VCCI góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp
Kính gửi: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Bộ Kế hoạch và đầu tư
Trả lời Công văn số 1852/BKHĐT-QLKTTW của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và Công văn số 369/GM-BTP của Bộ Tư pháp về mời họp thẩm định Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
Liên quan tới việc góp ý cho Dự thảo, trong các ngày 13 và 19/5/2014, VCCI đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Một số ý kiến tại 02 hội thảo này đã được tiếp thu và chuyển tải vào nội dung Dự thảo lần này, thể hiện tinh thần cầu thị từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét điều chỉnh một số quy định sau:
1. Về doanh nghiệp xã hội
1.1. Về giải thích từ ngữ
Khái niệm và tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội là quy định quan trọng để khoanh vùng chế định về chủ thể này. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp thì một trong những tiêu chí cốt lõi nhất để xác định doanh nghiệp xã hội là: “Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng”.
Tiêu chí này khá mơ hồ, và vì vậy có thể dẫn tới những vướng mắc, khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp xã hội trên thực tế, ví dụ:
- “Mục tiêu hoạt động” của doanh nghiệp được xác định như thế nào? (ví dụ làm thế nào để phân biệt doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường với doanh nghiệp thông thường hoạt động trong lĩnh vực này – bởi xét cho cùng thì hoạt động của 2 doanh nghiệp này đều mang lại tác động tích cực cho môi trường và với bản chất là doanh nghiệp, cả hai đều hướng tới mục tiêu lợi nhuận?);
- Khái niệm “vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng” được hiểu như thế nào? Có cần đấp ứng tất cả không hay chỉ một là được? Chú ý là đây là những khái niệm về những lĩnh vực rất rộng, và có thể trùng lắp với các doanh nghiệp thông thường đang hoạt động trong các lĩnh vực tương tự (văn hóa, xã hội, thể thao, môi trường, giáo dục đào tạo…).
Việc thiếu rõ ràng trong quy định này có thể tạo ra cách hiểu không thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục cơ bản liên quan đến doanh nghiệp xã hội, ví dụ: xem xét để cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay là thủ tục chuyển đổi từ doanh nghiệp thành doanh nghiệp xã hội. Do đó rất cần phải làm rõ cách hiểu, định nghĩa về doanh nghiệp xã hội.
Vì vậy, để tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về khái niệm/các tiêu chí xác định doanh nghiệp xã hội, và/hoặc đưa ra ví dụ về những hoạt động nào được cho là “nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng”.
1.2. Về nhận viện trợ
Theo quy định tại Điều 4 Dự thảo thì doanh nghiệp xã hội được nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và nhận tài trợ từ các cá nhân nhưng phải được kiểm soát thông qua trình tự thủ tục tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài tương tự như các chủ thể là cơ quan nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp công ích hay là thực hiện thủ tục tiếp nhận viện trợ từ cá nhân, tổ chức quy định tại Dự thảo.
Dường như quy định này là không hợp lý đứng từ góc độ logic quản lý. Về bản chất, các doanh nghiệp xã hội là các doanh nghiệp thông thường, với nguồn đầu vào có thể là vốn của chủ sở hữu, vốn vay, nguồn tài trợ… và chỉ khác ở việc sử dụng vốn đầu tư (đầu ra). Do đó, việc kiểm soát nguồn thu đầu vào của các doanh nghiệp này về mặt nguyên tắc cũng sẽ phải tương tự như các doanh nghiệp bình thường khác. Mà hiện Nhà nước không kiếm soát gì về mặt thủ tục đối với việc nhận viên trợ từ tổ chức, cá nhân cho các doanh nghiệp này như đang thiết kế trong Dự thảo cả. Vậy không rõ tại sao đối với doanh nghiệp xã hội Nhà nước lại phải kiểm soát chặt như vậy?
Chú ý là đối với các doanh nghiệp công ích, do thực hiện nhiệm vụ công ích theo yêu cầu của Nhà nước nên có thể được Nhà nước hỗ trợ về nguồn đầu vào theo các cách thức khác nhau, do đó các nguồn thu đầu vào khác cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh sự mập mờ, gian lận với nguồn đầu vào từ Nhà nước. Doanh nghiệp xã hội (chỉ xét khu vực tư nhân) hoàn toàn không thuộc cơ chế được hỗ trợ từ Nhà nước như doanh nghiệp công ích (dù có thể mục tiêu hoạt động tương tự nhau). Do đó, cách thức kiểm soát không thể giống nhau.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ thủ tục này. Trường hợp vẫn thấy cần thiết phải duy trì thủ tục kiểm soát viện trợ cho các doanh nghiệp xã hội thì rất cần những giải trình cụ thể về mục tiêu của việc kiểm soát này, tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp xã hội (trong khi về bản chất thì nhóm doanh nghiệp xã hội là nhóm cần được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi hơn).
1.3. Về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp xã hội
- Thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Dự thảo thì, doanh nghiệp xã hội phải cam kết đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội trong thời hạn ít nhất là 5 năm.
Quy định này là chưa thống nhất với Luật Doanh nghiệp, bởi vì các tiêu chí mà doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp không yêu cầu về thời hạn này.
Hơn nữa, việc đưa ra thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội là 5 năm cũng thiếu cơ sở (tại sao lại đưa ra con số này mà không phải là con số khác?) và tại sao nhất định phải có khoảng thời gian hoạt động tối thiểu này?
