Trích ý kiến góp ý của Đào Xuân Nay – Bình Thuận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:15 08-06-2009

Tôi cơ bản tán thành những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều về các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đối với Điều 170 Luật doanh nghiệp tôi thấy vấn đề chưa thực sự bức xúc và không liên quan nhiều, trực tiếp đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với một số điều liên quan đến Luật đất đai, Luật nhà ở như việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận tuy không liên quan nhiều đến đầu tư xây dựng cơ bản nhưng lại là vấn đề bức xúc nhiều năm của đông đảo cử tri cả nước cần phải sửa đổi, bổ sung lần này.

Tham gia vào một số nội dung cụ thể của dự án luật, tôi xin phát biểu làm rõ 3 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, tôi tán thành một số nội dung đã được sửa đổi tại Điều 40 dự thảo quy định như vậy là phù hợp, thông thoáng hơn và kịp thời hơn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công trình.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ xem xét bổ sung thêm một trường hợp như sau: Ngoài các dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp như bị ảnh hưởng thiên tai, địch họa v.v... tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 40. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm trường hợp khi có biến động giá cả bất thường của hàng hóa, dịch vụ có liên quan vào Khoản 1 điều này.

Theo tôi trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu vấn đề lạm phát hiện nay, tình hình giá cả thị trường trong và ngoài nước sẽ luôn biến động bất thường như giá nguyên liệu, vật liệu, tỷ giá hối đoái hoặc do nhà nước chúng ta ban hành một số chính sách mới để điều chỉnh thì có cơ sở pháp lý để kịp thời điều chỉnh đảm bảo tính hiệu quả của công trình. Như lý do nêu trong dự thảo của Chính phủ trình không đưa trường hợp này vào luật tôi thấy chưa thỏa đáng.

Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn cụm từ thế nào là "sự kiện bất khả kháng" để áp dụng thống nhất trong thực hiện luật.

Thứ hai, về gói thầu được chỉ định thầu và giao cho Chính phủ quy định cụ thể và mức chỉ định thầu tại Điều 20, phân cấp trong đấu thầu Điều 60. Những quy định được sửa đổi, bổ sung 21 điều của Luật đấu thầu có thể hiện sự phân cấp mạnh hơn, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian hơn, giải quyết được những vướng mắc về thủ tục đấu thầu quá dài như hiện nay.

Về hạn mức chỉ định thầu Điều 20, tôi nhất trí cao như dự thảo là giao Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với từng thời kỳ. Tuy nhiên cần bổ sung vào luật quy định rõ tiêu chí chỉ định thầu không thể như nhau đối với từng loại công trình có tính khác nhau, nâng mức chỉ định thầu lên phù hợp trong tình hình thực tế hiện nay. Ngoài thẩm quyền Chính phủ trong việc chỉ định thầu được áp dụng vào Khoản 1 Điều 20 như gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia, cấp bách vì lợi ích quốc gia, tôi đề nghị cần xem xét bổ sung thêm quy định, thẩm quyền của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh cũng được chỉ định thầu đối với công trình có tính chất quan trọng, bức xúc của địa phương. Nếu chậm giải quyết hoặc phải chờ tổ chức đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến tính cấp bách của công trình và làm thiệt hại đến sản xuất, đi lại an toàn của nhân dân. Ví dụ công trình kè biển lở rồi chống xâm thực, xây dựng cầu nông thôn v v...Trong đó có công trình từ 50 đến hàng trăm tỷ đồng.

Thứ ba, vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở. Vấn đề tồn tại 2 loại giấy đỏ, hồng và chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở do hai cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở từ năm 2003 đến nay ai cũng thấy bất hợp lý gây rất nhiều phiền hà và trở thành vấn đề bức xúc của đông đảo cử tri cả nước. Và không phải bây giờ cử tri và đại biểu Quốc hội kiến nghị. Tại các cuộc họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách các kì họp Quốc hội khóa XI khi thảo luận và thông qua Luật đất đai năm 2003, sửa đổi Luật nhà ở năm 2005, vấn đề thống nhất loại giấy đã được đề cập. Đến kỳ họp cuối năm 2007 Quốc hội khóa XII cũng có Nghị quyết số 07 trong đó thống nhất cấp loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nhưng các cơ quan thẩm quyền quản lý đất đai và nhà ở chậm trình Quốc hội để sửa đổi bổ sung luật.

Theo dự thảo luật tôi nhất trí phải sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở để thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Một mẫu thống nhất cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành, chung một cuốn sổ và có nhiều trang. Và nên giao cho một cơ quan đầu mối như hiện nay đó là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh. Chính phủ giao thêm chức năng, nhiệm vụ và tăng cường biên chế cho cơ quan này đủ mạnh, cho văn phòng này đủ điều kiện để thực hiện chủ trương đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có giải thích rõ cụm từ "Thế nào là tài sản gắn liền với đất" và "loại tài sản nào gắn liền với đất" có bắt buộc người dân phải đăng ký hay không? Theo tôi việc cấp giấy quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất không quy định bắt buộc, khi nào người dân có nhu cầu trong quan hệ giao dịch thì Nhà nước cấp cho họ, đó cũng là phù hợp với pháp luật dân sự và nhà ở.

Theo dự kiến Chính phủ sẽ chuyển dự thảo luật đăng ký bất động sản có lần đã trình Quốc hội năm 2005 nhưng Quốc hội không đồng tình và Chính phủ đã xin rút dự án này ra khỏi chương trình xây dựng luật, nay lại chuyển thành nghị định hướng dẫn thi hành các điều này. Tôi đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần cân nhắc cụ thể để đưa vào nghị định những điều phù hợp thực tiễn và đúng luật, không tạo thêm những bức xúc mới cho người dân. Đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đất đai là lĩnh vực có rất nhiều loại văn bản, có rất nhiều loại giấy phép và phí, thường bị cản trở, chồng chéo gây nhiều phiền hà cho dân và doanh nghiệp. Đồng thời cũng là hai lĩnh vực theo tôi thấy rằng luôn chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các vụ tiêu cực, lãng phí và tham nhũng.

Do vậy, tôi đề nghị các quy định của luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, vừa đảm bảo chặt chẽ, có chế tài đủ mạnh, tăng cường vai trò giám sát của các cấp dân cử, xử phạt nghiêm minh, kịp thời, đồng thời bảo đảm thông thoáng công khai minh bạch. Quan trọng hơn là phải kiên quyết xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cản trở người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xóa bỏ cơ chế xin cho, cần thực hiện cho được cơ chế một cửa trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Các văn bản liên quan