Từ danh mục hàng hoá cấm kinh doanh: Nhìn lại hiệu lực của chính sách

Thứ Tư 17:33 04-08-2010

TỪ DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM KINH DOANH NHÌN LẠI HIỆU LỰC CỦA CHÍNH SÁCH

Nguyễn Tôn Thị Tường Vân

Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố

Trước tiên, cần phải giải trình một điều là, tôi được Ban tổ chức mời viết bài góp ý này khi còn một tuần là hội thảo sẽ diễn ra. Ngần ấy thời gian thật sự là không đủ để có thể nghiền ngẫm, để viết một bài hội thảo đúng nghĩa và chỉnh chu. Vì thế, đây chỉ là một số ý kiến cảm quan với vai trò của một người phản biện chính sách.

Xem xét danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đính kèm dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, có thể thấy là danh mục này đã được cập nhật chi tiết, cụ thể, đầy đủ hơn danh mục ở Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, đã bổ sung các hạng mục:

* Hàng hóa cấm:

- STT 3: thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào

- STT 4: đèn trời

- STT 8: di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, thuộc sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị - xã hội

- STT 10: hóa chất độc, tiền chất

- STT 11: thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu

* Dịch vụ cấm:

- STT 6: Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản

- STT 7: Hoạt động quảng cáo các hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm

- STT 10: Hoạt động khám chữa bệnh chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép

Và một số bổ sung khác ở danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Nhưng trong quá trình lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này, những hàng hóa và dịch vụ khác vẫn đang được đề nghị cấm, hoặc siết chặt quản lý. Vậy, sẽ tiếp tục bổ sung như thế nào hay theo một định kỳ 4 năm?

Danh mục lần này, về cơ bản, tôi đồng tình khi các mục nêu ra đều được căn cứ từ những cơ sở pháp lý cụ thể. Tuy vậy có một số hạng mục khiến tôi có cảm giác còn chung chung hoặc chưa rõ như “dịch vụ tập luyện hoặc tổ chức thi đấu các môn thể thao, bài tập thể thao hoặc sử dụng phương pháp tập luyện thi đấu gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Sự chung chung này sẽ vô tình đưa cơ quan chức năng vào thế khó trong việc ra quyết định cấp phép hay không cấp phép về sau. Minh chứng cho khó khăn này là một ví dụ cụ thể có tính chất tương tự là đồ chơi tình dục (sex toy). Nó không được bày bán công khai vì sự phản cảm, chứ Nghị định không đưa mặt hàng này vào diện cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Vì thế, có bị tịch thu và phạt hay không tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan chức năng từng địa phương, và nếu có, chỉ căn cứ trên cơ sở hóa đơn, chứng từ về xuất xứ hàng hóa chứ không vì là hàng cấm hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Hoặc, cát vừa là một loại vật liệu xây dựng vừa là một loại khoáng sản và có tên trong danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Song, từng địa phương khác nhau lại có những quyết định khác nhau về cho phép hoặc không cho phép khai thác, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này. Với công văn 5220/VPCP-KTN cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn từ 30/6/2010, mặt hàng này có nên đưa vào danh mục lần này hay không? Và, hiện có các kiến nghị về vấn đề xuất khẩu than, crômít, khai thác bôxít, trò chơi trực tuyến (game online), chúng ta có nên cân nhắc đưa vào hay chờ đợi có cơ sở pháp lý chính thức rồi lại tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục lần này?

“Dịch vụ truy nhập Internet” (STT 7) và “Dịch vụ kết nối Internet” (STT 8) cùng được quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và cùng chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, vậy, nên chăng gom vào thành một mục.

