VCCI góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế

Thứ Hai 14:47 02-07-2007


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Số:    04     9      5  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2007


 
    Kính gửi:             BỘ Y TẾ
V/v:                  Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế


Phúc đáp Công văn số 3072/BYT-BH ngày 14 tháng 05 năm 2007 của quý Bộ lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau: 

I.      NHẬN XÉT CHUNG

1.      Dự thảo Luật BHYT được xây dựng trên cơ sở kế thừa hệ thống hoá và hoàn thiện chính sách BHYT hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

2.      Dự thảo Luật BHYT đã đưa ra một số phương án như xây dựng BHYT bắt buộc cho toàn dân, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30% phí BHYT cho người cận nghèo và cấp BHYT miễn phí cho người nghèo hoặc mở rộng thực hiện BHYT bắt buộc thêm một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên và vẫn thực hiện BHYT tự nguyện cho những đối tượng còn lại. Nét mới nhất được đưa vào Dự thảo Luật BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi sẽ thuộc đối tượng BHYT bắt buộc thay vì miễn phí theo cơ chế thực thu thực chi như hiện nay.

3.      Để thống nhất với quy định trên đây của Dự thảo Luật BHYT, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân, cụ thể như sau:

-               Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện việc thanh toán toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hình thức bảo hiểm y tế và các quy định liên quan.

-               Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo.

4.      Về việc có nên bỏ mức quy định trần thanh toán như hiện nay hay không(tức là việc chi trả BHYT có giới hạn): còn có một số ý kiến khác nhau. Thực tế việc bỏ mức quy định trần thanh toán là không khả thi, bởi như vậy nguy cơ vỡ quỹ BHYT là rất cao. Khoa học kỹ thuật tiên tiến phát triển mạnh hiện nay chi phép, áp dụng nhiều phương pháp khám, chữa bệnh mới hiệu quả cao nhưng cũng rất tốn kém (hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/người bệnh), bởi vậy quỹ BHYT không thể thanh toán hết theo thực tế chi phí khám, chữa bệnh được. Việc đề ra mức trần trong thanh toán phí cho người có thẻ BHYT là cần thiết và phải được tiếp tục duy trì trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Do đó, việc quy định giới hạn thanh toán như trong Dự thảo là hợp lý và cần thiết.

5.      Về mức đóng đối với người tham gia BHYT tự nguyện: không nên quy định một cách cứng nhắc như hiện nay, tức là quy định mức đóng tối thiểu và mức đóng tối đa đối với mỗi nhóm đối tượng. Kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện BHYT toàn dân cho thấy, mức phí đóng góp BHYT tự nguyện là theo khả năng, theo thu nhập. Người có thu nhập cao thì đóng phí cao, người có thu nhập thấp thì đóng phí thấp, mức phí không phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của người tham gia BHYT. Vì vậy, nên chăng Nhà nước chỉ quy định mức phí đóng tối thiểu cho mỗi nhóm đối tượng căn cứ theo từng khu vực, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, giá dịch vụ khám chữa bệnh và việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của người dân tại mỗi địa phương.

6.      Về kỹ thuật soạn thảo: không nên dùng những cụm từ viết tắt như “BHYT” hay “KCB”, mà phải đưa vào các cụm từ viết đầy đủ.

II. NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ

1.      Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ được giải thích tại Điều 3 của Dự thảo Luật BHYT là các từ, cụm từ chuyên môn, vì thế nên được phân biệt với các từ khác trong câu, đoạn văn giải thích. Đề nghị đưa các từ, cụm từ được giải thích vào trong dấu ngoặc kép hoặc in nghiêng.

2.      Một số nội dung khác

-         Đoạn cuối khoản 2 Điều 5 thừa cụm từ “Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT được miễn thuế”.

-         Tiêu đề của Điều 12 nên viết lại hoàn chỉnh là “Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc”.

-         Điều 12 của Dự thảo cũng đã quy định rất chi tiết về các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, vì thế, việc quy định thêm mục 14  trong Điều 3 giải thích về “Người lao động tham gia BHYT bắt buộc” là không cần thiết, có thể lược bớt đi.

-         Mục 14 của Điều 12 trong Dự thảo nên quy định cụ thể là: Danh sách vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn sẽ do Chính phủ quy định để tránh sự áp dụng không thống nhất trên thực tiễn.

