Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa – Bắc Ninh về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:34 08-06-2009

 

Tôi chỉ xin có ý kiến về một điều là Điều 48. Có thể nói vấn đề một giấy cũng đã được đặt ra từ nhiều năm nay, tôi cũng thấy nếu chúng ta có được một giấy thì cũng là một hình thức để cải cách thủ tục hành chính, để làm sao giảm phiền hà cho nhân dân. Tuy nhiên, tôi cũng có một số băn khoăn xin được trình bày như sau:

Theo như phụ lục giải trình dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều có liên quan đến các luật đầu tư xây dựng cơ bản, thì đã nêu lý do sửa đổi Điều 48, tức là thực tế hiện nay đang tồn tại hai giấy gây khó khăn cho quản lý Nhà nước và gây phiền hà cho người dân. Như vậy mục đích của việc sửa đổi Điều 48 là phải giảm phiền hà do tình trạng hai giấy gây ra cho cơ quan quản lý Nhà nước và giảm phiền hà cho người dân. Với thực tế hiện nay và quan điểm áp dụng quy định sửa đổi thì cả hai mục đích trên chúng ta khó có thể thực hiện được, nếu tất cả các giấy hiện nay đều phải đổi lại, thì gây một áp lực lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước và người dân có nhà và được quyền sử dụng đất vì hiện nay chúng ta biết giấy chứng nhận các loại, hiện vẫn đang tồn tại và chúng ta chọn phương án đổi tất cả các giấy đang còn tồn tại. Nếu luật sửa đổi được thông qua thì quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, rồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận công trình xây dựng đã được cấp, theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày luật sửa đổi này có hiệu lực thi hành có giá trị pháp lý và không phải đổi giấy chứng nhận đó sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, theo quy định của luật này trừ trường hợp có nhu cầu cấp cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được đưa vào thực hiện. Rõ ràng thực tế không chỉ tồn tại hai loại giấy: Một là giấy trước khi có luật này được ban hành và hai là loại giấy theo như luật này ban hành, ít nhất sẽ có ba loại: Loại màu đỏ, loại màu hồng và một loại mới, tức là một giấy thì chưa biết là mầu gì và thực tế có thể nó còn hơn nữa. Chúng tôi nghĩ điều đó cũng không giảm bớt khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Ý thứ hai chúng tôi thấy băn khoăn là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã viết: Qua làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các doanh nghiệp, các ý kiến đều cho rằng việc thống nhất cấp 1 loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản. Nhưng theo quy định tại Điểm 3, Khoản 1, Điều 6 của dự thảo Luật sửa đổi này, thì xem xét giấy chứng nhận liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất hiện có là vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý và không phải đổi sang một giấy, trừ khi có nhu cầu. Chúng ta cũng biết là khiếu kiện đất đai chủ yếu liên quan nhiều đến vấn đề đền bù, chứ không liên quan đến vấn đề này. Như vậy chúng tôi rất băn khoăn làm sao có thể chúng ta đổi một giấy để tạo điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân và hạn chế tranh chấp.

Ý kiến thứ ba là từ góc độ giới, chúng tôi thấy việc tồn tại hai loại giấy là phù hợp với tình trạng nhà, đất hiện nay. Bởi vì quyền sử dụng đất là di sản thừa kế hoặc tài sản tặng, cho từ cha mẹ thì chủ yếu vẫn là cho con trai, nhà trên đất và các tài sản trên đất thường do vợ, chồng tạo lập nên. Luật hôn nhân và gia đình vẫn thừa nhận là vợ chồng có quyền có tài sản riêng, có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, có quyền đầu tư kinh doanh riêng. Việc đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà có giấy chứng nhận sở hữu nhà, là điều kiện thuận lợi để vợ, chồng, nhất là người vợ sử dụng các quyền của mình khi hôn nhân còn tồn tại và bảo vệ quyền tài sản của mình khi vì lý do nào đó mà ly hôn. Vấn đề này đã có thực tế vì cha mẹ thường cho con đất, nói bằng mồm thôi chứ không có giấy tờ nào, tất cả tài sản cũng như nhà trên đất đó do vợ chồng xây dựng lên, nhưng lúc ly hôn thì thông thường người vợ chịu thiệt thòi và thậm chí tay trắng ra khỏi nhà và mảnh đất đó. Vì ba lý do nêu trên, chúng tôi thấy để thực hiện được nghị quyết của Quốc hội thì nên có một thời gian để chuẩn bị, tổng kết thi hành Luật đất đai cũng như Luật nhà ở, để sau đó chúng ta có phương án phù hợp hơn. Lúc bấy giờ chúng ta thấy vẫn có thể thực hiện được nghị quyết của Quốc hội mà cũng vẫn thực hiện được việc làm một giấy.

Các văn bản liên quan