VCCI góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu
VCCI góp ý Dự thảo Bộ luật hình sự
Kính gửi: Vụ Pháp luật hành chính - hình sự – Bộ Tư pháp
Sau khi nhận được dự thảo Bộ luật hình sự (sau đây gọi là Dự thảo) từ Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp thông qua các hình thức:
- Tóm tắt 14 điểm sửa đổi quan trọng có liên quan trực tiếp nhất đến các doanh nghiệp.
- Đăng tải dự thảo và tóm tắt các điểm sửa đổi lên website của VCCI http://vibonline.com.vn – Mục Dự thảo (Đây là website lớn nhất của VCCI chuyên đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật và có hơn 130 triệu lượt truy cập).
- Gửi văn bản trực tiếp lấy ý kiến đến 239 doanh nghiệp chọn lọc trên cả nước.
Sau đó, VCCI đã tiến hành tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp gửi về, và có một số ý kiến ban đầu đối với Dự thảo như sau:
I. Quan điểm tiếp cận
Việc sửa đổi Bộ luật hình sự lần này thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này không chỉ do số lượng các vụ án tội phạm kinh tế tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, mà còn vì nhiều doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của các chế tài hình sự trong điều chỉnh các quan hệ kinh tế.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang chủ trương cải cách thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, thì việc trừng phạt các hành vi phi thị trường như gian lận thương mại, tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường, giao dịch nội gián cần được triển khai mạnh mẽ. Ngay trong tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu: “Bộ luật hình sự hiện hành nhìn chung vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của qua trình chuyển đổi từ nên kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách lành mạnh”. Cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn đồng tình với nhận định này trong tờ trình. Thực tế, rất nhiều điểm mới của Dự thảo nhận được sự tán thành của nhiều doanh nghiệp. Mặc dù vậy, để hoàn thiện hơn nữa Bộ luật quan trọng này theo hướng thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Việt Nam, VCCI đề nghị chú trọng một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, Bộ luật Hình sự hướng đến nghiêm trị các hành vi xâm phạm quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, bởi sự bảo đảm quyền tài sản là một trong những nhân tố quan trọng nhất của kinh tế thị trường.
- Thứ hai, cần có chế tài trừng phạt những hành vi lợi dụng khuyết tật của thị trường để trục lợi như lừa dối khách hàng, gian lận thương mại; lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh, hạn chế cạnh tranh; gây ô nhiễm môi trường để thu lợi; xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trên diện rộng…
- Thứ ba, hạn chế việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế mà các bên đã có sự thỏa thuận dựa trên các thông tin chính xác, đầy đủ.
Với quan điểm tiếp cận đó, VCCI xin có một số ý kiến ban đầu đóng góp cho Dự thảo Bộ luật hình sự như sau:
II. Các góp ý cụ thể
1. Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp bởi chế định này ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm của các doanh nghiệp. Nhìn chung, đa số doanh nghiệp đồng ý với việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như đã được quy định trong dự thảo. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn có một số quy định chưa rõ ràng, cần được quy định thêm:
- Thứ nhất, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân là tổ chức kinh tế
Điều 72 của Dự thảo quy định: “Pháp nhân phạm tội theo quy định của Bộ luật này là các tổ chức kinh tế, phải chịu trách nhiệm hình sự…” Hầu hết các doanh nghiệp không đồng tình với quy định này và yêu cầu cần phải xử lý hình sự với các loại pháp nhân khác nữa. Hiện nay, ngoài pháp nhân là tổ chức kinh tế, còn có rất nhiều loại pháp nhân khác như cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các pháp nhân khác có chức năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra xã hội nhưng không phải là tổ chức kinh tế. Quyền miễn trừ chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bởi đây được coi là hành vi của nhà nước (act of state).
Các loại pháp nhân khác vẫn có thể thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một số tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ có thể là kênh rửa tiền hiệu quả, cấu thành Tội rửa tiền. Hơn nữa, hiện nay tồn tại nhiều loại dịch vụ được cung cấp đồng thời bởi cả các pháp nhân kinh tế và phi kinh tế, ví dụ như dịch vụ tư vấn pháp lý, dịch vụ chiếu phim… Những khoản thu từ cung cấp dịch vụ này vẫn thuộc diện phải nộp thuế, do đó, pháp nhân phi kinh tế vẫn có thể thực hiện hành vi trốn thuế.
