Trích ý kiến góp ý của đại biểu Sùng Thị Chư – Yên Bái về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:20 05-06-2009

Qua nghiên cứu dự án Luật quy hoạch đô thị và ý kiến giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình bày, cũng như những ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị để tránh một trong những bất cập hiện nay và thể hiện trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu. Sau đây tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau.

Một, về phân loại và cấp quản lý của đô thị, tôi nhất trí với việc phân loại đô thị thành 6 loại đô thị như trong dự thảo đã nêu và để phân biệt cho đô thị loại một và gọi là đô thị đặc biệt, tức là đô thị đặc biệt là đô thị thuộc Trung ương quản lý và trong đó có các đô thị loại một, loại hai có thể có một số những đô thị loại một là trực thuộc tỉnh quản lý, để phân biệt cho nó rõ ra thì tôi nhất trí gọi là sáu đô thị khác nhau.

Hai, ý kiến này là một trong những ý kiến đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã quan tâm và đã cho nhiều ý kiến phát biểu. Cụ thể về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng ở Điều 16, tôi nhất trí với việc rất cần thiết phải nên có Kiến trúc sư trưởng để tham mưu trực tiếp đảm bảo sự thống nhất về quy hoạch tổng thể của một không gian hoặc kiến trúc, cũng như cảnh quan trong quá trình phát triển và giữ gìn bản sắc của các đô thị nói chung. Để tránh một số các tồn tại như trong thời gian vừa qua chúng ta đã từng thấy quy hoạch của một số các đô thị thì thường thường có rất nhiều Bộ, ngành. Mỗi Bộ, ngành có một quy hoạch riêng của ngành mình, cho nên dẫn đến tình trạng mạnh ngành nào thì ngành đấy thực hiện, tạo ra một sự nó không đồng bộ trong tất cả qúa trình xây dựng. Cho nên tôi nhất trí sẽ có Hội đồng kiến trúc và Kiến trúc sư trưởng.

Bộ máy để giúp việc cho Kiến trúc sư trưởng thì nên làm thế nào đó để cho có một bộ máy tương đối gọn nhẹ và tránh hiện tượng để phình bộ máy tổ chức của chúng ta. Tôi thống nhất sẽ có Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng kiến trúc quy hoạch để giúp cho quy hoạch đô thị.

Thứ ba, tôi có ba ý kiến đề nghị cụ thể như sau:

Một đề nghị đầu tư ngân sách xây dựng cho các đô thị mới cũng như các đô thị đang cải tạo, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ, không nên đầu tư dàn trải, quá rộng và nên đầu tư ở đâu, nên dứt điểm ở đô thị đó, tránh tình trạng chúng ta đầu tư dàn trải quá rồi cuối cùng hiệu quả không được cao. Đặc biệt nên quan tâm những vùng khó khăn như miền núi, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn thì nên đầu tư nhiều hơn kinh phí để xây dựng các khu đô thị nhỏ ở đó.

Ý kiến đề nghị thứ hai, đối với tất cả các khu đô thị mới hoặc là đô thị đã cải tạo thêm thì tránh việc cải tạo không đồng bộ và phải có tầm nhìn sau hàng 100 năm, tránh các công trình sau xây dựng vài chục năm đã bị lạc hậu hoặc các công trình xây dựng không đồng bộ giữa các quy hoạch về đường giao thông, rồi hệ thống thoát nước của các khu dân cư cũng như các công trình đường điện, ánh sáng, hệ thống thông tin liên lạc v.v...Cho nên dẫn đến tình trạng như hiện nay chúng ta đã biết các dây điện ở trên các đường phố và trên các đô thị hầu như chằng chịt gây ảnh hưởng mỹ quan của đô thị và gây ách tắc giao thông, gây ngập lụt khi trời mưa to, ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân như những năm vừa qua đã từng xảy ra.

Ý kiến đề nghị thứ ba, tất cả các công trình phúc lợi khi được Nhà nước quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội thì ngoài các quy định của luật ra, các cấp chính quyền nên thực hiện tốt quy chế công khai dân chủ để các tập thể và cá nhân thuộc khu vực quản lý đó được biết, được bàn, và trực tiếp tổ chức thực hiện để tránh hiện tượng khiếu kiện rồi tố cáo của công dân, sau mỗi một công trình phúc lợi đi qua thì thường thường hay có các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Và chúng ta hạn chế tối đa việc quy hoạch treo, quy hoạch đô thị mới vào những vùng có bờ xôi ruộng mật để khỏi ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân như trong thời gian vừa qua.

 

Các văn bản liên quan