Vấn đề nằm ở khâu thực thi

Thứ Sáu 14:35 26-05-2006
Vấn đề nằm ở khâu thực thi

Bảo Duy – Theo Đầu tư ngày 07/10/2005

Việc phân loại các dự án đầu tư theo từng cấp với các phương thức quản lý khác nhau, tương ứng với quy mô của từng loại dự án; những quy định liên quan đến tiêu chí thẩm tra dự án đầu tư có điều kiện, cũng như việc liệt kê các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cấm kinh doanh… trong Dự án Luật Đầu tư chung là những nội dung được các chuyên gia Dự án Hỗ trợ triển khai Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Star - Việt Nam) đánh giá là thành công nổi bật, thậm chí là thành công lớn nhất của Dự án Luật Đầu tư.

Cách làm theo hướng quản lý có tiêu chí cụ thể này được các chuyên gia cho là bước tiến quan trọng, cần được tiếp tục duy trì và khai thác. Tuy vậy, mối băn khoăn về các điều khoản của Dự án Luật Đầu tư chưa phải đã hoàn toàn được giải tỏa, cho dù theo ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội thì bản dự thảo mới nhất đã đạt được sự thống nhất và sẽ là bản trình trong kỳ họp Quốc hội diễn ra tới đây.

Phát biểu trong Hội thảo lấy ý kiến về hai dự án Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất do Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội tổ chức trong hai ngày 5-6/10/2005 tại Hà Nội, ông Steve Parker, Giám đốc Dự án Star, phân tích rằng, việc phân chia các dự án phải thẩm tra theo quy mô trên 300 tỷ đồng có thể sẽ không kéo dài được. “Cho dù giới hạn này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), song rất có thể chỉ vì những khó khăn trong thủ tục mà sẽ không có nhiều dự án lớn đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta cần nhìn tới tương lai và chuẩn bị cho các dự án của những năm tới”, ông Parker nói. Đó là chưa kể, theo BTA thì đến năm 2010, quy mô các dự án thuộc diện đăng ký sẽ được mở rộng hơn.

Bên cạnh đó, trong khi đánh giá rất cao việc công khai liệt kê các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì các chuyên gia của Dự án Star lại rất ngần ngại về khả năng các quy định này sẽ bị bó hẹp lại khi các văn bản dưới luật được ban hành. Có lẽ đây là lo ngại lớn nhất không chỉ từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, bởi lẽ, thực tế đã cho thấy, trong không ít trường hợp, những quy định rất thông thoáng, cởi mở của các bộ luật đã bị những văn bản của các cấp thực thi vô hiệu hóa. Đây có lẽ cũng chính là lý do lý giải vì sao có rất nhiều đề nghị đưa danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cụ thể vào trong luật, hay chí ít cũng là có văn bản kèm theo dự án luật để đảm bảo Quốc hội kiểm soát được việc ban hành các văn bản dưới luật. Ông John David, chuyên gia Dự án, còn đề nghị, các yêu cầu về thẩm định, các điều kiện đăng ký đầu tư, các điều kiện của các lĩnh vực đầu tư có điều kiện phải được công bố công khai và đảm bảo nguyên tắc không nặng nề hơn mức cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội phân tích thêm là, các quy định, điều kiện liên quan đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư đều được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo bình đẳng, đưa các hoạt động đầu tư vào nề nếp, tạo điều kiện tối đa và lợi ích cho các nhà đầu tư chân chính. “Với quy định các dự án trong nước không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, quy mô nhỏ hơn 15 tỷ đồng chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký, 96% dự án của các nhà đầu tư trong nước nằm trong diện này”, ông Thanh cho biết và khẳng định, việc đưa hoạt động đầu tư vào nề nếp, theo đúng pháp luật rất có thể sẽ làm không ít nhà đầu tư, nhất là 6% các nhà đầu tư “lách luật” để trục lợi, không hài lòng, song đó là việc cần phải làm. Điều quan trọng là mọi điều kiện, thủ tục liên quan đều được công khai và cụ thể.

Tất nhiên, việc công khai một số điều kiện sẽ không thể thực hiện được ngay trong phạm vi của luật, vì có rất nhiều điều kiện liên quan đến đặc thù của một số ngành. Ví dụ như không thể có một danh mục chung các điều kiện kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cũng như không thể có một danh sách cứng trong luật.

Theo ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng ban Soạn thảo Dự án Luật Đầu tư, danh mục các điều kiện phải là một danh mục mở, vì nó sẽ thay đổi để phù hợp theo từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể. “Tuy nhiên, chúng tôi cam kết là sự thay đổi này đều do Chính phủ xem xét và quyết định. Không một bộ, ngành hay địa phương nào có quyền đưa ra những quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh. Nguyên tắc này cũng xuất phát từ thực tiễn thời gian qua, việc ban hành một cách thiếu khoa học các điều kiện kinh doanh, ưu đãi từ cấp địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư chung”, ông Dũng nói.

Bày tỏ sự ủng hộ lớn, song ông Parker cũng đề nghị, mọi quy định nên hướng tới việc đảm bảo thuận lợi hơn cho 94% nhà đầu tư, doanh nghiệp làm ăn chân chính, chứ không phải hạn chế cả 94% nhà đầu tư này chỉ để giảm tỷ lệ 6% các doanh nghiệp ma, doanh nghiệp lách luật...

Các văn bản liên quan