Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Trần Đình Long – Đắc Lắk về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:32 08-06-2009

 

 

Tôi xin tham gia vào dự thảo luật này 2 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất, luật sửa đổi nhiều luật và sửa đổi, bổ sung theo quy trình thông qua tại một kỳ họp theo thủ tục rút gọn. Tôi thấy theo Tờ trình số 95 ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ đã nêu sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh là những vấn đề cấp bách liên quan đến đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nội dung của một luật sửa 6 luật, có nhiều nội dung không phải là cấp bách, có nhiều nội dung không liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là những việc rộng, đã có quá trình bàn thảo nhiều lần và đến bây giờ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thật sự thống nhất. Chính vì thế chúng ta đưa tất cả các nội dung này vào chung một luật sửa nhiều luật có nhiều nội dung quá rộng. Do đó, tôi đề nghị cần phải nghiên cứu chọn lọc một số vấn đề, những điều luật có liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ bản để sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này theo trình tự thủ tục rút gọn và thông qua tại một kỳ họp và còn nhiều vấn đề phải bàn thì bố trí sửa đổi vào những kỳ họp khác.

Vấn đề thứ hai, về nội dung cụ thể, đối với Luật xây dựng, tại Điều 39 tôi đề nghị là không sửa Điều 39 vì nếu sửa như vậy thì tôi thấy vai trò của Quốc hội không toàn diện, bởi vì Quốc hội không chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia có sử dụng vốn Nhà nước, mà là nhiều vấn đề quan trọng khác về tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và những vấn đề hệ trọng khác, kể cả vốn đầu tư của nước ngoài hoặc tư nhân, thì vấn đề này tôi đề nghị không sửa điều này và nếu có thì quy định nó chi tiết Quốc hội quyết định những công trình nào, chứ không thể khoanh lại Quốc hội chỉ quyết định những công trình có sử dụng vốn Nhà nước. Tôi cho cách như vậy mà Quốc hội không quan tâm thì tôi nghĩ nhân dân cũng không đồng tình với Quốc hội. Cho nên, tôi đề nghị không sửa Điều 39.

Nội dung thứ hai, đó là vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Tôi thấy qua ý kiến của nhiều đại biểu, chúng ta thấy Quốc hội đã có nghị quyết về ban hành và cấp giấy chứng nhận cùng một giấy. Tôi thấy quyết định của Quốc hội như vậy phù hợp với Luật nhà ở. Bởi vì Luật nhà ở đã quy định ở Điều 11 là nhiều trường hợp khác nhau nếu chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất thì cấp chung một giấy. Nếu chủ sử dụng đất không phải là chủ sở hữu nhà ở thì cấp 2 loại giấy khác nhau. Theo tôi nó không trái với nghị quyết, chúng ta cứ làm theo Luật nhà ở là phù hợp.

Vấn đề quan trọng ở đây tôi nghĩ là 2 chế độ sở hữu khác nhau, chế độ sở hữu về đất đai là sở hữu toàn dân, chế độ sở hữu nhà ở là sở hữu của tư nhân, mà quyền sở hữu nhà ở là một quyền cơ bản của công dân. Chúng ta cũng phải cân nhắc về quy trình kỹ thuật khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phản ánh tất cả những hiện trạng sử dụng đất đó, trong đó có ao hồ, cây trồng, vật kiến trúc v.v... đó là phản ánh hiện trạng sử dụng đất trên lô đất đó. Còn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà có một quy trình kỹ thuật riêng và có giới hạn về đất ở của nó. Bởi 2 chế độ sở hữu khác nhau, nếu chúng ta đơn giản nó thì tôi nghĩ chỉ làm hạn chế những quyền nào đó, nhất là quyền sở hữu nhà ở của công dân. Cho nên tôi nghĩ phải bàn kỹ và phải có tổng kết về việc thực hiện Luật nhà ở nó có gì vướng mắc, khó khăn có liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tôi đề nghị riêng Luật nhà ở và Luật đất đai có liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi đề nghị nên để lại, tổng kết việc thực hiện Luật nhà ở và bãn kỹ vấn đề này, sau này chúng ta quyết sau.

Các văn bản liên quan