Góp ý báo cáo rà soát Luật Thuế GTGT – Luật sư Đào Ngọc Chuyền

Thứ Tư 08:57 14-09-2011

Để hoàn thiện báo cáo rà soát, xin có một số ý kiến trao đổi thêm như sau:

 

1. Mục 1.7, vấn đề 2, Báo cáo rà soát Luật thuế Giá trị gia tăng đề cập đến việc Nhiều nhóm thuộc đối tượng không chịu thuế sẽ không đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT. Do không chịu thuế thì sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào. Đồng thời, không khuyến khích các doanh nghiệp mua hàng hoá không chịu thuế GTGT, vô hình chung chính sách thuế nhằm trợ giúp phát triển sản xuất kinh doanh đã có tác dụng ngược lại. Báo cáo kiến nghị Giảm đối tượng không chịu thuế. Đặc biệt nhóm: Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước theo quy định của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

 

Tuy nhiên, việc giảm đối tượng không chịu thuế chỉ là biện pháp tạm thời, không thể giải quyết triệt để vấn đề trên. Bởi, nếu giảm 5 đối tượng không thuộc diện chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT thì các đối tượng này sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nhưng còn các đối tượng còn lại vẫn không thay đổi, họ vấn không được khấu trừ thuế đầu vào theo quy định của pháp luật.

Hướng giải quyết như vậy chỉ giảm thiểu mà không giải quyết được triệt để vấn đề. Do đó, nên có phương án giải quyết triệt để hơn. Nếu không thể chuyển các đối tượng không chịu thuế sang đánh thuế 0% thì nên quy định cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT, nếu thấy đảm bảo được đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ thì có thể làm đơn xin áp dụng thuế GTGT. Như vậy sẽ khuyến khích mở rộng đối tượng chịu thuế, đảm bảo tính liên hoàn, tập trung của thuế GTGT.

 

2. Trong báo cáo đã nêu kiến nghị nên đưa ít nhất 5 đối tượng không thuộc diện chịu thuế sang đối tượng thuộc diện chịu thuế. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định ngoài mức thuế 0%, áp dụng hai mức thuế suất khác nhau là 5% và 10%. Nếu đưa 5 đối tượng thuộc diện không chịu thuế sang diện chịu thuế thì sẽ áp dụng thuế suất là bao nhiêu? Nếu áp dụng thuế suất 5% thì vô hình chung lại bão hòa với biện pháp nêu tại mục 1.7, vấn đề 5, đó là tiến tới giảm dần các đối tượng tượng chịu thuế 5%, chuyển sang áp dụng thống nhất thuế suất 10%. Nếu áp thuế 10% thì cũng không đảm bảo tính hợp lý. Vì hàng hóa, dịch vụ đang thuộc diện không chịu thuế lập tức bị áp thuế 10%, cao gấp đôi so với các đối tượng vốn từ trước đến nay vẫn phải chịu mức thuế 5%. Do đó, cần có cần cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện để đưa ra biện pháp phù hợp nhất.

           

3. Trong mục 1.7, vấn đề 4: Phương pháp tính  thuế trực tiếp trên GTGT. Phần kiến nghị có nêu, thay vì tính thuế theo phương pháp trực tiếp, nên xây dựng ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT. Đến một mức doanh thu nào đó các tổ chức, các nhân sẽ kê khai nộp thuế GTGT. Phần ngưỡng doanh thu thấp có thể xử lý theo 2 phương án. Một là, xây dựng một ngưỡng doanh thu cho miễn nộp thuế gián thu và ngưỡng doanh thu trên mức miễn thuế đến doanh thu nộp thuế GTGT : doanh thu ở trong khoảng này được áp dụng nộp thuế  theo tỷ lệ  trên doanh thu. Hai là, Không có mức doanh thu được miễn thuế,  Doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế GTGT thực hiện nộp thuế  theo tỷ lệ khoán trên doanh thu.