Với những lý do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo mở rộng diện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại pháp nhân khác, trừ cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
- Thứ hai, mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân
Điều 73.2 của Dự thảo quy định: “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Quy định này hiện không rõ ràng, dẫn đến nhiều câu hỏi:
o Liệu quy định này có vi phạm nguyên tắc hiến định: “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (Điều 31.3 Hiến pháp 2013)?
o Liệu có bất công khi cùng một hành vi phạm tội như nhau, nhưng nếu đó là hành vi của cá nhân thì chỉ bị truy cứu một lần, còn nếu đó là hành vi của pháp nhân thì bị truy cứu hai lần?
o Nếu đã truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân rồi thì liệu có phải là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của cá nhân không?
o Khi quyết định hành vi của pháp nhân được đưa ra theo cơ chế tập thể thì có tiến hành truy cứu trách nhiệm đồng thời cả pháp nhân và tất cả các cá nhân ra quyết định đó không?
o Những cá nhân nằm trong tập thể nhưng vắng mặt khi ra quyết định, hoặc bỏ phiếu trắng, phiếu chống thì có bị truy cứu không?
o Liệu có bắt buộc phải xác định được cá nhân phạm tội thì mới truy cứu pháp nhân phạm tội không?
Đây là các câu hỏi lớn cần được giải đáp rõ ràng bằng các quy định của Bộ luật Hình sự. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo tách khoản 2 Điều 73 thành một điều luật riêng với tên gọi “Mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân và trách nhiệm hình sự của cá nhân” và làm rõ các vấn đề nêu ra ở trên.
2. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Dự thảo đưa ra phương án mở rộng mặt khách quan của tội phạm này, thay vì chỉ là “sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp”, nay mở rộng ra thành: “sử dụng tài sản đó không đúng với mục đích khi vay, mượn, thuê tài sản hoặc mục đích đã ghi trong hợp đồng hoặc thỏa thuận”. Lý do được ban soạn thảo đưa ra là nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu hồi nợ xấu khi khách hàng vay tiền và sử dụng vào mục đích khác so với hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác trên thế giới thì hành vi vay tiền rồi sử dụng tiền đó vào mục đích khác chỉ bị xử lý bằng các biện pháp dân sự như hủy hợp đồng, đòi trả lại tài sản hoặc đòi bồi thường. Hiện nay, Bộ luật Dân sự của Việt Nam cũng đang trong giai đoạn sửa đổi và đã bổ sung nguyên tắc “vi phạm nghiêm trọng hợp đồng” và cho phép bên cấp tín dụng yêu cầu hủy hợp đồng ngay khi phát hiện việc sử dụng tiền sai mục đích. Như vậy, các công cụ trách nhiệm dân sự để xử lý các trường hợp sử dụng tín dụng sai mục đích đã hoàn thiện.
Thực tế trong thời gian qua, hiện tượng các ngân hàng gặp khó khăn trong thu hồi nợ xấu xuất hiện nhiều. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu là do suy thoái kinh tế và sự yếu kém trong hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng. Không có cơ sở để cho thấy rằng tỷ lệ người vay tiền sử dụng sai mục đích tăng lên dẫn đến cần phải hình sự hóa hành vi này. Bản thân người vay tiền cũng vẫn muốn trả lại tiền, nhưng do hoàn cảnh thay đổi sau khi đã vay nên mới phải thay đổi mục đích sử dụng tài sản.
Tuy nhiên, riêng đối với các trường hợp ngay từ trước khi giao kết hợp đồng vay tài sản, bên vay đã có ý định sử dụng tài sản vào mục đích khác thì phải được xem là lừa đảo và xử lý theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, bên vay tài sản đang có khoản nợ khác và muốn vay một khoản mới để trả khoản nợ cũ, nhưng khi giao kết hợp đồng tín dụng lại nói rằng mục đích vay là để đầu tư dự án khác. Hoặc bên vay tài sản cần tiền để đầu tư cho một dự án, nhưng do ngân hàng không đồng ý cấp tín dụng cho dự án này nên đã lấy lý do là vay cho dự án khác. Tất cả các trường hợp đó đều phải xử lý theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng sau:
- Nếu việc quyết định sử dụng tài sản vay vào mục đích khác diễn ra sau khi đã giao kết hợp đồng vay tài sản thì không xử lý hình sự.