-         Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT được quy định tại mục 14 Điều 3 của Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP của Chính phủ vào Luật BHYT mới, bởi trên thực tế có thể có doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định này để trốn tránh trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động bằng cách ký kết hợp đồng dưới 3 tháng một, gây thiệt thòi cho người lao động.

-         Tiêu đề của Chương III nên sửa lại là “Đối tượng, mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện” cho phù hợp với nội dung của chương này.

-         Thực tế thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, do quy định mọi đối tượng trong xã hội đều có quyền tham gia BHYT tự nguyện mà không đề cập đến tính cộng đồng, nên thời gian qua có tình trạng lựa chọn ngược, đối tượng là người già yếu tham gia với tỷ lệ cao trong khi những người khỏe mạnh tham gia với tỷ lệ thấp làm giảm khả năng chia sẻ rủi ro của quỹ khám chữa bệnh, dẫn tới bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT tự nguyện. Do đó, Điều 16 Dự thảo nên quy định cụ thể hơn theo hướng chú trọng hơn tới tính cộng đồng, khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia BHYT.

-         Điều 18 quy định về “Thẻ bảo hiểm y tế”, nên đưa vào Chương I “Những quy định chung” sẽ hợp lý hơn.

3.      Một số nội dung tham khảo

3.1 Tổ chức bảo hiểm y tế

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các tổ chức bảo hiểm y tế công, ngày càng phát triển các công ty dịch vụ bảo hiểm y tế tư tại các quốc gia khác nhau như Úc, Pháp, Mỹ, Anh, Canada..v.v.. Sự ra đời của các công ty tư có thể mang lại hai ưu điểm lớn. Thứ nhất, cùng với hoạt động xã hội hoá, các công ty tư có thể góp phần cung cấp dịch vụ hiểm y tế tới mọi đối tượng trong xã hội. Với quan điểm nhà nước nhỏ, xã hội lớn, các tổ chức tư sẽ dần thay thế nhà nước trong việc thực hiện một phần các chức năng bảo hiểm y tế. Thứ hai, sự ra đời của các tổ chức tư làm cho các hoạt động bảo hiểm y tế hiệu quả và mang lại lợi ích cho người tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Người tham gia bảo hiểm sẽ có cơ hội lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ, vì thế các tổ chức dịch vụ ngày càng phải tự hoàn thiện, phát triển và hoạt động hiệu quả hơn.

Đề nghị Ban soạn thảo xem lại phương án tổ chức bảo hiểm trong Dự thảo. Việc xuất hiện các tổ chức bảo hiểm tư hoặc bảo hiểm y tế công - tư không làm mất đi vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm y tế. Thêm vào đó, như đã nêu, các tổ chức bảo hiểm y tế tư hoặc công-tư kết hợp sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoạt động vì lợi ích cho toàn xã hội.

3.2 Phí bảo hiểm y tế

            Các quy định về phí được đưa ra khá chi tiết trong Dự thảo. Tuy nhiên, nếu chấp nhận phương án kết hợp hoạt động công và tư trong lĩnh vực bảo hiểm y tế thì phương thức và cách tính phí bảo hiểm sẽ phải khác. Theo đó, pháp luật phải đưa ra các tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc tính phí để cho các tổ chức áp dụng. Quyền thoả thuận giữa các chủ thể cần được bảo đảm.

3.3 Nguyên tắc và hình thức đầu tư phí bảo hiểm y tế

Để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT, các tổ chức có thể có nhiều cách khác nhau. Theo Dự thảo, Ban soạn thảo chỉ đưa ra hai hình thức đầu tư chính đó là mua trái phiếu, tín phiếu Nhà nước và cho ngân hàng nhà nước vay. Để đảm bảo tính hiệu quả và thu hồi được vốn, các tổ chức có thể thực hiện nhiều hình thức đầu tư khác nhau, không nhất thiết chỉ các nội dung đưa ra tại Điều 40 của Dự thảo. Thêm vào đó, nếu chấp nhận phương án kết hợp công tư thì quyền đầu tư của các tổ chức cần được bảo đảm. Theo đó, các quy định có thể chỉ đưa ra các điều kiện về bảo toàn vốn và hạn chế một số lĩnh vực đầu tư, phần còn lại thuộc quyền đầu tư của doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan