VCCI góp ý Dự thảo 28-7 Luật Chuyển giao Công nghệ

Thứ Ba 14:35 08-08-2006

I. Một số yêu cầu về nội dung đối với Dự Luật

- Về mặt chính sách, chuyển giao công nghệ là hoạt động có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến việc phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế xã hội nói chung và trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, về cơ bản đây là loại hoạt động cần được khuyến khích, hỗ trợ. Do đó, nội dung Dự Luật cần tạo lập được một cơ chế pháp lý khả thi, hiệu quả và bình đẳng để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ;

- Về mặt pháp lý, chuyển giao công nghệ là hoạt động dân sự, thương mại thuộc sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Chuyển giao Công nghệ…). Các quy định của Dự Luật, do đó, cần được thiết kế theo hướng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong hệ thống pháp luật dân sự, thương mại. Các khác biệt, nếu có, cần thể hiện đặc trưng của hoạt động chuyển giao công nghệ so với các hoạt động khác.

II. Các góp ý cụ thể đối với nội dung Dự thảo

So với các Dự thảo trước đây, Dự thảo ngày 28/7/2006 đã có một số điều chỉnh thích hợp, thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc và tinh thần cầu thị của Ban soạn thảo Dự Luật, ví dụ:

-         Các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ đã được giảm bớt đáng kể (thủ tục đăng ký hợp đồng căn cứ vào trị giá hoặc chủ thể hợp đồng; thủ tục đăng ký các dịch vụ phục vụ chuyển giao công nghệ…); các thủ tục còn giữ lại (thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ qua biên giới mà đối tượng chuyển giao thuộc diện có điều kiện) đã rõ ràng hơn;

-         Các ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ đã cụ thể hơn (ưu đãi thuế)

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được 02 yêu cầu về nội dung nói trên và cần được tiếp tục lưu ý chỉnh sửa, cụ thể:

1. Nhiều quy định chưa đạt mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ

Có các cách thức, biện pháp khác nhau để hỗ trợ, khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, xét về hiệu quả tác động, ít nhất 02 biện pháp sau đây cần được nhấn mạnh:

-         Biện pháp 1: Thông thoáng về thủ tục

-         Biện pháp 2: Hỗ trợ, khuyến khích về tài chính

Dự thảo 28/7/2006 đã lưu ý đến cả hai biện pháp này, tuy nhiên, dường như giải pháp đưa ra chưa thật sự triệt để, cụ thể:


1.1. Các thủ tục hành chính không hợp lý

- Thủ tục hành chính đối với việc chuyển giao công nghệ qua biên giới mà đối tượng chuyển giao thuộc diện có điều kiện

+ Thủ tục thừa:

Điều 22 Dự thảo quy định cần thực hiện 02 thủ tục đối với hoạt động này, bao gồm Thủ tục chấp thuận cho chuyển giao (thực hiện trước khi ký hợp đồng) và Thủ tục Đăng ký hợp đồng (thực hiện sau khi đã ký kết hợp đồng).

Về nguyên tắc, thủ tục chấp thuận là hợp lý nhằm kiểm soát, ngăn chặn việc xuất/nhập khẩu các công nghệ thuộc diện cấm. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký bắt buộc các hợp đồng này không nhằm mục đích gì cụ thể. Do đó, thủ tục này là thừa và cần đưa ra khỏi Dự thảo (và do đó, các nhận xét sau đây chỉ liên quan đến Thủ tục chấp thuận mà không đề cập đến Thủ tục Đăng ký)[1].

+ Đòi hỏi về hồ sơ không hợp lý:

Điều 23.1 Dự thảo quy định hồ sơ xin chấp thuận chuyển giao công nghệ phải bao gồm Bản giải trình về nội dung công nghệ chuyển giao. Vấn đề là đối với các công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào thuộc dạng bí quyết hoặc các kỹ thuật mang tính bí mật, trường hợp người làm hồ sơ là bên mua (tức là bản thân họ không thể biết đầy đủ về công nghệ) thì làm thế nào họ đáp ứng được điều kiện này?

+ Quy định về cơ quan có thẩm quyền thiếu minh bạch, không hợp lý:

Điều 24 Dự thảo quy định Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức xem xét, cấp giấy chấp thuận.

Có nhiều điểm không rõ trong quy định này: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy? Cơ quan nào được xem là “có liên quan”? Cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ? Cơ quan thẩm định cần đáp ứng điều kiện gì (để đảm bảo có đủ năng lực thẩm định)? Phân chia trách nhiệm giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp như thế nào trong trường hợp thẩm định sai?...Đề nghị làm rõ các vấn đề này.

+ Căn cứ chấp thuận không hợp lý

Điều 25.1 quy định công nghệ được chấp thuận phải là công nghệ thuộc danh mục chuyển giao có điều kiện: Thực tế là nếu công nghệ không thuộc danh mục này thì không ai tự nhiên đi xin chấp thuận(?). Hơn nữa, nếu kết quả thẩm định cho thấy công nghệ đang thẩm định là công nghệ thông thường, không rơi vào trường hợp “công nghệ có nguy cơ” thì không được chấp thuận?.... Đề nghị bỏ căn cứ này.