- Nếu việc quyết định sử dụng tài sản vay vào mục đích khác diễn ra trước khi giao kết hợp đồng vay tài sản thì xử lý theo Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
3. Hành vi không tố giác tội phạm của người bào chữa[H1]
Về vấn đề người bào chữa không tố giác tội phạm, Dự thảo đưa ra hai phương án, phải và không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 19). Đối với vấn đề này, tất cả các ý kiến doanh nghiệp gửi về VCCI đều đồng tình với phương án rằng người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm. Quy định này sẽ giúp cho bị cáo thoải mái cung cấp thông tin cho luật sư của mình mà không lo sợ rằng thông tin đó có thể được sử dụng để chống lại mình. Đây là điều cần thiết giúp cho các luật sư có thể tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo. Nguyên tắc không cản trở hoạt động của luật sư và quyền giữ bí mật thông tin khách hàng của luật sư sẽ bảo đảm cân bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong tố tụng hình sự, giúp tăng cường tranh tụng và hướng tới bảo vệ công lý tốt hơn.
Tuy nhiên, Điều 19 quy định việc không truy cứu trách nhiệm hình sự này không chỉ áp dụng cho trường hợp người bào chữa biết rõ tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà còn cả trường hợp tội phạm đang được chuẩn bị. Riêng đối với trường hợp luật sư hoặc người bào chữa biết được tội phạm đang được chuẩn bị thì cần có nghĩa vụ tố giác. Quy định này sẽ cho phép ngăn chặn được các tội phạm xảy ra trong tương lai, mà vẫn không ảnh hưởng đến quyền của bị can, bị cáo khi tham gia tố tụng hình sự.
Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định tại Điều 19 theo hướng:
- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với luật sư và người bào chữa khi không tố giác tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện
- Có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với luật sư và người bào chữa khi không tố giác tội phạm đang được chuẩn bị.
4. Nhóm các tội về gian lận thương mại
Một trong những khuyết tật cơ bản của nền kinh tế thị trường là khi người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cố ý làm cho người mua có thông tin sai lệch về hàng hóa và dịch vụ của mình từ đó bán được hàng hoặc bán với giá cao hơn. Mặc dù mỗi lượt hành vi có thể chỉ là giao dịch nhỏ, nhưng do không có cơ chế ngăn chặn và trừng phạt tốt nên chúng diễn ra với số lượng rất nhiều, thường xuyên, liên tục, có động cơ trục lợi rõ ràng và đang trở thành một trong những lực cản lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, cần tập trung nghiên cứu để áp dụng chế tài hình sự phù hợp với nhóm hành vi này.
Về vấn đề này, có quan điểm cho rằng không nên hình sự hóa quá nhiều hành vi này vì đây chỉ là quan hệ dân sự. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện nay các chế tài dân sự không đủ để xử lý khi mà số lượng người tiêu dùng quá lớn, mỗi người lại chịu thiệt hại nhỏ nên không ai có động lực để khởi kiện dân sự. Khi đó, cần có sự can thiệp của nhà nước bằng các chế tài hình sự. Các quy định hiện nay của Bộ luật Hình sự không đủ để xử lý các hành vi này và cần được nghiên cứu để sửa đổi.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự chia các hành vi thuộc nhóm này thành 4 nhóm tội, gồm (1) sản xuất, buôn bán hàng giả; (2) quảng cáo gian dối; (3) lừa dối khách hàng; và (4) sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Đề nghị Cơ quan soạn thảo kết cấu lại các điều luật của nhóm này như sau:
- Mở rộng phạm vi xử lý gian lận thương mại không chỉ dừng lại ở hàng hóa mà bao gồm cả dịch vụ:
Theo quy định hiện hành, Tội lừa dối khách hàng chỉ áp dụng đối với hành vi lừa dối khi mua bán hàng hóa mà chưa xử lý khi hành vi lừa dối khi cung cấp dịch vụ. Ví dụ, hành vi cố ý tính sai phí dịch vụ cho khách hàng nhằm thu lợi bất chính cũng cần bị xử lý về Tội lừa dối khách hàng.
- Tách Tội lừa dối khách hàng thành 2 tội, xử lý 2 loại hành vi: (1) hành vi lừa dối có hệ thống và (2) hành vi lừa dối đơn lẻ:
Tội lừa dối khách hàng trong, Bộ luật Hình sự 1999 có cấu thành vật chất, tức là phải chứng minh được yếu tố “thiệt hại nghiêm trọng”. Trên thực tế, có những hành vi lừa dối giá trị nhỏ, nhưng trên diện rộng khách hàng như gian lận đồng hồ đo xăng, gian lận đồng hồ đo của taxi. Những hành vi này, nếu bị phát hiện cũng chỉ có thể chứng minh được thiệt hại của một vài lần giao dịch, không đủ yếu tố cấu thành “thiệt hại nghiêm trọng”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định riêng một tội để xử lý hành vi cố ý can thiệp, làm sai lệch hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị, hệ thống đo đạc, tính toán số lượng, khối lượng, chất lượng hoặc đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính. Tội này chỉ cần cấu thành hình thức là đã có thể xử lý hình sự. Còn các trường hợp lừa dối khách hàng mang tính đơn lẻ khác (không chứng minh được tính hệ thống) thì quy định về định mức tối thiểu của khoản lợi bất chính.
