Ô. Trần Việt Hùng – Phó CN UBKHCN&MT của Quốc hội

Thứ Tư 08:26 09-08-2006

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM.
 
                                                                                               Trần Việt Hùng
                                                                                 PCN UBKHCN&MT của Quốc hội
 
Kính thưa các vị Đại biểu tham dự Đại hội thảo.
 
Nước ta đang đứng trước giai đoạn phát triển mới với cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào tri thức ngày càng sâu rộng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định một trong những biện pháp cơ bản để nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.”
 
Để thực hiện chiến lược này, bên cạnh việc tiến hành các biện pháp cải cách cần thiết về tổ chức, quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, để đảm bảo KHCN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước thì việc xây dựng và hòan thiện hệ thống pháp lý, cụ thể hóa đường lối chính sách phát triển KHCN bằng pháp luật cũng là biện pháp rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang chủ động hội nhập, mở rộng quan hệ quốc tế.
 
Nhận thức được tầm quan trọng này, trong mấy năm gần đây, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và ban hành các luật liên quan đến lĩnh vực KH&CN, trong đó có Dự án Luật Chuyển giao Công nghệ (CGCN).
 
Dự án Luật CGCN được xây dựng nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong các văn bản pháp quy hiện hành về chuyển giao công nghệ và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc ban hành Luật CGCN cũng sẽ góp phần khắc phục những mặt non kém trong quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN nói chung cũng như về họat động CGCN nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động CGCN nước ta trong bối cảnh hội nhập với các nền kinh tế khu vực và thế giới; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, nhận thức và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
 
Ban soạn thảo Dự án Luật CGCN chủ trì là Bộ KH&CN trong hai năm qua đã khẩn trương, nghiêm túc tiến hành vừa đúc rút kinh nghiệm CGCN trong nước vừa học tập kinh nghiệm quốc tế, xây dựng Dự thảo Luật CGCN có tính khả thi kịp trình xin ý kiến các đại biểu QH tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI.
 
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật CGCN. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu QH tập trung vào các vấn đề sau:
 
1.      Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật:
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ và mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động CGCN.
2.      Về vấn đề đăng ký hợp đồng CGCN
Nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định tất cả các hợp đồng CGCN đều phải đăng ký, mà chỉ nên quy định đăng ký hợp đồng CGCN đối với loại “công nghệ chuyển giao có điều kiện” và đối với những trường hợp tự nguyện đăng ký hợp đồng CGCN; đồng thời, cần có quy định thông thoáng hơn nhưng vẫn quản lý được hoạt động CGCN trên cả nước thay thế cho quy định phải đăng ký tất cả các hợp đồng CGCN.
3.      Về hợp đồng CGCN
Nhiều ý kiến đề nghị phải có một chương quy định về hợp đồng CGCN. Trong chương này, cần quy định cụ thể, chặt chẽ việc mua, bán công nghệ, quyền và trách nhiệm của người mua, người bán, người môi giới công nghệ; ngoài hình thức hợp đồng CGCN bằng văn bản cần bổ sung thêm hình thức hợp đồng CGCN bằng phương thức giao dịch điện tử và cần quy định đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng CGCN.
4.      Về CGCN ở vùng nông thôn, vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung một số điều, hoặc một chương quy định về CGCN ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn vì đây chính là những vùng mang tính đặc thù của Việt Nam. Nếu đẩy mạnh được hoạt động CGCN tiên tiến ở những vùng này thì sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội chung của cả nước.
5.      Về dịch vụ CGCN
Một số ý kiến cho rằng nội dung quy định về dịch vụ CGCN cần được cụ thể và rõ hơn, đặc biệt là giá trị pháp lý và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giám định công nghệ; bổ sung quy định quyền được tham gia hoạt động dịch vụ CGCN của Hội KH-KT và và các Hội nghề nghiệp khác.
6.      Về biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động CGCN
Có ý kiến đề nghị cần có quy định về chính sách của nhà nước để phát triển thị trường công nghệ; cần quy định cụ thể hơn, khả thi hơn các biện pháp, chính sách thúc đẩy hoạt động CGCN, dịch vụ CGCN; cần quy định hình thức khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với tổ chức, cá nhân CGCN mang lại hiệu quả KTXH cao; cần quy định các biện pháp giảm thuế để thúc đẩy hoạt động CGCN.
7.      Về quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia
Đa số ý kiến nhất trí với việc cần phải hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động CGCN ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cũng như cho hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia thì có hai quan điểm:
 
-         Quan điểm thứ nhất cho rằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được thành lập theo Luật KH&CN chỉ có chức năng chủ yếu là hỗ trợ kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học, công nghệ của các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo; vì vậy, cần thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia để thực hiện chức năng vừa cho vay với lãi suất ưu đãi vừa hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn cũng như cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là những biện pháp đã thực hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển giao công nghệ tiên tiến ở các vùng kinh tế xã hội khó khăn.
-         Quan điểm thứ hai cho rằng không cần thành lập Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia mà chỉ cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và vốn cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
 
Ngoài 7 vấn đề kể trên, các Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến sự phù hợp của Luật CGCN với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các Hiệp ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tính khả thi của Luật khi ban hành.
 
Thưa các vị Đại biểu,
 
Dự thảo Luật CGCN giới thiệu với quý vị trong hội thảo lần này là Dự thảo Luật đã được UBKHCN&MT của Quốc hội kết hợp với Ban soạn thảo Dự án Luật CGCN chỉnh, sửa, bổ sung trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chỉnh sửa Dự án Luật, chúng tôi cũng đã trân trọng tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt trong đó có ý kiến đóng góp của tổ chức STAR.
 
Trong hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được nghe, được tiếp thu thêm các ý kiến quý báu của quý vị đại biểu tham dự hội thảo để hoàn chỉnh hơn nữa Dự thảo Luật CGCN trước khi trình Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 cuối năm nay.
 
Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm ơn Ban tổ chức hội thảo, cảm ơn tổ chức STAR đã cho cơ hội được giới thiệu Dự án Luật CGCN, cũng là cơ hội được nghe, được tiếp thu thêm ý kiến đóng góp cho Dự án Luật.
 
Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan