Luật Đầu tư chung: sẽ không còn ưu đãi tràn lan

Thứ Sáu 10:13 26-05-2006
Luật Đầu tư chung: sẽ không còn ưu đãi tràn lan

Theo Đầu tư

[i]"Phương thức ưu đãi trong Dự thảo Luật Đầu tư chung sẽ có những đổi mới theo nguyên tắc tiêu chí đơn giản, đúng địa chỉ, thực sự tạo ra hiệu quả, tạo động lực cho cả doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế", ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng Ban soạn thảo Luật Đầu tư chung cho biết tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư chung tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.


Khoảng 3.000 tiêu chí hiện được áp dụng nhằm tạo ra các cơ chế ưu đãi, khuyến khích trong hoạt động đầu tư của Trung ương và địa phương, tuy nhiên trong đó hàng loạt tiêu chí được đánh giá là không có tác động đối với nền kinh tế, thiếu tính chiến lược, thậm chí là tuỳ tiện, triệt tiêu lẫn nhau... đang khiến cho nhiều cơ chế này không tạo động lực thúc đẩy đối với các nhà đầu tư.

Đó là nhận xét mà Tổ soạn thảo Luật Đầu tư áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp (Luật Đầu tư chung) đưa ra trong khi nghiên cứu thực tế các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư. "Phương thức ưu đãi trong Dự thảo Luật Đầu tư chung sẽ có những đổi mới theo nguyên tắc tiêu chí đơn giản, đúng địa chỉ, thực sự tạo ra hiệu quả, tạo động lực cho cả doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Thật là phi lý khi có những dự án được cấp giấy phép ưu đãi song hàng chục năm sau vẫn chưa triển khai; ưu đãi xuất khẩu được hưởng ngay cả khi chưa xuất khẩu...", ông Phạm Mạnh Dũng, Trưởng Ban soạn thảo Luật Đầu tư chung cho biết tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư chung diễn ra cuối tuần qua tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Như vậy, sẽ giảm rất nhiều tiêu chí cũng như mức ưu đãi so với hiện nay. Theo giải thích của Ban soạn thảo, sẽ không còn những ưu đãi liên quan đến các mục tiêu không tác động đến mức độ đầu tư, như yêu cầu xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất... Về địa bàn ưu đãi đầu tư, tiêu chí vùng khó khăn sẽ được thay thế bằng mục tiêu phát triển kinh tế vùng, khu vực... "Các ưu đãi phải thực tế đối với hoạt động ưu đãi đầu tư, không áp dụng chung cho DN và đặc biệt là phải dựa vào thực tế, chứ không phải dựa vào cam kết, kỳ vọng...", ông Dũng nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng, có thể chỉ cần quy định hai mức ưu đãi để các DN có thể nhìn vào đó để tính toán nên hay không đầu tư để được nhận những ưu đãi của Chính phủ. Ông Hải nói: "Mối quan tâm của nhà đầu tư là các cơ chế ưu đãi cụ thể thế nào, họ được làm gì, không được làm gì... một cách chi tiết và chính xác, chứ không phải là sự xin - cho. Ưu đãi để hai bên (nhà đầu tư và Nhà nước) cùng có lợi, chứ không phải là sự ban ơn. Điều này đặc biệt quan trọng khi những quy định của Luật Đầu tư chung sẽ ảnh hưởng, động chạm rất nhiều tới các quy định trong hệ thống luật chuyên ngành".

Đây cũng chính là lo ngại lớn nhất của các DN trong bối cảnh luật pháp quy định về hoạt động kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là thiếu đồng bộ, không nhất quán. Bà Phạm Thị Lan Anh, Giám đốc một DN ở Hà Nội đặt vấn đề, khi có sự thay đổi của luật, nhà đầu tư khi đã đầu tư thì sẽ được đảm bảo điều gì, thậm chí là được đền bù ra sao. "Chúng tôi đang đầu tư vào xây dựng thuỷ điện, với nguồn vốn lớn và rủi ro trong kinh doanh rất lớn vì Nhà nước độc quyền mua. Chúng tôi sẽ được đảm bảo như thế nào trước những thay đổi của luật pháp?" Bà Lan Anh đã đưa ra câu hỏi như vậy khi Ban soạn thảo đưa ra những quan điểm về các nguyên tắc ưu đãi và hạn chế đầu tư là Nhà nước sẽ không độc quyền phân phối những sản phẩm mà Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Rõ ràng là sẽ có một sự thay đổi rất lớn trong các quy định về ưu đãi cũng như hạn chế đầu tư khi Dự thảo Luật Đầu tư chung được ban hành (dự kiến vào năm 2006). Các DN dù chẳng mấy vui vẻ gì với sự thay đổi khá liên tục của hệ thống luật pháp, song thực sự kỳ vọng vào những nguyên tắc thực tiễn của Dự thảo Luật Đầu tư chung. Một giám đốc DN ở Hưng Yên cho biết, các DN rất lo ngại với tình trạng mỗi địa phương có một cơ chế ưu đãi riêng theo kiểu "hạ giá liên tục" như hiện nay, vì "thế nào cũng sẽ có phải điều chỉnh cho thống nhất và khi đó thì chỉ có DN chịu khổ. Một Luật Đầu tư chung có nghĩa là phải có một sự thống nhất và đồng bộ trong mọi quy định về đầu tư, từ ưu đãi đến hạn chế, hay bảo đảm đầu tư ", ông nói.

Đặc biệt, lần đầu tiên, mô hình toà án xử lý những tranh chấp giữa các DN với nhau, giữa DN và các cơ quan nhà nước trong hoạt động đầu tư sẽ được đặt ra trong Dự thảo Luật Đầu tư chung.

Tất nhiên, kèm theo những đề nghị về lộ trình phù hợp để các DN kịp chuyển đổi, các DN cũng đề nghị phải công bố công khai, rõ ràng và thống nhất bản danh sách những ngành nghề, lĩnh vực được ưu đãi, khuyến khích, hạn chế.

Các văn bản liên quan