VCCI góp ý Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)

Thứ Ba 17:04 13-05-2014

Kính gửi: Tổng cục Thống kê

                  Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 2208/BKHĐT-TCTK ngày 15 tháng 04 năm 2014 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

I.                  Về quan điểm tiếp cận

Thông tin, dữ liệu thống kê là một trong những nguồn thông tin quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc lập và triển khai các dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những dự án, kế hoạch này của nhà đầu tư, doanh nghiệp chỉ mang tính khả thi cao khi họ có thể tiếp cận và sử dụng được các thông tin, dữ liệu thống kê có độ tin cậy.

Nếu như các thông tin, dữ liệu thống kê được thu thập một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ và kịp thời, đồng thời được công khai, minh bạch theo hướng tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, công dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng như Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi đã đề ra, thì những thông tin, dữ liệu thống kê này thực sự hữu ích đối với cộng đồng doanh nghiệp.  

II.               Về các ý kiến cụ thể

1.              Giữ bí mật dữ liệu, thông tin của các doanh nghiệp

Dự thảo Luật đã xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra, thống kê, tuy nhiên vẫn chưa quy định chặt chẽ việc bảo vệ thông tin, bí mật của những đối tượng này.

Khoản 5 Điều 6 Dự thảo Luật nghiêm cấm việc “tiết lộ thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê thuộc bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó”.

Quy định này đã được cụ thể hóa tại khoản 4 Điều 18 quy định nghĩa vụ của cơ quan tiến hành điều tra thống kê : “Giữ bí mật thông tin thống kê thu thập được theo quy định của pháp luật”. Và điểm b., khoản 3 Điều 19 quy định nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê của Điều tra viên thống kê rộng hơn: “Giữ bí mật thông tin thu thập được từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê (điểm c, khoản 1, điều 20) chỉ có quyền “được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên theo quy định của Luật này”.

Quy định như vậy, có thể dẫn tới cách hiểu các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê chỉ được bảo vệ bí mật thông tin đã cung cấp theo quy định của Luật Thống kê, còn theo yêu cầu của những luật khác có liên quan thì không được bảo vệ?

Việc quy định chỉ giữ bí mật với Thông tin thống kê  như trên có thể có phạm vi quá hẹp, gây rủi ro cho cho các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê. Theo khoản 4 Điều 4 Giải thích từ ngữ “Thông tin thống kê là dữ liệu thống kê được xử lý, tổng hợp và phân tích theo phương pháp, quy trình chuyên môn nghiệp vụ thống kê để phản ánh đặc trưng, thuộc tính của hiện tượng, quá trình nghiên cứu”. Trong khi đó, thông tin mà doanh nghiệp cung cấp cho các cuộc điều tra thống kê lại là Dữ liệu thống kê (những  con số, sự kiện để hình thành thông tin thống kê). Và những dữ liệu thống kê này vẫn có thể là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trên thực tế, các điều tra viên tới điều tra tại các doanh nghiệp có thể biết được những thông tin, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mà những thông tin, bí mật đó không nhất thiết phải là dữ liệu, thông tin thống kê. Những thông tin mà điều tra viên có thể nắm được tại doanh nghiệp khi tới điều tra có thể qua việc quan sát tại doanh nghiệp, không nhất thiết doanh nghiệp cung cấp cho điều tra viên.  

Trong khi đó, pháp luật của nhiều nước đã quy định các cơ quan thống kê, điều tra viên phải có nghĩa vụ giữ bí mật kinh doanh và thông tin của tổ chức, cá nhân mà họ nắm được trong quá trình điều tra thống kê.

Luật Thống kê nhiều nước cũng quy định những dữ liệu thông tin thu thập được từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê không được sử dụng làm bằng chứng trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như xử lý hành chính của cơ quan hành pháp.

Kiến nghị: Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi cần quy định nghĩa vụ giữ bí mật đối với dữ liệu, thông tin thu thập được từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê đối với cả các cơ quan tiến hành điều tra thống kê và điều tra viên thống kê, và bảo đảm quyền được giữ bí mật dữ liệu, thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê. Dữ liệu, thông tin thu thập được từ tổ chức cá nhân được điều tra, thống kê chỉ được sử dụng vì mục đích thống kê.