+ Nội dung thẩm định chưa rõ ràng

Điều 26 quy định việc thẩm định sẽ được tiến hành một phần trên các nội dung quy định tại Điều 13. Tuy nhiên, Điều 13 lại quy định về các hành vi bị cấm: tức là chỉ liên quan đến hành vi chứ không liên quan đến công nghệ, ví dụ lợi dụng để gây hại, lừa dối, cản trở… (trừ trường hợp công nghệ thuộc danh mục bí mật Nhà nước). Làm thế nào mà cơ quan thẩm định có thể chỉ dựa vào các giải trình kỹ thuật (liên quan đến công nghệ) để đánh giá về hành vi của chủ thể chuyển giao công nghệ? Mà giả sử nếu có đánh giá được trong thời điểm thẩm định thì sau này hành vi vi phạm mới xảy ra thì cơ quan thẩm định vẫn phải chịu trách nhiệm?... Đề nghị bỏ quy định này

- Thủ tục đăng ký tự nguyện hợp đồng chuyển giao công nghệ:

Thủ tục này được thiết kế với mục tiêu tạo cơ sở để các chủ thể chuyển giao công nghệ hưởng các ưu đãi liên quan (Điều 28 Dự thảo).

Ý tưởng là tốt; tuy nhiên, có lẽ cần đánh giá cẩn trọng hơn về hệ quả khi thực hiện thủ tục này. Theo cách quy định của Điều này thì muốn được hưởng ưu đãi thì phải đăng ký hợp đồng chuyển giao. Ai cũng muốn hưởng ưu đãi, và do đó, việc đăng ký sẽ phải thực hiện gần như đối với toàn bộ các hợp đồng chuyển giao. Cơ quan soạn thảo đã dự kiến bộ máy, chi phí, nhân lực… để đăng ký một khối lượng lớn các hợp đồng chuyển giao mỗi năm chưa? Cơ quan thuế liệu có căn cứ vào chứng nhận đăng ký này để cho hưởng ưu đãi không hay còn đòi hỏi các bằng chứng thực tế khác (ví dụ hoá đơn đỏ để chứng minh việc mua bán…)? Như vậy thủ tục này vừa tốn kém cho Nhà nước (vì phải xây dựng bộ máy), vừa tốn kém cho xã hội (phải đi đăng ký và nộp phí), vừa không có ý nghĩa (vì cơ quan cho hưởng ưu đãi đã có biện pháp khác để xác định)… Do đó, đề nghị bỏ thủ tục này.

Nếu không kịp thời chỉnh sửa những nội dung nói trên, thủ tục xin chấp thuận có nguy cơ sẽ trở thành một yếu tố cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan, đi ngược lại mục tiêu của Dự Luật.

1.2. Cơ chế ưu đãi tài chính thiếu rõ ràng, không khả thi

Dự thảo quy định một số biện pháp ưu đãi (về tài chính) đối với các chủ thể chuyển giao công nghệ. Về cơ bản những động lực về tài chính sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ (đặc biệt đối với các doanh nghiệp). Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được nếu các ưu đãi đó rõ ràng và khả thi. Các nội dung của Dự thảo lại chưa đáp ứng được yêu cầu này, ví dụ:

- Điều 9 Dự thảo quy định về các công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Tuy nhiên, tất cả các khái niệm sử dụng đều mơ hồ? Không có quy định về chủ thể có thẩm quyền xác định/giải thích? Và Dự thảo cũng không có quy định về biện pháp khuyến khích tương ứng?

- Điều 42 Dự thảo quy định các hoạt động phát triển thị trường công nghệ (trình diễn, phổ biến, công bố công nghệ; xây dựng trung tâm giao dịch, chợ công nghệ…) sẽ được khuyến khích. Nhưng “khuyến khích” như thế nào thì Dự thảo lại không đề cập? (ví dụ giảm thuế, rút ngắn thời gian đăng ký, ưu tiên cho thuê đất…);

- Điều 44 Dự thảo quy định ưu tiên một số loại chuyển giao công nghệ cho vùng nông thôn, vùng KT-XH khó khăn....Nhưng Dự thảo không đề cập đến cách thức ưu tiên?

- Điều 46 Dự thảo quy định các biện pháp hỗ trợ qua Quỹ hỗ trợ (một Quỹ mới hoặc Quỹ phát triển KHCN quốc gia đã có). Nếu theo quy định về đối tượng được hỗ trợ trong Điều này thì sẽ có một số lượng lớn các chủ thể được hỗ trợ. Liệu chúng ta đã dự kiến khoản ngân sách dành cho việc này chưa? Việc hỗ trợ sẽ thực hiện theo cơ chế nào? Tiêu chí cho mỗi phương thức hỗ trợ dự kiến là gì?

