Vài ý kiến về báo cáo rà soát Luật Quản lý thuế – Luật gia Vũ Xuân Tiền

Thứ Tư 09:06 14-09-2011

VÀI Ý KIẾN VỀ

BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

---------------------------------------

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Chủ tịch HĐTV

Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

 

Luật Quản lý thuế ( Luật QLT) đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007. Luật Quản lý thuế đã thống nhất những quy định điều chỉnh việc quản lý các sắc thuế, các khoản thu của ngân sách Nhà nước vào một văn bản luật, khắc phục sự phân tán trong các Luật khác nhau trước đó.

Những vấn đề cơ bản của Luật Quản lý thuế đã đi vào cuộc sống. Song, với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, việc rà soát, tìm ra những bất hợp lý và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật này là cần thiết khách quan.

Báo cáo rà soát đã phát hiện 16 vấn đề cần bổ sung sửa đổi và đưa ra khuyến nghị cho việc bổ sung sửa đổi từng vấn đề. Đó là những vấn đề chưa hợp lý, gây khó khăn cho cả công tác quản lý và đối tượng thực hiện ở những mức độ khác nhau. Những khuyến nghị của báo cáo là đúng và có sức thuyết phục.

Sau khi nghiên cứu Báo cáo rà soát và tập hợp ý kiến từ một số doanh nghiệp, xin bổ sung một số vấn đề đề nghị đưa vào nội dung rà soát, khuyến nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế như sau:

1.      Làm rõ khái niệm kiểm tra thuế và thanh tra thuế.

Kiểm tra thuế và thanh tra thuế là hai hoạt động rất quan trọng, có liên quan chặt chẽ tới hoạt động của các doanh nghiệp. Luật Quản lý thuế đã quy định những nội dung về kiểm tra thuế, thanh tra thuế. Tuy nhiên, vẫn còn những nội dung không thật rõ ràng về kiểm tra thuế, thanh tra thuế như báo cáo rà soát đã nêu. Vì vậy, xin đề nghị bổ sung vào Điều 5 Luật Quản lý thuế về giải thích khái niệm Kiểm tra thuế, Thanh tra thuế.

    2. Quy định rõ hơn về xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.

Khoản 6 Điều 8 Luật QLT quy định một trong những trách nhiệm của công chức thuế là "Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật". Song, những nội dung về xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế lại không được quy định tại điều nào trong Luật QLT. Người nộp thuế được "đề nghị theo quy định của pháp luật" nhưng cũng không thấy quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào, do đó người nộp thuế chưa có căn cứ pháp lý để đề nghị được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm một Điều khoản về vấn đề này gồm:

-         Người nộp thuế được đề nghị cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình trong những trường hợp nào?

-         Khi đề nghị xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế, người có đề nghị phải làm những thủ tục gì?

-         Công chức thuế có trách nhiệm xác nhận cho người có đề nghị trong thời hạn như thế nào đối với từng trường hợp?

3.      Sửa lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế của công chức thuế.

Khoản 9 Điều 8 Luật QLT quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chức thuế như sau: "9. Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật này"

Đề nghị sửa lại là "Bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước" để đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống văn bản pháp luật. Công chức thuế cũng là công chức nhà nước và cũng là đối tượng phải thực hiện Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước.

4.      Quy định rõ hơn về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp giải thể.

Khoản 1 Điều 54 quy định: " Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp doanh nghiệp giải thể được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp". Song, Luật Doanh nghiệp lại không có điều khoản nào quy định về vấn đề này. Khoản 1 Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 4/6/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định:

"1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc giải thể doanh nghiệp và thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh".

Nghị định 139/2007/ NĐ-CP đã được thay thế bằng  Nghị định số 102/2010/NĐ-CP. Một trong những hồ sơ phải nộp cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh khi giải thể doanh nghiệp được quy định tại tiết d, khoản 3 Điều 40 Nghị định 102 là: "d) Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế". Như vậy, trình tự, thủ tục đề nghị xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế khi giải thể doanh nghiệp phải được quy định tại Luật QLT. Tương tự như vậy đối với trường hợp phá sản doanh nghiệp.