2.              Cần xác định rõ ràng những đối tượng phải thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở

Điều 24 Dự thảo Luật quy định đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở gồm: (1) Doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập; (2) Doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (3) Cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước. và (4) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định các tổ chức khác theo quy định của pháp luật như vậy là chưa rõ ràng, và có thể phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Kiến nghị: Xác định rõ các tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Nếu có thể dự liệu sẽ bao gồm các loại hình doanh nghiệp khác ngoài doanh nghiệp nhà nước hạch toán độc lập và các doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì cần chỉ ra rõ ràng trong Luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực thi Luật sửa đổi sau này. 

3.              Công bố và phổ biến thông tin Thống kê chính thức

Khoản 1 Điều 35 Dự thảo Luật  quy định việc công bố thông tin thống kê, theo đó: “Thông tin thống kê chính thức phải được công bố theo quy định”.

Tuy nhiên, việc công bố thông tin thống kê như trên còn khá chung chung. Luật Thống kê 2003 thậm chí còn quy định chi tiết hơn Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi, khi quy định “Thông tin thống kê do tổ chức thống kê nhà nước tiến hành phải được công bố công khai, đúng thời hạn, trừ những thông tin thống kê phải được giữ bí mật quy định tại Điều 27 của Luật này. Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn, phương tiện và phạm vi công bố thông tin thống kê” (Khoản 1 Điều 24 Luật Thống kê 2003). 

 Điều 37 Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi quy định về việc phổ biến thông tin thống kê: “Thông tin thống kê chính thức đã công bố theo quy định của Luật này phải được phổ biến kịp thời, rộng rãi và công khai, minh bạch”. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin thống kê cần đảm bảo tính dễ tiếp cận, dễ tìm kiếm và dễ sử dụng đối với người dùng. Khá nhiều các thông tin thống kê kiện nay thể hiện dưới dạng khó sử dụng, như sách in, bản scan sách điện tử… Cần thiết phải có quy định về thông tin thống kê cần phải được công bố dưới định dạng dữ liệu theo chuẩn thân thiện đối với người sử dụng (csv, dta…).

Kiến nghị: Bổ sung yêu cầu đối với việc công bố thông tin thống kê chính thức và cơ sở dữ liệu thống kê phải công khai, đúng thời hạn: “Thông tin thống kê và cơ sở dữ liệu thống kê đã công bố theo quy định của Luật này phải được phổ biến kịp thời, rộng rãi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tìm kiếm và dễ sử dụng.”

 Ngoài ra, việc công bố, phổ biến thông tin thống kê cần đặt ra yêu cầu cụ thể đối với toàn bộ hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, bao gồm hệ thống tổ chức thống kê tập trung (Cơ quan Thống kê Trung ương và các cơ quan thống kê địa phương), cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Các kênh công bố, phổ biến thông tin thống kê và cơ sở dữ liệu thống kê cần phải được xác định rõ, như ấn phẩm, website… của các cơ quan thuộc hệ thống thống kê nhà nước, theo hướng thuận tiện và thân thiện đối với người sử dụng.  

4.               Bảo đảm hoạt động thống kê không bị can thiệp

          Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi đã quy định một số nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 5). Trong các nguyên tắc đó, có nguyên tắc bảo đảm độc lập về chuyên môn và nghiệp vụ thống kê. Dự thảo Luật tại Điều 6 đã xác định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê. Tuy nhiên, những hành vi bị nghiêm cấm đó mới tập trung vào chủ thể là cơ quan tiến hành điều tra thống kê, điều tra viên thống kê, và tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.

Trong khi đó, để bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời trong hoạt động thống kê, thì các cơ quan tiến hành điều tra thống kê, điều tra viên thống kê cần phải được bảo đảm không bị can thiệp bởi các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.

Kiến nghị: Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6: “Mọi tổ chức, cá nhân không được can thiệp vào hoạt động thống kê làm kết quả điều tra, thống kê sai sự thật”.

5.              Xác định rõ việc sử dụng, công bố và phổ biến thông tin thống kê do tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước

Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi tại Khoản 6 Điều 6 đã bổ sung việc nghiêm cấm “sử dụng, công bố và phổ biến thông tin thống kê do tổ chức, cá nhân thống kê ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước tạo ra để thay thế thông tin Thống kê chính thức do cấp có thẩm quyền đã công bố”.

          Trong khi đó, Luật chưa có quy định cụ thể về hoạt động thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống thống kê nhà nước.

          Trên thực tế, nhiều tổ chức ngoài hệ thống thống kê nhà nước, trong phạm vi, chức năng, quyền hạn được pháp luật cho phép, có quyền tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát (vd khảo sát doanh nghiệp, người dân).

