Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Phạm Khôi Nguyên – TP. Hà Nộivề dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:31 08-06-2009

 

Tôi xin tham gia một số ý kiến xung quanh sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư.

Loại ý kiến thứ nhất, xung quanh về sửa Điều 2; Khoản 2, Điều 19; Khoản 4, Điều 22. Để tiết kiệm thời gian tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải, Lý Kim Khánh, Nguyễn Vinh Hà, Lê Quốc Dung, tôi hoàn toàn nhất trí. Về hai sổ, sổ đỏ và sổ hồng thì tôi xin phát biểu như sau:

Quá trình đi đến vấn đề thống nhất một sổ, một cơ quan quản lý thì Quốc hội suốt từ nhiệm kỳ Khóa XI, sau kết quả giám sát và đã đi đến Nghị quyết 07 của Quốc hội. Do vậy một số ý kiến của các đại biểu vừa rồi phát biểu tôi nghĩ như vậy là lật lại Nghị quyết 07. Nghị quyết 07 đã đi đến thống nhất là cấp 1 giấy, giấy đó là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và giao cho một cơ quan thống nhất. Nếu bây giờ đặt lại ý kiến một số ý kiến của đại biểu Quốc hội thì tôi thấy phải đặt lại Nghị quyết 07, Nghị quyết 07 đã được thảo luận rất kỹ. Qua kết quả của cuộc giám sát từ Quốc hội khoá XI. Đó là ý thứ nhất tôi xin báo cáo như vậy.

Ý thứ hai, Chính phủ có triển khai thực hiện Nghị quyết 07 như thế nào, sau khi có Nghị quyết 07 thì Chính phủ đã chỉ đạo Bộ tài nguyên và môi trường để tiến hành các nội dung liên quan đến sửa, lúc đầu thì Chính phủ mong muốn có một nghị định và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách ngành tài nguyên, môi trường, đồng chí ngồi đây với đồng chí Hoàng Trung Hải thì như vậy chúng tôi đã tiến hành năm buổi thảo luận và tiến hành sửa. Sau đó Thường trực Chính phủ và Chính phủ họp ba buổi nữa thì tổng cộng như vậy tám buổi họp để bàn xung quanh việc này, nhưng cuối cùng thấy rằng vướng luật. Bởi vì Luật nhà ở, Luật đất đai đều quy định rất cụ thể về tên của hai giấy này cũng khác nhau, nội dung bên trong cũng khác nhau, cơ quan triển khai thực hiện cũng khác nhau và chế tài cũng khác nhau.

Ví dụ như giấy về chứng nhận quyền sử dụng đất là bắt buộc nhưng mà nhà ở là tùy ai muốn đăng ký thì đăng ký. Trước tình hình đó báo cáo với Quốc hội, Chính phủ thấy như vậy phải sửa luật và không thể nào ra nghị định được, lúc đó có một sáng kiến đưa ra là đưa toàn bộ những nội dung sửa này vào Luật đăng ký bất động sản và chờ Luật đăng ký bất động sản trình ra Quốc hội. Luật đăng ký bất động sản trình ra Thường vụ Quốc hội thì không được thông qua trong thời gian này. Như vậy công việc của hai giấy và một giấy lại bị dừng lại.

Tiếp theo khi dùng một luật để sửa nhiều luật thì lúc đó Chính phủ quyết định đưa vấn đề này vào sửa trong luật về sửa Luật đầu tư xây dựng cơ bản, đấy là lý do xin báo cáo như vậy. Để tóm lại Chính phủ cũng chỉ đạo nó rất quyết liệt, cũng rất quyết tâm để làm sao mà thống nhất một sổ và đây cũng là nguyện vọng của người dân.

Báo cáo với Quốc hội, tôi hiện nay có giao lưu trực tuyến trong thời gian vừa qua và nhận được các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội thì đều tập trung về vấn đề một sổ và người ta trông chờ rất nhiều. Nếu như lần này mà Quốc hội không thông qua được để có thống nhất một sổ thì tôi cho lại là vấn đề nợ, nợ lại với dân như vậy.

Ý thứ ba, vấn đề sửa như vậy thì có gì phức tạp không và có gấp gáp quá không? Báo cáo với Quốc hội, quá trình này như trên tôi trình bày là Chính phủ đã chuẩn bị phải nói rất chu đáo. Tất cả những cái gì mà đưa vào sửa hai giấy đã đưa vào Luật đăng ký bất động sản rồi nhưng không được thông qua thì lần này toàn bộ những nội dung đó chuyển sang về sửa Luật đầu tư. Chính vì vậy trong này chủ yếu sửa Điều 48, còn 20 điều có viết trong này hoặc là bỏ, hoặc là đổi tên đã viết trong điều này. Nếu những điều nào trong Luật đất đai nói rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nay hiểu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu về nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đồng thời trong Luật nhà ở nếu có viết quyền sở hữu về nhà ở thì nay hiểu như ý trên tôi đã phát biểu.

Thứ tư, lần này có làm về bất động sản hay không? Thực ra trong Luật đất đai chúng tôi đã cấp về bất động sản rồi. Trong Luật dân sự Điều 174 đã nói khái niệm về bất động sản. Bất động sản trên đất gồm 3 loại: Một là nhà ở; Hai là các công trình kiến trúc xây dựng bao gồm các công trình kiến trúc như bệnh viện, trường học, các nhà văn hóa, các khu thể dục, thể thao, các khu vực bưu điện, bưu chính viễn thông v.v...

Ở đây nhiều đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các tỉnh thì đều biết hệ thống tài nguyên và môi trường đã cấp cho bất động sản rồi. Nếu lần này chỉ cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở thì vô hình chung lại có 2 giấy, nếu không làm triệt để, quyết liệt thì lại có 2 giấy. Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ chỉ làm một giấy thôi, vấn đề kỹ thuật thiết kế giấy này như thế nào? Giấy này Bộ Tài nguyên và môi trường đã thiết kế và đã có một số phương án đang lấy ý kiến của cấp tỉnh. Tóm lại giấy này sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu về đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các loại tài sản gắn liền với đất.

Việc đưa vào luật nào cho hợp lý thì tại sao lại đưa vấn đề này vào Luật đầu tư. Khi bàn về sửa Điều 121 và Điều 126 thì vấn đề 2 giấy này dự kiến đưa vào sửa Luật đăng ký bất động sản. Do vậy chúng tôi không đưa vào Điều 126 và Điều 121. Nhưng thời gian gần đây Luật đăng ký bất động sản không đưa ra trình tại đây thì vấn đề này không đưa vào được, do vậy lần này chúng tôi đề nghị Quốc hội thảo luận thông qua vấn đề này. Việc đưa vào sửa trong điều luật nào thì đây là về kỹ thuật, quan điểm của tôi thì đưa vào phần nào cũng hợp lý và có ý nghĩa riêng của nó.

Các văn bản liên quan