Trích ý kiến phát biểu của ĐBQH Trần Thế Vượng – Tỉnh Hải Dương

Thứ Hai 09:41 05-06-2006

Tôi xin phép phát biểu hai vấn đề về Dự án Luật quản lý thuế.

Thứ nhất, chúng tôi muốn đề nghị Quốc hội cân nhắc về tên thuế với nội dung. Lúc đầu nghe giải trình thấy mở rộng một số những vấn đề mà nó có tính chất thuế, chúng tôi thấy cũng có thể được. Nhưng nếu đọc kỹ toàn bộ nội dung dự án luật thì thấy hết sức khó khăn. Tôi nói một cái đơn giản nhất, nói chung là thuế cho nên có chuyện gò ép. Ví dụ Điều 3 ta khái quát người nộp thuế, người nộp thuế ở Khoản 1 là đương nhiên rồi nhưng đến điểm b "Tổ chức hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho thuê mặt nước thuộc diện phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước".
Đọc đến đây người ta không hiểu những người này phải nộp thuế hay được giao đất nhưng phải nộp tiền, nộp tiền thuê đất hay là nộp thuế hay ngoài việc anh phải nộp tiền được giao đất thì anh phải nộp thuế nữa, anh thuê đất rồi ngoài tiền thuê đất anh còn phải nộp thuế nữa. Theo Khoản 1, Điều 3 là người nộp thuế, người ta không hiểu nó thế nào? Lý do tôi hiểu là vì chúng ta muốn tên luật gọn vì chủ yếu là thuế, nhưng ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như ở điểm b, Khoản 1, Điều 3 này. Như thế chúng tôi thấy rất bí

Ngoài ra, toàn bộ dự án luật này chỉ đề cập đến thuế. Ví dụ vấn đề từ Chương I đến chương cuối cùng chỉ nói đến thuế chứ không có gì áp dụng cho lĩnh vực khác được. Ví dụ bây giờ nói hồ sơ nộp thuế thì hồ sơ nộp thuế này có khác với hồ sơ nộp tiền của anh được giao đất mà nộp tiền không? rồi hồ sơ nộp lệ phí có giống thế không, rồi hoàn thuế thì ở đây có được áp dụng với chuyện hoàn lại tiền khi anh được giao đất mà anh phải nộp tiền hay không? Toàn bộ từ Chương I đến chương cuối chỉ nói đến thuế, trong khi các nội dung đó không biết là có được áp dụng đối với các lĩnh vực khác không? áp dụng như vậy thì có phù hợp không. Đặc biệt là nó còn liên quan đến một cơ quan nữa. Có công việc, có nhiệm vụ thì phải có cơ quan tiến hành, thế nhưng ở đây chúng ta chỉ đề cập đến là cán bộ hải quan và cán bộ thuế.
Tôi không hiểu là bây giờ theo tổ chức trong Bộ Tài chính thì tiền mà người được giao đất phải nộp thì tiền ấy nộp cho cơ quan thuế hay cơ quan nào và nó nằm ở đâu. Cho nên, nếu bây giờ ta áp dụng các quy định của luật này cho cả các đối tượng ngoài thuế thì tôi không hiểu được thực hiện như thế nào. Ví dụ bây giờ nói đến kiểm tra, thanh tra, điều tra thuế ở đây xác định là công chức thuế, nói tóm là là cán bộ hải quan, cán bộ thuế, thì người được giao đất phải nộp tiền mà không nộp thì anh đi thanh tra, đi kiểm tra là cán bộ thuế hay là cơ quan nào? Vì vậy chúng tôi thấy đây là vấn đề cần phải cân nhắc, mặc dù lúc đầu chúng tôi cũng thấy là nó gọn và một số lĩnh vực có tính chất thuế thì đưa vào đây cũng được. Nhưng đọc kĩ toàn bộ nội dung thì thấy rất khó và sau này sẽ trở thành một vấn đề tranh cãi rất phức tạp. Đấy là ý kiến thứ nhất.

Thứ hai chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu là không thể đưa vấn đề điều tra thuế vào đây được.
- Như trong Tờ trình của Chính phủ nói rằng nhiều nước trên thế giới làm thế, có lẽ lý do quan trọng nhất là nhiều nước trên thế giới làm thế. Nhưng chúng ta phải hiểu nhiều nước trên thế giới người ta có điều tra thuế là nó như thế nào, đem lấy việc của người khác đặt vào chế định của chúng ta rất khó, toàn bộ chế định pháp lý của chúng ta nó khó, chúng ta chỉ có trong lĩnh vực hành chính anh quản lý thì anh có kiểm tra, có thanh tra, còn có dấu hiệu tội phạm bất cứ chuyện gì thì chuyển sang hình sự phải có tố tụng, có cơ quan điều tra, có cơ quan truy tố, có cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Vậy ta lại đặt ra chuyện là trong cơ quan hành chính có việc điều tra và nói rằng điều tra đây là điều tra hành chính.
Chúng tôi thấy rất khó hiểu ở chỗ anh đã có kiểm tra, thanh tra, tại sao anh lại phải có điều tra. Nói tóm lại một cơ quan quản lý hành chính về thuế có tới 3 cách giải quyết vấn đề, và chúng tôi cũng xin báo cáo rằng chúng ta đang lúng túng trong việc này.
Trong những năm qua tôi được biết suốt ngày thanh tra, kiểm soát chung, rồi kiểm tra và thanh tra Chính phủ, doanh nghiệp không còn thời gian làm việc, không còn thì giờ kinh doanh nữa. Cho nên cuối cùng phải ra một quyết định là mỗi năm anh không được thanh tra quá 1 lần, ta đã bí đến mức như thế, bây giờ ngoài kiểm tra, thanh tra ta lại thêm điều tra này vào nữa. Như vậy, tôi thấy hình như vấn đề này chúng ta chưa có tổng kết thực tiễn như thế nào.

