Trích ý kiến góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Gia Lai về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:19 05-06-2009

Chiều ngày 8/11/2008, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật quy hoạch đô thị. Sau phiên thảo luận, cùng với ý kiến đóng góp của 60 đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc nhiều ý kiến. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được giải trình thỏa đáng, cụ thể là vấn đề Kiến trúc sư trưởng tại Điều 16. Tại phiên thảo luận trước đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề này, nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình và dự thảo luật đã gộp hai nội dung Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng vào một điều, quy định ở Điều 16. Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu, được thành lập theo quy định của Chính phủ phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển của từng địa phương trong từng thời kỳ. Theo dự thảo luật Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng có chức năng tư vấn, tham mưu. Như vậy tư vấn, tham mưu cho ai? Giám đốc Sở xây dựng hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân?

Cũng theo quy định của dự thảo luật như thế này thì sẽ đồng nhất hóa chức năng của Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng kiến trúc quy hoạch, đều có chức năng tư vấn và tham mưu. Ở các địa phương cũng như các đô thị, ngoài Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng, còn có các sở chuyên ngành cũng có chức năng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy cùng một lúc có 3 cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về một vấn đề, liệu như vậy Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nghe ai và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề đã tham mưu.

Cũng theo dự án luật giao cho Chính phủ quy định về vấn đề này, hiện nay đại biểu Quốc hội đã nhận được dự thảo nghị định Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch đô thị, nhưng trong 3 dự thảo nghị định này vẫn chưa có một nội dung nào quy định về vấn đề Kiến trúc sư trưởng, là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Việc đưa vấn đề kiến trúc quy hoạch ra Quốc hội cho ý kiến và còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy, nay lại giao cho Chính phủ quy định sau khi luật được thông qua là điều theo tôi chưa thật sự thỏa đáng và gây ra những lo ngại đối với đại biểu Quốc hội. Cụ thể, Chính phủ sẽ quy định thiết chế Kiến trúc sư trưởng theo mô hình nào trong 2 mô hình chủ yếu hiện nay trên thế giới về Kiến trúc sư trưởng. Đó là Kiến trúc sư trưởng có thể có chức năng tư vấn, phản biện hay Kiến trúc sư trưởng có chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước? Hay chúng ta lại quy định theo một mô hình mới?

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các nội dung, thiết chế Kiến trúc sư trưởng là cá nhân hay có bộ máy giúp việc, có thể được thành lập ở đô thị nào, ai có quyền quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiến trúc sư trưởng là gì? Những quy định đó phải được rõ ràng, chặt chẽ để Kiến trúc sư trưởng chỉ được thành lập khi thật cần thiết. Khi đã thành lập rồi thì hoạt động phải đạt hiệu quả cao.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ không chồng chéo, trùng lặp với chức năng của Hội đồng kiến trúc quy hoạch, chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị ở địa phương.

Theo Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã khảo sát ở 49 đô thị, chỉ có 1 đô thị có đủ cán bộ theo đúng yêu cầu về cơ cấu nhân sự, còn 48 đô thị thiếu cán bộ quản lý đô thị ở mức trầm trọng và ở 64 Trung tâm quy hoạch kiến trúc đô thị trực thuộc 64 Sở xây dựng thì chỉ có 15% cán bộ được đào tạo ở cả 3 bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị, như kỹ thuật đô thị thi công xây dựng, kinh tế tài chính đô thị, đất đai quy hoạch kiến trúc, số còn lại chưa qua đào tạo hoặc đào tạo khác chuyên ngành. Tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất cập lúng túng trong công tác quản lý đô thị hiện nay. Vì vậy cần có những kế hoạch để tuyển dụng đào tạo và đào tạo lại cán bộ công tác trong lĩnh vực quản lý đô thị này.

Cũng từ thực trạng đó nên Quốc hội không thể không cân nhắc đến thiết chế Kiến trúc sư trưởng, tránh tình trạng quay lại mô hình Kiến trúc sư trưởng trước đây ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định 276 ngày 12 tháng 7 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng và theo đó thì Kiến trúc sư trưởng có bộ máy giúp việc với biên chế lên đến khoảng 40, 50 người. Nhưng hiệu quả hoạt động lại chưa đạt như mong muốn.

Hai là về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị, Điều 20 tôi nhất trí với phương án 1 của dự thảo luật giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch chung theo thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt. Theo đó sẽ phù hợp với quy định Hội đồng thẩm định cấp quốc gia được thành lập để thẩm định quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Để đảm bảo lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm cho việc giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn trên địa bàn đô thị. Tôi đề nghị bổ sung thành phần của địa phương vào Hội đồng thẩm định Khoản 4, Điều 43 của dự thảo luật.

Ba, về việc thu hồi diện tích thửa đất còn lại không đáp ứng yêu cầu xây dựng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định tại Khoản 6, Điều 63, nhưng theo tôi cần làm rõ khái niệm diện tích còn lại quá nhỏ. Thực tế ở một số đô thị đã có quy định về diện tích tối thiểu được cấp phép xây dựng như thành phố Hồ Chí Minh diện tích tối thiểu là 36 m2, chiều rộng tối thiểu là 3m. Còn lại nhiều đô thị chưa quy định vấn đề này hoặc quy định chưa thống nhất giữa các đô thị cùng loại. Thực trạng có một số đô thị còn nhiều nhà xây dựng trái phép có diện tích rất nhỏ.

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy một quận ở thành phố loại I có hơn 50 ngôi nhà có diện tích nhỏ hơn 15m2, chiều rộng ngôi nhà nhỏ hơn 3m và thậm chí có ngôi nhà chiều rộng chỉ hơn 1m thôi. Đề nghị luật giao cho Chính phủ quy định diện tích tối thiểu được phép xây dựng theo hướng thống nhất đối với từng loại đô thị được quy định tại Điều 4 dự thảo luật, theo đó những diện tích đất còn lại nhỏ hơn quy định này sẽ bị thu hồi.

Các văn bản liên quan