Trong danh mục dịch vụ hạn chế kinh doanh có nội dung “Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng” (STT 3). Tôi cho rằng mâu thuẫn với điều 5 của Nghị định 26/2007/NĐ-CP khi Nhà nước đã có chính sách khuyến khích sử dụng chữ ký số với mong muốn loại hình chữ ký số ngày càng được ứng dụng rộng rãi, phổ biến hơn:

“Điều 5. Chính sách phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số

1. Nhà nước khuyến khích việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội để thúc đẩy việc trao đổi thông tin và các giao dịch qua mạng nhằm nâng cao năng suất lao động; mở rộng các hoạt động thương mại; hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Nhà nước thúc đẩy việc ứng dụng chữ ký số và phát triển dịch vụ chứng thực chữ ký số thông qua những dự án trọng điểm nhằm nâng cao nhận thức; phổ biến pháp luật; phát triển ứng dụng; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu, hợp tác và chuyển giao công nghệ liên quan đến chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

3. Nhà nước hỗ trợ hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các ưu đãi khác.”

Vì vậy tôi nghĩ rằng để phù hợp với chính sách phát triển lĩnh vực này trong điều kiện nước ta còn nhiều hạn chế về kỹ thuật – công nghệ hiện nay, nên chuyển nội dung này sang danh mục III - kinh doanh có điều kiện.

Trong danh mục dịch vụ cấm kinh doanh có “Hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi” (STT 9). Tuy rằng việc mẹ không cho bé bú sữa non hoặc sữa mẹ là một thực trạng đáng báo động và chủ trương không quảng bá các sản phẩm thay thế sữa mẹ là đúng, nhưng cần thận trọng khi đưa ra lệnh cấm. Trong thực tế, việc người mẹ bị muộn sữa hoặc mất sữa là khá phổ biến, nên nếu không có sự tư vấn về các sản phẩm thay thế này thì họ lại mua những sản phẩm ngoại nhập với giá cao hoặc kém chất lượng. Điều đó lại tác động đến ngành sản xuất sữa và chính sách bình ổn giá sữa vốn đã quá cao hiện nay.

Cấm là một trong các phương thức quản lý vĩ mô thể hiện rõ nhất quyền lực Nhà nước đối với cộng đồng xã hội. Phương thức này hiện được sử dụng ở tất cả các lĩnh vực của quản lý Nhà nước với các mức độ khác nhau. Mặc dù, lệnh cấm phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà cầm quyền, song không vì vậy mà trong xã hội dân chủ nó được ban bố một cách chủ quan mà nhờ các hoạt động phản biện của xã hội dân sự để giữ cho nó hợp hiến, hợp pháp và hợp lòng dân. Việc các lệnh cấm được ban bố nhưng không thể thực hiện được, hay phải lùi thời gian thực hiện lại… là một thực tế đáng buồn cho những người làm chính sách và cả người quản lý khi quyền lực Nhà nước không được thể hiện qua hiệu lực của chính sách. Đơn cử việc cấm khai thác, chế biến, sử dụng cá nóc được Chính phủ ban hành năm 2003 nhưng ngư dân vẫn mua bán trái phép với đỉnh cao của sự phá lệ này là xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2005 khi lệnh cấm vẫn còn hiệu lực. Hay như Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 29/6/2007) về các giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nêu rõ “Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành xe tự chế ba bánh, bốn bánh” nhưng TP HCM đã lùi thời hạn cấm các loại xe này tới hai lần, đến hết năm 2008. Mặc dù vậy, loại xe này đến hôm nay vẫn tự do lưu thông ngang mặt cảnh sát giao thông như chưa hề có lệnh cấm.

Như vậy, phải chăng cần phải đặt lại tính hiệu lực của chính sách thể hiện qua lệnh cấm?

Khi đã ban hành thì việc thực thi lệnh cấm trong cuộc sống rất quan trọng nhằm đảm bảo cho quyền lực Nhà nước được tôn trọng. Tuy rằng, chính sách có ý nghĩa định hướng hơn là bắt buộc, nhưng khi đã cụ thể hóa dưới dạng các văn bản quy phạm pháp luật thì nó đã trở thành phần tử của hệ thống pháp luật và phải được bảo đảm thực thi. Vì vậy, nó phải được xây dựng bởi “một kế hoạch hành động rất thận trọng” để có thể đạt được những kết quả hợp lý nhất, nhưng thực tế hiện nay có vẻ như nhiều chính sách được ban hành rất thiếu thận trọng, nhiều khi không được quan tâm, ngay cả với cơ quan xây dựng và ban hành chính sách. Điều đó khiến nhiều chính sách đưa ra nhưng không thực hiện được và dần bị lãng quên.

Các văn bản liên quan