Về mặt logic thì việc buộc doanh nghiệp xã hội phải hoạt động tối thiểu trong một khoảng thời gian là không hợp lý, bởi vì doanh nghiệp xã hội cũng là doanh nghiệp, hoạt động vì lợi nhuận, nếu trong thời gian hoạt động doanh nghiệp không nhận thấy các mục tiêu đặt ra không đạt được, không thể duy trì thì có quyền được chuyển đổi thành doanh nghiệp bình thường, hoặc giải thể, phá sản. Nói cách khác, cũng giống như mọi doanh nghiệp khác, thời gian hoạt động của doanh nghiệp xã hội (với tính chất là một doanh nghiệp xã hội) thuộc quyền tự quyết của doanh nghiệp. Sự can thiệp của Nhà nước (trong trường hợp này là yêu cầu phải hoạt động ít nhất 05 năm với tính chất doanh nghiệp xã hội) vừa là khiên cưỡng vừa không khả thi (bởi nếu doanh nghiệp đóng cửa trước 05 năm thì Nhà nước cũng không có cách nào khiến họ hoạt động được cả).
Cũng có thể việc đưa ra thời hạn hoạt động tối thiểu này là nhằm mục tiêu giữ cho các hoạt động phục vụ mục tiêu xã hội, lợi ích công công của các doanh nghiệp này ổn định, không phải chỉ thành lập để trục lợi (cứ giả sử là có thể trục lợi từ các ưu đãi cho doanh nghiệp xã hội) một thời gian rồi dừng hoạt động. Mặc dù vậy, ngay cả trong tình huống đó, Nhà nước không có cách nào buộc doanh nghiệp phải hoạt động khi họ không muốn, nếu có (ví dụ không cho phép họ làm thủ tục giải thể) thì sự tồn tại của họ sau đó cũng chỉ là về hình thức, không có ý nghĩa gì..
Mặt khác, việc đưa ra thời hạn cam kết này sẽ kéo theo các thủ tục hành chính liên quan như: thủ tục đăng ký bổ sung, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xã hội do thay đổi thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội (điểm b khoản 1 Điều 12); chuyển đổi doanh nghiệp xã hội thành doanh nghiệp trong trường hợp hết thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp đã đăng ký (điểm a khoản 1 Điều 16), gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Nếu cho rằng, việc đưa ra thời hạn cam kết này để cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xã hội và qua đó kiểm soát việc doanh nghiệp có thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp xã hội hay không thì cách này hoàn toàn không cần thiết. Lý do là cơ quan quản lý nhà nước (đặc biệt là các cơ quan cấp ưu đãi cho doanh nghiệp xã hội) hoàn toàn có thể nhận biết được doanh nghiệp có thực hiện các điều kiện về doanh nghiệp xã hội hay không dựa vào báo cáo tài chính, báo cáo thuế hàng năm của doanh nghiệp (trong đó xác định các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tỷ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp). Hơn nữa, cách thức kiểm soát qua báo cáo thực tế dường như là “bằng chứng” xác thực hơn là cam kết từ trước đó của doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 10; điểm b khoản 1 Điều 12; điểm a khoản 1 Điều 16; và các nội dung về cam kết này trong các hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính khác.
- Phương án kinh doanh của doanh nghiệp:
Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định trong phương án kinh doanh của doanh nghiệp phải có nội dung “các vấn đề xã hội và môi trường mà doanh nghiệp dự định giải quyết”. Quy định này được hiểu là doanh nghiệp phải thực hiện cả mục tiêu xã hội và môi trường??? Ví dụ: một doanh nghiệp kinh doanh đồ thêu thủ công, trong đó có thuê lao động là những người khuyết tật, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp này được hiểu là giải quyết vấn đề xã hội: tạo việc làm cho những người khuyết tật, nhưng họ lại không giải quyết vấn đề môi trường (nếu hiểu môi trường theo nghĩa của Luật Bảo vệ môi trường). Trong trường hợp này, nếu phương án kinh doanh của doanh nghiệp phải nêu “các vấn đề xã hội và môi trường mà doanh nghiệp dự định giải quyết” sẽ rất khó khăn.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 trên theo hướng “các vấn đề xã hội và/hoặc môi trường mà doanh nghiệp dự định giải quyết”. Cũng như vậy, cần chú ý quy định chính xác trong điều khoản định nghĩa/khái niệm về doanh nghiệp xã hội.
Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 3 Điều 22.
2. Về hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty (Điều 26)
Khoản 2 Điều 26 Dự thảo quy định “Góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp bao gồm góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp mới, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập”.
Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp quy định: “Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”.
Như vậy khoản 2 Điều 26 Dự thảo lại bổ sung thêm trường hợp “mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập” so với Điều 189.3 Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ trường hợp này.
3. Về hiệu lực thi hành (Điều 30)
Khoản 3 Điều 30 Dự thảo quy định về bãi bỏ điều kiện kinh doanh được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền và đưa ra danh sách các điều khoản, tên văn bản cụ thể tại Phụ lục 1. Điều này là rất tiến bộ, tạo sự minh bạch cũng như tăng tính hiệu lực pháp lý của quy định về thẩm quyền ban hành về điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, quy định này nên chuyển sang Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư thì phù hợp hơn (Luật Đầu tư quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thẩm quyền ban hành các điều kiện này).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.