- Xác định rõ hành vi quảng cáo gian dối:
Trong Dự thảo trước, Ban Soạn thảo đã có ý định bỏ Tội quảng cáo gian dối với lý do hầu hết các quảng cáo hiện nay đều ít nhiều không đúng sự thật. Trên thực tế, một số thông tin quảng cáo không đúng sự thật có thể không gây hại, nhưng một số thông tin sai lệch lại gây tác hại rất lớn. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo kết cấu lại tội này theo hướng:
(1) Đưa khái niệm quảng cáo gian dối: là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật cho khách hàng hoặc cố ý im lặng để khách hàng hiểu nhầm về đặc tính của hàng hóa, dịch vụ
(2) Xác định một số loại thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà nếu quảng cáo gian dối thì xử lý hình sự theo cấu thành hình thức, gồm:
o Thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mà hàng hóa, dịch vụ đó đáp ứng. Ví dụ, quảng cáo rằng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP nhưng biết rõ rằng không phải.
o Che giấu giá hàng hóa, dịch vụ trong quảng cáo từ 20% trở lên hoặc thu lợi từ 5 triệu đồng trở lên. Ví dụ: quảng cáo rằng tour du lịch có giá 10 triệu đồng (trọn gói), nhưng sau đó lại yêu cầu khách hàng trả thêm các khoản phụ phí di chuyển, lưu trú lên đến 3 triệu đồng.
o Thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Ví dụ: hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại được quảng cáo là sản xuất tại Nhật Bản.
o Thông tin về khối lượng, số lượng của hàng hóa, dịch vụ từ 10% trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên. Ví dụ: trên bao bì hộp chè ghi khối lượng chè là 1kg nhưng thực tế chỉ có 800g.
o Thông tin về chỉ dẫn địa lý của hàng hóa. Ví dụ, quảng cáo là nước mắm Phú Quốc nhưng thực tế không được sản xuất tại Phú Quốc.
(3) Đối với hành vi quảng cáo gian dối các loại thông tin khác thì chỉ xử lý khi có cấu thành vật chất (gây thiệt hại hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng trở lên)
(4) Xử lý riêng đối với hành vi chỉ đạo quảng cáo gian dối bằng lời nói. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp quảng cáo gian dối bằng lời nói thường hay diễn ra trong các hệ thống phân phối đa cấp. Do không có phương tiện quảng cáo (ghi âm, ghi hình, văn bản…) nên rất khó cho cơ quan chức năng xử lý hành vi quảng cáo gian dối. Kể cả có chứng minh được thì cũng chỉ là lời nói đơn lẻ, không mang tính hệ thống, khó chứng minh thiệt hại. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định xử lý riêng đối với hành vi chỉ đạo quảng cáo gian dối.
- Sửa Tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thành Tội sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật
Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các quy chuẩn kỹ thuật mang tính bắt buộc áp dụng. Các quy chuẩn này được đặt ra nhằm bảo đảm cho hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tối thiểu an toàn cho người sử dụng. Thực phẩm chỉ là một loại hàng hóa mà nếu không đáp ứng các điều kiện tối thiểu này thì có khả năng gây tác hại lớn hơn cho xã hội. Do đó, cần có riêng một tội xử lý hành vi cố ý sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật gây hậu quả hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng trở lên. Nếu hàng hóa là thực phẩm thì được coi là tình tiết tăng nặng định khung của tội này.