- Hai nữa, ở đây nói mục đích điều tra, nói tóm lại, nó chẳng khác gì mục đích của kiểm tra và thanh tra cả, tóm lại tất cả những biện pháp này là làm sao cho người ta chấp hành đúng pháp luật về thuế, mục đích nó chỉ có thế thôi, anh muốn diễn giải kiểu gì, tách câu chữ này câu chữ khác thì nói tóm lại cũng là bảo đảm sự chấp hành pháp luật về thuế. Nhưng ở mức hành chính thì có kiểm tra và thanh tra, còn đã đến tội phạm thì phải là hình sự và các cơ quan tiến hành tố tụng, nó chỉ có như vậy thôi. Còn các nước khác thì đồng chí Dũng và một số đồng chí trước tôi đã phát biểu, điều tra ở các nước nó khác, ví dụ người ta còn có cả Toà án đất đai, có Toà về thuế, người ta thế, còn mình thì cuối cùng không biết anh điều tra này quyền hạn đến đâu, cũng đến phạt như anh thanh tra là cùng, thanh tra cũng có phạt, có đầy đủ hết cả, có thiếu gì đâu, thế là chồng chéo, lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ. Cho nên, tôi thấy nước ngoài khác và chúng ta khác, không thể lấy cái của nước ngoài để đưa vào cho nó giống nhau được, nó giống được một cái cụ thể đấy thì nó lại không phù hợp với toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta, đấy là một điểm.

Thứ hai, chúng tôi xin báo cáo các đồng chí là toàn bộ quy định trong này về điều tra, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội đây là một vấn đề liên quan trực tiếp đến những quyền cơ bản của công dân, đó là quyền về tài sản, quyền về chỗ ở.v.v...Nhưng quy định này quá đơn giản.
Thưa các đồng chí, trong tố tụng hình sự cái này phải rất chặt chẽ, một cái lạ nữa là hình như tất cả các việc làm trong này đều đúng hết, từ thu thập thông tin, yêu cầu thu thập thông tin, đến khám xét, đến tạm giữ làm như người thực hiện việc này chỉ đúng thôi, nhưng trong điều tra từng việc đó phải có những người nào được quy định rất rõ trong pháp luật mới có quyền ra lệnh, ai mới được thực hiện, thực hiện như thế nào và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình như thế nào? Chúng tôi thấy quy định như ở trong này quá đơn giản.
Nếu như Quốc hội chấp nhận như thế này thì một vấn đề rất phức tạp là sẽ đụng đến những quyền rất cơ bản của công dân. Như vậy nó sẽ đẻ ra chuyện đi giải quyết khiếu nại và Tòa án hành chính lại không hết việc làm. Cho nên cái này phải hết sức cân nhắc và không cần thiết, trong thể chế chung về pháp luật của nước ta không cần phải có điều tra thuế, bởi vì nó cũng như mọi lĩnh vực khác. Nếu nói thế này thì nay mai phải có điều tra đất đai, điều tra xây dựng cơ bản v.v.... có cần thiết không? Tất cả mọi lĩnh vực đó chỉ gút lại hai động tác đối với cơ quan hành chính đó là việc kiểm tra và thanh tra. Luật Tổ chức Chính phủ cũng chỉ có hai nhiệm vụ đó thôi. Quản lý nhà nước ở nước ta, biện pháp để quản lý có nhiều, nhưng để bảo đảm việc chấp hành thì chỉ có thanh tra và kiểm tra.
Đây là điều rất mới lạ, nó ngoài hệ thống pháp luật nói chung của chúng ta từ Hiến pháp cho đến các đạo luật khác. Hiến pháp cũng không giao cho Chính phủ các cơ quan quản lý hành chính nhà nước những việc này; Luật Tổ chức Chính phủ, cũng không có việc này mà nó chỉ có thanh tra và kiểm tra. Toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta chỉ có vậy. Cho nên chúng tôi thấy không thể đưa vấn đề này được, tốt nhất là kiện toàn và tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, thế là đủ để đảm bảo việc thực hiện chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về thuế.

Cuối cùng tôi tán thành một số thuật ngữ, ở đây như anh Minh đã nêu ra là không được ví dụ như nói "cưỡng chế thuế". Bản thân thuế nó chả là cái gì mà phải cưỡng chế cả, đấy là người ta cưỡng chế việc thực hiện những quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải "cưỡng chế thuế", thuế không có tội tình gì mà chúng ta cưỡng chế nó cả. Ngay cả thanh tra thuế, người ta nói đến tên cơ quan thì được và kiểm tra cũng thế, có thể nói tên cơ quan thì được. Chứ còn đi vào thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thuế, còn tên cơ quan có thể như vậy.

Các văn bản liên quan