5.      Về hoàn thành nghĩa vụ thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp

Khoản 1 và 2 Điều 55 Luật QLT quy định về Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp như sau:

1.      Doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi thực hiện chia doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp bị chia chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

2.      Doanh nghiệp bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp bị tách và các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế".

Để cải cách thủ tục hành chính triệt để hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xin đề nghị sửa lại hai điều khoản trên như sau:

1.      Khi thực hiện chia doanh nghiệp, các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo văn bản thoả thuận giữa doanh nghiệp bị chia với các doanh nghiệp mới được thành lập, trừ trường hợp doanh nghiệp bị chia đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

2.      Khi thực hiện tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trừ trường hợp doanh nghiệp bị tách, các doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

6.      Về trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế

a.      Với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

Khoản 2 Điều 60 Luật QLT quy định: "Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế".

Quy định nêu trên chưa đầy đủ vì không rõ trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày được hoàn thuế cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ?

Việc kiểm tra sau là cần thiết để ngăn chặn tình trạng hoàn thuế không đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quy định "Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nhận được tiền hoàn thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ hoàn thuế".

b.      Với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau:

Khoản 3 Điều 60 Luật QLT quy định: "Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì chậm nhất là sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo lý do không hoàn thuế".

Khi rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 nhiều ý kiến đã đề nghị rút ngắn thời hạn nêu trên từ 60 xuống 30 ngày. Đề nghị sửa lại là " chậm nhất là ba mươi ngày".

7.      Về kiểm tra, thanh tra thuế

Về kiểm tra, thanh tra thuế có những vấn đề sau đề nghị bổ sung, sửa đổi:

a.      Làm rõ khái niệm kiểm tra, thanh tra thuế như đã nêu.

b.      Quy định thời hạn tối đa cơ quan thuế phải kiểm tra, thanh tra thuế đối với doanh nghiệp:

Việc kiểm tra, thanh tra thuế theo Luật QLT thay thế cho việc kiểm tra, quyết toán thuế quy định tại các Luật thuế trước đây. Trong các Luật thuế trước khi ban hành Luật QLT đều có quy định "Hàng năm, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, quyết toán thuế đối với cơ sở kinh doanh...". Luật QLT không quy định về thời hạn cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp. Để đảm bảo minh bạch hơn, cải cách thủ tục hành chính triệt để hơn, xin đề nghị bổ sung nội dung sau: "Trong thời hạn tối đa là 05 năm một lần, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra thuế đối với DN. Nếu quá thời gian đó, cơ quan thuế không tiến hành kiểm tra, thanh tra, các báo cáo thuế của DN đương nhiên được coi là đã được cơ quan thuế thừa nhận".

c.      Định nghĩa lại về kiểm tra thuế tại cơ quan quản lý thuế như báo cáo rà soát đã nêu.

d.      Quy định rõ hơn về thời hạn lập Biên bản thanh tra thuế

Tiết c, khoản 1 Điều 85 Luật QLT quy định một trong những  nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra thuế là Lập biên bản thanh tra thuế. Song, Luật không quy định việc lập Biên bản phải thực hiện trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra tại doanh nghiệp. Đây là một kẽ hở, có thể sẽ phát sinh tiêu cực. Vì vậy, xin đề nghị sửa đổi quy định trên như sau:

" Lập biên bản thanh tra trong thời hạn 01 ngày làm việc từ khi kết thúc thanh tra tại doanh nghiệp".

8.      Về kết luận thanh tra

Khoản 1 Điều 87 Luật QLT quy định:

"1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế".

Thời hạn 15 ngày là quá dài, có thể phát sinh tiêu cực. Vì vậy đề nghị sửa lại thời hạn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.

Trên đây là một số ý kiến góp ý thêm cho báo cáo rà soát Luật Quản lý thuế. Xin kính chuyển nhóm nghiên cứu, rà soát tham khảo.

 

 

Các văn bản liên quan