5. Tội cho vay lãi nặng
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định về mức lãi suất tối đa cùng với các biện pháp bảo đảm thực thi, trong đó có cả chế tài hình sự, nhưng hiện tượng cho vay lãi nặng hiện vẫn diễn ra phổ biến trong nền kinh tế. Trên thực tế, các ngân hàng thường không cho vay các khoản vay giá trị nhỏ, thời gian ngắn, bởi nếu áp dụng lãi suất tín dụng chung thì các khoản vay này không đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Do đó, người cần vay vẫn buộc phải tìm đến những người cho vay nóng, thủ tục đơn giản, linh hoạt, đổi lại phải chịu lãi suất cao. Đây là hoạt động bình thường khi mà nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể với quy mô rất nhỏ, không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn sử dụng hình thức cho vay linh hoạt này. Hơn nữa, về bản chất, đây là quan hệ hợp đồng tự do thỏa thuận, do đó, nên được quản lý bằng các hình thức khác hơn là chế tài hình sự.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng mà thay vào đó là áp dụng các biện pháp quản lý khác. Ví dụ, tại Anh, nếu khoản vay có lãi suất cao hơn mức nhất định, người đi vay không có nghĩa vụ phải trả tiền cho người cho vay. Tại Mỹ, những người hành nghề cho vay những khoản nhỏ này phải đáp ứng điều kiện kinh doanh và phải đăng ký với cơ quan nhà nước, thường xuyên báo cáo về hoạt động cho vay. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng tại các quốc gia này chỉ đặt ra khi người cho vay không đăng ký, báo cáo với cơ quan nhà nước; có hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các biện pháp khác để đòi nợ; hoặc có liên quan đến việc rửa tiền, tiêu thụ tài sản trộm cắp (đối với dịch vụ cầm đồ). Đây đều là những cách làm rất khoa học, vẫn bảo đảm ngăn ngừa các tác động xấu của việc cho vay lãi nặng, nhưng đồng thời duy trì các lợi ích từ sự linh hoạt và tiện lợi của dịch vụ tín dụng này.
Với các lý do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo thu hẹp phạm vi xử lý Tội cho vay lãi nặng. Cụ thể, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng khi:
- Người cho vay với lãi suất cao thực hiện hoạt động cho vay một cách thường xuyên, liên tục, vì mục đích thu lợi mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
- Người cho vay với lãi suất cao sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay tiền để đòi nợ.
Đi kèm với việc sửa đổi Tội cho vay lãi nặng như vậy, cần tiến hành xây dựng, sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô theo Luật các tổ chức tín dụng, đồng thời quy định về việc người đi vay không có nghĩa vụ trả tiền trong trường hợp lãi suất cao quá mức nhất định.
6. Tội gây ô nhiễm môi trường, Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
Việc sửa đổi mặt khách quan các tội phạm về môi trường của Dự thảo đã giúp xác định rõ hơn các yếu tố định lượng hành vi, điều này sẽ giúp tăng khả năng xử lý trên thực tế của loại tội phạm này. Tuy nhiên, để phân biệt chính xác hơn các hành vi nguy hiểm trong lĩnh vực này, đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại yếu tố hành vi của Tội gây ô nhiễm môi trường, Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại như sau:
- Nên phân biệt Tội gây ô nhiễm môi trường và Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại theo yếu tố lỗi. Theo đó, chuyển toàn bộ các hành vi xả thải, chôn lấp, đổ thải ở Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại về Tội gây ô nhiễm môi trường, bởi tất cả các hành vi này đều mang lỗi cố ý. Việc phân biệt về loại chất thải chỉ có thể là yếu tố tăng nặng chứ không nên quy định ở hai tội danh khác nhau. Hơn nữa, theo như Dự thảo hiện nay thì người nào thải chất thải nguy hại lại chịu hình phạt nhẹ hơn thải chất thải thông thường.
- Nhập Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại và Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường về một tội. Tội này quy định theo hướng lỗi vô ý và phải có yếu tố thiệt hại (cấu thành vật chất). Lý do chính là khi một người vô ý vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại mà gây thiệt thì thiệt hại đó thường là sự cố môi trường, ví dụ như khi vô ý để tràn đổ chất thải nguy hại. Do đó, việc tách riêng hai tội là không cần thiết.
- Trong Tội gây ô nhiễm môi trường, hành vi xả nước thải, khí thải mới chỉ dừng lại ở lưu lượng và nồng độ nước thải, khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật, chứ chưa xác định theo khối lượng nước thải, khí thải. Trong khi đó, có thể xuất hiện hành vi xả thải với lưu lượng thấp nhưng kéo dài thì tổng lượng chất thải vẫn có thể rất cao. Do đó, đề nghị bổ sung yếu tố khối lượng nước thải, khí thải cũng là căn cứ để xử lý hình sự.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Bộ luật Hình sự. Rất mong Cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc. Trân trọng cảm ơn ./.
[H1]Tiếp thu