           

Theo tôi, nên áp dụng phương án 2, đảm bảo thu đúng và đầy đủ thuế GTGT phát sinh. Bởi, khi áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT, không có trường hợp nào được miễn thuế dựa vào giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ ít hay nhiều. Do đó, khi áp dụng theo ngưỡng doanh thu thay thế cho phương pháp tính trực tiếp cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc này. Bên cạnh đó, cần xác định đây chỉ là biện pháp tạm thời khi chưa thể áp dụng thống nhất một phương pháp tính thuế khấu trừ. Mục tiêu cuối cùng vẫn là nghiên cứu áp dụng thống nhất một phương  pháp trong tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ thuế. Bởi, theo pháp luật thuế GTGT hiện hành, chỉ khi những đơn vị nào nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mua hàng hoá, dịch vụ của những đơn vị cũng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và có lập hoá đơn GTGT hợp pháp thì mới có khả năng được khấu trừ thuế đầu vào một cách chính xác số thuế GTGT thực tế phát sinh theo đúng bản chất của thuế GTGT. Những trường hợp khác còn lại, tức đơn vị nộp thuế theo phương thức khấu trừ mua hàng hoá của đơn vị nộp thuế theo phương thức trực tiếp, hoá đơn đầu vào hợp pháp nhưng không là hoá đơn GTGT mà là hoá đơn bán hàng, thì đối tượng nộp thuế không được khấu trừ hoặc chỉ khấu trừ theo một tỷ lệ ấn định mang tính chủ quan. Việc thay thế phương pháp tính thuế trực tiếp bằng cách xây dựng ngưỡng doanh thu thực ra không phản ánh bản chất của thuế GTGT, mà thực chất chỉ là một phiên bản của thuế doanh thu.

           

4. Tại mục 1.7, vấn đề 6: Quy định về thời hạn Khấu trừ thuế GTGT. Trong phần này có nêu kiến nghị nới rộng thời hạn doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào từ 2 đến 5 năm (thay vì 6 tháng như quy định hiện hành) trong trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào đã kê khai, khấu trừ bị sai sót và tiến hành kê khai, khấu trừ bổ sung. Theo tôi, nới rộng thời hạn như trên là quá dài, không thuận lợi cho việc quản lý chứng từ hạch toán. Mặc dù biết việc không khấu trừ tiền thuế kịp thời là hoàn toàn bất lợi cho DN, doanh nghiệp không cố tình vi phạm vì bất lợi cho mình. Nhưng pháp luật đã để cho DN một khoảng thời gian là 6 tháng để kê khai điều chỉnh thuế đầu vào kể từ khi phát hiện có sai sót. Thực tế, thời hạn 6 tháng hoàn toàn đủ để DN tiến hành kê khai, khấu trừ bổ sung. DN muốn bảo về quyền lợi của mình thì nên nhanh chóng tiến hành các thủ tục kê khai, khấu trừ bổ sung. Việc nới rộng thời hạn kê khai, khấu trừ bổ sung thuế đầu vào quá dài đôi khi lại làm cho DN chậm trễ trong việc tiến hành các thủ tục trên, mặc dù họ có thể tiến hành một cách nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, việc tiến hành kê khai muộn cũng không phải là điều có lợi cho DN, do các hóa đơn chứng từ càng để lâu thì càng khó xử lý. Vì vậy, theo tôi, hoặc là giữ nguyên thời hạn quy định hiện tại, hoặc là nới rộng thời hạn nhưng không quá 1 năm.

           

Trên đây là ý kiến của tôi về một số điểm cần trao đổi thêm đối với Dự thảo Báo cáo ra soát Luật quản lý thuế, Dự thảo báo cáo rà soát Luật thuế giá trị gia tăng, Dự thảo báo cáo rà soát Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.  Rất hy vọng với sự đóng góp ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp, của các chuyên gia..., để các bản rà soát này sẽ đầy đủ và là cơ sở quan trọng để các nhà làm luật tham khảo khi sửa đổi luật trong thời gian tới./.

 

Các văn bản liên quan