Trình tự, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận

Thứ Bảy 15:27 20-05-2006
Thảo luận Dự án Luật giao dịch điện tử: Về trình tự, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử

Dự án Luật giao dịch điện tử được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận sáng 11-8 là một vấn đề mới ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng: Trước thực trạng chưa có một môi trường pháp lý đầy đủ và các điều kiện kỹ thuật tối thiểu cho giao dịch điện tử thì việc hình thành một khung pháp lý (Luật giao dịch điện tử) là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng, góp phần phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Tuy mới bắt đầu hình thành, nhưng giao dịch điện tử ở Việt Nam cũng đã khẳng định vị thế trong đời sống kinh tế, bởi sức hấp dẫn và sự phát triển về dung lượng cũng như phạm vi đối tượng. Đối với các doanh nghiệp, giao dịch điện tử đã tạo điều kiện cập nhật thông tin nhanh chóng, giảm được chi phí giao dịch tiếp thị, tiết kiệm thời gian làm tăng hiệu quả kinh doanh. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) cho biết mỗi ngày ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 1.600 tỷ đồng qua giao dịch điện tử.

Nhiều ý kiến tán thành với dự án Luật cần quy định rõ những nội dung về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, an ninh, an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử. Những ý kiến này cho rằng, Luật giao dịch điện tử không chỉ quy định về hình thức của giao dịch điện tử mà còn quy định nhiều nội dung quan trọng nhằm thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử. Do vậy đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng: Một mục tiêu quan trọng của Luật giao dịch điện tử là tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể khi tiến hành các giao dịch điện tử. Bởi vì, hiện nay, trong tất cả các loại giao dịch điện tử đang tồn tại trên thực tế ở Việt Nam đều chưa được thừa nhận giá trị pháp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, các thông điệp dữ liệu trong giao dịch điện tử có giá trị chứng cứ như một văn bản bằng giấy (có chữ ký và đóng dấu của chủ thể giao dịch). Do vậy việc ngành Hải quan có quy định sau khi thông quan các doanh nghiệp phải nộp bản bằng giấy để lưu giữ là không cần thiết vì cơ sở lưu giữ các dữ liệu điện tử với điều kiện rất an toàn. Ông Nguyễn Văn Thuận nêu rõ về chữ ký điện tử có hai loại một loại thông thường và một loại an toàn phải đăng ký với một cơ quan có trách nhiệm, do vậy tùy từng giao dịch điện tử để sử dụng các loại chữ ký của mình.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự án Luật những quy định về trình tự thủ tục thực hiện chữ ký điện tử trong các giao dịch điện tử. Vấn đề này Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt cho rằng: Chữ ký điện tử quy định trong Luật này theo nguyên tắc trung lập về công nghệ, theo hướng mở, vì công nghệ luôn luôn phát triển. Do vậy trong Luật giao dịch điện tử không thể quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử bởi vì ứng với mỗi loại công nghệ có một trình tự thủ tục khác nhau để thực hiện chữ ký điện tử.

Nguồn: Nhân Dân điện tử

Các văn bản liên quan