- Điều 51 Dự thảo quy định về chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. So với các Dự thảo trước đây thì rõ ràng các biện pháp hỗ trợ này đã rõ ràng và khả thi hơn nhiều. Tuy nhiên, theo xu hướng lập pháp hiện nay, các quy định về thuế sẽ chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế. Dự thảo giải quyết vấn đề này thế nào? Ngoài ra, về thủ tục hưởng ưu đãi, cần lưu ý áp dụng cơ chế ưu đãi theo điều kiện thực tế, không căn cứ ưu đãi theo hợp đồng đăng ký (Xem nhận xét đối với Điều 28).

Việc hoàn chỉnh các quy định về cơ chế ưu đãi thuế nói trên có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các biện pháp khuyến khích này.

2. Những quy định chưa phù hợp với pháp luật liên quan

Luật Chuyển giao công nghệ là văn bản pháp luật chuyên ngành trong hệ thống pháp luật dân sự, thương mại. Do đó, các quy định của Luật này cần tuân thủ các nguyên tắc liên quan trong BLDS, Luật Thương mại; khác biệt, nếu có, phải xuất phát từ các đặc trưng riêng của hoạt động chuyển giao công nghệ. Dự thảo có lẽ chưa đáp ứng được điều này khi:

            + Điều 19, 20 quy định nhiều quyền và nghĩa vụ đương nhiên của bên giao/nhận công nghệ (ví dụ quyền được thanh toán, nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo cam kết,…) hoặc đã có trong BLDS, Luật Thương mại (quyền yêu cầu khắc phục thiệt hại hoặc bồi thường, quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp, quyền khiếu nại/khởi kiện…). Đề nghị bỏ các quy định này.

            + Điều 15.1 Dự thảo quy định cứng nhắc về nội dung hợp đồng trái với xu hướng chung trong BLDS và LTM 2005.

Cụ thể, Điều khoản này quy định một loạt các nội dung buộc phải có trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Như vậy nếu thiếu một trong các nội dung này, giá trị pháp lý của hợp đồng có thể bị ảnh hưởng, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan do đó có thể không được bảo vệ. Do đó, càng nhiều nội dung bắt buộc phải có thì nguy cơ hợp đồng không hợp pháp (vì thiếu một vài nội dung) càng lớn. Điều này rõ ràng đi ngược lại mục tiêu khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ và cũng không phù hợp với xu hướng lập pháp liên quan đến vấn đề này (BLDS 2005, Luật Thương mại 2005 đều đã bỏ các quy định liên quan đến những nội dung bắt buộc của hợp đồng)[2]. Đề nghị chuyển các nội dung này từ nội dung bắt buộc thành nội dung “các bên có thể thoả thuận đưa vào hợp đồng”.

+ Điều 36 đến 41 quy định nhiều vấn đề về giám định công nghệ trong khi Luật Thương mại đã dành hẳn 15 Điều quy định rất chi tiết cho nội dung này.

Xét về tính chất, công nghệ trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ là một thứ hàng hoá thương mại (và cũng không phải là loại hàng hoá đặc biệt). Do đó, hoàn toàn có thể áp dụng các quy định chung về vấn đề này trong Luật Thương mại.

Xét về nội dung, các quy định trong Dự thảo về giám định hoặc là không mới (nhắc lại LTM, ví dụ quy định về tiêu chuẩn giám định viên) hoặc là không chính xác (ví dụ quy định về sử dụng trọng tài để giải quyết nếu một bên không đồng ý với kết quả giám định).

Đề nghị bỏ các quy định này.

+ Điều 62 nhắc lại các quy định về biện pháp chế tài khi có vi phạm hợp đòng đã có trong Luật Thương mại 2005 (Điều 292) và nhắc lại không chính xác.

3. Một số quy định khác cần cân nhắc thêm

- Điều 2: Lẫn lộn giữa quy định về đối tượng áp dụng và luật áp dụng;

- Điều 3: Khái niệm Công nghệ, Chuyển giao công nghệ, Đối tượng chuyển giao (Điều 7) cần có sự thống nhất với nhau;

- Điều 11, 12: Cần lưu ý là các Danh mục này có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chuyển giao liên quan. Do đó, việc ban hành các Danh mục phải được thực hiện một cách cẩn trọng;

- Điều 14.3: Quy định bắt buộc hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có ít nhất một bản lập bằng tiếng Việt có lẽ là chưa thoả đáng;

- Điều 31: Quy định về các chủ thể được tham gia chuyển giao công nghệ là thừa vì thực tế các quy định của Dự thảo đã bao trùm tất cả các loại chủ thể;

- Điều 43 quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi chuyển giao giống cây mới…: Nên xem xét đối chiếu với Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2001 và Nghị định về Kiểm dịch thực vật đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo…/



[1] Quy định tại Điều 757 BLDS về việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ “trong trường hợp pháp luật có quy định” không có nghĩa là Luật này phải quy định về việc đăng ký này.

[2] Tuy nhiên, những nội dung tại Điều 15.1 có ý nghĩa nhất định trong việc khuyến nghị, định hướng cho các bên khi ký hợp đồng. Do đó, có thể chuyển tất cả các nội dung tại khoản 1 Điều 15 thành các nội dung mà các bên “có thể thoả thuận trong hợp đồng” (giống như cách quy định tại khoản 2).

 

Các văn bản liên quan