Vấn đề thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất)

Thứ Sáu 10:13 26-05-2006
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp dự định tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Doanh nghiệp thống nhất vào đầu tháng 3 năm 2005. Luật Doanh nghiệp (thống nhất) khi được ban hành sẽ là văn bản pháp lý có tác động rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, điều chỉnh từ việc thành lập cho tới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp. Để Luật Doanh nghiệp (thống nhất) thực sự đi vào cuộc sống, sát với thực tiễn, Ban Tổ chức trân trọng kính mời quý vị tham gia và góp ý cho Dự án luật này. Sau đây là Danh mục các vấn đề được thảo luận tại Hội thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất):

1. Về Giấy phép kinh doanh

Dự thảo đưa ra khái niệm mới về giấy phép: “Cấp phép nói trong Luật này là hành vi hành chính do pháp luật quy định được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức để cho phép người đó được quyền thực hiện các công việc nhất định, để xác định trình độ và năng lực của họ, hoặc để cho họ một địa vi pháp lý hoặc tình trạng nhân thân. Kết quả của cấp phép là giấy phép”.

Theo Ông/Bà thì:

1.1. Định nghĩa như dự thảo có hợp lý và khả thi không?
1.2. Vấn đề thực chất của “giấy phép kinh doanh” hiện nay ở nước ta là gì?
1.3. Cần giải pháp nào để giải quyết các vướng mắc về Giấy phép kinh doanh? Trong phạm vi Luật Doanh nghiệp, có thể làm được gì để giải quyết các vấn đề đó?

2. Về một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh.
Các nghề đó là:
- Dịch vụ kế toán và kiểm toán;
- Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng;
- Dịch vụ khám và điều trị bệnh;
- Dịch vụ pháp lý.

Theo Ông/Bà thì:

2.1. Có cần thiết các loại dịch vụ nói trên phải thực hiện dưới hình thức hợp danh không? Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể được kinh doanh các dịch vụ đó không?
2.2. Có nên bổ sung thêm loại dịch vụ, ngành nghề khác vào danh sách nói trên?
2.3. Nếu kinh doanh các loại dịch vụ nói trên phải dưới hình thức hợp danh, thì các doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty nhà nước) đang kinh doanh các loại dịch nói trên phải chuyển đổi sang hợp danh. Vậy (i) cần bao nhiêu thời gian để chuyển đổi?(ii) pháp luật cần lưu ý vấn đề gì trong quá trình chuyển đổi?(iii) nếu sau thời gian được định mà chưa chuyển đổi, thì hậu quả pháp lý là gì và cần giải quyết nó như thế nào?.

3. Về hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Dự thảo Luật hạn chế mức đầu tư của doanh nghiệp này vào doanh nghiệp khác. Cụ thể là tổng mức đầu tư của một doanh nghiệp(với tư cách là thành viên hoặc cổ đông) vào các doanh nghiệp khác không được vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó. Ví dụ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp A là 100, thì tổng mức đầu tư của doanh nghiệp này vào các doanh nghiệp khác không vượt quá 50; và giả sử tổng mức đầu tư vào doanh nghiệp khác đã lên đến 40, thì khoản đầu tư cuối cùng không được vượt quá 10.

Theo Ông/Bà thì:

3.1. Có nên hạn chế tổng mức vốn đầu tư của một doanh nghiệp vào các doanh nghiệp khác hay không? Nếu có, thì kiến nghị như của Dự thảo là có hợp lý không? Hay khống chế theo phương thức khác?. Làm gì để đảm bảo được hiệu lực của quy định không chế như đã nói trên?
3.2. Nếu không cần không chế thì cho biết lý do? Những ưu điểm và nhược điểm của việc không đặt ra khống chế?.
Nếu không có khống chế, thì dưới giác độ tài chính doanh nghiệp giải thích thế nào về hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay là một doanh nghiệp có vốn đăng ký là 5 tỷ đồng Việt nam, nhưng lại thành lập công ty con có vốn đăng ký lên đến 10 tỷ đồng? Hiện tượng nói trên có thể gây hại gì cho nền kinh tế nói chung và cổ đông, chủ nợ .v.v.. của công ty nói riêng?.

