết kế các quy định, sử dụng thuật ngữ: nhiều điểm câu không rõ nghĩa, thiếu chính xác, ví dụ:

+ Điều 3.3, 3.17: nên bám sát định nghĩa về regulated non-quarantine pest và pest risk analysis của Công ước bảo vệ thực vật (hiện tại Dự thảo cũng sử dụng các định nghĩa này của Công ước nhưng dịch không sát, có thể dẫn tới hiểu sai);

+ Điều 3: cần bổ sung thêm định nghĩa về “chủ vật thể” bởi đây là khái niệm quan trọng để xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan (đặc biệt khi vật thể được liên tiếp lưu chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh trước khi đến tay người tiêu dùng);

+ Điều 3.7 (vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật): Dự thảo quy định gọi tắt là “vật thể” nhưng trong nội dung các Điều khoản lúc dùng cách gọi tắt, lúc dùng cách gọi đầy đủ. Tốt nhất nên gọi đầy đủ.

+ Điều 3.16 (địa điểm kiểm dịch thực vật): “trước khi di chuyển vật thể” có nghĩa là gì? trước đó vật thể chưa từng được di chuyển hay sao?

+ Điều 3.28 (giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu): định nghĩa giấy phép là một loại “văn bản pháp lý” là không chính xác (giấy phép là văn bản có giá trị pháp lý, nhưng không phải văn bản pháp lý); hơn nữa, định nghĩa này không nêu được chủ thể cấp giấy phép? giấy phép này là kết quả của thủ tục nào (ví dụ thủ tục kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu)?

- Về quản lý Nhà nước về vấn đề kiểm dịch thực vật

            Một số vấn đề lớn, mang tính chính sách cần có sự phối hợp tham gia của nhiều cơ quan chuyên môn (ví dụ Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường…). Do đó, Dự thảo cần dự kiến được cơ chế này;

            Dự thảo chưa nêu được Hệ thống Tổ chức Kiểm dịchcủa Việt Nam (Tổ chức như thế nào? Phân công chức năng phổ biến, kiểm tra, giám sát, thực thi hoạt động kiểm dịch ra sao?). Nếu không quy định rõ vấn đề này thì việc thực thi Nghị định sẽ khó có hiệu quả (vì các tổ chức, cá nhân không biết thực hiện như thế nào; các cơ quan có thể đùn đẩy trách nhiệm hoặc giải quyết công việc trùng lặp nhau…). Chú ý, khi tổ chức hệ thống này cần cân nhắc đầy đủ kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam để có giải pháp phù hợp (ví dụ hiện tại hệ thống tổ chức kiểm dịch rất khác nhau giữa các nước: Liên bang Nga có hệ thống kiểm dịch cấp Nhà nước được đồng chỉ đạo bởi Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp; Malaysia lại trao thẩm quyền làm đầu mối cho Bộ Nông nghiệp).

            Ngoài ra, Dự thảo cũng còn thiếu các quy dịnh về Hệ thống quản lý, phổ biến kiến thức, thông tin về bảo vệ thực vật (Information and Knowledge Management System – IKMS) của Việt Nam (để trả lời câu hỏi “Muốn nhận thông tin về lĩnh vực này thì phải tiếp cận cơ quan nào?”). Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự tuân thủ Nghị định của các chủ thể liên quan cũng như đảm bảo nghĩa vụ về minh bạch của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định SPS và Công ước Bảo vệ thực vật.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam về Dự thảo 7 Nghị định về kiểm dịch thực vật. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc cẩn trọng để chỉnh sửa Dự thảo theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế, hạn chế tối đa các quy định chung chung dễ bị lạm dụng nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật mà không can thiệp quá mức cần thiết đến hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan.

                                                                                                                                          



[1] Đặc biệt, cần lưu ý rằng Giấy chứng nhận này là kết quả của quá trình kiểm dịch tại nước xuất khẩu, một quá trình gần tương tự như quá trình kiểm dịch khi vật thể nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có nghĩa là vật thể liên quan phải chịu kiểm dịch kép ở cả nước xuất khẩu và Việt Nam. Trong khi đó, Điều 4 Hiệp định SPS quy định rất rõ rằng “các quốc gia thành viên phải thừa nhận các biện pháp vệ sinh động thực vật tương đương của các quốc gia thành viên khác, ngay cả khi các biện pháp này không giống nhau… nếu quốc gia nhập khẩu chứng minh được rằng các biện pháp đó tương đương về mức độ bảo vệ với các biện pháp của quốc gia nhập khẩu”; có nghĩa là biện pháp này của Nghị định có thể sẽ không được duy trì lâu.

[2] Lưu ý: Công ước Bảo vệ Thực vật có quy định về Mẫu Giấy chứng nhận Kiểm dịch mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ (các nội dung bổ sung so với Mẫu này chỉ được chấp nhận nếu được chứng minh đầy đủ về sự cần thiết).

[3] Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước này từ tháng 2 năm 2005.

[4] Về mặt nguyên tắc, chỉ sau khi trở thành thành viên WTO thì Việt Nam mới có nghĩa vụ tuân thủ

Các văn bản liên quan