Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Lê Quốc Dung – Thái Bình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:29 08-06-2009

Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo và Bản giải trình của Ủy ban kinh tế rất kỹ và cụ thể. Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về vấn đề chung, chúng tôi thấy kỳ này sửa để chúng ta giải quyết những vấn đề vướng mắc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi rất đồng tình. Nhưng về cụ thể chúng tôi thấy. Thứ nhất về tên, chúng tôi đề nghị tên cũng nên xem sửa 6 luật có liên quan hay 4 luật có liên quan thì chúng ta cũng nên ghi vào đây và sau đó mở ngoặc nó ra là gồm những luật nào. Ví dụ, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, mở ngoặc Luật xây dựng cơ bản, Luật môi trường, Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật nhà ở và một luật nữa). Chúng tôi đề nghị cho rõ như thế để sau này khi dân người ta sử dụng thì người ta biết được những luật nào liên quan để sửa.

Chúng tôi thấy có thể chuyển vấn đề sửa đổi Luật nhà ở và Luật đất đai sang nội dung của sửa Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai. Tôi nghĩ vấn đề này mang tính kỹ thuật, trên cơ sở như thế này để Quốc hội dễ thảo luận. Còn sau này Quốc hội thống nhất thì chúng ta sẽ sáp nhập những nội dung hợp lý với nhau thành 2 luật riêng, chúng tôi thấy có thể việc đó cho phép cho thuận tiện.

Về vấn đề cụ thể thứ nhất, Điều 39 chúng tôi thống nhất với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bởi vì trong luật hiện hành, Khoản 2 là Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng trong này sửa có bổ sung một điều là Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia có sử dụng vốn Nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Chúng tôi thấy rằng nếu sửa như thế thì nó thu hẹp lại, chỉ những vấn đề có vốn Nhà nước thì Quốc hội thông qua chủ trương và Chính phủ ra quyết định những dự án cụ thể. Nhưng trong Nghị quyết 66 của Quốc hội về những công trình quốc gia đã quy định 6 tiêu chí thế nào là công trình quan trọng quốc gia. Bao gồm những vấn đề về quy mô vốn, 20 nghìn tỷ đồng trở lên, dân cư phải di chuyển, môi trường bị tác động, đất đai lấy ra bao nhiêu, rừng lấy ra bao nhiêu ha và vấn đề an ninh, quốc phòng là bao nhiêu, tác động như thế nào. Do đó nếu sửa như thế này chúng tôi thấy hạ thấp và nó mâu thuẫn với Nghị quyết 66 của Quốc hội. Cho nên chúng tôi không đồng tình sửa mà giữ nguyên như luật hiện hành.

Thứ ba, về Điều 40, chúng tôi còn băn khoăn Điểm b, Khoản 1, Điều 40 có sửa là xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án thì chủ đầu tư sẽ được điều chỉnh dự án đã được phê duyệt. Vấn đề điều chỉnh là một thực tế đặt ra rất đúng. Nhưng trong quá trình điều chỉnh chúng tôi thấy thực tế cũng rất nhiều khi bị lợi dụng. Có những dự án chủ sử dụng không thấy cần thiết phải điều chỉnh nhưng nhà thầu, nhà đầu tư cũng tìm cách để điều chỉnh, nó sẽ rất sơ hở. Vậy hiệu quả cao hơn là bao nhiêu thì mới được điều chỉnh, chứ không nói cao hơn thì đó là một chỗ rất sơ hở. Đó là điểm thứ ba chúng tôi đề nghị.

Thứ tư, chúng tôi kiến nghị Điều 43 về Khoản 2, cho việc công bố các định mức chỉ tiêu kỹ thuật, giao cho các cơ quan Nhà nước về đầu tư xây dựng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp được công bố định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Vấn đề này chúng tôi không đồng tình theo sửa cách này mà vẫn phải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có chức năng công bố các định mức kinh tế kỹ thuật, được công bố trên cơ sở tham khảo ý kiến của các hội, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường, theo dõi cập nhật thị trường để chúng ta công bố. Vì đây là một quá trình, hội xây dựng của Việt Nam hiện nay bản thân họ cũng cho rằng chúng tôi không có khả năng làm được điều này, Ủy ban Kinh tế sang làm việc thì họ nói. Các nước người ta làm được, hội người ta làm được vì đó là một quá trình, còn nước ta là mới chuyển ra kinh tế thị trường trong khi xây dựng công của chúng ta còn rất lớn và bị tham nhũng trong lĩnh vực này không ít. Một vấn đề nữa là giá cả của đất nước chúng ta biến động rất nhanh và nhiều, nếu giao cho hội và cơ quan Nhà nước cùng công bố thì sẽ sơ hở định mức, vênh nhau thì chủ đầu tư sẽ không biết lựa chọn cái nào, lúc nào lựa chọn cái nào. Cho nên chúng tôi đề nghị phải thống nhất cơ quan Nhà nước, nhưng phải trên cơ sở tham khảo, thậm chí có thể lấy trên kênh, mạng về tham khảo của dân cư. Đó là vấn đề chúng tôi đề nghị, đó cũng là một chính sách rất quan trọng.

Vấn đề tiếp theo, về sửa đổi môi trường, bảo vệ môi trường Khoản 2, Điều 19. Về vấn đề tuỳ theo quy mô và tính chất dự án để lập báo cáo tác động môi trường cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi khởi công xây dựng và Khoản 4 ở dưới nữa mà sửa như thế này là rất sơ hở. Bởi vì luật mà lại quy định tùy theo quy mô tính chất thì mới lập báo cáo cùng với báo cáo khả thi, mà lại có thể nộp trước khi khởi công thi công. Tôi cho rằng việc này không nên mà theo tôi phải sửa lại cho chặt chẽ. Bởi vì trước khi khởi công nhưng nếu sau này báo cáo tác động môi trường không được mà khởi công rồi thì giải quyết sao? Thứ hai, chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mà Việt Nam cần phải lựa chọn các dự án chứ không phải chúng ta thu hút đầu tư với bất kỳ giá nào. Trong đó lựa chọn vấn đề môi trường là vấn đề quan trọng trước hết. Bởi vì nhiều dự án hiện nay chúng tôi nghĩ rằng nếu cộng tiền thu thuế lại chưa chắc đã khôi phục được tình hình môi trường. Cho nên chúng tôi đề nghị là tùy theo quy mô, tính chất là không phải giữ chữ "tùy", phải giữ nguyên là báo cáo tác động môi trường phải được lập đồng thời với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Những dự án một số lĩnh vực ít gây tác động môi trường Chính phủ quy định để rút gọn trình tự thủ tục về báo cáo tác động môi trường, như thế sẽ chặt chẽ và phù hợp, tất cả là "tùy" tôi nghĩ là không phù hợp.

 

Các văn bản liên quan