4. Ông/Bà hiểu thế nào về khái niệm “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự”? Có nên cấm họ thành lập doanh nghiệp không?

5. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vì xin phép đầu tư như hiện nay.

Theo Ông/Bà thì:
5.1. Có nên đặt thêm những điều kiện đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài?(về bản chất là đặt thêm rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường nước ta). Nói cách khác, có nên đối xử hoàn toàn bình đẳng trong gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
5.2. Về tổng thể, Dự thảo Luật đưa ra 3 “hạn chế” đối với người nước ngoài ( so với người trong nước) khi gia nhập thị trường nước ta. Đó là:(i) người nước ngoài bị cấm kinh doanh trong một số ngành, nghề mà doanh nghiệp trong nước không bị cấm;(ii) người nước ngoài phải xin phép trước khi đăng ký khi kinh doanh một số ngành, nghề mà doanh nghiệp trong nước không phải xin phép; và (iii) mức đầu tư tối thiểu của mỗi người nước ngoài(cá nhân hay pháp nhân) vào nước ta tối thiểu là 100000 US$.
a. Ba hạn chế nói trên là hợp lý không?
b. Có nên đặt thêm hạn chế nào nữa không?
c. Nên cấm người nước ngoài kinh doanh những ngành, nghề nào? Có thể chỉ nêu nguyên tắc?
d. Nên bắt người nước ngoài xin phép (buộc phải có giấy phép trước khi đăng ký kinh doanh) đối với những ngành, nghề nào? Có thể chỉ nêu nguyên tắc?.
đ. Chế độ cấp phép nên tập trung ở trung ương hay giao hết cho chính quyền địa phương? Và trung ương chỉ thực hiện quản lý nhà nước đối với việc cấp các giấy phép đó?
5.3. Vấn đề gì có thể xảy ra về phía cơ quan quản lý nhà nước và về phía doanh nghiệp trong nước khi thực hiện thay đổi nói trên?

6. Có nên cho phép một cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn? Hay chỉ có “tổ chức” mới được quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn như hiện nay?

Điểm lợi (hay ưu điểm) của việc cho phép một cá nhân kinh doanh dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn?
Nếu cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì vấn đề hay đặc điểm riêng biệt nào cần lưu ý và xử lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân?.

7. Về tiêu chuẩn người đại diện uỷ quyền.

Theo Ông/Bà thì:

7.1.Có nên quy định tiêu chuẩn của người đại diện uỷ quyền?. Người đại diện được uỷ quyền là cá nhân được thành viên, cổ đông (mà thành viên hay cổ đông này là pháp nhân) của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần uỷ quyền thực hiện các quyền của thành viên hoặc cổ đông tương ứng theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Nếu trả lời là không nên quy định, thì xin nói rõ lý do? những cái được và cái không được của việc không đặt ra tiêu chuẩn của người đại diện ủy quyền là gì?
7.2. Nếu cần quy định, thì tiêu chuẩn quy định như Dự thảo là hợp lý?
Theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 35a:
" 2. Tiêu chuẩn của người đại diện ủy quyền
Người đại diện ủy quyền phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Không dưới 21 tuổi và có đủ năng lực hành vi dân sự; và
b) Có trình độ chuyên môn hoặc/và kinh nghiệp trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty.
3. Không được chỉ định những người sau đây làm người đại diện ủy quyền:
a) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án tù về các tội tham nhũng, tham ô, hối lộ, làm trái qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của nhà nước và công dân, tội buôn lậu và trốn thuế cho đến 6 năm kể từ khi được xóa án;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên HĐQT và giám đốc doanh nghiệp đã bị phá sản trước đó chưa đầy 3 năm;
c) Người có liên quan của những thành viên Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty;
4. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp hay cổ phần sở hữu nhà nước chiếm hơn 50% vốn điều lệ, thì ngòai những người qui định tại khoản 3 điều này, những người có liên quan của những người quản lý và của những người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ không được cử làm người đại diện ủy quyền trong Hội đồng thành viên của công ty con."
Nếu không hợp lý, thì xin nêu rõ không hợp lý ở điểm nào? cần bổ sung hay giảm bớt tiêu chuẩn nào?. Lý do của bổ sung, thay đổi?

