Trích ý kiến góp ý của Hoàng Thương Lượng – Yên Bái về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:14 08-06-2009
Trước hết tôi thống nhất Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, tôi xin tham gia một số ý kiến sau.
Một, tham gia cụ thể đối với các điều luật sửa đổi, bổ sung, trước nhất là với 8 điều của Luật xây dựng cơ bản sửa đổi, bổ sung. Sửa đổi Điều 40, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cơ bản có công trình, có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên. Đề nghị bổ sung Điểm b, ở Khoản 1 là dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh khi xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn. Tôi đề nghị bổ sung thêm không chỉ là với hiệu quả cao hơn mà kể cả với lại các công trình mà hiệu quả thấp không khả thi cho dự án.
Trong 8 điều của Luật xây dựng cơ bản được sửa đổi, bổ sung thì có 7 điều giao cho Chính phủ quy định cụ thể trong thực hiện, cũng đồng nghĩa 7 điều này của luật nếu không có quy định cụ thể của Chính phủ thì chưa được thực hiện, đây sẽ là việc hạn chế hiệu lực pháp lý về thi hành luật. Việc sửa đổi bổ sung 7 điều này có nghĩa là việc bổ sung giao cho Chính phủ quy định thực hiện, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm.
Hai, với 21 điều của Luật đấu thầu được sửa đổi, bổ sung về chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Đối với Điểm c, Khoản 1, Điều 75 có quy định là cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức cá nhân vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật đấu thầu hoặc bị cảnh cáo liên tục ba lần khi vi phạm các hành vi bị cảnh cáo theo quy định của luật của khoản này. Tôi đề nghị nên giảm xuống hai lần bị cảnh cáo liên tục, bởi vì ngoài việc bị cảnh cáo liên tục hai lần còn có thể bị một số lần cảnh cáo cách thời gian khác nhau trước đó.
Nội dung thứ hai, tôi xin đề xuất cùng với việc tham gia sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản tại kỳ họp này với 3 luật. Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục quan tâm việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật khác liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Bởi vì hiện nay còn 9 đạo luật có liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật kinh doanh bất động sản v.v... Chính phủ hiện có 25 nghị định và gần 40 văn bản liên quan khác, với 4 bộ có liên quan trực tiếp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có khoảng trên 130 thông tư quy định, hướng dẫn còn hiệu lực liên quan đến xây dựng cơ bản.
Như vậy hiện nay ta có một hệ thống các luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau, ở nhiều thẩm quyền khác nhau, dẫn đến có sự chồng chéo, thiếu thống nhất nội dung, khái niệm áp dụng luật cũng khác nhau, cơ chế chính sách áp dụng luật chậm thay đổi, bất cập so với yêu cầu thực tiễn của xây dựng cơ bản. Mặt khác chúng ta đang có sự chuyển đổi tích cực từ cơ chế quản lý bao cấp sang quản lý thị trường trong điều kiện hội nhập là yêu cầu khách quan phải có sự điều chỉnh đối với các văn bản pháp luật liên đến quan xây dựng cơ bản. Từ một số thực trạng trên, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự vào cuộc mạnh hơn, rà soát tổng thể điều chỉnh cải cách nhanh, cắt giảm các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, thiết kế chung một hệ thống pháp luật thống nhất thành bộ cẩm nang đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cùng được xem như một giải pháp quan trọng trong kích cầu đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản để chống suy giảm kinh tế hiện nay. Việc sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng cơ bản cần đạt được một số yêu cầu. Tôi đề nghị một số tăng giảm sau:
Có 4 tăng là tăng tính pháp lý; tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, tăng chất lượng hiệu quả và tiến độ công trình; tăng môi trường hấp dẫn thuận lợi cho thu hút đầu tư xây dựng cơ bản.
Ba giảm là giảm tiêu cực, thất thoát tham nhũng, giảm thủ tục hành chính bất hợp lý và giảm bao cấp, bao sân.

Các văn bản liên quan