Doanh nghiệp nhà nước có đứng ngoài cuộc chơi?

Thứ Sáu 10:12 26-05-2006
Sọan thảo Luật Doanh nghiệp chung:

[size=18]Doanh nghiệp nhà nước có đứng ngoài cuộc chơi?

[b]Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Cung


[i]TT - “Luật doanh nghiệp hợp nhất có thể sẽ là một ngôi nhà đẹp, nhưng ngôi nhà ấy có khi lại vắng người ở, trong khi ngôi nhà của Luật doanh nghiệp nhà nước xấu hơn, kém tiện nghi hơn thì vẫn cứ đông người”. Ông Nguyễn Đình Cung, thư ký Tổ công tác thi hành Luật DN, thành viên ban soạn thảo Luật DN chung, đã ví von như thế khi trả lời phỏng vấn TTCN về dự thảo Luật DN chung đang được gấp rút xây dựng để trình Quốc hội vào năm tới.

Ông Cung lý giải:

- Ngôi nhà DNNN ấy được bao bọc bằng hàng rào, có người bảo vệ, hằng ngày đương nhiên được có thức ăn do người khác mang đến. Những gì tốt đẹp mà chúng ta mong đợi khi xây dựng Luật DN hợp nhất như tạo lập một môi trường kinh doanh, đầu tư bình đẳng có thể sẽ vẫn không đến nếu quá trình chuyển đổi DNNN sang hoạt động theo mô hình công ty thực thụ không được đẩy mạnh.

Cụ thể Luật DN chung sẽ qui định tổ chức hoạt động của bốn loại hình DN cơ bản trong nền kinh tế thị trường (không chỉ ở ta mà cả các nước trên thế giới): DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Bất cứ DN nào “chui” vào bốn loại hình này đều bị điều chỉnh bởi Luật DN hợp nhất. Đây là cách tiếp cận mới của Luật DN hợp nhất, vượt qua tất cả các luật về DN hiện nay của chúng ta: nó áp dụng theo loại hình, đặc trưng DN chứ không theo tính chất sở hữu DN.

Với hướng tiếp cận như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được lựa chọn một trong bốn loại hình DN để đầu tư kinh doanh tại VN thay vì chỉ một loại công ty TNHH như hiện nay.

* Tại sao đã là Luật DN chung (hợp nhất) mà các DNNN lại không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật DN chung, liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?

- Lâu nay rất nhiều người nói công ty nhà nước hiện đang hoạt động như công ty TNHH. Hoàn toàn nhầm lẫn. Bởi đã là công ty TNHH thì phải có bốn đặc điểm cơ bản: một, tính chịu trách nhiệm hữu hạn của nhà đầu tư; hai, thực thể pháp lý độc lập; ba, khả năng chuyển nhượng được (dễ dàng) cổ phần (anh chuyển nhượng cho ai là tùy anh); bốn, thực hiện nguyên tắc quản trị tập trung và thống nhất. Trong khi cái gọi là công ty nhà nước của ta hiện nay giỏi lắm chỉ có hai đặc điểm đầu. Còn nếu muốn chuyển nhượng thì phải kiểm tra, kiểm soát, định giá... mất vài tháng, thậm chí vài năm trời...

Hơn thế, điều mấu chốt của vấn đề nằm ở đặc điểm cuối cùng: công ty nhà nước của ta hoàn toàn chưa có nguyên tắc quản trị tập trung và thống nhất. Đã là công ty TNHH hoặc cổ phần, mọi vấn đề liên quan đến sự sống còn của DN (chiến lược kinh doanh, nhân sự...) đều do hội đồng thành viên quyết định; còn đối với công ty nhà nước của ta thì bộ chuyên ngành quyết chiến lược, Bộ Nội vụ quyết nhân sự, Bộ KH&ĐT quyết về dự án đầu tư, Bộ Tài chính cấp vốn. Nói chung là hết sức phân tán, lẻ tẻ và thiếu sự phối hợp. Nhiều khi quyết chiến lược - quyết đầu tư - quyết vốn... lại không thống nhất, ăn khớp nhau. Để rồi cuối cùng không thấy ai chịu trách nhiệm.

