Ông Trương Văn Quyên - Văn phòng Trung ương Đảng T.78: một số vấn đề vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước
TS. Dương Thanh Mai - Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp: Ban hành và thực thi Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước - một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Tuyết Như: những thách thức khi đưa Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước vào thực tế
NHỮNG THÁCH THỨC KHI ĐƯA “LUẬT TRÁCH NHIỆM BỐI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC” VÀO THỰC TẾ
(Tham luận tại Tọa đàm ngày 16.3.2010, Dự án Jica)
TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT NHƯ
1- Đặt vấn đề
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước do Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII ban hành ngày 29/06/2009 góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế - xã hội, để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay về môi trường công tác, công cụ tác nghiệp, trình độ chuyên môn của người thi hành công vụ… chưa đáp ứng kịp thời với những chuyển biến kinh tế - xã hội, đưa “Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước” vào thực tế đã đặt ra nhiều thách thức đối với người thi hành công vụ nói riêng và nói chung là đối với đời sống kinh tế - xã hội của mọi tầng lớp cư dân, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để sớm phát huy tác dụng của Luật
2- Ý kiến đóng góp về xây dựng nội dung thông tư hướng dẫn thi hành và những tình huống đã xảy ra trong thực tế.
2.1- Xác định trách nhiệm bồi thường
“Căn cứ vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi bồi thường quy định tại điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này”.
Ý kiến: cần nêu rõ văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ thuộc cơ quan nhà nước cấp nào đối với từng cấp viên chức nhà nước thi hành công vụ(TW, thành phố, tỉnh, quận, huyện, xã…) trong thời gian bao lâu mới ban hành văn bản và đối tượng nào nhận được văn bản đó???
Tình huống chuyện đã xảy ra tại một doanh nghiệp A đầu tư dự án B xây dựng khu dân cư nông thôn (xin phép không nêu đích danh chủ đầu tư)
Dự án tiến hành bồi thường giải tỏa từ năm 2002, đến năm 2006 tiến độ giải phóng mặt bằng được >80%, trong đó có một trường hợp rắc rối góp phần làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án B, cụ thể như sau:
Hộ Ông C theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H0324/VP do UBND cấp Huyện ký, với thửa đất tọa lạc trong phần quy hoạch khu dân cư nông thôn thuộc dự án B. Ông C đã nhận tiền bồi thường của doanh nghiệp A vào tháng 10 năm 2006 (trên 500 triệu đồng), dưới sự chấp thuận của mọi thành viên trong gia đình ông C và sự chứng thực của UBND cấp Xã. Như thế là doanh nghiệp A đã giữ Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất số H0324/VP và tiến hành thi công trên phần diện tích đất này.
Đến tháng 02 năm 2010, doanh nghiệp A nhận được quyết định của UBND cấp Huyện yêu cầu thu hồi Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất số H0324/VP, với lý do: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trái pháp luật”.
Nếu giao lại cho UBND huyện Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất số H0324/VP thì Doanh nghiệp A trở thành nạn nhân, thiệt hại mà thì Doanh nghiệp A phải chịu là:
- Thiệt hại hữu hình: trên 700.000.000 đồng (trên 500 triệu tiền bồi thường từ tháng 10/2006 đến nay là 40 tháng, nếu tính bình quân lãi suất 10%/năm thì tiền lãi trên 200.000.000 đồng)
- Thiệt hại vô hình: chậm tiến độ thi công, mất uy tín doanh nghiệp A
Trường hợp này, người thi hành công vụ đã cấp Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất trái pháp luật, nhưng chưa có văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, thì cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp A? Nếu càng kéo dài thời gian thì mức thiệt hại càng tăng lên. Doanh nghiệp A phải tìm đến cơ quan nào để kêu oan?
2.2- Phạm vi các trường hợp được bồi thường:
Áp dụng luật chuyên ngành và những luật có liên quan để xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong các hoạt động thuộc 12 trường hợp được bồi thường theo Điều 13 của Luật.
Nhìn từ gốc độ của doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh địa ốc, tôi quan tâm đến trường hợp thứ 6 và thứ 8. Trong đó:
2.2.1- Trường hợp thứ 6: Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế, thu tiền sử dụng đất;
Ý kiến: Căn cứ vào luật thuế các loại (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…), luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tình huống: Trên thực tế, khi thi hành công vụ, để cho an toàn cán bộ thuế yêu cầu người khai thuế phải cam kết không khiếu nại gì về sau, rồi mới tiến hành ra thông báo nộp thuế và thu thuế. Loại văn bản này không có trong các văn bản hướng dẫn thi hành, nên chăng cần có văn bản này, hay là nghiêm cấm sự yêu sách tùy tiện của người thi hành công vụ?