Mặc dù kết quả điều tra, khảo sát này không có giá trị pháp lý như hoạt động thống kê chính thức, nhưng vẫn có giá trị tham khảo cho việc cải thiện chất lượng, hiệu quả của sự phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, những khiếm khuyết, hạn chế của Luật Thống kê 2003 mà Tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi đã chỉ ra.

Kiến nghị: Để bảo đảm cho sử dụng, công bố và phổ biến thông tin thống kê do tổ chức, cá nhân thống kê ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước như những thông tin có giá trị tham khảo và phù hợp với pháp luật, Dự thảo Luật sửa đổi cần quy định rõ hoạt động thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống thống kê nhà nước. Nếu không xác định rõ, thì có thể khiến nhiều tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống thống kê nhà nước gặp rủi ro vi phạm Luật Thống kê trong quá trình thực hiện những hoạt động điều tra, khảo sát, dù đã được cho phép bằng những quy định pháp luật khác.

6.              Tăng cường giám sát xã hội đối với hoạt động thống kê

          Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi đã xác định mục đích của hoạt động thống kê chính thức nhằm cung cấp thông tin thống kê chính thức đáp ứng yêu cầu hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội; đáp ứng yêu cầu giám sát, kiểm tra thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân (Khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật).

          Như vậy, có thể thấy thông tin thống kê chính thức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách cũng như giám sát thực thi chính sách của nhà nước, cũng như của những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Nếu những thông tin thống kê chính thức bị sai sót, thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả của công tác hoạch định, cũng như thực thi chính sách.

          Để hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra của thông tin thống kê chính thức, cần có sự giám sát từ bên ngoài, không chỉ từ bên trong các cơ quan tiến hành điều tra thống kê và điều tra viên thống kê. Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi lại chưa có quy định về vấn đề này.

          Kiến nghị: Bổ sung 1 điều trong Dự thảo Luật sửa đổi: “Hoạt động thống kê chịu sự giám sát của xã hội. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thống kê”.

7.              Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê

          Dự thảo Luật sửa đổi tại Điều 33 có quy định “các bộ, ngành có quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp do Cơ quan thống kê Trung ương quản lý để phục vụ mục đích quản lý”.

          Về mặt chủ thể, quy định này còn thiếu khá nhiều đối tượng. Trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại cấp tỉnh, nhiều tỉnh phải xử lý những vấn đề mang tính liên vùng, do đó cần phải tiếp cận dữ liệu thống kê từ cả những tỉnh khác. Vì vậy, cần bổ sung thêm đối tượng này vào nhóm đối tượng có quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê do Cơ quan Thống kê trung ương quản lý. Ngoài ra, những cơ quan khác cũng cần được chia sẻ thông tin thống kê và cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp, như Quốc hội, các ủy ban thuộc quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp. Việc sử dụng, khai thác của những cơ quan này phải là miễn phí.

          Kiến nghị: Bổ sung thêm các tỉnh vào Điều 33: “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và HĐND, UBND, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền khai thác, sử dụng miễn phí cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp do Cơ quan Thống kê Trung ương quản lý để phục vụ mục đích quản lý. ” 

8.              Thăm dò ý kiến người sử dụng thông tin Thống kê chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu người sử dụng

          Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi tại điều 43 đã dặt ra yêu cầu đối với việc tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê.  Quy định này, theo dự thảo Tờ trình, là có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống tổ chức thống kê nhà nước trong việc đánh giá độ chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch của thông tin Thống kê chính thức để hoàn thiện công tác Thống kê chính thức.

          Tuy nhiên, việc tham khảo ý kiến người sử dụng thông tin thống kê cần phục vụ mục tiêu lớn hơn, đó là việc đánh giá mức độ đáp ứng của thông tin Thống kê chính thức đối với nhu cầu của người sử dụng. Việc đánh giá mức độ đáp ứng này không chỉ là về chất lượng của thông tin Thống kê chính thức (độ chính xác, đầy đủ, kịp thời và minh bạch như Dự thảo Luật đã đề ra), mà còn cả về phương thức công bố, phổ biến thông tin Thống kê chính thức.

Kiến nghị: Bổ sung yêu cầu thăm dò ý kiến người sử dụng thông tin Thống kê chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu người sử dụng, cùng với việc để hoàn thiện công tác thống kê.

Trên đây là ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan

Các văn bản liên quan