Cho nên muốn hoạt động theo Luật DN thống nhất thì công ty nhà nước phải chuyển đổi sang công ty TNHH, công ty cổ phần đích thực hội tụ bốn yếu tố trên. Bản chất của nó là một cuộc cải cách với quá nhiều thách thức, quá nhiều khó khăn. Nhiều người có quyền ở đó, nếu chuyển sang nguyên tắc quản trị tập trung, thống nhất thì không ít người sẽ mất quyền. Điều ấy cảnh báo rằng luật dù có tốt bao nhiêu chăng nữa, công ty nhà nước vẫn có thể ở ngoài.

* Có người nói như thế hóa ra ta quay trở lại cơ chế cũ là không bỏ chủ quản?

- Quan niệm đó có phần sai lầm. Chúng ta bỏ hành chính chủ quản chứ không phải bỏ chủ quản. Một nhà đầu tư bỏ vốn ra không thể bỏ quyền sở hữu của mình được.
Bỏ hành chính chủ quản thế nào? Theo tôi, có hai điều phải làm: thứ nhất, phải tách hẳn chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu vốn đầu tư của Nhà nước ra khỏi bộ máy hành chính; thứ hai, bộ máy tách ra đó không phải hoạt động theo nguyên tắc hành chính mà phải hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh, tức là cơ chế vận hành hoàn toàn khác cơ chế quản lý nhà nước.

* Nhưng nói gì thì nói, điều lâu nay được toàn dân chờ đợi là phải đưa DNNN vào cùng “sân chơi”. Nếu không, Luật DN chung sẽ mất đi ý nghĩa?

- Luật chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ. Làm luật - điều kiện cần dễ hơn nhiều so với sự chuyển đổi - điều kiện đủ. Muốn chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH thật sự như đã nói trên, vấn đề nằm ở cải cách DNNN chứ không nằm ở luật. Nếu chuyển được như thế, tính tự do, chủ động kinh doanh của DNNN sẽ được mở rộng, tính minh bạch trong quản lý sẽ đảm bảo, trách nhiệm sẽ rõ ràng. Từ đó thúc đẩy tính tích cực, hiệu quả của công ty nhà nước.

* Như vậy Luật DN chung sẽ đem lại những thay đổi theo hướng nào?

- Tiếp tục đơn giản hóa, tự do hóa thủ tục gia nhập thị trường, không còn phải xin - cho nhiều tầng nấc như hiện nay. Nhưng đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn hạn chế hơn DN trong nước: danh mục cấm đầu tư sẽ dài hơn; thêm danh mục những ngành nghề hạn chế kinh doanh; thêm qui định về mức vốn tối thiểu. Qui định ấy nhằm mục tiêu đơn giản thôi: vào đây làm ăn anh phải lớn một tí, lớn kéo nhỏ chứ không cạnh tranh trực tiếp với nhỏ.

* Có thể hiểu luật này ra đời nhằm mục đích thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

- Đấy chỉ là mục đích trung gian chứ không phải mục tiêu tối thượng. Cái đích cuối cùng của luật là tận dụng hết tiềm năng sẵn có để thúc đẩy, phát triển nền kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu thu hút đầu tư nước ngoài để phục vụ lợi ích... nhà đầu tư nước ngoài thì ta chẳng nên thu hút.

* Nhưng với những gì vừa đề cập, nhà đầu tư nước ngoài chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ Luật DN chung này?

- (ngẫm nghĩ) Vấn đề là xét ở góc độ nào? Hiện nay đầu tư trong nước ta đã mở, nếu mở tiếp cho đầu tư nước ngoài thì nền kinh tế của ta sẽ tự do hơn và mức độ hội nhập sẽ sâu hơn. Ở góc độ này nhà đầu tư nước ngoài có lợi. Nhưng ở góc độ khác, người dân VN mới là người hưởng lợi cuối cùng. Mục tiêu cơ bản nhất khi xây dựng luật này, theo tôi nghĩ, vẫn không nằm ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế VN phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao mức sống của người dân, đồng thời hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách, khuôn khổ pháp lý của chúng ta trong quá trình hội nhập.