2.2.2- Trường hợp thứ 8: “Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;”
Ý kiến: Căn cứ vào Luật đất đai 1993, 2003, các Nghị định ( Nghị định 181, 198, 84, 17, 69…) , Thông tư hướng dẫn thi hành. Nhiều trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, mà luật chuyên ngành không quy định cho khiếu nại thì người bị thiệt hại phải thông qua luật khiếu nại tố cáo để xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Tình huống: Cũng chuyện xảy ra tại doanh nghiệp A, với dự án B nêu trên. Sau khi chuẩn bị đầy đủ thủ tục cưởng chế hộ ông D với diện tích trên 3.000 m2, tháng 06 năm 2008, Hội đồng cưởng chế đã tiến hành cưởng chế theo Quyết định số 673/QĐ-UBND, tháng 2/2007. Sau ngày cưởng chế, doanh nghiệp A tiếp tục thi công trên phần đất vừa cưởng chế thì gặp phải sự hành hung đe dọa từ phía hộ ông D, thậm chí đã thuê người đánh gây trọng thương nhân viên của doanh nghiệp A. Điều 63, 64 của Nghị định 84/CP chỉ quy định giải quyết khiếu nại đối với người sử dụng đất không đồng ý với quyết định hành chính, hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, không chú ý đến những khó khăn của của chủ đầu tư trong thời gian sau cưởng chế. Sự việc được doanh nghiệp A báo cáo về UBND Xã, Huyện, nhưng đến nay đã qua 21 tháng mà doanh nghiệp A vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp tục thi công. Cũng nói thêm rằng, theo đúng trình tự thủ tục cưởng chế, doanh nghiệp A đã chuyển khoản tiền bồi thường cho Ông D > 2,5 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng, những thiệt hại mà Doanh nghiệp A phải chịu:
- Thiệt hại hữu hình: trên 3,2 tỷ đồng (trên 2,5 tỷ tiền bồi thường đã chuyển vào tài khoản ngân hàng hơn 21 tháng nay, bình quân lãi suất trên 700 triệu đồng)
- Thiệt hại vô hình: vẫn không thi công được trên diện tích đất đã chuyển tiền, làm chậm tiến độ thi công, mất uy tín doanh nghiệp A.
Như vậy, nếu áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp này thì chưa đủ điều kiện để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, nếu muốn xác định cơ quan giải quyết bồi thường, doanh nghiệp A phải vận dụng luật khiếu nại tố cáo
Cần thiết phải có văn bản bổ sung kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp hậu cưởng chế giải phóng mặt bằng, để thực hiện cưởng chế thành công, tăng thêm uy tín của người thi hành công vụ.
2.3- Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại
Ý kiến: Các hình thức văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật: quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, kết luận thanh tra, kết luận của tòa án…
Nguyên tắc xác định thiệt hại là căn cứ vào những tổn thất thực tế từ lúc phát sinh hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đến thời điễm xác định thiệt hại. Xác định thiệt hại phải có thời hiệu bồi thường cụ thể, tránh tình trạng kéo dài thời gian bồi thường làm mức thiệt hại tăng thêm.
Nhắc lại tình huống xảy ra tại doanh nghiệp A, khi xác định thiệt hại phải so sánh với chi phí cơ hội doanh nghiệp A mất đi khi chi tiền bồi thường, cần phải có hội đồng chuyên môn xác định những thiệt hại vô hình do chậm tiến độ thi công và uy tín doanh nghiệp A bị giảm trên thương trường.
2.4- Thủ tục giải quyết bồi thường:
Đề nghị hướng dẫn trình tự, thủ tục, mẫu, biểu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã gây thiệt hại; chi trả bồi thường theo đúng thời hiệu xác định thiệt hại, ghi rõ trách nhiệm của cơ quan chi trả bồi thường khi mức thiệt hại tăng thêm do kéo dài thời gian chi trả.
3- Những thách thức đặt ra đối với luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước
Trong điều kiện hiện nay về môi trường công tác, công cụ tác nghiệp, trình độ chuyên môn của người thi hành công vụ… còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Những thách thức đặt ra như sau:
- Một là, cán bộ thi hành công vụ dễ dẫn đến sai phạm và như thế là trách nhiệm bồi thường của nhà nước tăng lên, “làm nhiều, sai nhiều” .
- Hai là, để tránh sai phạm thì cán bộ rất e ngại, dè dặt với những vần đề mới phát sinh, từ đó làm chậm tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, gây thiệt hại hữu hình và vô hình cho mọi thành phần kinh tế phát sinh.
- Ba là, tự đặt ra những loại văn bản để an toàn trong công vụ như tình huống của trường hợp thứ 6 trong phạm vi các trường hợp được bồi thường: cơ quan thuế yêu cầu có giấy cam kết “không khiếu nại gì về sau” của cá nhân và doanh nghiệp mới ra thông báo nộp thuế và thu thuế;
- Bốn là, không nhiệt tình hỗ trợ người bị thiệt hại như trong tình huống của trường hợp thứ 6 trong phạm vi các trường hợp được bồi thường: Chính quyền địa phương đã bỏ mặc doanh nghiệp A khi gặp phải sự hành hung đe dọa từ phía hộ ông D sau khi cưởng chế.
- Các đối tượng bị thiệt hại khi áp dụng luật khiếu nại tố cáo để xác định cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường, dễ đưa đến tình trạng bị “trù dập” trong các hoạt động tiếp sau.
4- Kết luận
Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước là một bước tiến quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp cư dân, làm tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước và của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”, cần có giải pháp khắc phục những thách thức, để luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước phát huy theo hướng tích cực, đạt mục tiêu đề ra.
Giải pháp trước mắt là là rà soát lại những văn bản luật chuyên ngành, kịp thời lắp kín các lỗ hỏng của pháp luật khi chưa quá muộn; cải cách môi trường công tác, trang bị công cụ tác nghiệp hiện đại, nâng cao trình dộ nghiệp vụ của viên chức nhà nước … Cán bộ phải thực sự tự tin khi thi hành hành công vụ, có như thế mới hạn chế được sai phạm, giảm mức bồi thường thiệt hại của nhà nước, vừa làm tăng uy tín của cơ quan nhà nước, vừa giảm thiệt hại cho ngân sách nhà nước.