VCCI tổng hợp ý kiến góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu

Thứ Hai 17:23 07-08-2006

PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ
 CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
 
Số:                  /PTM-PC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2006


Kính gửi: Bộ Tài chính 

            Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được Công văn số 8754/BTC-TCT đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường, sau khi nghiên cứu Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
 
I.                  QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN
 
1.      Chúng tôi đồng ý với tinh thần là cần có Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, xuất phát từ yêu cầu của tình hình đất nước trong giai đoạn mới, mà trước hết là do có sự thay đổi của hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế, đặc biệt là sự ra đời các luật mới trong các lĩnh vực thương mại, thuế, hải quan và các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nêu trên.
 
2.      Chúng tôi cũng tán thành ý kiến cho rằng quy định hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường một mặt góp phần khuyến khích và thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa theo pháp luật, mặt khác cũng sẽ góp phần thực hiện các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại, tuy nhiên chúng tôi không cho rằng mục đích chính của việc ban hành văn bản này là nhằm thực hiện biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại. Chế độ hóa đơn, chứng từ và đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là những vấn đề khác nhau. Hơn nữa, không thể và không nên hành xử như là mọi tổ chức, cá nhân có hàng hóa lưu thông trên thị trường đều là hoặc sẽ là những người buôn lậu và gian lận thương mại.
 
3.      Từ cách đặt vấn đề như nêu trên, Thông tư liên tịch cần đáp ứng một số yêu cầu sau:
 
(i)                Trước hết, nội dung các quy định trong Thông tư phải phù hợp với quy định của các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn trong lĩnh vực thương mại, thuế, hải quan và các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói trên;
(ii)             Phải đơn giản hóa về thủ tục và giấy tờ nhằm tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, cũng như việc lưu thông hàng hóa trên thị trường;
(iii)           Phải minh bạch về giấy tờ và minh bạch về thủ tục kiểm tra cũng như thủ tục xử lý vi phạm, nhằm loại bỏ mọi kẽ hở cho các hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho doanh nghiệp; và
(iv)            Cần có chế độ xử lý phù hợp, công bằng và thực hiện xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ, hoặc có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
 
 
II.               NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ
 
1.      Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư
 
Do Thông tư liên tịch mới chỉ hướng dẫn về chế độ chứng từ và biện pháp xử phạt đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường, nên vấn đề đặt ra là đối với các loại hàng hóa khác lưu thông trên thị trường thì thực hiện theo quy định nào, trong khi Thông tư liên tịch số 94/2003/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 8/10/2003 được xác định là đã không còn phù hợp nữa. Đề nghị liên Bộ nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nhằm tránh tình trạng vận dụng một cách tùy tiện các quy định không còn phù hợp với Luật thương mại 2005.
 
2.      Một số ý kiến đối với Phần I. Hướng dẫn chung
 
(i)                Có ý kiến đề nghị viết liền cụm từ “nguồn gốc xuất xứ” cho chính xác hơn mà không viết tách ra như trong Dự thảo Thông tư “nguồn gốc, xuất xứ” (Điểm 1. Đối tượng áp dụng – Trang 1); thay cụm từ “quy định” bằng cụm từ ”hướng dẫn” tại Đoạn 2 của Điểm 1 Đối tượng áp dụng – Trang 1, với lý do Thông tư liên tịch không quy định chi tiết thi hành văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn mà chỉ hướng dẫn thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
 
(ii)             Có ý kiến đề nghị làm rõ loại “Hàng hoá nhập khẩu là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân” (Điểm 2, Phần I của Dự thảo Thông tư) là loại nào mà không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư, để tránh việc hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế.
 