Còn nếu đề cập vấn đề thu hút đầu tư thì tôi nghĩ rằng việc xây dựng và ban hành luật này chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản về thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách về đầu tư nước ngoài của chúng ta hiện nay vẫn được xây dựng trên quan điểm có nhiều điểm giống với một số nước, ví dụ như Hàn Quốc khi họ mới bắt đầu mở cửa thị trường, tự do hóa nền kinh tế cách đây... 30 năm.

Khi đó, Hàn Quốc khởi đầu quá trình tự do hóa nền kinh tế của họ, thị trường còn rất hẹp, tính tự do hóa chưa cao nên những qui định đó là hợp lý. Còn bây giờ, quá trình tự do hóa, toàn cầu hóa đã được đẩy lên mức rất cao, sự cạnh tranh nhằm tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư ngày càng gay gắt, do đó cách làm của chúng ta phải khác.

* Ông tin rằng Luật DN chung sẽ tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư thời gian tới?

- Chắc chắn vậy. Cải thiện môi trường đầu tư là việc chúng ta vẫn đang làm liên tục để tiếp tục thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tạo những bước ngoặt đột phá kiểu như vậy là hết sức cần thiết để kéo các nhà đầu tư vào VN, thay vì cứ cải thiện môi trường đầu tư một cách đều đều, dần dần như hiện nay.

Chẳng hạn Luật DN hợp nhất sẽ có những điều khoản qui định cụ thể việc tăng thêm quyền cho các nhà đầu tư, cổ đông, tăng thêm các qui định giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên liên quan như nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, chủ nợ, người lao động, và đặc biệt là quyền lợi của cổ đông thiểu số. Đồng thời, hệ thống quản trị DN cũng sẽ được áp dụng thống nhất, không phân biệt giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài như hiện tại.

* Những vướng mắc đã bắt gặp trong quá trình năm năm thực hiện Luật DN cũng được xem xét, điều chỉnh vào trong luật chung, thưa ông?

- Đương nhiên rồi. Tất cả những vấn đề như quyền lợi của cổ đông thiểu số, vấn đề trách nhiệm của các bên góp vốn, sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người quản lý… đã được đánh giá là còn những điểm hạn chế, khiếm khuyết của Luật DN đều sẽ được xem xét, điều chỉnh. Ví dụ đối với trách nhiệm của các bên khi tham gia góp vốn, nếu trước đây những qui định của Luật DN đã tạo điều kiện cho một số người đứng ra thành lập DN thuê để người khác lợi dụng mua bán hóa đơn thì bây giờ sẽ được qui định chặt chẽ hơn, giảm nguy cơ bị lợi dụng, lách luật.

* Liệu luật này ra đời có khắc phục được cơ bản tình trạng xin-cho, can thiệp bất hợp lý, gây phiền hà cho DN của các cơ quan quản lý nhà nước?

- Xóa bỏ tình trạng xin - cho là điều mà Luật DN chung hướng tới và sẽ được thể hiện rõ. Thay vì phải xin phép, chờ được chấp thuận trước khi tiến hành các hoạt động của công ty trong việc đa dạng hóa sở hữu, huy động vốn (sau khi thỏa thuận xong giữa các thành viên HĐQT), các DN đầu tư nước ngoài sẽ chỉ còn phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng ký.

Tương tự, việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, mở rộng dự án, tăng vốn… nếu từ trước đến nay vẫn phải thực hiện theo qui trình xin phép, được chấp thuận rồi mới triển khai cũng sẽ được áp dụng theo hình thức này. Như vậy tính chủ động của các nhà đầu tư sẽ được tăng lên rất nhiều, từ đó họ có điều kiện để tìm kiếm, xây dựng phương án kinh doanh mới nhằm tăng lợi nhuận tốt hơn nhiều.

Có thể khẳng định những loại “giấy phép con” đang áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi, quá trình gia nhập thị trường của các DN, đặc biệt là các DN đầu tư nước ngoài, sẽ được rút ngắn đáng kể. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách đối với VN: tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

ĐÀ TRANG - NHẬT LINH thực hiện

Tuổi trẻ Online
Thứ Bảy, 18/12/2004, 13:00 (GMT+7)

Các văn bản liên quan