8. Về tiêu chuẩn giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn.

Dự thảo quy định như sau:
"Điều 41b. Tiêu chuẩn của Giám đốc (Tổng giám đốc)
1. Bất kỳ thành viên nào sở hữu 10% vốn điều lệ của công ty đều có thể được bổ nhiệm làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty.
2. Đối với những người không thuộc đối tượng qui định tại khoản 1 Điều này phải có ít nhất các tiêu chuẩn sau đây:
a) Không dưới 21 tuổi, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty;
c) Không phải là người có liên quan của người đại diện uỷ quyền của thành viên sở hữu hơn 25% vốn điều lệ của công ty.
3) Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp của nhà nước chiếm hơn 50% vốn điều lệ, thì ngoài các tiêu chuẩn qui định tại khoản 2 Điều này, Giám đốc (Tổng giám đốc) không được là người có liên quan của những người quản lý và những người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ."


Theo Ông/Bà thì:

8.1.Có nên quy định tiêu chuẩn của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn? Nếu trả lời là không nên quy định, thì xin nói rõ lý do? những cái được và cái không được của việc không đặt ra tiêu chuẩn của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn là gì?
8.2. Nếu cần quy định, thì tiêu chuẩn quy định như Dự thảo là hợp lý?Nếu không hợp lý, thì xin nêu rõ không hợp lý ở điểm nào? cần bổ sung hay giảm bớt tiêu chuẩn nào? Lý do của bổ sung, thay đổi?

9. Về thù lao, tiền lương và tiền thưởng cho thành viên Hội đồng thành viên(HĐTV), thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và giám đốc (tổng giám đốc).

Theo Ông/Bà thì:

9.1. Doanh nghiệp trên thực tế đang gặp phải vấn đề gì trong trả lương, tiền thưởng cho thành viên HĐTV, cho thành viên HĐQT và Giám đốc (tổng giám đốc)?
9.2. Quy định như Dự thảo có hợp lý hay không hợp lý? Có lợi gì và có hại gì đối với doanh nghiệp? Xin nêu rõ lý do?.
Nên bổ sung, sửa đổi và thay đổi những gì?
9.3. Việc thực hiện các quy định này trên thực tế gặp khó khăn gì? Có mâu thuẫn gì với các quy định khác không?

10. Về công ty nhà nước và Luật doanh nghiệp (thống nhất)

Mục tiêu của việc ban hành Luật doanh nghiệp (thống nhất) là áp dụng cho cả công ty nhà nước. Tuy vậy, công ty nhà nước hiện nay chưa phải là công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần như quy định của Luật doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi luật doanh nghiệp thống nhất có hiệu lực, thì công ty nhà nước hiện nay vẫn chưa thuộc đối tượng áp dụng của Luật này.

Theo Ông/Bà thì:

10.1. Cần định ra một thời hạn để chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn để “đưa” công ty nhà nước vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất)? Nếu có, thì thời hạn ấy là bao lâu?
10.2. Hay là cứ để song song tồn tại 2 Luật; theo đó, công ty nhà nước nào hay bộ phận của chúng chuyển sang được công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần, thì công ty hay bộ phận công ty đó mới thuộc đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (thống nhất)?
10.3. Vấn đề khó khăn trong chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữun hạn và công ty cổ phần là gì?

11. Về hộ kinh doanh cá thể

Theo Ông/Bà thì:

Có nên quy định cụ thể các hộ kinh doanh cá thể với quy mô nhất định nào đó phải chuyển thành doanh nghiệp không?
Nếu quy định, thì quy mô cụ thể nên ở mức nào?
Cái được và cái không được của chính sách này là gì?.

Trân trọng cảm ơn. Ban Tổ chức Hội thảo

Các văn bản liên quan