(iii)           Cụm từ “chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu” sử dụng tại các Điểm 3 và 4, Phần I của Dự thảo Thông tư, đề nghị sửa lại là “chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu”, vì chúng tôi cho rằng vấn đề ở đây là chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường chứ không phải là vấn đề chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu, đơn giản vì kể cả hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp nhưng khi lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ vẫn bị xem là vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
 
(iv)            Nội dung Điểm 3, Phần I của Dự thảo Thông tư đề nghị sửa lại như sau: “Là các loại giấy tờ phải có theo quy định của pháp luật để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường như được hướng dẫn cụ thể tại Phần II Thông tư này.
 
(v)               Chúng tôi đồng ý việc ấn định thời hạn 24 giờ tính từ thời điểm kiểm tra hàng hóa để cho đối tượng bị kiểm tra xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu đang vận chuyển trên đường, như quy định tại Dự thảo Thông tư.
 
3.      Một số ý kiến đối với Phần II. Hướng dẫn cụ thể
 
(i)                Điểm 1.3, Mục A Phần II của Dự thảo Thông tư. Lệnh điều động của doanh nghiệp trong trường hợp này được hiểu là của chủ hàng (hoặc tổ chức, cá nhân có tên trên tờ khai Hải quan khi nhập khẩu). Người làm vận tải giao nhận thường được ủy thác làm vận chuyển toàn bộ lô hàng không thể yêu cầu người ủy thác cho mình ký phát các lệnh điều động này cho từng xe ô tô vận chuyển được. Vì vậy đề nghị bổ sung thêm cụm từ "hoặc người được ủy thác vận chuyển" sau chữ "của doanh nghiệp" để được câu : "...phải có lệnh điều động của doanh nghiệp hoặc người được ủy thác vận chuyển kèm theo tờ khai Hải quan....".
 
(ii)             Điểm 6, Mục A Phần II của Dự thảo Thông tư. Đề nghị viết lại như sau: “Đối với hàng hóa nhập khẩu có điều kiện thì ngoài các hóa đơn, chứng từ quy định đối với hàng hóa nhập khẩu nêu trên còn phải kèm theo các giấy tờ theo quy định của các cơ quan chuyên ngành (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận y sao bản chính của doanh nghiệp).”
 
(iii)           Mục B Phần II của Dự thảo Thông tư. Cụm từ “Lệnh điều động nội bộ” sử dụng trong Mục B và cụm từ “lệnh điều động của doanh nghiệp” sử dụng trong Mục A cần phải thống nhất. Đồng thời, có ý kiến đề nghị liên Bộ nên có mẫu Lệnh điều động nội bộ để tiện sử dụng thống nhất trong cả nước. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
 
4.      Một số ý kiến đối với Phần III. Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại
 
(i)                Vấn đề nổi cộm nhất trong Phần III này của Dự thảo Thông tư các quy định áp dụng biện pháp xử lý tịch thu hàng hóa đối với mọi trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ. Đây là cách giải quyết chưa thỏa đáng và vì thế đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, xét trên giác độ pháp lý thì việc áp dụng biện pháp tịch thu hàng hóa theo quy định tại Điều 16 Mục III, Chương II Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 (biện pháp quy định áp dụng đối với trường hợp kinh doanh hàng nhập lậu) đối với mọi trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ là sự vận dụng thiếu chính xác quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, cũng cần bổ sung là hiện nay Nghị định số 175/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại năm 1997 đang trong quá trình sửa đổi và sẽ được thay thế trong thời gian tới để phù hợp với Luật Thương mại 2005.
 
Đối với hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép thì việc nhập khẩu trái phép các loại hàng hóa này vào Việt  Nam rõ ràng là nhập lậu và phải bị tịch thu theo Điều 16 Mục III, Chương II Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
 
Nhưng đối với các loại hàng hóa khác (không cấm nhập khẩu, không phải là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện) thì doanh nghiệp phải được tự do nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nên khi có vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ không thể xử lý như là hàng nhập lậu được, vì về bản chất đây là hàng phải được tự do lưu thông.
 
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có sự phân biệt thỏa đáng khi xử lý vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ đối với từng loại hàng hóa như nêu ở  trên, đảm bảo áp dụng một cách chính xác và nghiêm túc quy định của Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.
 
(ii)             Với cách đặt vấn đề như trên, các Điểm 2 và 3, Mục A Phần III của Dự thảo Thông tư cần phải xem lại. Theo chúng tôi, đề nghị bỏ quy định áp dụng biện pháp tịch thu hàng hóa, bởi vì không có
 
 cơ sở chắc chắn để nói rằng biện pháp xử lý đối với trường hợp kinh doanh hàng nhập lậu (tịch thu hàng hóa) có thể được áp dụng để xử lý đối với mọi trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
 
(iii)           Đoạn thứ hai của Mục C. Giải quyết khiếu nại: Đề nghị sửa lại cụm từ “Tòa án hành chính” thành “Tòa án” cho chính xác, vì chúng ta chỉ có Tòa án hoặc Tòa hành chính mà không có cụm từ Tòa án hành chính.
 
5.      Một số ý kiến đối với Phần IV. Tổ chức thực hiện
 
(i)                Điểm 4 Phần IV của Dự thảo Thông tư cần nghiên cứu để quy định chi tiết hơn nhằm loại bỏ mọi kẽ hở cho các hành vi sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ quy định chung chung như Dự thảo Thông tư thì rất khó khăn cho việc giám sát công việc của các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường.
 
Hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường đang phải tuân theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg ngày 24/04/1998 và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Thương mại tại Chỉ thị số 06/2004/CT-TM ngày 20/08/2004. Nội dung những tư tưởng chỉ đạo nói trên cần được nghiên cứu cụ thể hóa trong Thông tư liên tịch này để thuận tiện cho việc thực thi và giám sát thực hiện trên thực tế, hoặc ít nhất thì cũng phải dẫn chiếu rõ ràng đến hai văn bản nói trên tại Điểm 4 Phần IV Thông tư liên tịch. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp vì đây cũng là đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
 
6.      Một số ý kiến về mặt Kỹ thuật lập pháp
 
(i)                Cần nhất quán trong việc ghi đề mục (Phần, Mục, Điểm). Dự thảo Thông tư viết “Phần II Thông tư này” cùng với việc viết “Mục II Thông tư này” và  “Mục III Thông tư này” là không thống nhất, cần phải được sửa lại.
 
(ii)             Mục A “Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá do tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu vận chuyển vào nội địa” và Mục B “Quy định về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa” thuộc 2 Mục trong Phần II “Hướng dẫn cụ thể” nên bố trí lại thành 2 Phần (bỏ phần “Hướng dẫn cụ thể”). Lý do, đó là 2 phần trọng tâm chủ yếu của Dự thảo Thông tư, cần được thiết kế nổi bật đúng với mục đích, yêu cầu, đồng thời làm cho văn bản được thể hiện một cách đơn giản, rõ ràng, mạch lạc hơn (cùng với đề xuất về kết cấu phần tiếp theo).
 
(iii)           Tương tự, nên đưa 2 mục “Xử lý vi phạm” và “Thẩm quyền xử lý vi phạm” vào thành một Phần có tên gọi là “Xử lý vi phạm” riêng; Mục “Giải quyết khiếu nại” thành một phần riêng thay vì nhóm chung vào một Phần “Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại” như Dự thảo Thông tư.
 
(iv)            Đề nghị cắt 5 dòng cuối của Điểm 4, Phần II của Dự thảo Thông tư đưa lên thành Điểm 5, Phần I của Dự thảo Thông tư để đảm bảo tính hợp lý và lô gíc của văn bản.
 
(v)               Gạch ngang đầu dòng thứ hai của phần viện dẫn căn cứ ban hành Thông tư liên tịch ghi sai tên gọi của Pháp lệnh. Tên đúng là: “Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính …..” . Đề nghị sửa lại cho chính xác.
 
            Trên đây là một số ý kiến góp ý, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi Quý Bộ nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.
            Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, PC.

T/L CHỦ TỊCH
PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
 
 
Trần Hữu Huỳnh
 

 
 
 
 

Các văn bản liên quan