Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Trần Văn Thức – Bà Rịa – Vũng Tàu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:30 08-06-2009

 

Qua nghe Báo cáo Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi cơ bản nhất trí và cũng nhất trí cao với sự đóng góp của các đại biểu trước tôi. Vì đóng góp sau cùng mà nhắc đến nhiều vấn đề thì không đảm bảo thời gian, tôi xin phép đi vào vấn đề cấp một giấy hay để nguyên hai giấy. Xin phép Quốc hội cho tôi được trình bày như sau.

Thứ nhất, tôi lược qua tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo Văn bản 1098 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường ngày 4/6/2009. Theo báo cáo của các địa phương đến nay cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp được 13.393.000 giấy đạt 81,4%, đất lâm nghiệp 1.028.000 giấy đạt 76,3%, đất tại nông thôn 10.105.000 giấy đạt 80,6%, đất tại đô thị 3.250.000 giấy đạt 63,8%, đất chuyên dùng 84.000 giấy đạt 36,4%. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà theo Luật nhà ở mới được triển khai ở 27 tỉnh, thành phố tiến độ thực hiện chậm đến nay mới cấp được 250.000 giấy. Nếu tính cả cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo Nghị định số 60 thì cả nước cấp được 1.200.000 giấy. Đấy là thực tế cấp mà chúng ta đã tiến hành mấy năm nay. Bây giờ chúng ta từ hai giấy, gộp lại một giấy, theo cá nhân tôi nó có mấy bất cập như thế này.

Thứ nhất là quyền sử dụng đất theo tôi thì khá ổn định, khá ổn định một thửa. Còn các thửa đất khác ví dụ như đất chuyên dùng, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất diêm nghiệp v v...thì có gộp chung vào một giấy mới chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản liên quan đất hay không?

Thứ hai là tài sản trên đất, nhà ở và các vật kiến trúc trên đất theo cá nhân tôi thì luôn luôn thay đổi. Bởi vì do quá trình phát triển kinh tế, do nhu cầu của từng gia đình, do phát triển của xã hội như chỗ đại biểu Thuận vừa phát biểu thì nó luôn thay đổi. Bây giờ thay đổi vậy gộp với ít biến động thì giải quyết như thế nào?

Vấn đề đặt ra như sau, khi làm các thủ tục, nếu như bình thường cấp giấy chứng nhận, cấp bìa đỏ thì sau khi xác nhận được đất hợp lệ, hợp lý thì có thể cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi. Nhưng bây giờ nếu cấp một bìa thì lại phải chờ xác định được vật kiến trúc trên đất như thế nào đó thì mới tiến hành cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất. Rõ ràng người dân không được nhanh như cấp hai giấy việc gộp vào tôi nghĩ không phải 60 ngày mà có thể là 12 tháng, không chắc có được không? Bởi vì muốn có nhà, như ở thành phố là phải có giấy phép xây dựng nhà và còn rất nhiều thủ tục sau đó nữa rồi mới xác định tài sản trên đất tổng trị giá là bao nhiêu. Rõ ràng người dân không được hưởng nhiều khi chúng ta cấp hai giấy là một, theo suy nghĩ cá nhân tôi, quá trình làm thủ tục khó khăn cho người dân như vậy.

Thứ hai, khi chuyển nhượng thì một người dân chắc chắn có nhiều thửa đất trừ có một vài cán bộ có một thửa đất gắn với nhà thôi, chứ còn người dân ở thành phố, ở nông thôn có nhiều thửa đất và có thửa đất gắn với tài sản trên đất là nhà ở và có nhiều thửa đất ví dụ đất nông nghiệp, đất trồng cây ngắn ngày thì đâu có thể tính được tài sản trên đất theo cách chúng ta tính được, bây giờ gộp hai cái với nhau nếu như tôi là người ở nông thôn, tôi có nhà trên một thửa đất A và khi tôi khó khăn tôi bán căn nhà đó đi bây giờ còn mấy thửa ruộng gắn chung với giấy chứng nhận hai quyền đó, bây giờ giấy chứng nhận còn lại là giấy chứng nhận gì? Tôi nghĩ đó là điều bất cập. Từ hai vấn đề như vậy:

Một là hai quyền khác nhau dồn vào một giấy chứng nhận và quá trình thực hiện giấy chứng nhận đấy là vô cùng khó khăn, chưa kể đến phát biểu của đại biểu Thuận vừa phát biểu trước tôi, còn nhiều loại hình nhà ở như nhà ở chung cư. Ví dụ như giả định vợ cho con đẻ, cho con cái mình ở chỉ cho quyền sử dụng thôi, chỉ cho làm nhà trên đất sử dụng thôi chứ không cho hẳn đất, bây giờ cái đó giải quyết như thế nào? chuyện này trong xã hội xảy ra nhiều chứ không phải là một vài trường hợp cá biệt.

Thứ ba, bây giờ có nên cấp dồn vào một hay không thì tôi cũng xin trích Mục 3, trả lời của Bộ tài nguyên và môi trường như sau: Về giá trị pháp lý của các giấy chứng nhận đã cấp khi triển khai thực hiện thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận tại dự thảo Luật sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến đầu tư xây dựng, nội dung sửa đổi Điều 48 của Luật đất đai đã quy định: Các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn có giá trị pháp lý để thực hiện quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà không phải đổi sang loại giấy chứng nhận mới, trừ trường hợp người sử dụng đất có chủ và chủ sở hữu tài sản có nhu cầu được cấp giấy mới. Tôi nghĩ bây giờ cả Quốc hội, các cơ quan chuyên môn bàn một vấn đề là gộp hai giấy và một để ai cần sử dụng gộp thì cần, ai không cần sử dụng thì vẫn 2 giấy, mình có nên bàn vấn đề đó không. Tôi nghĩ về phía Nhà nước quan trọng nhất là thông qua cấp bìa đỏ thì Nhà nước nắm được quỹ đất, từng loại đất, tổng quỹ đất của cả quốc gia như thế nào. Tôi nghĩ Nhà nước muốn nắm được tổng tài sản trên đất thì rất khó, vì tài sản trên đất luôn thay đổi và nó thay đổi theo chiều thuận tốc độ phát triển của xã hội. Từ suy nghĩ như vậy tôi đề nghị nếu chúng ta quyết tâm sửa để đảm bảo với nguyện vọng chung của toàn xã hội thì nên có điều tra xã hội học. Còn theo tôi nên sử dụng hai giấy như hiện nay, đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất là tôi cảm thấy phù hợp hơn.

Các văn bản liên quan